Thứ Hai, 25 tháng 7, 2022

BÀI 12 YÊU THƠ NÊN PHẢI HẾT LÒNG VỚI THƠ

 

 

YÊU THƠ NÊN PHẢI HẾT LÒNG VỚI THƠ



Đọc xong Một Chút Tâm Tình khá đông bạn bè và người đọc đã gởi đến tôi những lời bình phẩm. Đồng tình cũng nhiều mà chỉ trích cũng không ít. Một vị (lớn tuổi, có uy tín) đã trách tôi “không còn cái tinh thần của người lính, nghe hiệu lệnh là cùng đồng đội xung phong chiếm lĩnh mục tiêu.” Một người khác cho rằng bài thơ của tôi đã “lạc giọng, lỗi nhịp với giàn đồng ca của người Việt hải ngoại.

Biết trả lời sao bây giờ? Bèn viết bài thơ.





Có một thời bị đọa đày hành hạ

thơ của tôi rực lửa căm thù

máu và nước mắt

ướt đẫm những trang thơ

nực mùi tử khí



Thơ cũng đậm màu chính trị

màu này thật dễ thương

còn màu đó…

thấy mà ghê!

Ôi! Đẹp quá phe mình

còn phe bên kia

phải chọn góc nhìn

để chỉ thấy toàn điều xấu



Mỗi câu thơ

một bài ca chiến đấu

một viên đạn đồng đen

bắn vào chế độ cộng sản bạo tàn

tôi trở thành người lính hiên ngang

cầm bút



Nhiều lúc

nhìn cảnh đời

dạt dào cảm xúc

bật ra mấy vần thơ

bạn bè nghe qua

đầu lắc

tay xua

“Không hợp với trào lưu của người Việt hải ngoại”



Thỉnh thoảng xem lại một số thơ mình

thơ bạn bè đồng đội

rất lý tưởng

vững lập trường

có kỷ cương

kẻ trước dẫn dắt người sau

riêng hồn thơ

thì chẳng thấy đâu



Tôi lao vào đọc

mới đầu là những bài thơ tuyệt tác

tìm hiểu thêm kỹ thuật thơ ca

và rồi hầu như tất cả những gì về thơ

từ  Âu Á Tây Tầu Anh Mỹ

các trang web văn chương

Talawas, Da Màu, Tiền Vệ

ôn cố tri tân

tạo cho thơ mình một vóc dáng riêng



nhưng người lính trong tôi

quá đỗi kiên cường?

nên tôi vẫn “được” đứng chung hàng

với rất đông nhà thơ - chiến sĩ



Một hôm cao hứng

tình quê hương đất nước dâng tràn

nghĩ đến những thôn xóm, phố phường

có tên gọi Việt Nam

đến mẹ già

đàn em

bà con

bạn bè thân thiết

đến những người chưa quen biết

và cả những người đã chết từ lâu



Niềm thương cảm

từ trong từng thớ thịt

mỗi tế bào

chảy ào trên trang giấy



Nhưng chính ngay giây phút ấy

gió bão nổi lên

cát bụi mịt mù

và trong cái không khí rờn rợn âm u

xuất hiện một chàng trai trẻ tuổi

quân phục bạc màu

mặt buồn rười rượi

lấy cả thân người

che khuất bài thơ đang viết dở của tôi



Khi con chữ vẫn cứ hàng hàng lớp lớp

bay về tới tấp

như sóng biển dồn dập

và khiến tôi trong cơn say, cơn điên

vung bút đâm phập vào trái tim

người lính



Tôi đang sống trên nước Mỹ

đất nước tự do

làm thơ

không phải lấm lét nhìn trước, ngó sau

nỗi lo sợ theo vào

cả trong giấc ngủ

giật thót mình nghe tiếng chó sủa

ban đêm



Nhưng sao trước mặt vẫn chập chờn

những bóng ma quá khứ

ánh mắt van lơn

bàn tay níu giữ

khiến đã biết bao lần

dòng thơ đang băng băng tuôn chảy

phải khựng lại

luồn lách qua hướng khác



Để có thể hết lòng hết dạ

trọn tình trọn nghĩa

với nàng thơ

tôi

tay cầm bút viết

tay nắm dao quơ

đuổi, giết bằng sạch những hồn ma, bóng quỷ

(truyền thống, khuôn phép lễ giáo, thước đo giá trị

của người đời)



Trên trang thơ của mình

tôi chỉ trung thành

với nhịp đập

của chính trái tim tôi.



San Leon cuối tháng 1 năm 2013

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

BÀI 10 TA VỀ

 

TA VỀ

Ta về một bóng trên đường lớn/ Thơ chẳng ai đề vạt áo phai...

Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay

Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp
Chốn rừng thiêng ỉm tiếng nghìn thu
Mười năm mặt sạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ

Ta về qua những truông cùng phá
Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may
Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay

Chỉ có thế. Trời câm đất nín
Đời im lìm đóng váng xanh xao
Mười năm, thế giới già trông thấy
Đất bạc màu đi, đất bạc màu

Ta về như bóng chim qua trễ
Cho vội vàng thêm gió cuối mùa
Ai đứng trông vời mây nước đó
Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ

Một đời được mấy điều mong ước
Núi lở sông bồi đã mấy khi
Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động
Mười năm, cổ lục đã ai ghi

Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ nỗi lẻ loi

Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa
Làng ta ngựa đá đã qua sông
Người đi như cá theo con nước
Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng

Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này

Ta khóc tạ ơn đời máu chảy
Ruột mềm như đá dưới chân ta
Mười năm chớp bể mưa nguồn đó
Người thức mong buồn tận cõi xa

Ta về như hạt sương trên cỏ
Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời
Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt
Tội tình chi lắm nữa người ơi

Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ
Mười năm người tỏ mặt nhau đây
Nước non ngàn dặm bèo mây hỡi
Đành uống lưng thôi bát nước mời

Ta về như sợi tơ trời trắng
Chấp chới trôi buồn với nắng hanh
Ai gọi ai đi ngoài cõi vắng
Dừng chân nghe quặn thắt tâm can

Lời thề buổi ấy còn mang nặng
Nên mắc tình đời cởi chẳng ra
Ta nhớ người xa ngoài nỗi nhớ
Mười năm ta vẫn cứ là ta

Ta về như tứ thơ xiêu tán
Trong cõi hoang đường trắng lãng quên
Nhà cũ mừng còn nguyên mái, vách
Nhện giăng, khói ám, mối xông nền

Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ
Nhà thương-khó quá sống thờ ơ
Giậu nghiêng cổng đổ, thềm um cỏ
Khách cũ không còn, khách mới thưa

Ta về khai giải bùa thiêng yểm
Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi
Hãy kể lại mười năm chuyện cũ
Một lần kể lại để rồi thôi

Chiều nay ta sẽ đi thơ thẩn
Thăm hỏi từng cây, những nỗi nhà
Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở ?
Mười năm, cây có nhớ người xa ?

Ta về như đứa con phung phá
Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu
Mười năm, con đã già trông thấy
Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu

Con ngẫm lại đời con thất bát
Hứa trăm điều một chẳng làm nên
Đời qua, lớp lớp tàn hư huyễn
Giọt lệ sương thầm khóc biến thiên

Ta về như tiếng kêu đồng vọng
Rau mác lên bờ đã trổ bông
Cho dẫu ngàn năm em vẫn đứng
Chờ anh như biển vẫn chờ sông

Ta gọi thời gian sau cánh cửa
Nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu
Ta nghe như máu ân tình chảy
Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau

Ta về dẫu phải đi chân đất
Khắp thế gian này để gặp em
Đau khổ riêng gì nơi gió cát
Thềm nhà bụi chuối thức thâu đêm

Cây bưởi xưa còn nhớ, trắng hoa
Đêm chưa khuya quá hỡi trăng tà
Tình xưa như tuổi già không ngủ
Thức trọn, khua từng nỗi xót xa

Ta về như giấc mơ thần bí
Tuổi nhỏ đi tìm một tối vui
Trăng sáng soi hồn ta vết phỏng
Trọn đời nỗi nhớ sáng khôn nguôi

Bé ơi, này những vui buồn cũ
Hãy sống, đương đầu với lãng quên
Con dế vẫn là con dế ấy
Hát rong bờ cỏ giọng thân quen

Ta về như nước Tào Khê chảy
Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ
Thân thích những ai giờ đã khuất
Cõi đời nghe trống trải hơn xưa

Người chết đưa ta cùng xuống mộ
Đâu còn ai nữa đứng bờ ao
Khóc người ta khóc ta rơi rụng
Tuổi hạc ôi ngày một một hao

Ta về như bóng ma hờn tủi
Lục lại thời gian kiếm chính mình
Ta nhặt mà thương từng phế liệu
Như từng hài cốt sắp vô danh

Ngồi đây nền cũ nhà hương hỏa
Đọc lại bài thơ thủa thiếu thời
Ai đó trong hồn ta thổn thức
Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi

Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thủa trần gian bay lướt qua
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta.

(Tô Thùy Yên)

Ta Về của Tô Thùy Yên là bài thơ viết theo lối Kiếm Tông, phân mảnh đứt đoạn (31 đoạn, mỗi đoạn 4 câu, mỗi câu 7 chữ). Vì bài thơ quá dài, không tiện đưa vào bài viết nhưng độc giả, nếu muốn, có thể bấm vào link dưới đây để đọc bài thơ.

http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2021/11/ban-thich-tho-ep-hay-tho-co-hon_23.html

 

Đọc Ta Về, tôi tưởng tượng Tô Thùy Yên như một người khổng lồ đeo trên lưng một bọc lớn đựng đầy cảm xúc. Đáy bọc có một cái vòi, có valve để có thể đóng mở theo ý muốn. Thế rồi thi sĩ của chúng ta tay cầm xẻng đào hố, tay cầm vòi, mỗi hố lại mở valve xịt vào một ít cảm xúc. Được 31 hố thì buông xẻng ngửa mặt lên trời than rằng:

“Ôi! Bọc cảm xúc còn nhiều quá mà ta không còn đủ sức đào hố nữa rồi.”

(“Ta tiếc đời ta sao hữu hạn

Đành không trải hết được lòng ta.”)

 

Đọc Ta Về của Tô Thùy Yên người đọc sẽ lững thững đi tới từng chiếc hố – cả 31 hố, hố nào cũng đẹp – để thưởng thức đường nét tinh xảo của từng nhát xẻng, màu sắc đẹp đẽ, sang trọng pha lẫn chút kiêu sa của cái khối cảm xúc ở trong hố, để thấy khối cảm xúc đó sóng sánh như muốn trào lên miệng hố.

Tô Thùy Yên, qua Ta Về, đã chú trọng rất nhiều đến các đoạn thơ. Tâm huyết của ông đổ vào cho việc tuyển chọn ngôn từ, tạo dựng hình ảnh. Ông cho rằng: “…một bài thơ dài thành công, tức không bị sa lầy vào sự phân giải lắm lời, phải là một bài thơ mà mỗi đoạn ngắn của nó, nếu như được tách riêng ra, đã có đầy đủ cường độ của một bài thơ hoàn chỉnh.” (Vài Suy Nghĩ Về Thơ Vần, dactrung.net).

 

Mỗi đoạn của Ta Về – đúng vậy – nếu tách riêng ra “đã có đầy đủ cường độ của một bài thơ hoàn chỉnh.” Không những hoàn chỉnh mà còn rất hay, không một chút tì vết. Nhưng gộp 31 đoạn thơ lại ta chỉ có 31 hố thơ, 31 vũng thơ chứ không có một dòng thơ, như một dòng suối, dòng sông, biểu lộ dòng cảm xúc của tác giả.

 

 


Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2022

BÀI 7 KIẾM TÔNG VÀ KHÍ TÔNG

 

                   KIẾM TÔNG VÀ KHÍ TÔNG

 

 

1/ Phe Kiếm Tông: Chú Trọng “Chiêu Thức”.

 

Thi sĩ thường làm thơ ngắn (4 câu), thơ đường luật hoặc chọn thể thơ Trường Thiên phân mảnh đứt đoạn - nhiều đọan, mỗi đoạn 4 câu – (Thơ Haiku cũng thuộc loại này).

 

 Vì không có dòng chảy, cảm xúc hố nào nằm im ở hố đó không lưu chuyển nên không có “sóng sau dồn sóng trước”, không có cao trào, không có hồn thơ.

 

 Để chinh phục độc giả thi sĩ chỉ trông nhờ vào ý tứ, câu chữ, ngôn ngữ hình tượng, các thủ pháp kỹ thuật, các biện pháp tu từ, nói chung là cái đẹp văn chương.

 

Thí dụ:

 

A Word Is Dead 

 

A word is dead
When it is said,
Some say.

I say it just
Begins to live
That day.

(Emily Dickinson)

 

Dịch thoát:

 

Có người cho rằng

Một chữ khi được nói (viết) ra

Là đã chết

Tôi nói

Nó chỉ bắt đầu sống

Từ hôm đó

 

Khi con chữ được nói hoặc viết ra nó sẽ thuộc về một ngữ cảnh, một văn bản nào đó, bắt đầu được lưu truyền và bắt đầu sống.  Nếu được đặt đúng chỗ (đắc địa) trong một câu hay, một bài thơ có tứ mới lạ hoặc ý tưởng cao siêu nó sẽ tạo được ấn tượng sâu đậm nơi người đọc, người nghe và sẽ sống rất lâu.

 

Ngược lại, nó sẽ chết yểu, sẽ nhanh chóng đi vào quên lãng. Tác giả, qua bài thơ rất ngắn, nói đến sức sống của “con chữ” trong thơ (và cả trong cuộc đời).

 

Bài thơ có cảm xúc tầng 1 khá mạnh nhờ câu chữ chắc nịch, ý tứ sâu sắc. Cảm xúc tầng 2 cũng khá mạnh nhờ bố cục ngắn gọn, hợp lý. Nhưng cảm xúc tầng 3 (hồn thơ) không có vì lý trí dành hết quyền lèo lái và bài thơ quá ngắn.

 

Sông Lấp

 

Sông xưa rày đã nên đồng

Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai

Vẳng nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

 

Cái hay nhất của Sông Lấp, có thể tôn giá trị nghệ thuật của bài thơ lên nhiều nhất, là phép ẩn dụ - đúng hơn phải nói là sự kết hợp tài tình giữa thủ pháp “Show, Don’t Tell” và phép ẩn dụ để diễn đạt ý của tác giả.

 

Tiếng ếch giữa đêm khuya đã khiến ông giật mình thảng thốt nhớ đến bến đò cũ, con sông xưa, và rồi từ con sông ấy đã quay lại để thương, để nhớ, để tiếc một quãng thời gian đầy kỷ niệm của đời mình

 

Ẩn dụ thật tuyệt vời

 

 

 

 

ĐỢI

 

Anh đứng trên cầu đợi em
Dưới chân cầu nước chảy ngày đêm
Ngày xưa đã chảy, sau còn chảy
Nước chảy bên lòng, anh đợi em

Anh đứng trên cầu nắng hạ
Nắng soi bên ấy lại bên này
Đợi em. Em đến? Em không đến?
Nắng tắt, còn anh đứng mãi đây!

Anh đứng trên cầu đợi em
Đứng một ngày đất lạ thành quen
Đứng một đời em (1) quen thành lạ
Nước chảy... kìa em, anh đợi em.

(Vũ Quần Phương)

 

Thơ Đường Luật

 


Đường luật thất ngôn bát cú là một thể thơ có nhiều nguyên tắc khắt khe; vần đối niêm luật với những trói buộc của nó khiến thi sĩ luôn phải xoay ngang trở dọc đối phó nên ít có cơ hội chăm chút cho phần cảm xúc, hồn thơ. Dĩ nhiên, năm thì mười họa cũng có những bài thơ hay, nhưng ngay cả những bài thơ hay đó cũng có vẻ khô cứng so với thơ đương đại.

 

Giờ đây Nàng Thơ đã có bộ mặt mới. Các thi sĩ đã cố công tìm tòi, thể nghiệm nhiều thể thơ “mới”, sao cho vừa giữ được vị ngọt của thơ ca, vừa cởi trói cho người làm thơ khỏi những luật lệ quá khắt khe, gò bó. Đâu là thể thơ tối ưu của thi ca đương đại? Công cuộc chọn lựa, tranh cãi còn chưa ngã ngũ.

 

Nhưng chắc chắn đã có rất nhiều thể thơ, ở mức độ khác nhau, cho phép người làm thơ thời nay được thoải mái hơn, tự do hơn, thể hiện tứ thơ của mình, và nhờ đó, có thể dễ dàng đưa cảm xúc của mình, thả tâm hồn của mình vào thơ.

 

Thơ Đường luật bỗng trở thành cô gái lỡ thì, thân hình khô cứng lại kênh kiệu, khó tính, bị những chàng trai trẻ ngoảnh mặt làm ngơ. Họ nhìn về hướng khác để tìm những cô gái đang

xuân, vóc dáng, trang phục hợp thời hơn, hấp dẫn hơn, tính tình cởi mở hơn, gần gũi hơn với cái “gu” thẩm mỹ của thời đại mới.

 

 

Đối với những vị chuộng thơ Đường luật, đã “quen” với thơ Đường luật, thích thù tạc xướng họa thơ Đường luật, thì chẳng việc gì mà phải từ bỏ cái thú vui tao nhã ấy. Xin cứ tiếp tục làm thơ để góp cho đời những bông hoa tươi đẹp. Xin cứ tiếp tục đọc thơ Đường luật để thưởng thức những cảm nghĩ, những rung động nhẹ nhàng, thanh thoát của người xưa.


Những quý vị làm thơ Đường luật, theo tôi, như võ sĩ lên võ đài, rất ương ngạnh và oai hùng, chấp nhận chịu trói cả 2 tay, 2 chân để đấu với đối thủ. Khi bị bươu đầu sứt trán, hoặc nằm thẳng cẳng đo ván thì (dù không nói ra) thường cho là tại bị gò bó, trói buộc. Những quý vị đó quên rằng chính họ đã tình nguyện lên võ đài với tư thế ấy.

 

Một bài thơ Đường Luật

 

Bạn Đến Chơi Nhà

 

Đã bấy lâu nay bác tới nhà.
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây ta với ta.

(Nguyễn Khuyến)

 

 

 

Ta Về

 

Ta Về của Tô Thùy Yên là bài thơ viết theo lối Kiếm Tông, phân mảnh đứt đoạn (31 đoạn, mỗi đoạn 4 câu, mỗi câu 7 chữ). Vì bài thơ quá dài, không tiện đưa vào bài viết nhưng độc giả, nếu muốn, có thể bấm vào link dưới đây để đọc bài thơ.

http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2021/11/ban-thich-tho-ep-hay-tho-co-hon_23.html

 

Đọc Ta Về, tôi tưởng tượng Tô Thùy Yên như một người khổng lồ đeo trên lưng một bọc lớn đựng đầy cảm xúc. Đáy bọc có một cái vòi, có valve để có thể đóng mở theo ý muốn. Thế rồi thi sĩ của chúng ta tay cầm xẻng đào hố, tay cầm vòi, mỗi hố lại mở valve xịt vào một ít cảm xúc. Được 31 hố thì buông xẻng ngửa mặt lên trời than rằng:

“Ôi! Bọc cảm xúc còn nhiều quá mà ta không còn đủ sức đào hố nữa rồi.”

(“Ta tiếc đời ta sao hữu hạn

Đành không trải hết được lòng ta.”)

 

Đọc Ta Về của Tô Thùy Yên người đọc sẽ lững thững đi tới từng chiếc hố – cả 31 hố, hố nào cũng đẹp – để thưởng thức đường nét tinh xảo của từng nhát xẻng, màu sắc đẹp đẽ, sang trọng pha lẫn chút kiêu sa của cái khối cảm xúc ở trong hố, để thấy khối cảm xúc đó sóng sánh như muốn trào lên miệng hố.

Tô Thùy Yên, qua Ta Về, đã chú trọng rất nhiều đến các đoạn thơ. Tâm huyết của ông đổ vào cho việc tuyển chọn ngôn từ, tạo dựng hình ảnh. Ông cho rằng: “…một bài thơ dài thành công, tức không bị sa lầy vào sự phân giải lắm lời, phải là một bài thơ mà mỗi đoạn ngắn của nó, nếu như được tách riêng ra, đã có đầy đủ cường độ của một bài thơ hoàn chỉnh.” (Vài Suy Nghĩ Về Thơ Vần, dactrung.net).

 

Mỗi đoạn của Ta Về – đúng vậy – nếu tách riêng ra “đã có đầy đủ cường độ của một bài thơ hoàn chỉnh.” Không những hoàn chỉnh mà còn rất hay, không một chút tì vết. Nhưng gộp 31 đoạn thơ lại ta chỉ có 31 hố thơ, 31 vũng thơ chứ không có một dòng thơ, như một dòng suối, dòng sông, biểu lộ dòng cảm xúc của tác giả.

 


Hạc Bút Ông trong phần đầu của bài Ta Về, Thơ Tô Thùy Yên đăng trên trang Thơ Hà Huyền Chi đã viết:

“Ta Về, 124 giòng cuồng lưu, chảy miết trong thơ.”
Ý Hạc Bút Ông muốn nói: “Ta Về, 124 dòng cảm xúc mạnh của tác giả, chảy miết trong thơ.”
Tôi hoàn toàn không đồng ý. Ta Về có 31 đoạn, 124 câu; mỗi đoạn là một ý thơ (hoặc tứ thơ) hoàn chỉnh, diễn tả một mảnh tâm trạng của tác giả, tạo ra và chuyển tải một khối lượng cảm xúc đến đọc giả. Còn câu (line) chưa phải là một đơn vị chuyển tải cảm xúc nên không thể là một “dòng cuồng lưu” được. Hơn nữa, do đặc tính của thể thơ, trong Ta Về không có dòng cảm xúc. Với tài năng xử dụng ngôn từ điệu nghệ, tạo được nhiều hình ảnh đẹp, sống động, Tô Thùy Yên đã bơm vào mỗi đoạn thơ, và qua thơ, đến độc giả một khối lượng cảm xúc đáng kể. Nhưng cảm xúc được tạo ra ở đâu chỉ nằm yên ở đó - cuồn cuộn quanh quẩn trong cái hố, cái vũng của mình. Không có con kênh nối liền các hố, các vũng với nhau, và do đó, không có dòng cảm xúc, không có dòng chảy của thơ.

 

2/ Phe Khí Tông: Chú Trọng Nội Công, Cảm Xúc.

 

Thi sĩ cũng sử dụng chiêu thức nhưng chú trọng nội công.

Nói theo ngôn ngữ văn chương thì đây là loại thơ chú trọng Cảm Xúc – chinh phục độc giả không phải bằng thứ cảm xúc bình thường nằm trong ý nghĩa của câu chữ, thế trận của bài tthơ mà là “luồng hơi nóng nằm giữa hai hàng kẻ” – nghĩa là nằm ngoài câu chữ.

 

 Đó là thứ cảm xúc cao cấp, cho độc giả cái cảm giác đã nhất, sướng nhất - người ta gọi là hồn thơ. Hồn thơ chỉ có thể xuất hiện khi lý trí vắng mặt, chữ Xạo trong lời thơ, ý thơ trốn mất. Thi sĩ và độc giả - qua bài thơ – trò chuyện với nhau bằng Tiếng Người Chân Thật.

 

 

Như vậy, nếu có tầm nhìn xa hơn, thi sĩ sẽ chọn hướng đi của phe Khí Tông. Nếu thi pháp thích hợp, tâm thế lại đang trong cơn cao hứng đến mức nổi điên, ngài sẽ có cơ hội cùng bài thơ của mình bước vào Bến Bờ Thi Ca.

 

 Mà dù chưa thể đến đích, bài thơ viết theo hướng này rất dễ tạo được cảm xúc tầng 3 (hồn thơ), được đánh giá cao hơn những bài thơ làng nhàng của phe Kiếm Tông.

 

BÀI 6 BA TẦNG CẢM XÚC TRONG THƠ

 

         BA TẦNG CẢM XÚC TRONG THƠ

 

Đọc thơ khác với đọc văn. Mục đích của đọc văn là tìm thông điệp – xem tác giả muốn nói với mình điều gì. Cảm xúc đôi khi cũng có nhưng chỉ là sản phẩm phụ. Đọc thơ thì ngược lại - cảm xúc là chính, thông điệp là phụ. Thông điệp đôi khi chỉ là phương tiện để chuyển tải cảm xúc.

 

Giới chuyên môn đánh giá mức độ Hay Dở của bài thơ sẽ dựa vào mức độ cảm xúc nó đem đến cho người đọc.

 

 

Có 3 tầng cảm xúc trong thơ.

 

1/ Cảm Xúc Tầng 1:

 

Phát sinh khi người đọc gặp được ngôn ngữ, hình tượng đẹp, chắt lọc (bình dân hay cao sang), câu cú gọn gàng, không sai phạm, chuyển tải ý nghĩa sâu sắc.

 

 

2/ Cảm Xúc Tầng 2:

 

Phát sinh khi người đọc “bắt” được cái hay của sự nối kết các câu, các đọan một cách hợp lý làm nổi bật tứ thơ – nói chung là thế trận của bài thơ.

 

 

3/ Cảm Xúc Tầng 3:

 

Không đến từ câu chữ và cũng không đến từ thế trận.

 

Nó là luồng hơi nóng (ở giữa 2 hàng kẻ) len lỏi vào tâm hồn người đọc, tạo ra thứ cảm giác sướng nhất, đã nhất - không thể tiếp cận bằng lý trí mà chỉ có thể cảm nhận bằng tâm hồn. Nó chính là hồn thơ.

 

Xin đừng lầm lẫn cảm xúc tầng 1 và tầng 2 với cảm xúc tầng 3

 (hồn thơ). Dù bài thơ không có hồn cảm xúc tầng 1 và tầng 2 vẫn có – đôi khi còn rất mạnh.

 

Khi phát biểu “Bài thơ cảm xúc dạt dào” là người thưởng thức thơ muốn nói đến cảm xúc tầng 3 (hồn thơ) chứ không phải cảm xúc tầng 1 và tầng 2.

 

 

Hồn Thơ Từ Đâu Đến?

 

Cảm xúc từ trạng thái cao hứng chưa thể tạo hồn thơ ngay lúc thi sĩ bắt đầu phóng bút mà sau đó một khoảng thời gian – nhanh chậm tùy thi sĩ và tùy bài thơ.

 

Nhưng tâm thế của thi sĩ lúc đặt bút viết chữ đầu tiên cũng rất quan trọng. Nó chính là “vận tốc đầu” trong tiến trình lớn mạnh của cảm xúc để tạo hồn thơ.

 

Có 3 loại tâm thế:

 

1/ Reason with them: Nói lý lẽ với độc giả. Đây là tâm thế nhiều lý trí, ít cảm xúc nhất.

 

2/ Share feelings with them: Chia sẻ tâm tình với họ. Cảm xúc đã nhiều hơn lý trí.

 

3/ Get it off your chest: Xả hết, tuôn hết những gì trong lòng. Cảm xúc hoàn toàn làm chủ, lý trí biệt tăm, biệt tích.

 

Khi tâm trạng chia thành những mảnh tứ thơ nhập vào các con chữ trải xuống trang thơ, ban đầu còn từ từ chậm rãi vì phải dẫn nhập, giải thích nguồn cơn.

 

Rồi những mảnh tâm trạng ấy – cũng là những mảnh tứ thơ - nhờ cảm xúc từ cơn cao hứng thôi thúc, cứ ào ạt tuôn ra, mảnh trước dẫn dắt, réo gọi mảnh sau, cho sóng sau dồn sóng trước tạo thành cao trào.

 

Lúc đó cảm xúc sẽ dâng lên phủ mờ lý trí để hồn thơ xuất hiện. Nếu bài thơ dài có thể có nhiều điểm nhấn của tứ thơ, nhiều chỗ có cao trào và nhiều chỗ xuất hiện hồn thơ

 

Tùy theo “lượng” lý trí còn sót lại trong tâm hồn thi sĩ lúc tứ thơ lên đến cao trào ta có những tầng bậc hồn thơ khác nhau.

 

Các Cung Bậc Của Hồn Thơ

 

Đọc kỹ Siêu Thực và Hiện Sinh tôi rút ra được một điều căn bản sau đây:

 

1/ Khi lý trí biệt tăm, cảm xúc nắm toàn quyền điều khiển bài thơ  (đoạn thơ); cái Siêu Ngã sẽ buông tay để cánh cửa “vùng vô thức” (căn phòng bí mật) tự do bung mở. Những nhu cầu bản năng dồn nén, cấm kỵ trước đây bị cầm tù nay thênh thang bước ra góp mặt với đời. Cái tôi văn hóa “đi chỗ khác chơi”, cái tôi đích thực vùng dậy lấy lại quyền tự do (làm chủ) của mình, thoải mái bộc lộ những tiếng lòng chân thật. Lúc ấy Hồn Thơ lênh láng trang thơ.

 

Nhưng tôi vẫn bị vướng vào 2 điểm rắc rối (2 và 3) sau đây:

 

2/ Nếu lý trí vẫn còn (nhưng ít) thì sao?

 

Đó là lý do tôi “chế” ra cái cảm xúc tầng 3 như ở trên. Cảm xúc tầng 3 là thứ cảm xúc đã bước lên một tầng bậc mới nhưng chưa tới đỉnh để được gọi là Hồn Thơ.

 

3/ Nhưng khắt khe như thế thì liệu có bao nhiêu bài thơ có cao trào và cảm xúc lên tới đỉnh để có Hồn Thơ?

 

Và tôi phải nghĩ ra cách xếp loại, gọi tên khác để phân biệt các tầng bậc của Hồn Thơ.

 

 

     a/ Lý trí độc quyền hoặc gần như độc quyền lèo lái bài thơ  (10/0, 9/1): Bài thơ khô cứng. Màu đỏ là phân lượng cảm xúc đối với lý trí (trong tổng số của hai thứ là 10) 

 

     b/ Lý trí nhiều hơn cảm xúc (8/2, 7/3, 6/4): Bớt khô cứng hơn

 

     c/ Lý trí và cảm xúc tương đương (5/5): Đã có nét mềm mại nhưng vẫn chưa có cảm xúc tầng 3, chưa có hồn thơ.

 

     d/ Cảm xúc / lý trí (6/4): Lý trí vẫn còn đáng kể. Hồn thơ phơn phớt nhẹ, hồn thơ man mác

 

     e/ Cảm xúc / lý trí (7/3):  Lý trí vẫn còn nhưng ít hơn. Hồn thơ ở mức trung bình

 

     f/ Cảm xúc / lý trí (8/2): Lý trí còn sót lại ít hơn nữa. Hồn thơ khá mạnh.

 

     g/ Cảm xúc / lý trí (9/1): Lý trí gần như tan biến. Hồn thơ mạnh.

 

     h/ Cảm xúc / lý trí (10/0): Lý trí biệt tăm, cảm xúc toàn quyền lèo lái bài thơ. Hồn thơ lai láng.

 

    

 

Khi cảm xúc hoàn toàn nắm quyền đạo diễn, lèo lái đoạn thơ (hoặc bài thơ), lý trí - thủ phạm của mọi thứ gian dối, xảo trá trong suy nghĩ, lời nói, cách ứng xử của thi sĩ – đã tạm thời biến mất. Lời thơ sẽ là Tiếng Lòng Chân Thật.

 

Theo tôi, đó là mục đích tối hậu, cao quý nhất của công việc làm thơ. Qua đoạn thơ, bài thơ thi sĩ đã cho phép người đọc đối thoại với mình bằng Tiếng Người (viết hoa) của “cái tôi đích thực” (chứ không phải “cái tôi văn hóa”).

 

 

BÀI 5 LÝ TRÍ: KẺ THÙ SỐ 1 CỦA THƠ

 

LÝ TRÍ: KẺ THÙ SỐ 1 CỦA THƠ

 

 

1/ Làm Thơ Giống Như Làm Tình

 


Làm thơ giống như làm tình. Phải để hết tâm hồn vào cuộc chơi. Khi lên giường với người yêu phải vứt bỏ hết, từ chí lớn trong thiên hạ cho đến những vụn vặt chén cơm manh áo trong cuộc sống hàng ngày. Có thế mới dễ bò lên tới đỉnh Vu Sơn, có thế mới có thể chết chìm trong sông Ân, bể Ái.


Với thơ cũng vậy. Nếu không để hết tâm hồn vào tứ thơ, những toan tính vị kỷ của lý trí sẽ chen vào làm khựng lại dòng chảy của thơ, làm thi sĩ cụt hứng.



2/ Thơ Là Cảm Xúc


Trong số các định nghĩa thơ của giới sáng tác phê bình thơ Việt Nam và nước ngoài tôi thích nhất định nghĩa của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc:

         “Thơ là cảm xúc (bằng kỹ thuật thơ) đi tìm một đồng cảm.”
          (Những chữ trong ngoặc đơn là của PĐN)


Ngoài ra, định nghĩa của nhà thơ Nguyễn Đình Thi, theo tôi, cũng nhấn mạnh một điểm quan trọng về thơ.

            “Làm thơ, ấy là dùng lời nói và những dấu hiệu thay cho lời nói - tức là chữ - để thể hiện một tâm lý đang rung chuyển mạnh mẽ khác thường…” (Mấy ý nghĩ về thơ – Talawas)

Như vậy, thơ là cảm xúc. Mà phải là cảm xúc từ một trạng thái tâm lý đang rung chuyển mạnh mẽ khác thường. Chính cái cảm xúc mạnh mẽ này mới có thể đánh bật những toan tính nhỏ nhen, vị kỷ, lọc lừa của lý trí ra khỏi dòng thơ.

3/ Lý Trí: Kẻ Thù Số 1 Của Thơ

Lý trí rất cần thiết cho hầu như mọi sinh hoạt của cuộc sống con người. Nhưng với thơ, nó là kẻ thù số một. Không cẩn trọng, nó sẽ len lỏi vào tận hang cùng, ngõ hẹp của tâm hồn để khi thì rù rì thuyết phục, lúc lại cao giọng hối thúc, khiến nhà thơ ngập ngừng, bối rối, nửa muốn tiến, nửa lại muốn lùi, không dám phóng tay xuống bút.


Cứ nghe lời lý trí thì khối cảm xúc của nhà thơ sẽ không phình to lên được, bởi khi đã bình tâm suy nghĩ thì hào khí ngất trời cũng xẹp dần như bong bóng bị xì hơi. Khi lý trí đã trụ ở trong lòng thì đau thương chất ngất sẽ nguôi ngoai, hận thù đằng đằng sẽ lắng xuống, tình yêu bỏng cháy sẽ nguội dần đi.


 Chỉ có lúc cao hứng, thật cao hứng, mới có thể “nói thật, nói thẳng được, nổi điên lên mà nói, nói mặc kệ thiên hạ sự, nói cóc sợ ai, không ‘quan trên trông xuống, người ta trông vào’, và lúc ấy mới có thể “’viết được mấy lời kha khá’” (Nguyễn thị Hoàng Bắc – Thơ Đến Từ Đâu - Nguyễn Đức Tùng).


Ngược lại, nếu thơ được xuất hiện trên trang giấy lúc tác giả đang rất bình tĩnh, tỉnh táo để lý trí hoàn toàn điều khiển trận điạ chữ nghĩa, sắp xếp ý tưởng, thì loại thơ ấy, theo Nguyễn Hưng Quốc, chỉ là hoa giả.



“Có hằng hà những bài thơ cứ ngồn ngộn chữ, cứ lấp lánh màu sắc và trầm trầm bổng bổng hơi nhạc nhưng lại rỗng tuếch, không nói lên được điều gì cả.

 

Nó ném xuống ào ạt lá vàng nhưng không làm cho người ta thấy được mùa thu. Nó khua động ầm ĩ nhưng không làm thành âm vang của tiếng hát. Nó dựng lên ùn ùn những khói nhưng không tượng hình nổi một làn mây. Nó có dáng dấp của hoa nhưng thiếu hẳn một làn hương. Nó có tất cả, trừ một điều: cảm xúc.” (Cảm Xúc Trong Thơ - Tiền Vệ)

 


Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2022

CHÂU THẠCH: MỘT KIỂU BÌNH THƠ TAI HẠI


 Nhà Thơ Lê Mai Lĩnh Và Tôi


Tháng 6/ 2016 anh Lê Mai Lĩnh và tôi có  một cuộc tranh luận văn chương không được hòa nhã lắm. Mời độc giả đọc bài Văn Chương Đâu Phải Là Đơn Thuốc theo link dưới đây:

http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2016/06/van-chuong-au-phai-la-on-thuoc.html

 

(Năm năm sau cuộc tranh luận về bài thơ Tống Biệt Hành ấy anh  và tôi có một cuộc đối thoại ngắn dưới một bài bình thơ của tôi trên Facebook như sau:

Le Mai Linh 

 

Tôi còn nợ anh món nợ TỐNG BIỆT HÀNH, nghĩa là sau này nghĩ  lại, tôi thiển cận, nghĩa là anh ĐÚNG tôi SAI .
Hì hì

 

Nhi Pham 

 

Thôi, vụ Tống Biệt Hành, chúng ta “bắt tay” cho vui vẻ.

Tôi cũng thích lối phản biện văn chương của anh – rõ ràng, mạnh mẽ và “độc”.

 

Le Mai Linh Nhi Pham


OK. Bắt tay. Cảm ơn anh.
Lâu nay tôi vẫn lấn cấn đó


Sau 5 năm mới có cuộc đối thoại ngắn ngủi đó kể cũng hơi lâu. Nhưng đây là những lời chân tình của một bậc đàn anh trong giới văn chương như anh Lê Mai Lĩnh thì thời gian chờ đợi kể cũng đáng.

Nói là nói vui vậy thôi chứ chả ai cứ sau mỗi lần tranh luận lại ngồi … chờ đợi. Cái vui ở đây là được thấy cách hành xử cao thượng của một nhà thơ, nhà văn kỳ cựu, có máu mặt.

Phạm Đức Nhì xin được bày tỏ lòng ngưỡng mộ và cảm phục.

 

Sau đó, đọc những bài bình thơ của tôi trên FB anh thường có những bình luận rất ưu ái.

Thí dụ:

Le Mai Linh


Hay lắm. Không có NHI PHẠM thứ hai khúc chiết, chi ly như thế trọng sinh hoạt phê bình văn học thời nay.

Tôi không nói quá đâu.

Còn viết riêng cho tôi anh cũng vỗ về hết mức:

"Ngoài thiên phú, bạn có vốn sống và căn bản kiến thức; mình đoán vậy

Không có đủ ba thứ đó viết không vững như bạn được."

Trao Đổi Về Thi Pháp

 

Tôi với anh cũng có vài cuộc trò chuyện về Thi Pháp trong một số bài thơ của anh. Thấy anh có vẻ thật tình mong muốn tìm hiểu về mảng đề tài mà tôi đã bỏ nhiều công sức học hỏi, nghiên cứu nên tôi cũng dành thời gian trao đổi với anh.

 

Anh thường đặt vấn đề, tôi tạo một cái sườn gởi qua email rồi sau đó anh em trò chuyện qua Facebook (facetime). Vì là trao đổi riêng nên tôi chân tình nói  thẳng, nói thật. Và anh cũng vui vẻ, cám ơn.

 

Thế rồi mới đây anh nhắn tin cho tôi:

“Bạn xem bài thơ mới đăng, Lời Tỏ Bày Cùng Các Con 

Từ đầu tới cuối, hồn thơ và mạch thơ, có liên tục, cao trào không , thưa ngài” 

Nể lời anh tôi đã gởi cho anh lời nhận xét “xổi” - chỉ viết trong 5 phút – làm cái sườn để trò chuyện (tôi dự định sẽ cùng anh chuyện trò trao đổi thêm nữa). 

Không hiểu sao anh LML đã đăng nhận xét lên FB và nhà bình thơ Châu Thạch đã vin vào đó để viết những lời bình cho bài thơ và nhân tiện lấy cớ chỉ trích tôi.

Tôi chưa hề và cũng sẽ không trách cứ anh Lê Mai Lĩnh về chuyện này. Nhưng dân chơi thơ như anh Châu Thạch mà lại đem những “trao đổi riêng tư bất thành văn” của người ta ra mà “phản biện” thì tệ quá. 

Tệ hơn nữa là anh còn viết trong bài “phản biện” của mình: 

Những nhận xét trên của nhà phê bình Phạm Đức Nhì đã được nhà thơ Lê Mai Lĩnh đăng công khai trên trang facebook của ông, điều đó có lẽ theo tôi là một cách trả lời khéo léo vừa thâm thúy vừa cao thượng của nhà thơ Lê Mai Lĩnh.

 

Phát biểu trên của anh Châu Thạch đã chứng tỏ anh không những kém cỏi trong lề thói giao tiếp với bè bạn văn chương mà còn mù tịt về phương cách đối nhân xử thế. 

Kết quả là anh đã nịnh không khéo nên “muốn nâng bi mà thành ra bóp dế”.

Nhưng nhận xét riêng tư của tôi với anh Lê Mai Lĩnh về khuyết điểm của bài thơ Lời Tỏ Bày Cùng Các Con còn chưa đủ. Nếu nhận xét đầy đủ và cẩn thận, phải như sau đây:

Ngôn ngữ thô ráp

Câu chỉ diễn nghĩa, không có nét đẹp văn chương.

Câu cuối tệ quá – “giữ làm người” quá dở.

Dùng/ sử dụng - điệp ý vụng về 

Phân mảnh đứt đoạn, tứ thơ không có dòng chảy.

Không có dòng âm điệu

Không có dòng cảm xúc

Không có cao trào

Không có hồn thơ

Lý trí nhiều, ít tình / chỉ có cảm xúc tầng 1, tầng 2 – không có cảm xúc tầng 3

nghĩa là còn nhiều khuyết điểm hơn nhận xét trước.

 

Có một chỗ tôi sai:

Thẳng/ thẳng – không nên gieo “vần nguyên chữ”

 

Nhà thơ Trần Thị Cổ Tích chỉ ra và tôi đã nhận sai. “Thẳng/thẳng có chức năng nhấn mạnh, làm câu thơ mạnh hơn.

Dưới bài bình thơ của anh Châu Thạch nhà thơ Trần Thị Cổ Tích có một bình luận như sau:

 

Đúng là bài này chỉ như văn xuôi xuống dòng nhưng nhà thơ LML đã có những câu thơ, những bài thơ độc đáo. Tìm đọc trên mạng sẽ gặp.

 

Thơchỉ như văn xuôi xuống dòng” mà anh Châu Thạch còn cố “tỏ bày sự đồng cảm của mình về một bài thơ mà theo tôi không thể chê” thì không biết kiến thức về thơ của anh đã “trốn” đi đâu mất hết rồi.

 

Về những khuyết điểm của bài thơ tôi liệt kê trong “nhận xét” ở trên, nếu anh Châu Thạch không đồng ý bất cứ điểm nào, tôi sẵn sàng tranh luận.

 


Một Bài Thơ Hay Của Lê Mai Lĩnh

 

Chẳng cần tìm đâu xa. Tôi đã gặp một bài như thế ngay trong inbox của mình. Anh Lê Mai Lĩnh trước đó đã gởi cho tôi email:

 

Hai bài thơ ANH HỨA. Và MỘT CHIỀU MƯA Trước đây tôi viết dạng thơ BẢY CHỮ. Nay tôi ngắt nhịp theo thơ TỰ DO. Nhờ bạn xem xem, như thế có ỔN không, có làm cho bài thơ mới hơn không?  Vậy thôi.

Cứ nói thật nhận xét của bạn, đừng e dè gì cả, tôi muốn vậy.


ANH HỨA

Anh hứa
Sẽ không tiêu của em
Một đồng xu nào
Những đồng nhọc nhằn, chắt chiu
Góp gồm
Nhưng anh sẽ
Rộng rãi
Tiêu đời em
Như dời anh
Anh cho em phóng tay
Thỏa thích .

Anh hứa
Sẽ không cầm tay em
Bao giờ
Sợ chạm phải điều linh thiêng
Kỳ diệu
Nhưng anh sẽ
Bóp nát trái tim của em
Vì anh nghĩ
Anh có quyền làm như vậy.

Anh hứa,
Sẽ không chạm vào
Thịt đa của em
Sợ tan biến
Vỡ vụn
Khói sương
Nhưng anh sẽ dẫm nát
Cõi lòng của em
Vì anh nghĩ
Anh không thể làm khác được .

Anh hứa
Anh sẽ nỗi gió
Cho diều em lên cao
Cho tài năng, nhân sắc em
Lên cao
Nhưng hãy ở lại mặt đất
Cùng anh
Nghe em
Hời trái tim nồng
Người yêu dấu .

Anh Hứa là bài thơ không nhất khí liền mạch, chia làm 4 đoạn lại rất ít vần nên không có dòng âm điệu. Theo lệ thường thì sẽ không có dòng chảy tứ thơ, không có dòng cảm xúc, và dĩ nhiên, không có cao trào, không có hồn thơ.

May mắn cho người đọc thơ, thi phẩm tuy không có lòng sông nhưng lại có 4 cơn sóng tình cực mạnh nối tiếp nhau dâng trào ngay trên mặt đất. Hồn thơ bám theo trắng xóa cả một đoạn đường dài.

Anh Hứa, theo tôi, là một viên ngọc bị dính bùn, phải nói là xuất sắc, đặc biệt cả về tứ thơ, ngôn ngữ, hình tượng, biện pháp tu từ, b cục, có cả hồn thơ.

Khuyết điểm là có vài chữ sai chính tả, cách “dàn xếp câu chữ” trong đoạn thơ không đẹp, viết hoa đầu dòng bừa bãi và đáng trách nhất là có 2 doạn trùng ý (đoạn 2 và 3) 

Nói chung, bài thơ cần nhiều công tu chỉnh, nhưng thành quả sẽ là một thi phẩm có giá trị nghệ thuật cao.

 

Châu Thạch Bình Thơ Không Bàn Thi Pháp

Dưới đây là bài bình thơ của Châu Thạch “Đọc Bài Thơ ‘Lời Tỏ Bày Cùng Các Con’ của anh Lê Mai Lĩnh”.


Các con hãy tha thứ cho cha

Vì quá tin đời nên cha lầm lỗi

Các con hãy tha thứ cho mẹ các con

Vì quá tin người nên bị lừa dối


Nội, sẽ nuôi các con lớn khôn

Ngọai, sẽ nuôi các con lớn khôn

Các chú, các bác, các cô, các cậu

Sẽ nuôi các con lớn khôn

 

Sau khi đưa 2 khổ thơ vào bài bình, Châu Thạch viết: 

“Đây là hai khổ thơ mang hai nỗi đau, nỗi đau tin người nên sa cơ thất thế, nỗi đau làm cha không nuôi được con mình.” Rồi anh tiếp tục giải thích và tán rộng thêm. 

“Bước qua hai khổ thơ kế tiếp, Lê Mai Lĩnh bằng những lời nói đều đều, khô như con mắt ráo hoảnh, nhưng nó chứa trong sự khô đó nhừng lời thiết tha giáo huấn, như của một người cha sắp từ biệt con mình vĩnh viễn trong đời.”

 

Hãy cho ngoan, dù ăn sắn, ăn khoai

Dù ăn rau, ăn cỏ, cũng nên nhìn thẳng

Dẫu quanh năm không có miếng thịt nào

Cũng phải cố giữ gìn cho thẳng

 

Cố gắng khắc phục nghe các con

Rau cỏ cứ điều vào cho đầy bụng

Khi đau ốm, lấy rễ tranh mà dùng

Trời lạnh rét, lấy rơm mà sử dụng

 

Và anh tiếp tục tán rộng ý của hai khổ thơ. 

“Với hai khổ thơ thứ 5 và thứ 6, người cha dùng lời yêu thương khích lệ con, tạo cho con trong cảnh cơ hàn có một niềm tin vào tương lai được đổi đời”

 

Cố gắng khắc phục nghe các con

Những khó khăn này chưa hết đâu

Dẫu hy vọng, lạc quan, còn đó

Cũng phải chờ qua hết đêm thâu

 

Cha không muốn các con mù chữ

Ví dù như thế cũng đành thôi

Cha chỉ muốn có điều ngôn ngữ

Phải thế nào cho có lý, hỡi ôi


Khổ thơ chót nhà thơ như truyền lại cho các con tinh thần bất khuất của mình, luôn luôn làm Người viết hoa dầu thân xác phải đọa đày:

 

Đã hai năm con sống mồ côi

Đã hai năm cha mẹ xa nhà

Xa mẹ xa cha con có biết

Nơi đây cha vẫn giữ làm Người


Rồi tiếp tục tán cho đến hết.


Đến đây độc giả đã có thể thấy rõ ràng là Châu Thạch chỉ diễn giải tứ thơ chứ không đề cập đến kỹ thuật thơ hay thi pháp gì hết.

 

BÌNH THƠ LÀ GÌ?

 

Đọc một bài thơ (để thưởng thức hoặc phê bình) là tìm trả lời của 2 câu hỏi:

1/ What?

Tác giả viết cái gì? Ngôn ngữ văn chương là nhận biết tứ thơ

2/ How?

 Viết thế nào? Đó chính là Phương Cách thi sĩ diễn đạt, chuyển tải Tứ Thơ đến người đọc.

 Ngôn ngữ văn chương gọi là Kỹ Thuật Thơ; nếu dùng ngôn ngữ chuyên môn hơn một tý thì gọi là Thi Pháp, còn ngôn ngữ đời thường thì có thể gọi là Tài Thơ cuả thi sĩ.

 

Như vậy, phải tìm hiểu chữ HOW, phải bàn thi pháp mới biết bài thơ HAY hay DỞ, CÓ HỒN hay KHÔNG CÓ HỒN

 

Nếu nhà bình thơ (không bàn thi pháp) khen Ý của một đoạn thơ hoặc cả bài thơ HAY thì ok. Đó là quyền của ngài. Nhưng nếu có một chỗ nào đó ngài khen: “Đây là bài thơ HAY (RẤT HAY, XUẤT SẮC, TUYỆT VỜI)” thì đó là những lời nói bừa, nói bậy, nói không có chỗ dựa.

 

Đã nói tới giá trị nghệ thuật của BÀI THƠ, đã mở miệng KHEN BÀI THƠ HAY hoặc CHÊ BÀI THƠ DỞ là đã phải xét tới THI PHÁP của bài thơ.

  

Dưới đây là một thí dụ về thi pháp của một bài thơ nổi tiếng của Thế Lữ.

 

THI PHÁP BÀI THƠ “NHƠ RỪNG”

 

1/ Nhất Khí Liền Mạch

Nhớ Rừng có hình thức Thơ Mới Biến Thể, nhất khí liền mạch, tứ thơ chảy thành dòng rõ rệt. Mỗi câu 8 chữ (ngoại trừ câu “Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi” 10 chữ). 

2/ Vần:

Vần chân liên tiếp, cả bài 47 câu, 23 cặp vần cứ đến hẹn lại lên. Dù tác giả đã sử dụng khá nhiều thông vận nhưng vì bài thơ dài và số chữ trong câu không đổi (8 chữ) nên hội chứng nhàm chán vần khá rõ nét.

3/ Dòng Âm Điệu: 

Âm điệu du dương chảy thành dòng rõ rệt nhưng đọc khoảng 20 câu thì cảm giác du dương đã thành ngán ngẩm.

4/ Nhịp Điệu:

Số chữ không đổi cũng là nhân tố quan trọng làm nhịp điệu đều đều tẻ nhạt.

Thế Lữ viết Nhớ Rừng từ những ngày đầu của Phong Trào Thơ Mới (1936) nên việc tuân thủ luật tắc còn cứng ngắc. Chính điều này đã làm giảm giá trị nghệ thuật của bài thơ khá nhiều.

5/ Ngôn Ngữ Hình Tượng:

Khá dễ hiểu, dễ cảm. 

6/ Mô Gò Cản Đường

Theo tôi, bài thơ có 2 mô gò cản đường:

      a/ Mượn hình tượng của con hổ để bày tỏ tâm sự của mình có một điều hơi kẹt. Khi con hổ thoát cũi về rừng làm Chúa Sơn Lâm nó sẽ là bạo chúa, độc tài, tàn bạo, uống máu ăn thịt thần dân của nó. Liệu những người yêu thơ, khi đọc Nhớ Rừng có tránh được căn bệnh SIDA Nhớ Rừng đó không?

     b/ Câu thơ “Nơi ta không còn được thấy bao giờ” nói lên tâm trạng tuyệt vọng của con hổ, đã chảy ngược với dòng chảy của tứ thơ – mong ước đến độ khao khát được trở về làm Chúa Sơn Lâm cai quản cánh rừng xưa.

 

6/ Vờn Bóng Giữa Sân:

Câu chữ nối tiếp nhau nhắm “điểm đến của tứ thơ” thẳng tiến – không vờn bóng giữa sân.

 

7/ Tâm Thế: 

Tháo valve, mở lòng cho tâm sự và cảm xúc tuôn chảy. Tác giả viết trong lúc cao hứng, tâm thế vô cùng phấn khích.

 

8/ Dòng Cảm Xúc: 

Dòng chảy của tứ thơ, dòng âm điệu và dòng cảm xúc - cả ba dòng nhập một - cùng hướng về “điểm đến của tứ thơ” thẳng tiến. Cảm xúc tầng 3 (mà đỉnh điểm là hồn thơ) lẽ ra rất mạnh nhưng vì khiếm khuyết trong cách gieo vần và tạo nhịp điệu nên không thể lên đỉnh điểm.

Hơn nữa, còn có 2 mô gò cản đường nên cũng phần nào giảm bớt sự lớn mạnh của cảm xúc tầng 3. 

Tóm lại, có cảm xúc tầng 3 nhưng chỉ ở mức trung bình. Nói cách khác, hồn thơ chỉ ở mức trung bình. 

Một thi phẩm có hồn thơ ở mức trung bình là đã được coi là thành công. Thi sĩ đã đi đúng hướng, tác phẩm chỉ còn một đoạn đường nữa là tới Bến Bờ Thi Ca.

 

Châu Thạch Khi Bình Thơ Chỉ Nhìn Một Phía

 

 Khi bình thơ Châu Thạch chỉ nhìn về một phía: Tứ thơ. Còn phần thi pháp - để thẩm định giá trị nghệ thuật của bài thơ thì lờ đi.

Đọc bài bình thơ của Châu Thạch rồi đọc Thi Pháp Bài Thơ “Nhớ Rừng” độc giả chắc cũng nhận ra là anh ta đã bỏ sót nhiều điểm quan trọng - những điểm làm chỗ dựa để kết luận mức độ hay dở của bài thơ, đặc biệt là cảm xúc và hồn thơ.

Nói rõ hơn là anh chỉ “nhìn” bài thơ và đối xử với nó như MỘT BÀI VĂN. Những gì tạo nên tính thơ, chất thơ anh tỉnh bơ tuôn vào sọt rác. Anh đã cầm dao đâm chết bài thơ trước khi viết lời bình. 

Châu Thạch đã quy tụ quanh mình một số khá đông người thích và ca tụng lối bình thơ của anh. Họ, qua đọc những bài bình thơ của anh, đã hoặc sẽ trở thành những người đọc thơ, thưởng thức thơ khuyết tật (về mắt). Cũng giống như anh, họ chỉ có thể đưa mắt về hướng tứ thơ, còn quay sang hướng thi pháp hay kỹ thuật thơ thì mắt bị lóa, chẳng nhìn thấy gì. 

Lời khen bài thơ hay hoặc chê bài thơ dở thường phát xuất từ cảm tính chứ không có chỗ dựa về học thuật nên rất ít trọng lượng.

 

Châu Thạch Bình Thơ Chỉ Khen Không Chê

Một điểm đặc biệt nữa trong cách bình thơ của Châu Thạch là “chỉ khen, không chê”.

Anh đã bỏ qua một nhiệm vụ quan trọng của người bình thơ:


Người êm ái mạch nước ngầm

Chảy trong tôi suốt tháng năm vụng về

(Vân Anh, Mạch Nước Ngầm)


Nghĩa là chỉ ra những sai sót, bất cập của thi sĩ trong bài thơ

 

Một lần ngồi tán chuyện thơ ca với thằng bạn, hắn bỗng nổi hứng phát biểu:

Đọc những câu thơ hay tao cảm thấy như có một làn hương từ các con chữ bay lên thơm ngát, còn gặp phải những câu thơ “xấu xí” thì mũi cứ như hít cái gì đó nặng mùi, hôi hôi, khó chịu.

Mấy ngày sau tôi “chôm” cái ý đó viết thành:

 

Nói đến thơ

có câu thơ sang cả

có câu thơ hèn hạ

có câu thơ thẳng như đường đạn, lằn tên

có câu thơ ngả nghiêng, xiêu vẹo

có câu thơ tỏa ngát hương thơm

có câu thơ nực mùi xú uế

có câu thơ ngàn năm còn nhớ

và có rất nhiều câu thơ viết để rồi quên

(Nếu Thi Sĩ Chết) 

Lối bình thơ chỉ khen không chê của Châu Thạch – không biết vô tình hay cố ý – đã bắt người thưởng thức thơ, bên cạnh những làn hương thơm ngát, không ít thì nhiều phải “hít cái gì đó nặng mùi, hôi hôi, khó chịu”.

 

Nếu bình thơ có khen, có chê thì độc giả còn biết đường chọn “những làn hương thơm ngát” ngửi chơi, còn “cái gì đó nặng mùi, hôi hôi, khó chịu” thì bỏ đi. 

Đọc những bài bình thơ của Châu Thạch độc giả cứ phải hít cái mùi hôi hôi, khó chịu từ bài bình này qua bài bình khác, từ ngày này qua ngày khác, từ tháng này qua tháng khác mà không biết. Đến một lúc nào đó có người hiểu chuyện hỏi tới thì trả lời:

“Tui đọc cả trăm bài thơ được ông Châu Thạch bình mà có thấy hôi hám gì đâu.”

Họ không biết Châu Thạch, bằng tài năng của mình, đã tạo cho họ thói quen ngửi “mùi hôi trong thơ” mà không còn thấy hôi nữa. “Hửi Hoài Hửi Hủy Hết Hôi”. Vâng! Đó là phương cách của Châu Thạch. Mũi họ đã mất khả năng phân biệt. “Thơm hôi gì cũng giống nhau ráo trọi”.

 

Một Thủ Thuật Thiếu Lương Thiện

Châu Thạch viết: 

Qua sự nghiệp văn thơ lẫy lừng của nhà thơ Lê Mai Lĩnh, với trình độ thơ cổ thụ trên thi đàn, Lê Mai Lĩnh không thể làm một bài thơ “Ngôn ngữ thô ráp, câu chỉ tả nghĩa, không có nét đẹp văn chương, dòng âm điệu cà nhắc…” mà ông không biết, lại dám đăng công khai bài thơ dỡ như thế trên mạng. Phải chăng người chê bài thơ của Lê Mai Lĩnh cố ý hiểu sai thơ ông, hoặc quá chủ quan về tài thẩm thấu thơ của mình mà không chịu đắn đo, vội vàng phê phán?

 

Đánh giá chất lượng một sản phẩm công nghệ người ta có thể nói:

Công ty X nổi tiếng về mặt hàng này nên cứ yên tâm - sản phẩm của họ luôn có chất lượng cao”.


Thơ không sản xuất theo quy trình công nghệ nên không thể phát biểu kiểu ấy được.

 

Vì thế bình thơ phải dựa vào văn bản, chữ nghĩa của bài thơ trước mặt mình mà bình, mà tán.

Nhà bình thơ có thể - nhiều khi là cần thiết – mô tả khung cảnh xã hội thi sĩ đang sống lúc sáng tác bài thơ, hoàn cảnh gia đình, tình yêu, hôn nhân, bè bạn … để độc giả hiểu và cảm thông được những tâm tình do hoàn cảnh phát sinh ra, và nhờ đó tiếp cận tứ thơ dẽ dàng hơn.

Nhưng lấy “sự nghiệp văn thơ lẫy lừng của nhà thơ” trong quá khứ làm chỗ dựa cho những lời khen quá lố của mình (về bài thơ) là đã bước qua ranh giới giữa lương thiện và bá đạo, thường không được giới phê bình chấp nhận. Phải sử dụng đến chiêu thức ấy chỉ chứng tỏ sự thiếu tự tin của người bình thơ và trong tâm hồn của ngài không có chỗ cho hai chữ Fair Play cư ngụ. 

Tương tự như vậy, cũng không thể nói một thi sĩ “với trình độ thơ cổ thụ trên thi đàn” như anh Lê Mai Linh thì không thể không nhận biết những bất cập, thiếu sót trong bài thơ của mình. 

Chỉ cần đọc bài thơ ANH HỨA của Lê Mai Lĩnh ở phần trên là đã có câu trả lời. Một bài thơ có nhiều ưu điểm như thế mà lại có 2 đoạn thơ - một “bóp nát trái tim của em”, một “dẫm nát cõi lòng của em” – trùng ý hết sức nặng nề, mà cho đến khi gởi bài thơ cho tôi tác giả vẫn còn chưa nhận ra để sửa chữa.

Đó là còn chưa kể những khuyết điểm nhỏ khác nữa.

 

Trường hợp “bài thơ” Đồng Dao Cho Người Lớn (1) của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo có thể nói là một thí dụ đặc biệt trong làng thơ Việt Nam.

 Trong Đồng Dao Cho Người Lớn không có “cái tôi riêng tư” đối diện với cảnh thơ mà chỉ là tập hợp “hổ lốn” những câu nói, những phát biểu nặng chất lý trí của nhà thơ, xếp đặt tùy tiện, không theo một cấu trúc hay một thế trận nào. Mỗi phát biểu là một “triết lý vụn” về một khía cạnh nào đó của cuộc đời.

 

Nhà thơ đã quên tạo ra một khung cảnh để mời tâm hồn của mình bước vào cho “tâm đối cảnh” và “tức cảnh sinh tình”. Vì thế ĐDCNL nếu không gọi là Vè thì cũng là một cây dị chủng trong vườn thơ, không đủ điều kiện để được gọi là thơ.

Thế nhưng dân chơi thơ Việt Nam vẫn không biết, vẫn tán thưởng và còn trao tặng ĐDCNL nhiều phần thưởng cao quý: 

1/ Được nhạc sĩ Đỗ Triệu An phổ nhạc.

2/ Được lấy tên đặt cho cả một tập thơ cùng tác giả

3/ Được ít nhất 3 người viết lời bình khen ngợi. (Đỗ Trọng Khơi, Trần Kim Lan và Trần Trung)  

4/ Được chọn là một trong 100 Bài Thơ Hay Thế Kỷ 20.

5/ Bài do Trần Trung viết lời bình được đưa vào tập Bình Thơ Từ 100 Bài Thơ Hay Thế Kỷ XX - Tập Hai 

Đến đây độc giả có thể thấy anh Châu Thạch đã phát biểu kiểu “ăn ốc nói mò”. Mà lại ăn hơi nhiều ốc nên sai rất nặng.

  

KẾT LUẬN

                                                                                         

“Không Bàn Thi Pháp”, “Chỉ Khen Không Chê” - hai thương hiệu đặc biệt của nhà bình thơ Châu Thạch - đã gây tai hại không nhỏ cho “làng thơ” Việt Nam. Một số bạn đọc gần gũi anh, quý mến cách bình thơ của anh, như đã giải thích ở trên, đã hoặc sẽ dần dần trở thành những người thưởng thức thơ khuyết tật.

Không biết anh Châu Thạch có nhận ra là mình “tay đã nhúng chàm” hay không? Có nghĩ đến việc “làm gì đó” để chuộc lại lỗi lầm, “cải thiện tình hình” hay không? Hay vẫn cứ tiếp tục con đường cũ, làm hoen ố tâm hồn lớp trẻ yêu thơ Việt Nam? 

Chúng ta hãy chờ xem.

 

PHẠM ĐỨC NHÌ

nhidpham@gmail.com

phamnhibinhtho.blogspot,com

 

CHÚ THÍCH:

 

1/

http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2018/07/ve-bai-tho-ong-dao-cho-nguoi-lon.html