Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2020

GIÓ DẬY THÌ - MỘT BẤT NGỜ THÍCH THÚ

 

Thơ Của Một Người Chưa Nổi Tiếng 

Tán tỉnh rồi ngao du với các nàng trâm anh, đài các nơi phố thị mãi cũng chán nên thỉnh thoảng tôi cũng mò xuống xóm nhà lá dưới miệt vườn làm quen với mấy em có tâm hồn chất phác chân quê, cung cách ứng xử ít “màu mè, hoa hòe hoa sói”.

Mấy tuần trước tôi nhận lời mời kết bạn Facebook với Thanh Bảo Nguyên. Đọc khá nhiều thơ của chị tôi có cảm giác là thơ chỉ ở mức “thường thường bậc trung”. Ngôn ngữ đẹp, sắc nước, khá nhiều câu thơ, đoạn thơ hay. Nhưng bố cục thường lỏng lẻo và đoạn kết thường không tạo được ấn tượng sâu sắc. 

Bỗng nhiên một chiều cuối tuần rảnh rỗi, vừa ghé mắt vào bài thơ Gió Dậy Thì của chị tôi đã giật mình. Đọc vài lần thì từ giật mình chuyển sang thích thú. Tôi tự hỏi: “Sao lại có thể như thế được nhỉ?”

Gió Dậy Thì là bài thơ ngắn, chỉ có 8 câu. Có điều – khác với nhiều bài thơ trước của chị - 8 câu thơ đó lại có rất nhiều điểm đáng nói, đáng bàn.

 

GIÓ DẬY THÌ

Lạ chưa cơn gió dậy thì

Cứ tưng tửng thổi kể gì ngày đêm

Cây đào nghiêng ngả trước thềm

Nhụy hoa tơi tả cành mềm gẫy ngang

Cạnh chùa cây đại, cây bàng

Tiếng chim kêu thảng thốt vang giữa trời

Thấy hồn bay bổng chơi vơi

Nằm nghe gió thổi nhớ thời thanh xuân

(Thanh Bảo Nguyên)

 

Lần Mò Tìm Gặp Tứ Thơ

 

Ngay cái tựa Gió Dậy Thì đã thấy cái gì đó là lạ, hay hay. Bài thơ nhập đề trực khởi, đi thẳng vào đề tài chứ không “vòng vo Tam Quốc” nên đọc lướt qua thấy tác giả nói đến những cơn “Gió Dậy Thì” - thổi bất kể ngày đêm; cây đào trước thềm “te tua”, đàn chim trên cây đại, cây bàng cạnh chùa hoảng sợ. Thế rồi đến 2 câu cuối:

 

Thấy hồn bay bổng chơi vơi

Nằm nghe gió thổi nhớ thời thanh xuân

 

tôi mới tủm tỉm cười. À! Thì ra nhà thơ của chúng ta đang thả hồn về tuổi dậy thì, cái thuở con gái có  cảm giác rạo rực khát khao “một cái gì đó” lúc cơ thể đang chuyển mình để bước vào tuổi thanh niên. 


Tứ và Ý

 

Bài thơ có ẩn dụ toàn bài nên Tứ và Ý khác nhau.

Mặc dù có 2 chữ “dậy thì” lơ lửng, mạch thơ vẫn không bị lộ, ẩn dụ vẫn kín kẽ, chỉ đến câu cuối mới bật mí, độc giả ngạc nhiên thích thú bước qua chiếc cầu ngắn để hiểu ý tác giả.

Tứ:

Nói đến những cơn “Gió Dậy Thì” và uy lực của chúng đối với cây cối, chim muông.

Ý:

Tác giả nhớ lại cảm giác rạo rực khát khao “một cái gì đó” thời thanh xuân, cái thời còn có thể “bẻ gãy sừng trâu”.

Nhưng nghĩ xa hơn, thực tế hơn một chút, đó cũng chính là sự thèm muốn, khao khát của thi sĩ lúc viết bài thơ này. Thời thanh xuân, khi còn bị gò bó, o ép từ mọi phía mà đã ngày đêm “tưng tửng”, huống hồ giờ đây đang tuổi hồi xuân sung sức - “dậy thì lần thứ hai” - lại chẳng còn gì ràng buộc, thì “chuyện ấy” ư? Ta cũng lại đang “tưng tửng” và sẵn sàng “bẻ gãy cả sừng tê giác” đây!

 

Thể Thơ: Lục bát, 8 câu, 7 cặp vần (thì gì, đêm thềm, thềm mềm, ngang bàng, bàng vang, trời vơi, vơi thời) toàn chính vận.

Lục bát toàn chính vận có cái lợi là các câu thơ gắn bó, các ý nhỏ nối kết với nhau chặt chẽ, âm vang ngọt ngào, tạo cảm giác gần gũi, thân tình. Nhưng bất lợi là độ ngọt cao dễ tạo ầu ơ, nhàm chán.

Cũng may, cảm giác ầu ơ, nhàm chán chưa kịp xuất hiện thì bài thơ ngắn (chỉ có 8 câu) đã hết. Nhờ thế, âm ý vẹn cả đôi đường.

 

Ngôn Ngữ Hình Tượng

Ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, hình tượng gợi cảm cao độ

“Tưng tửng”: Không ngại ngùng, giữ ý tứ, hành xử cứ như đùa nhưng lại là rất thật.

“Tưng tửng” vừa rất đúng với thái độ bất cần của những cơn “Gió Dậy Thì” vừa cũng rất hợp với cung cách “không ngại ngùng, giữ ý tứ” của cô gái thanh xuân.

Cây đào nghiêng ngả trước thềm

Nhụy hoa tơi tả cành mềm gẫy ngang 

“Chàng” nào nằm trong “tầm” của ta - như cây đào trước thềm – thì sẽ “te tua”, nghiêng ngả, “nhụy hoa tơi tả, cành mềm gãy ngang”. Chị đang mường tượng cảnh một “bãi chiến trường” chưa thu dọn, và “đối thủ” thì tơi tả sau cuộc mây mưa. Dễ thấy, dễ cảm quá! Nhưng đâu phải người phụ nữ nào cũng dám nói đến điều ấy. Mà nếu có can đảm thì cũng dễ gì nói được một cách văn vẻ tài hoa như vậy.

 

Cạnh chùa cây đại, cây bàng

Tiếng chim kêu thảng thốt vang giữa trời

 

Còn những “Chàng” hơi xa tầm một tí, (chắc là đã nghe đồn về “cây đào trước thềm”) vừa thấy bóng ta là đã như đàn chim trên cây đại, cây bàng cạnh chùa hoảng sợ, vừa bay tứ tán vừa “kêu thảng thốt vang giữa trời”. Dưới mắt tác giả, uy lực của người phụ nữ lúc đang lên cơn khát tình thật là ghê gớm. Sức gợi của ngôn ngữ rất đáng nể.

 

Dòng Chảy Của Tứ Thơ Và Đoạn Kết

Tứ thơ chảy thành dòng khá mạnh, không quanh co, uốn khúc; các con chữ nối tiếp nhau đi thẳng về điểm đến của tứ thơ.

Đội bóng Gió Dậy Thì không thích lối chơi rê dắt, vẽ vời, vờn bóng giữa sân. Phát bóng lên, chỉ sau vài đường chuyền là các học trò của huấn luyện viên Thanh Bảo Nguyên đã áp sát cầu môn đối phương. Rồi thêm một màn phối hợp là đã có cú sút tung lưới tuyệt đẹp. 

Hai câu kết của bài thơ:

 

Thấy hồn bay bổng chơi vơi

Nằm nghe gió thổi nhớ thời thanh xuân.

 

chính là cú sút tung lưới tuyệt đẹp đó. Vừa kết thúc bài thơ, vừa là chìa khóa mở cánh cửa từ Tứ qua Ý.

 

Bàn Thêm Về Tứ Thơ

 

Nếu bóc hết những lớp “bóng gió”, ẩn dụ thì Gió Dậy Thì sẽ còn lại gì? Còn lại một chữ DÂM to tướng. Nhưng đó là chữ DÂM viết hoa, thấm đẫm tính nhân bản – nét đẹp lộng lẫy, cao quý của con người. Tác giả không còn lụa là son phấn và những lớp sơn văn hóa che phủ, đã hiện ra trước mắt độc giả - một phụ nữ bình thường với những nhu cầu bình thường, những khao khát bình thường.

 

Chị khao khát một vòng tay đàn ông để da thịt chạm da thịt, bờ môi chạm bờ môi, để hai người cùng đê mê cho âm dương hòa hợp, đất trời chuyển rung. Chị coi chàng như cây đào trước thềm được cơn khát tình của chị làm cho nghiêng ngả, “nhụy hoa tơi tả, cành mềm gãy ngang”. Nỗi khao khát của chị, cơn dâm của chị có ai dám bảo là không đậm “chất người”, và bài thơ, có ai đọc xong mà không nhận ra là nó chở đầy tính nhân văn.

 

Chị viết Gió Dậy Thì trong lúc cảm xúc dạt dào nhưng chưa đến mức nổi điên, lạc thần trí. Chữ Dâm của chị bạo nhưng chưa dám đi “tới bến”, vẫn giữ được nét Thanh. Để có được nét Thanh đó chị và bài thơ đã phải trả giá – chưa thể cùng nhau bước qua cánh cổng Bến Bờ Thi Ca mà phải ngừng cách đó một đoạn đường dài.

 

Giá Trị Nghệ Thuật Của Gió Dậy Thì

 

Gió Dậy Thì là một viên ngọc nhỏ xinh xinh, không tì vết. Tứ thơ, ý thơ, ngôn ngữ hình tượng, phép ẩn dụ đều hoàn hảo. Bố cục bài thơ mạch lạc, hợp lý. Các con chữ thấm đẫm tâm tình của thi sĩ, không quanh co, nhắm thẳng điểm đến mà tuôn chảy. Và đặc biệt, đoạn kết tuyệt vời. Cảm xúc tầng 1 và tầng 2 đầy ắp. Tác giả khéo léo tạo được cao trào về ý tứ nhưng lý trí vẫn còn ẩn nấp đâu đó trong tâm hồn. Hơn nữa vì bài thơ không đủ dài, không có "sóng sau dồn sóng trước" nên chưa tạo được hồn thơ. 


Kết Luận

 

Với tôi, gặp được Gió Dậy Thì là một bất ngờ thích thú. Thi sĩ có đứa con tinh thần như Gió Dậy Thì là đã nở mày nở mặt. Bước vào chốn văn chương, ngoài nụ cười thân thiện còn có thêm ánh mắt tự tin. Ở tuổi của Thanh Bảo Nguyên vẫn còn nhiều thời gian và cơ hội để viết “bài thơ để đời”. Chọn một tứ thơ đắc ý ấp ủ trong lòng, chờ đến lúc nổi điên, cảm xúc sôi lên phủ mờ lý trí. Với kỹ thuật thơ như chị, một bất ngờ nữa - tầm vóc lớn hơn – không phải là điều không thể xảy ra.

 

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

phamnhibinhtho.blogspot.com

 

 

 

 

 

 


Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2020

VỀ THĂM LẠI “BIỂN ĐÊM”

 


 

 

 

 

                               VỀ THĂM LẠI “BIỂN ĐÊM”

 

 

Vài Lời Phi Lộ

 

Đọc bài thơ Biển Đêm của Nguyên Lạc tôi đã nổi hứng viết mấy lời nhận xét. Không phải bình mà là nhận xét, và nhận xét chỉ giới hạn ở cách gieo vần của bài thơ. Tác giả không hài lòng với cách nhận xét của tôi đã viết một bài “phản biện”.

 

Bài viết “Trả Lời Phạm Đức Nhì …” (http://t-van.net/?p=44507) của Nguyên Lạc có nhiều đoạn dài dòng mà hơi xa đề tài tranh luận cho nên để làm rõ những điểm có tính học thuật trong bài viết trước của mình tôi đành Về Thăm Lại “Biển Đêm”.

 

Tôi sẽ phân tích kỹ hơn, sâu hơn về các chỗ “không khéo” về “vần nguyên chữ”, vần quẩn”, “trụ quá lâu ở thanh huyền” (trong bài tôi viết lầm là thanh bằng).

 

Ngoài ra, anh Nguyên Lạc cũng nhắc nhở tôi rằng:

 

“Trước hết xin nhớ rằng: lời nhận xét của các nhà phê bình cũng chỉ chủ quan, nghĩa là tương đối có đúng có sai, vì cảm nhận mỗi người khác nhau. Ông phê bình nói dở nhưng biết đâu độc giả cho hay thì sao? Đừng đem quan niệm chủ quan của mình mà lấn át, áp đặt người khác.”

 

nên trong bài này tôi cũng nói về tính chủ quan của tôi khi viết câu:

 

Độc giả nào đọc cả đoạn mà không cảm thấy ngán cái giọng “ầu ơ” thì quả là có nội công thâm hậu, rất đáng nể phục“.

 

đ anh Nguyên Lạc phải thốt lên:

 

Chủ quan ghê chưa?”

 

 

 

Vần Nguyên Chữ

 

Tôi mến mộ nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và cũng thích nhạc của ông, nhất là bản Chiều Mưa Biên Giới. Nhưng nghe câu đầu của bản Nhớ Một Chiều Xuân:

 

“Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người, chạnh lòng tôi khơi bao niềm nhớ

 

lại thấy cái gì đó chõi chõi, khó chịu. Đó chính là hai chữ “nhớ” trong cùng một ý nhạc. Chữ “nhớ” trước chỉ xuất hiện chớp nhoáng trong khoảng thời gian một “nốt móc đen” ở vị trí phụ giữa câu nhạc. Nhưng kết hợp với chữ “nhớ” sau ở cuối câu - có thời gian ngân dài hơn nhiều - vừa trùng âm, vừa trùng ý, tạo cảm giác nhàm chán đáng kể.

 

Thi sĩ làm thơ lục bát cũng kỵ gieo vần nguyên chữ, vì vị trí gieo vần là những điểm trọng yếu của câu thơ. Nếu vô tình vướng phải vần loại này cảm giác nhàm chán, so với 2 chữ “nhớ” ở trên, mạnh hơn nhiều.

 

Trong Truyện Kiều có một cặp lục bát đã được các nhà hiệu đính xoay trở để tránh loại vần này:

 

Duyên kia có phụ chi tình

Mà toan chia gánh chung tình làm hai.

(3089-3090)

 

Hai bản Kiều Liễu Vân Đường 1866 và 1871 đều khắc là “tình”. Những bản Kiều khác về sau (Kiều 1870, Kiều 1872, Kiều 1874, Kiều 1902) đều đổi chữ “tình” câu lục thành chữ “mình” để tránh vần nguyên chữ.

 

 Xét về vần của thơ lục bát – ngoài lạc vận là lỗi nặng – trong số những xử sự không khéo về vần thì vần nguyên chữ, với tôi, gây cảm giác chán ngán, khó chịu hơn những loại vần “không khéo” khác.

 

Bước Vào “Biển Đêm”

 

Bây giờ mời độc giả cùng tôi đọc một đoạn thơ khá dài của Nguyên Lạc trong Biển Đêm.

 

Người về tìm lại thân thương đã rồi...

Biết rằng sương khói mà thôi

Thịt da trên cát hằn tôi nỗi sầu

Biển chiều trời vội trốn mau

Cô đơn lặng nhớ tình đau một thời

Biển xưa bãi cũ tôi ngồi

Hồn nghe sóng vỗ đôi mươi tình nào

Tay ôm thân ngất quyện nhau

Môi thơm ngực ngải cho nhau lần đầu

Đêm nay biển vắng người đâu?

Vầng trăng khuyết tật trên đầu đưa tang

 

1/ Vần quẩn

 

Hai chuỗi vần quẩn “rồi thôi tôi” và “thời ngồi mươi” có 4 chữ ăn vần chính vận (rồi thôi tôi ngồi) bị ngăn cách bở chữ “thời” (thông vận gần) nên độ ngọt chỉ ở mức “nghiêng về phía nhàm chán”. Nặng hơn một chút là 3 chuỗi vần quẩn “sầu mau đau”, “nào nhau nhau” và “đầu đâu đầu”. Nhưng cộng lại, độ ngọt của vần quẩn chỉ hơn mức “nghiêng về phía nhàm chán” chút đỉnh.

 

2/ Anh hùng tụ hội

 

Nhưng không biết tác giả xoay trở thế nào mà để 4 cách chơi vần “không khéo” của thơ lục bát đều quy tụ ở câu:

 

“Môi thơm ngực ngải cho nhau lần đầu

 

     a/ Vần quẩn – như đã nói ở trên.

     b/ Vần ngang câu bát có độ ngọt tương đối cao vì “nhau đầu” là thông vận gần.

     c/ Cặp vần nguyên chữ (nhau nhau) trong đó chữ “nhau” thứ hai là chữ ăn vần cũng có mặt trong câu này. Đây là lỗi nặng, độ ngọt cao, tạo cảm giác nhàm chán đáng kể.

     d/ Trụ quá lâu ở thanh huyền: Cũng ở câu này, 4 cặp lục bát trước, sau khi à ơi ở 4 thanh huyền (rồi sầu thời nào) đến đây lại đáp đúng vào chữ “đầu” – là thanh huyền thứ 5.

 

Độc giả thử tưởng tượng “tất cả các nguồn tạo ra độ ngọt (4 ‘không khéo’ về vần) từ 11 câu lục bát (78 chữ) đều đổ dồn vào 2 chữ ‘nhau đầu’ thì cảm giác nhàm chán sẽ lên cao đến mức nào?”

 

Dù anh Nguyên Lạc vẫn ngồi rung đùi ca”Nhưng giữa rừng già tôi có thấy gì đâu” (Rừng Lá Thấp), tôi tin rằng những người thưởng thức thơ sành điệu một chút khi đọc hết 11 câu thơ sẽ thông cảm với nhận xét của tôi:

 

Độc giả nào đọc cả đoạn mà không cảm thấy ngán cái giọng “ầu ơ” thì quả là có nội công thâm hậu, rất đáng nể phục“.

 

vì đã rất rõ ràng, đâu có gì quá đáng.

 

 

Đem “Ta Về” Của Lê Văn Trung Để Phản Biện

 

Ta về trắng cuộc tình duyên

Phố xa lạ phố, người quên, lạ người

Sầu chao nghiêng mái hiên đời

Sầu rơi như chiếc lá bùi ngùi rơi

Ta về, tàn cuộc rong chơi

Chuyến tàu muộn, không còn ai, ga buồn

(Ta Về – Lê Văn Trung)

 

Hai chuỗi vần “người đời bùi” và “rơi chơi ai” là hậu quả của cặp vần ngang câu bát “bùi rơi”, không phải là vần quẩn chính hiệu. Vì “bùi rơi” là thông vận quá xa, hai chuỗi vần này chỉ có 3 chữ ăn vần chính vận (đời rơi chơi), 3 chữ còn lại “người bùi ai” thì “3 phé 3 nơi” – cách nhau xa lắc. Vần quẩn ở đây không gây nhàm chán vần. Anh Nguyên Lạc chưa đụng chạm vần loại này nhiều nên chưa biết.

 

Tuy nhiên, bài thơ cũng có khuyết điểm về luật:

 

Chữ “không” trong câu bát cuối lẽ ra phải là một chữ vần trắc. Viết như vậy là sai luật. Sai luật vì vụng chứ không phải vì một “thủ pháp nghệ thuật” nào hết. Thay chữ “không” bẳng chữ “chẳng” là êm. Vẫn giữ được ý mà lại đúng luật.

 

Phê Bình Đừng Chủ Quan

 

Anh Nguyên Lạc còn nhắn nhủ tôi:

 

"Phân tích nhưng đừng đưa chủ quan mình vào chê trách. Nhà bình luận cho là dở, biết đâu độc giả cho là hay (thì) sao? Mỗi người có cảm nhận riêng. Có nhớ chuyện ngụ ngôn CON CÁ của Trang Tử không?"

 

 

Để trả lời anh Nguyên Lạc tôi xin trích một đoạn văn nói về chức năng của công việc phê bình.

 

“Để viết phê bình, cần có nhiều điều kiện. Kiến thức. Óc phán đoán. Sự nhạy bén trong nghệ thuật. Khả năng diễn đạt. Và, đến trình độ nào đó, cần thêm một điều kiện khác nữa: chủ kiến.

Hướng tới tương lai, nhà phê bình giỏi không phải chỉ là một kẻ thưởng ngoạn sành điệu mà còn là người quyết liệt tranh đấu cho một lý tưởng thẩm mỹ nhất định.

Tính chất quyết liệt trong tranh đấu làm cho tác phẩm của hắn, về phương diện thể loại, dễ có màu sắc bút chiến; về phương diện tư tưởng, dễ bị xem là xem là cực đoan; về phương diện hiệu quả, dễ gây phân hoá trong hàng ngũ những người cầm bút.

 

Nhà phê bình nào cũng cần có chủ kiến. Không có chủ kiến, tưởng là khách quan, nhà phê bình chỉ làm nô lệ cho truyền thống và theo đuôi quần chúng. Hắn có thể diễn đạt hay; nhưng cái hay ấy chỉ nhằm củng cố những điều mọi người đã biết. Quanh quẩn trong sân chơi của những cái-đã-biết, hắn rất dễ nhận được những tràng pháo tay, nhưng đó là những tràng pháo tay tống tiễn hắn vào cõi quên lãng.”

(Phê Bình Cần Có Chủ Kiến, Nguyễn Hưng Quốc, tienve.org)

 

Bình thơ là khen chê một bài thơ. Mà khen chê dựa vào cách hiểu, cách đánh giá Chủ Quan của người bình về bài thơ. Khi bình thơ tôi không quan tâm lắm đến việc “Nhà bình luận cho là dở, biết đâu độc giả cho là hay thì sao?”

 

Với một bài thơ, “mỗi người có cảm nhận riêng”. Bình thơ với tôi là trình bày, phân tích, biểu lộ cách hiểu, cách cảm nhận riêng của mình về bài thơ; sau đó đưa ra lời khen chê – hay chỗ nào? Và dở chỗ nào? Tuy nhiên, cách nhìn nhận, đánh giá của tôi về bài thơ không phải là kết luận chung cuộc. Độc giả không đồng ý có quyền phản biện.

 

Chứ nói như anh Nguyên Lạc:

 

Phân tích thì cần thiết, nhưng chủ quan PHÊ PHÁN hay/ dở là chuyện khác. Thường khi chê người khác dở thì mình "phải" hoặc "tự cho" là mình "hay hơn", phải không? Trình bày, biểu lộ và cảm nhận riêng là tốt, đừng chủ quan PHÊ PHÁN "quá mạnh tay", vì như thế sẽ mất đi tính "xây dựng".

 

thì là rất “không hiểu chuyện”.

 

Như đã nói ở trên:

Bình thơ là “trình bày, phân tích, biểu lộ cách hiểu, cách cảm nhận riêng của mình về bài thơ.”

Tại sao phải phân tích, trình bày như thế? Để có dữ kiện mà đưa ra lời khen chê, chứ nếu không có ý khen chê thì phân tích trình bày làm gì cho tốn công? Mà không khen chê thì sao lại gọi là phê bình?

 

Với tôi, bình thơ cốt ở chữ “biết” - biết những thước đo và biết cách đo. 

 

Hơn nữa, phê bình phải thẳng thắn, đúng mực. Đừng “quá mạnh tay” nhưng cũng chẳng nên “nhẹ tay”. Phê bình mà cứ “nhẹ tay một chút để đỡ mất lòng” mới là mất tính xây dựng. Còn phê bình thẳng thắn, đúng mực sẽ có lợi cho người được (bị) phê bình và cho cả độc giả nữa.

 

 

Một Chút Kinh Nghiệm Về Chủ Quan

 

1/ Tuyển sinh vào chuyên khoa trên đại học

 

Khoảng 15 năm trước con lớn tôi đang kể lại cuộc phỏng vấn để vào khoa Dược ở đại học thì vợ một người hàng xóm (mới được bảo lãnh từ Việt Nam qua) phát biểu:

 

“Hỏi toàn những câu vớ vẩn thế thì làm sao biết được ai giỏi hơn ai để nhận vào trường hả trời?”

 

Bà hàng xóm không biết rằng những câu hỏi có vẻ ngoài lề ấy chỉ để biết thêm về thái độ của sinh viên đối với việc học và việc phục vụ xã hội sau này (Và tùy trường, còn có vài mục đích khác nữa). Còn “học giỏi hay dở” thì nhà trường đã có trong tay đầy đủ hồ sơ:

 

     a/ GPA (Grade Point Average): Điểm trung bình mấy năm dự bị.

     b/ Điểm thi SAT (Scholastic Aptitude Test): Kỳ thi “chuẩn hóa” để ghi danh vào đại học.

     c/ Điểm thi PCAT (Pharmacy College Admission Test): Bài thi đầu vào trường Dược.

     d/ Hai thư giới thiệu của những người có uy tín quen biết mình.

     e/ Hồ sơ làm thiện nguyện có nhận xét đánh giá của chủ cơ quan.

 

Những người điểm kém thì đã bị loại thẳng. Những người được mời phỏng vấn thì ban phỏng vấn đã có “chỗ dựa” vững chắc để so sánh, chọn lựa, chứ không phải hoàn toàn chủ quan. Phỏng vấn chỉ để loại bớt một số ít người “yếu cơ” hơn.

 

2/ Học bình thơ

 

Từ trường lớp, sách vở tôi được trang bị trên dưới 20 tiêu chí để thẩm định giá trị một bài thơ. Dựa vào những nét đặc thù của thơ ca Việt Nam và kinh nghiệm bình thơ cá nhân, tôi rút xuống còn trên dưới 10 tiêu chí - mà tôi gọi là chỗ dựa - để chuyển từ lối bình thơ lan man sang bình thơ bài bản.

 

Đó là:

 

     a/ Tứ thơ

     b/ Ngôn ngữ, hình tượng

     c/ Biện pháp tu từ (thủ pháp nghệ thuật) như ẩn dụ, hoán dụ …

     d/ Thể thơ và cách gieo vần

     e/ Dòng chảy của tứ thơ

     f/ Bố cục (thế trận)

     g/ Cách kết thúc bài thơ

 

     Riêng phần cảm xúc tôi chia làm 3 tầng:

 

     i/ Cảm xúc tầng 1: Phát sinh từ cái đẹp của ngôn ngữ, hình tượng, câu thơ, đoạn thơ.

     j/ Cảm xúc tầng 2: Phát sinh thế trận nhịp nhàng, đấu pháp toàn đội chặt chẽ, hợp lý.

     k/ Cảm xúc tầng 3: Nằm giữa những hàng kẻ, phát sinh từ cảm xúc mạnh mẽ lúc làm thơ, trạng thái nổi điên, lạc thần trí của thi sĩ.

Nếu bài thơ có cao trào, hồn thơ sẽ xuất hiện.

 

Như vậy, bình thơ bài bản, dĩ nhiên vẫn có phần chủ quan nhưng là thứ chủ quan dựa vào logic chứ không phải hoàn toàn cảm tính và đi lan man như bình thơ ấn tượng.

 

3/ Nhận xét về vần của bài Biển Đêm

 

Trong bài viết về Biển Đêm tôi chỉ giới hạn nhận xét của mình về vần của thơ lục bát - một chi tiết nặng tính kỹ thuật. Tôi đưa ra 4 cây thước để đo độ nhàm chán của vần và đã giải thích cặn kẽ cách đo của mình. Tôi thấy thế nào thì chê như thế, không “quá mạnh tay” nhưng cũng “chẳng nhẹ tay”. Bàn về kỹ thuật thơ, tuy khó có thể khẳng định là hoàn toàn khách quan, nhưng tính chủ quan, nếu có, cũng rất ít.

 

 

XIN CHỪA TÔI RA

 

Anh Nguyên Lạc còn viết:

 

“Tặng bạn trích đoạn bài thơ XIN CHỪA TÔI RA post trên FB của tôi”:

Biết bao giờ con người thành thật?

Những ngữ ngôn cảm xúc nở hoa

Xin tha tôi, chừa tôi ra nhé

Lạy các ông lớn tiếng... kèn loa

.

Tôi sợ lắm "cái hòm" đóng sẵn

"Chặt chân tay cảm xúc"cho vừa!

Khủng khiếp lắm, tôi van lạy đó

Kinh lắm rồi thông điệp... Không ưa!...

 

 

Đọc đoạn thơ tôi thấy thương anh Nguyên Lạc quá.

 

Anh chẳng hiểu gì về Liên Quan Giữa Sáng Tác Và Phê Bình. Khi anh đưa tác phẩm của anh ra công chúng, nó sẽ là “gái giữa chợ”. Ông đi qua, bà đi lại đều có quyền ngắm nghía khen chê.

 

Nếu thơ hay hoặc có điều gì mới lạ, thì dù anh có giơ bảng Stop người ta cũng vẫn bước vào phân tích ngợi khen.

 

Nếu thơ dở thì dù anh có chào mời, nài nỉ, độc giả cũng nhắm mắt bước qua.

 

Nếu thơ dở mà tác giả còn có giọng cao ngạo, ta đây thì thế nào cũng có độc giả hiểu biết ghé vào dè bỉu chê bai cho bõ ghét.

 

Tôi không bình thơ theo yêu cầu. Cũng không bình thơ để “trả đũa” vì “đụng chạm” hay vì ác cảm với thi sĩ.

 

Tôi để ý về phần kỹ thuật trong bài thơ Biển Đêm của anh Nguyên Lạc vì nó có hầu như tất cả các lỗi và sự “không khéo” về vần của thơ lục bát. Từ lạc vận, vần nguyên chữ, vần ngang câu bát, vần quẩn, trụ quá lâu ở thanh huyền - đủ hết. “Các anh hùng đều tụ hội ở Biển Đêm.”

 

Bài viết của tôi sẽ có lợi cho độc giả nhưng dĩ nhiên, buồn lòng tác giả bài thơ. Có điều với tôi, vui buồn của tác giả không là – và không nên là - mối quan tâm của người bình thơ.

 

Cô Giáo Diên Hồng Dương

 

Mấy năm trước, cô giáo bình bài thơ Tình Yêu Không Lời của Phạm Trung Dũng. Tôi xía vào bàn tán, phê phán. Cô giáo cũng không vừa, đôi co qua lại. Lời lẽ hòa nhã nhưng đã có mùi gay cấn, căng thẳng. Thế rồi hai người không ai nhường ai nhưng vẫn giao lưu lịch sự.

 

Hình như là năm ngoái, cô giáo có đăng trên FB lá thư tag tên tôi:

 

Một năm đã trôi qua, đọc lại bài này, Diên Hồng Duơng thấy không khí tranh luận hồi ấy vui quá. Nếu đừng để sân si lấn sâu thì đâu có gì buồn phiền đâu, phải không anh Phạm Nhì? Bằng chứng là cho đến hôm nay, cô giáo Diên Hồng, người hay làm trò khỉ khọn, hay cảm nhận thơ trên mạng, vẫn là em gái được nhà phê bình Phạm Nhì gửi tài liệu cho đọc, cho học qua đám mây “Phê tê bóc” đều đều phải không ạ?

 

Cám ơn anh về thái độ hành xử rất đàn anh trong học thuật a.

 

Chúc nhà phê bình Nhi Pham luôn thăng hoa trong cảm hứng phê bình sáng tạo và luôn phát triển những nét rất riêng trong bút pháp phê bình của mình.

 

Diên Hồng Dương – Giáo Viên môn Văn Cao Đẳng Sư Phạm Tây Ninh

 

Tôi rất phục cô giáo Diên Hồng Dương. Trong “chuyện của hai người” cách ứng xử của cô giáo rõ ràng cao hơn tôi một bậc.

 

Kết Luận

 

Rồi sẽ đến một lúc nào đó, tâm hồn lắng đọng, hoặc là tôi, hoặc là anh sẽ thấy ít nhiều sai sót trong bài viết của mình. Nhưng nếu lỡ cả hai đều cứng đầu – “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay” – thì không biết anh thế nào chứ tôi cứ quyết học cách ứng xử của cô giáo Diên Hồng Dương. Ý mình mình giữ nhưng cũng không làm “hỏng” mối thân tình của hai người đã có từ bấy lâu nay.

 

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

phamnhibinhtho.blogspot.com

 

 

 

 

 

 

 


Thứ Tư, 7 tháng 10, 2020

VẦN QUẨN TRONG TRUYỆN KIỀU

 


                                  VẦN QUẨN TRONG TRUYỆN KIỀU

 

 

Đọc kỹ Truyện Kiều vài lần tôi ghi nhận được 121 đoạn vần quẩn. Đoạn ngắn nhất 7 câu, đoạn dài nhất 15 câu. Tổng Cộng 937 câu.

 

Vậy vần quẩn là gì?

 

 

Mở Đầu Bằng Một Đoạn Kiều Có Vần Quẩn

 

Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào
Lựa chi những bậc tiêu tao
Dột lòng mình cũng nao nao lòng
người
Rằng: Quen mất nết đi rồi
Tẻ vui thôi cũng tính
trời biết sao!
Lời vàng vâng lĩnh ý cao,
Họa dần dần bớt chút nào được không
!    

(Câu 490 đến 496)

 

Chuỗi vần “nào tao nao” mới chuyển qua “nguời rồi trời” đã quay lại “sao cao nào”, nghĩa là mới “đi dăm phút đã về chốn cũ”. “Dăm phút” ở đây là khoảng cách một cặp lục bát. Âm vang của vần loãng đi ít nhiều sau khoảng cách đó nên, khác với vần ngang câu bát, 4 cặp vần quẩn (6 chữ) phải toàn là chính vận mới tạo được cảm giác nhàm chán vần tương đối rõ nét.

 

Nhưng không phải lúc nào 6 chữ tạo vần quẩn cũng ăn vần chính vận. Sự thay đổi từ 6 chữ đó, cộng với một số chi tiết khác, làm độ nhàm chán của đoạn vần quẩn thay đổi. Tùy độ nhàm chán, tôi chia vần quẩn làm 5 loại: Nhàm chán rõ rệt, mấp mé nhàm chán rõ rệt, nghiêng về phía nhàm chán, nằm trên đường biên và không nhàm chán.

 

Trước khi đi vào chi tết của từng loại vần quẩn tôi xin đưa vào 8 cái links dẫn đến những tư liệu về Vần Quẩn Trong Truyện Kiều để độc giả khỏi mất công đọc cả văn bản 3254 câu để lục tìm.

 

1/ 121 Đoạn Vần Quẩn Trong Truyện Kiều Theo Thứ Tự

 

http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2020/10/121-oan-van-quan-trong-truyen-kieu-theo_3.html

 

2/ 121 Đoạn Vần Quẩn Trong Truyện Kiều Đã Phân Loại

 

http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2020/10/121-oan-van-quan-trong-truyen-kieu-phan.html

 

3/ 16 Đoạn Vần Quẩn Nhàm Chán Rõ Rệt

 

http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2020/10/van-quan-nham-chan-ro-ret.html

 

4/ 20 Đoạn Vần Quẩn “Mấp Mé” Nhàm Chán Rõ Rệt

 

http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2020/10/van-quan-map-me-nham-chan-ro-ret.html

 

5/ 22 Đoạn Vần Quẩn Nghiêng Về Phía Nhàm Chán

 

http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2020/10/van-quan-nghieng-ve-phia-nham-chan.html

 

6/ 58 Đoạn Vần Quẩn Tạo Cảm Giác Nhàm Chán (Tổng số 3 loại vần quẩn nhàm chán).

 

http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2020/10/van-quan-tao-cam-giac-nham-chan-van.html

 

7/ 29 Đoạn Vần Quẩn Nằm Trên Đường Biên

 

http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2020/10/van-quan-nam-tren-uong-bien.html

 

8/ 33 Đoạn Vần Quẩn Không Gây Hội Chứng Nhàm Chán Vần

 

http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2020/10/van-quan-nhung-khong-nham-chan.html

 

Ngoài ra còn có một đoạn tác giả vướng vào vần quẩn để làm nổi bật một thủ pháp nghệ thuật. Vì chỉ có một đoạn nên xin được đưa lên đầu để khỏi bị lạc.

 

Thủ Pháp Nghệ Thuật Vô Hiệu Hóa Hội Chứng Nhàm Chán Vần

 

Trong Truyện Kiều có một đoạn vần quẩn đáng chú ý:

 

Bước  vào, vừa rắp thị hùng ra tay

Nàng rằng: Trời nhé có hay!

Quyến anh, rủ yến, sự này tại ai?

Đem người dẩy xuống giếng khơi

Nói rồi, rồi lại ăn lời được ngay!

Còn tiên Tích Việt ở tay

Rõ ràng mặt ấy, mặt này chứ ai?

Lời ngay, đông mặt trong ngoài

Kẻ chê bất nghĩa, người cười vô lương!

(Câu 1178-1186)

 

Trong đoạn này 3 câu bát có vần ngang kết hợp với 3 lần vần quẩn tạo nên 4 chuỗi liên tiếp 12 chữ  “cùng vần”; vì thế hội chứng nhàm chán vần rất nặng. Nhờ thủ pháp nghệ thuật – làm nổi bật cảnh Thúy Kiều vạch mặt và sỉ vả Sở Khanh – nên hội chứng nhàm chán vần đã được “trung hòa”.

 

 

Nhàm Chán Vần Rõ Rệt

 

Điều kiện cần là cả 6 chữ tạo vần quẩn đều ăn vần chính vận. Cũng có truờng hợp ngoại lệ (nhưng rất hiếm) nếu có một số chi tiết khác xuất hiện. (Mời xem giải thích ở thí dụ số 4).

 

Trong số 121 đoạn vần quẩn, theo tôi, 16 đoạn có hội chứng nhàm chán vần rõ rệt. Sau đây là vài thí dụ:

 

1/

 

Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi!
Dở dang nào có hay ,
Đã tu tu trót quá thì
thì thôi!
Trùng sinh ân nặng bể
trời,
Lòng nào nỡ dứt nghĩa
người ra đi?
Ông rằng: Bỉ thử nhất thì,
Tu hành
thì cũng phải khi tòng quyền    

(Câu 3046-3052)

 

Ngoài 6 chữ ở vị trí gieo vần (chi gì thì đi thì khi) – toàn là chính vận - còn thêm 2 chữ thì (màu xanh) đi lang thang nhưng âm vang cũng “dính líu” làm độ ngọt của vần tăng lên.

 

2/

 

Tưởng nàng nên lại thấy nàng về đây

Những là phiền muộn đêm ngày

Xuân thu biết đã đổi thay mấy lần?
Chế khoa gặp hội trường
văn
Vương, Kim cùng chiếm bảng
xuân một ngày
Cửa trời rộng mở đường mây
Hoa chào ngõ hạnh hương bay dặm
phần
Chàng Vương nhớ đến xa
gần
Sang nhà Chung lão tạ
ân chu tuyền
Tình xưa ân trả nghĩa đền
Gia thân lại mới kết duyên Châu
Trần
Chàng từ nhẹ bước thanh
vân
Nỗi nàng càng nghĩ xa
gần càng thương    

(Câu 2856-2868)

 

Chỉ cần 7 câu dưới là độ ngọt của vần đã đủ chán. Thêm 5 câu kế (phía trên) – dù có chữ “xuân” là thông vận gần - âm điệu ầu ơ cũng gia tăng. Rồi còn âm vang của chuỗi vần “đây ngày thay ngày mây bay” khiến hội chứng nhàm chán vần càng thêm trầm trọng.

 

3/

 

Khéo vô duyên ấy là mình với ta.
Đã không duyên trước chăng
Thì chi chút ước gọi duyên sau
Sắm xanh nếp tử xe châu,

Vùi nông một nấm mặc dầu cỏ hoa

Trải bao thỏ lặn ác

Ấy mồ vô chủ, ai viếng thăm!

Lòng đâu sẵn mối thương tâm

Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa

Đau đớn thay phận đàn bà!

Lời rằng bạc mệnh cũng lời chung

Phũ phàng chi bấy hoá công

Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha

Sống làm vợ khắp người ta

Khéo thay thác xuống làm ma không chồng.   

(Câu 74-88)

 

Mặc dầu có chữ “hoa” ở câu thứ 5 là “thông vận gần” với vần “a”, nhưng vì lực lượng tạo vần quá đông - quẩn đi, quẩn lại đến 3 lần, mà lại toàn là chính vận - nên hội chứng nhàm chán vần vẫn rất nặng.

 

4/

 

Nghiến răng bẻ một chữ đồng làm hai.
Thẹn mình đá nát vàng phai
Trăm thân dễ chuộc một lời được
sao?
Nàng rằng: Chiếc bách sóng đào
Nổi chìm cũng mặc lúc
nào rủi may
Chút thân quằn quại vũng lầy
Sống thừa còn tưởng đến rày nữa
sao?
Cũng liều một giọt mưa
rào
Mà cho thiên hạ trông
vào cũng hay
Xót vì cầm đã bén dây
Chẳng trăm năm cũng một ngày duyên ta    

(Câu 1954-1964)

 

Chỉ cần một lần vần quẩn với 6 chữ “sao đào nào sao rào vào” cũng đủ tạo hội chứng nhàm chán vần. Thêm hai lần quẩn với 9 chữ “ai phai lời may lầy rày hay dây ngày” càng làm cảm giác chán ngán sâu đậm thêm.

 

Giả sử có chữ vần “au” nào đó thay vào một trong 6 chữ vần “ao”, đoạn thơ vẫn được coi là có hội chứng nhàm chán vần rõ rệt. Lý do: Có âm vang của 3 chuỗi vần (9 chữ) hỗ trợ.

 

ới đây là 16 đoạn vần quẩn đã tạo cảm giác nhàm chán vần rõ rệt:

 

Câu 74-78, 286-296, 490-496, 1108-1114, 1686-1692, 1696-1710, 1954-1964, 2104-2110, 2430-2436, 2488-2498, 2570-2580, 2856-2868, 2950-2956, 2974-2982, 3046-3052, 3064-3070.

 

Độc giả có thể đọc - mà không phải lục tìm trong văn bản Truyện Kiều – theo link số 3 ở trên.

 

 

 

Mấp Mé “Nhàm Chán Rõ Rệt”

 

Nếu thay vì 6 chữ tạo vần quẩn đều là chính vận (như ở trên), đoạn thơ chỉ có 5 chữ - chữ còn lại là thông vận gần hoặc thông vận – thi nó được xếp vào loại “mấp mé nhàm chán rõ rệt”.

 

Thí dụ:

 

1/

 

Một nhà huyên với một Kiều ở trong
Nhìn càng lã chã giọt hồng
Rỉ tai nàng mới giải lòng thấp cao
Hổ sinh ra phận thơ đào
Công cha nghĩa mẹ kiếp nào trả xong?
Lỡ làng nước đục bụi trong
Trăm năm để một tấm lòng từ đây                              

(Câu 874 đến 880)

 

Chữ “hồng” là thông vận gần với vần “ong”nên độ chán ngán của đoạn thơ cũng không xa mức “rõ rệt” bao nhiêu. Vì thế, theo tôi, nó cũng đủ ngọt để được xếp vào loại “mấp mé nhàm chán vần rõ rệt”.

 

2/

 

Ngụ tình tay thảo một thiên luật Đường
Nàng rằng: Vâng biết lòng chàng
Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu.
Hay hèn lẽ cũng nối điêu
Nỗi quê nghĩ một hai điều ngang ngang
Lòng còn gửi áng mây vàng
Họa vần xin hãy chịu chàng hôm nay                                         

(Câu 1314-1320)

 

Mặc dù chữ “đường” là thông vận (không phải thông vận gần), 5 chữ chính vận (ang) cũng tạm đủ, lại thêm 2 chữ “hàng ngang” (ở ngoài vị trí gieo vần) cũng xía vào đóng góp chút âm vang nên đoạn thơ càng dễ dàng bước vào hàng “mấp mé”.

 

3/

 

Để ai trăng tủi hoa sầu vì ai
Phủ đường nghe thoảng vào tai
Động lòng lại gạn đến lời riêng tây
Sụt sùi chàng mới thưa ngay
Đầu đuôi kể lại sự ngày cầu thân
Nàng đà tính hết xa gần
Từ xưa nàng đã biết thân có rày
Tại tôi hứng lấy một tay
Để nàng cho đến nỗi này vì tôi                                               

(Câu 1436-1444)

 

Chuỗi 5 chữ vần “ay” đã tạm đủ, lại thêm 4 chữ thông vận ở trên (ai tai lời tây) giúp đoạn thơ ung dung trụ ở hàng “mấp mé”

 

Theo ghi nhận của tôi thì trong số 121 đoạn vần quẩn của Truyện Kiều có 20 đoạn “Mấp Mé Nhàm Chán Vần Rõ Rệt”:

 

460-466, 546-552, 830-836, 840-846, 874-880, 1304-1310, 1314-1320, 1436-1444, 1606-1612, 1792-1798, 1802-1808, 1920-1926, 2078-2084, 2292-2298, 2482-2488, 2522-2528, 2624-2630, 2684-2694, 2874-2880, 3082-3088.

 

Độc giả có thể đọc cả 20 đoạn theo link số 4 ở trên.

 

 

 

Nghiêng Về Phía Nhàm Chán.

 

Nếu độ ngọt của vần ít hơn loại “mấp mé nhàm chán vần” chút ít – nghĩa là phải có ít nhất 4 chữ chính vận và một hoặc vài chi tiết khác hỗ trợ - đoạn thơ sẽ được xếp vào loại “Nghiêng Về Phía Nhàm Chán”.

 

Xin mời đọc 2 thí dụ sau đây:

 

1/

 

Nói điều ràng buộc thì tay cũng già
Từ nghe vườn mới thêm
hoa
Miệng người đã lắm tin
nhà thì không
Lửa tâm càng dập càng nồng
Trách người đen bạc ra lòng trăng
hoa
Ví bằng thú thật cùng ta
Cũng dung kẻ dưới mới lượng trên   

(Câu 1534-1540)

 

Chỉ có 4 chữ chính vận (già nhà ta là) lại có đóng góp của 2 chữ “hoa” là thông vận gần, có âm vang không khác vần “a” bao nhiêu, nên tôi xếp đoạn thơ vào loại “nghiêng về phía nhàm chán”

 

2/

 

Ra vào một mực nói cười như không
Đêm ngày
lòng những dặn lòng
Sinh đà về đến lầu hồng xuống yên
Lời tan hợp nỗi hàn huyên
Chữ tình càng mặn chữ duyên càng nồng
Tẩy trần vui chén
thong dong
Nỗi
lòng ai ở trong lòng mà ra    

(Câu 1566-1572)

 

Có 3 chữ vần “ong”(lòng dong lòng) và 3 chữ vần “ông” (không hồng nồng) âm vang không được gần nhau như “a” với “oa” nhưng nhờ có 3 chữ vần “ong” (lòng thong lòng) đi lang thang cũng đóng góp đáng kể cho âm vang của của vần “ong” nên tôi có thể mạnh dạn xếp đoạn thơ vào loại “nghiêng về phía nhàm chán”

 

Theo cách nhìn nhận của tôi, trong Truyện Kiều có 22 đoạn vần quẩn thuộc loại “nghiêng về phía nhàm chán”:

 

 450- 456, 466- 472, 710-716, 758-766, 792-798, 964-970, 1256-1268, 1268-1274, 1352-1362, 1378-1384, 1534-1540, 1566-1572, 1580-1594, 1884-1890, 1938-1944, 2042-2052, 2052-2058, 2212-2218, 2630-2636, 2648-2654, 2982-2988.

 

Độc giả có thể đọc 22 đoạn này theo link số 5.

 

Cả 3 loại vần quẩn trên đây (độ ngọt cao thấp khác nhau) đều ít nhiều cho độc giả cảm giác nhàm chán. Tôi xếp chúng vào chung một khu có tựa “58 Đoạn Vần Quẩn Tạo Cảm Giác Nhàm Chán” để độc giả dễ dàng tham khảo theo link số 6.

 

Nằm Trên Đường Biên

 

Có một số đoạn vần quẩn mà độ ngọt nhiều hơn sự cần thiết chút ít (để làm trơn dòng chảy của ý tứ) nhưng chưa đủ để xếp vào loại “nghiêng về phía nhàm chán” và cũng không thể xếp vào loại “không có hội chứng nhàm chán vần”. Nó là những đoạn vần quẩn “nằm trên đường biên”.

 

Sau đây là 2 thí dụ:

 

1/

 

Ơn lòng quân tử sá gì của rơi.
Chiếc thoa nào của mấy mươi
Mà lòng trọng nghĩa khinh tài xiết bao!
Sinh rằng: Lân lý ra vào
Gần đây nào phải người nào xa xôi.
Được rày nhờ chút thơm rơi
Kể đà thiểu não lòng người bấy nay!                       

(Câu 308-314)

 

Đoạn thơ có 5 chữ “mươi người rơi rơi xôi” ăn vần thông vận, có âm vang không được gần gũi lắm (chữ “tài” xa quá), may nhờ chữ “người” ở vị trí không gieo vần “ké” vào làm độ ngọt của đoạn thơ gia tăng chút xíu để được nằm trên đường biên giữa một bên có nhàm chán vần (3 hạng bậc) và bên kia không có.

                              

2/

 

Còn vầng trăng bạc còn lời nguyền xưa
Quả mai ba bảy đương vừa
Đào non sớm liệu xe kịp thì
Dứt lời nàng vội gạt đi
Sự muôn năm cũ kể chi bây giờ?
Một lời tuy có ước xưa
Xét mình dãi gió dầu mưa đã nhiều                     

(Câu 3074-3080)

 

Bốn chữ vần “ưa” (xưa vừa xưa mưa) bị chia cách nhưng kết hợp với hai chữ “tơ giờ”, cũng có ít nhiều độ ngọt để có thể được xếp vào loại “nằm trên đường biên”

  

Và đây là 29 đoạn vần quẩn nằm trên đường biên: 

 

54-60, 308-314, 348-354, 394-400, 530-536, 610-616, 766-780, 906-914, 1034-1040, 1040-1046, 1118-1126, 1224-1230, 1460-1466, 1480-1486, 1514-1520, 1554-1560, 1664-1670, 1810-1816, 1836-1842, 2384-2390, 2422-2428, 2466-2472, 2512- 2518, 2612-2618, 2762-2768, 2856- 2862, 2992-2998, 3036-3042, 3074-3080.

 

Độc giả có thể đọc 29 đoạn “nằm trên đường biên” này ở link số 6.

 

Vần Quẩn Nhưng Không Tạo Hội Chứng Nhàm Chán Vần:

 

 Nếu những đoạn vần quẩn mà 6 chữ “quẩn” là thông vận (hoặc thông vận xa) với nhau (theo thứ hạng chính vận, thông vận gần, thông vận, thông vận xa, cưỡng vận và lạc vận) thì chúng thuờng không có hội chứng nhàm chán vần.

 

Nếu có 2 hoặc 3 chữ ăn vần chính vận với nhau thì chúng cũng bị ngăn cách bởi những chữ thông vận hoặc thông vận xa. Có trường hợp có 3 chữ ăn vần chính vận ở cùng một chuỗi nhưng ở chuỗi khác cả 3 chữ đều là thông vận hoặc thông vận xa với 3 chữ kia - nhiều khi một chữ còn là thông vận với hai chữ còn lại của cùng một chuỗi – nên âm vang kết hợp không đủ độ ngọt để tạo sự nhàm chán dù rất ít.

 

Thí dụ:

 

1/

 

Gia đồng vào gởi thư nhà mới sang

Đem tin thúc phụ từ đường

Bơ vơ lữ thấn tha hương đề huề

Liêu Dương cách trở sơn khê

Xuân đường kíp gọi sinh về hộ tang

Mảng tin xiết nỗi kinh hoàng

Băng mình lẻn trước đài trang tự tình          Ok 7

(Câu 530-536)

 

Âm vang chính của đoạn thơ là 3 chữ vần “ang” nhưng “mỗi chữ một phương” nên rời rạc.   

 

2/

 

Thiệt đây mà có ích gì đến ai?
Chút chi gắn bó một hai
Cho đành rồi sẽ liệu bài mối manh
Khuôn thiêng dù phụ tấc thành
Cũng liều bỏ quá xuân xanh một đời
Lượng xuân dù quyết hẹp hòi
Công đeo đuổi chẳng thiệt thòi lắm ru!                 

(Câu 340- 346)

 

Chuỗi vần đầu tiên là 3 chữ chính vận (ai hai bài) nhưng chuỗi vần sau lại “lạc quẻ” (đời hòi thòi), đọc lên rất “trơn”, không có chút gì nhàm chán.

 

Trong Truyện Kiều có 33 đoạn vần quẩn loại này:

 

30-36, 340-346, 502-508, 566-572, 670-676, 718-724, 806-812, 952-958, 996-1002, 1078-1088, 1126-1132, 1192-1198, 1212-1218,  1344-1350, 1368-1374, 1678-1684, 1714-1722, 1776-1782, 1872-1878, 2004-2010, 2136-2142, 2142-2148, 2162-2172, 2172-2178, 2240-2246, 2274-2280, 2306-2312, 2352-2358,  2414-2420, 2444-2450, 2500-2506, 2846-2852, 3030-3036.

 

Độc giả có thể đọc tại link số 8.

 

Vài Lời Phân Bua

 

Như đã trình bày ở trên, chỗ dựa chính để phân định 5 loại vần quẩn là số lượng những “chữ quẩn” ăn vần chính vận với nhau trong đoạn thơ. Nhưng còn nhiều chi tiết khác nữa.

 

     a/ Chúng nằm liền nhau hay bị phân cách?

     b/ Chúng nằm chung một chuỗi hay chữ ở chuỗi này, chữ ở chuỗi kia?

     c/ Những chữ ngăn cách chúng là thông vận gần, thông vận, thông vận xa hay cưỡng vận? Âm vang của chúng gần gũi hay xa cách tới mức nào đối với nhóm chữ ăn vần chính vận? (Nhiều chữ Việt có “độ thân cận” của âm vang giữa 3 loại thông vận và chính vận rất khác nhau).

     d/ Có những chữ không nằm ở vị trí gieo vần nhưng ăn vần chính vận (hoặc âm vang gần gũi) với nhóm chữ chính vận trong 6 “chữ quẩn” cũng có thể làm cán cân “nghiêng” trong việc phân định các loại vần quẩn.

     e/ Không thể chỉ dựa vào mặt chữ mà phải đọc lên để nghe âm vang.

 

Trong bài viết, giữa một bên là 58 Đoạn Vần Quẩn Tạo Cảm Giác Nhàm Chán (gồm 3 hạng bậc) và bên kia là 33 Đoạn Vần Quẩn Không Gây Hội Chứng Nhàm Chán Vần có 29 Đoạn Vần Quẩn Nằm Trên Đường Biên làm trái đệm. Nhưng không phải vì thế mà có thể nói chắc rằng đoạn vần quẩn nào cũng nằm đúng

vị trí của nó. Sự sai sót thế nào cũng có.

 

Tóm lại, việc phân định các loại vần quẩn trong thơ lục bát nói chung, và Truyện Kiều nói riêng, không phải đơn giản – và do đó - khó tránh được tính chủ quan của người làm công việc phân định. Nhưng đó là thứ chủ quan dựa trên logic chứ không phải quyết định hoàn toàn cảm tính.

 

 

Kết Luận

 

Lục bát là thể thơ rất nhiều vần mà lại toàn là vần bằng, gieo cùng một vị trí trên mỗi câu thơ nên âm điệu du dương nhưng đều đặn, tẻ nhạt. Đọc khoảng 20 câu mà nếu tình tiết của tứ thơ không hấp dẫn là đã ầu ơ, chán ngán. Truyện Kiều có 3254 câu trong đó 121 đoạn, 937 câu thuộc hàng ngũ vần quẩn. Trong số đó 58 đoạn 499 câu đã tạo cảm giác nhàm chán vần.

 

Lấy cách nhìn nhận thơ ca đương đại để đánh giá một tác phẩm đã sống trong lòng dân tộc từ mấy trăm năm thì quả có hơi bất công. Tuy nhiên, việc “không khéo” để đám vần quẩn ngang nhiên quậy phá một vườn hoa ngôn ngữ tươi đẹp như Truyện Kiều thì theo tôi, chủ nhân của nó cũng có phần đáng trách.

 

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

phamnhibinhtho.blogspot.com