Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2022

THI PHÁP BÀI THƠ “TÔI NGHE” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 


THI PHÁP BÀI THƠ “TÔI NGHE” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

Lời Nói Đầu:

 

Đọc thơ, thưởng thức thơ, bình thơ là tự mình tìm tòi và khám phá phần trả lời của hai câu hỏi:

 

1/ What?

 

Bài thơ viết về cái gì? Ngôn ngữ văn chương gọi là Tứ Thơ; nếu có ẩn dụ toàn bài thì người đọc, người bình phải từ Tứ suy ra Ý.

 

2/ How?

 

Viết thế nào? Đó chính là Phương Cách thi sĩ diễn đạt, chuyển tải Tứ Thơ đến người đọc.

 

Ngôn ngữ văn chương gọi là Kỹ Thuật Thơ; nếu dùng ngôn ngữ chuyên môn hơn một tý thì gọi là Thi Pháp, còn ngôn ngữ đời thường thì có thể gọi là Tài Thơ cuả thi sĩ.

 

Có một vài điều tế nhị nên trong bài viết này tôi chỉ chú trọng đến câu hỏi thứ hai, nghĩa là sẽ nhận xét và phân tích phần Thi Pháp của bài thơ.

 

Xin giới thiệu đến độc giả thi phẩm TÔI NGHE của Đặng Xuân Xuyến.

 


TÔI NGHE

 

Lời Dẫn:

 

Nhân ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống Tham Nhũng nói với phóng viên báo Dân Trí: cần làm rõ thông tin về những khối tài sản rất lớn của một nữ trưởng phòng thuộc Sở Xây Dựng Thanh Hóa. Và những thông tin trên mạng về những “nghi vấn tiêu cực” ở một số bộ phận quan chức. Đặng Xuân Xuyến cảm tác đôi vần:

 

 

Tôi nghe …

quan đầu tỉnh xứ Thanh (1)

cung phụng bồ nhí siêu xe bạc tỉ

biệt thự rải khắp nơi

chiếm đất vàng phố thị

còn ủ mưu đầu cơ chính trị

bợ gót đưa “nàng” vào cơ cấu

quan thật giầu!

quan tính kế thật sâu!

quan lấy tiền từ đâu?

từ bòn rút dân đen

hay tận vét bằng trò buôn quan bán chức?

 .

Tôi nghe...

quan đầu tỉnh xứ Bái khử nhau (2)

hệt như phim hình sự

vì ân oán tư thù?

vì ăn chia không đủ?

vì lật lọng bảo kê ghế ngồi cơ cấu?

tháng Tám mùa thu

tám phát giang hồ

khô khốc nổ

niềm tin gục đổ

náo loạn lòng người

choáng váng tình đồng chí.

.

Tôi nghe...

quan đầu tỉnh Hà Giang (3)

thiết lập vương triều nhà Triệu

này thì vợ

này em trai

này thêm chồng em gái

mật ngọt ruồi bu

khoanh vùng chia nhau cát cứ.

.

Tôi nghe...

đứa trẻ Gia Lai chết trong tức tưởi (4)

ba năm tới trường bằng mượn áo rách của anh

bà Lò Thị Phanh (5)

bệnh viện trả về

không tiền thuê xe

xác cuốn chiếu

gập ghềnh xe thồ hơn trăm cây số.

.

Tôi nghe...

những mảnh đời khốn khó

những anh Vươn (6) sắp trơ lì hãi sợ

có câu tức nước ắt vỡ bờ

khi niềm tin rạn vỡ.

 

CHÚ THÍCH:

 

(1) Bí thư tỉnh Thanh Hóa: Trịnh Văn Chiến

(2) Đỗ Cường Minh (nghi can và cũng là nạn nhân) bắn chết Phan Duy Cường (Bí thư tỉnh Yên Bái) và Ngô Ngọc Tuấn (Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái)

(3) Bí thư tỉnh Hà Giang: Triệu Tài Vinh.

(4) Em Ksor Sôn ở xã Ia Der, huyện Ia Grai, Gia Lai.

(5) Chị Lò Thị Phanh ở xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La.

(6) Anh Đoàn Văn Vươn ở Vinh Quang, Tiên Lãng, Hải Phòng.

*.

Hà Nội, chiều 21 tháng 09-2016

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

 

 

 

 

 

 

 

NHẬN XÉT THI PHÁP

 

1/ Nhất Khí Liền Mạch hay Phân Mảnh Đứt Đoạn?

Đây là thể thơ nhất khí liền mạch, lấy cảm xúc làm chủ đạo. Bài thơ có khoảng trên dưới 40 câu, 229 chữ đi thẳng một lèo từ câu đẩu đến câu cuối. Có 4 chỗ tạm ngừng để chuyển đoạn, nhưng không phải do luật tắc bó buộc của thể thơ mà ngừng nghỉ để tiếp nhiên liệu, nhận thêm thông tin mới. Tứ thơ vẫn có dòng chảy tương đối rõ ràng.

 

LỜI BÀN:

Hai Cách Làm Thơ Và Hai Hướng Đi Của Thơ

 

1/ Phe Kiếm Tông: Chú trọng “chiêu thức”.

 

Thi sĩ thường làm thơ ngắn (4 câu), thơ Đường Luật hoặc chọn thể thơ Trường Thiên phân mảnh đứt đoạn - nhiều đọan, mỗi đoạn 4 câu – (Thơ Haiku cũng thuộc loại này).

 

Vì không có dòng chảy, cảm xúc hố nào nằm im ở hố đó không lưu chuyển nên không có “sóng sau dồn sóng trước”, không có cao trào, không có hồn thơ.

 

Để chinh phục độc giả thi sĩ chỉ trông nhờ vào độ sâu sắc của ý tứ, câu chữ, ngôn ngữ hình tượng, các thủ pháp kỹ thuật, các biện pháp tu từ, nói chung là cái đẹp văn chương.

 

2/ Phe Khí Tông: Chú trọng nội công, cảm xúc.

 

Thi sĩ cũng sử dụng chiêu thức nhưng chú trọng nội công.

Nói theo ngôn ngữ văn chương thì đây là loại thơ chú trọng Cảm Xúc – chinh phục độc giả không phải bằng thứ cảm xúc bình thường nằm trong ý nghĩa của câu chữ, thế trận của bài tthơ mà là “luồng hơi nóng nằm giữa hai hàng kẻ” – nghĩa là nằm ngoài câu chữ.

 

Đó là thứ cảm xúc cao cấp, cho độc giả cái cảm giác đã nhất, sướng nhất - người ta gọi là hồn thơ. Hồn thơ chỉ có thể xuất hiện khi lý trí vắng mặt, chữ Xạo trong lời thơ, ý thơ trốn mất. Thi sĩ và độc giả - qua bài thơ – trò chuyện với nhau bằng Tiếng Người Chân Thật.

 

Như vậy, nếu có tầm nhìn xa hơn, thi sĩ sẽ chọn hướng đi của phe Khí Tông. Nếu thi pháp thích hợp, tâm thế lại đang trong cơn cao hứng đến mức nổi điên, ngài sẽ có cơ hội cùng bài thơ của mình bước vào Bến Bờ Thi Ca.

 

Mà dù chưa thể đến đích, bài thơ viết theo hướng này rất dễ tạo được cảm xúc tầng 3, được đánh giá cao hơn những bài thơ làng nhàng của phe Kiếm Tông.

 

Chọn hướng đi này Đặng Xuân Xuyến đã có tầm nhìn xa hơn cho bài thơ TÔI NGHE của mình. Với độ dài tạm đủ để có thể có “sóng sau dồn sóng trước”, nếu có thêm vài điều kiện khác nữa, bài thơ có vẻ như đã nhắm đúng hướng Bến Bờ Thi Ca thẳng tiến.

 

2/ Ngôn Ngữ Hình Tượng:

Ngôn ngữ hình tượng của Tôi Nghe tương đối dễ hiểu, dễ bắt. Tuy nhiên, có một mô gò cản đường đáng chú ý. Đó là 3 câu:

Tháng Tám mùa thu

tám phát giang hồ

khô khốc nổ

 

trong đó câu “tám phát giang hồ”, đối với những độc giả chưa am tường sự việc ở “xứ Bái”, không những không “dễ tiêu” mà lại còn “khó bắt” nữa. Chính người viết bài này đọc đi đọc lại cả bài thơ lẫn phần “Lời Dẫn” và “Chú Thích” cũng vẫn ù ù cạc cạc.

Nhắn tin hỏi tác giả thì mới biết “tám phát” là tám phát súng đã bắn chết 2 nhân vật lãnh đạo cao nhất của tỉnh Yên Bái.

 

LỜI BÀN:

 

Thơ lối Kiếm Tông (chú trọng chiêu thức, độ sâu sắc của câu chữ, hình tượng, ý tứ, nét đẹp văn chương) thì càng khó tiêu độc giả càng khoái (miễn đừng “bí hiểm” đến mức chính tác giả cũng ú ớ, không giải thích được).

Đọc thơ Kiếm Tông là phải “ngẫm”. Ngẫm càng lâu thì khi khám phá được, hiểu được ẩn ý, nghĩa bóng của câu chữ hay đoạn thơ thì càng sướng. Những lúc trà dư tửu hậu đem những chỗ ấy ra mà “tán” mà bình, mà “khoe” thì “quá đã”.

 

Thơ theo lối Khí Tông (chú trọng cảm xúc) ngôn ngữ hình tượng cần phải “dễ tiêu” – tôi không dùng nhóm chữ “dễ hiểu” vì “hiểu” phải mời gọi lý trí. Có lý trí thì cảm xúc sẽ “xẹp” như bong bóng xì hơi.

Thơ Khí Tông thì thường Tứ Thơ, Âm Điệu, và Cảm Xúc đều chảy thành dòng. Nếu cả 3 dòng nhập một thì dòng mạnh kéo dòng yếu, dòng yếu nương theo dòng mạnh cùng chảy về cuối bài tức là “điểm đến của tứ thơ”.

Cho nên đọc thơ phe Khí Tông là thả tâm trí mình theo dòng chảy của tứ thơ, dòng âm điệu và thả hồn mình theo dòng cảm xúc (tầng 3) của bài thơ. “Hiểu” và “cảm” phải xảy ra cùng một lúc để “trí” không có cơ hội xía vào, nhường quyền cho “tâm” và “hồn” đạo diễn cuộc chơi. Nói “dễ tiêu” là muốn loại lý trí ra khỏi cuộc chơi để cảm xúc ung dung lớn mạnh. Những chữ, những câu rơi xuống bài thơ vì “buột miệng”, “lỡ lời”, vì “thiếu kiểm soát” thường giúp bài thơ thật hơn, hay hơn và được đánh giá cao hơn.

 

Mô gò cản đường trong Tôi Nghe của Đặng Xuân Xuyến nằm cản dòng chảy của tứ thơ. Vì là bài thơ viết theo lối Khí Tông nó sẽ trì kéo dòng cảm xúc (tầng 3), và dĩ nhiên, làm giảm giá trị nghệ thuật của bài thơ.

 

 

3/ Vần: 

Bài thơ 5 đoạn thì 4 đoạn vần tạm gọi là đủ ngọt. Không hiểu sao ở đoạn 3 (8 câu, 34 chữ) tác giả lại bỏ vần khiến dòng âm điệu hơi bị thiếu “chất keo nối kết”.

 

4/ Dòng Âm Điệu:

Có cả một đoạn thiếu ngọt nên dòng âm điệu không được trơn tru lắm, dòng cảm xúc mất trớn, giảm cường độ một lượng đáng kể.

 

LỜI BÀN:

Giá có thêm một (hoặc 2) cặp vần nữa ở đoạn 3 thì vừa đẹp.

 

5/ Nhịp Điệu:

Số chữ trong câu thay đổi tùy tiện, thoải mái với biên độ rộng nên nhịp điệu uyển chuyển, lúc khoan, lúc nhặt, không đều đều tẻ nhạt. Với cách chơi câu chữ kiểu này, dú vần có quá ngọt một tý cũng được hóa giải một cách dễ dàng.

 

LỜI BÀN:

Giữ được lối phân bổ số chữ một cách tự do tùy tiện như trong TÔI NGHE, hội chứng nhàm chán vần sẽ không còn là một vấn nạn đối với Đặng Xuân Xuyến trong những bài thơ sau này.

Đây là thế mạnh của anh mà nhiều thi sĩ khác có muốn cũng không thể một sớm một chiều mà luyện được.

 

 

6/ Vờn Bóng Giữa Sân:

Một ưu điểm nữa của Tôi Nghe là không có hiện tượng vờn bóng giữa sân. Cảm xúc thôi thúc các con chữ chạy liên tục từ câu đầu đến câu cuối.

 

7/ Tâm Thế:

Bài thơ được kết hợp bởi 2 loại tâm thế: a/ Chia sẻ tâm tình với độc giả (Share feelings with them) và b/ Mở valve tim cho cảm xúc tuôn trào (Take it off your chest) trong đó tâm thế loại b rất dễ tạo cảm xúc tầng 3 hoặc hồn thơ.

 

LỜI BÀN:

Bước vào cảnh thơ của TÔI NGHE Đặng Xuân Xuyến đã có một lợi thế đáng kể: Do làm thơ với tâm thế bất bình, bực bội cao độ nên cảm xúc mạnh, người đang cơn cao hứng. Dòng chảy của tứ thơ và dòng âm điệu vừa lên đường thì cảm xúc đang bị dồn nén cũng tuôn ra chảy thành dòng bám theo.

Ba dòng nhập một cùng tiến về phía trước như hứa hẹn sẽ tạo dựng một cao trào bề thế ở cuối bài.

 

Nhưng rồi dòng chảy của tứ thơ chậm lại vì gặp mô gò cản đường của 3 câu thơ:

Tháng Tám mùa thu

tám phát giang hồ

khô khốc nổ

 

Còn dòng âm điệu thì vì đoạn 3 thiếu “chất keo nối kết” nên cũng không thể tăng tốc để cùng “vai sát vai” với dòng cảm xúc.

Kết quả là dòng cảm xúc bị lực cản trì kéo; bài thơ có cảm xúc tầng 3 khá mạnh nhưng đoạn kết:

Tôi nghe...

những mảnh đời khốn khó

những anh Vươn (6) sắp trơ lì hãi sợ

có câu tức nước ắt vỡ bờ

khi niềm tin rạn vỡ.

 

chỉ là thêm một chút thông tin mới chứ không phải cao trào.

 

Nếu đoạn cuối thoát khỏi vòng kiềm tỏa của hai chữ “Tôi nghe” – nghĩa là tác giả không nhận thêm thông tin nữa mà tổng hợp những thông tin sẵn có từ những đoạn trước để đưa ra “một cái gì đó của cái tôi riêng tư” thì có thể sẽ có cao trào, và dĩ nhiên, sức thuyết phục sẽ mạnh hơn.

 

Thật đáng tiếc.

 

Ưu Khuyết Điểm

 

 

Về mặt thi pháp bài thơ TÔI NGHE có nhiều ưu điểm – mà toàn là những ưu điểm Căn Bản Cần Thiết để có thể đưa bài thơ tới bến. Bài thơ cũng có 3 khuyết điểm nhỏ (sửa chữa rất dễ dàng):

 

1/ Ba câu thơ khó bắt: Chỉ cần thêm chữ “SÚNG” là êm đẹp.

Tháng Tám mùa thu

tám phát SÚNG giang hồ

khô khốc nổ

 

2/ Thiếu vần ở đoạn 3: Thêm 1 hoặc 2 cặp vần là đủ ngọt.

 

3/ Đoạn kết bị 2 chữ “Tôi nghe” bó buộc: Bỏ “Tôi nghe” và dùng “chất liệu” sẵn có “đưa tâm tình của cái tôi riêng tư” vào viết lại đoạn kết.

 

Kết Luận

 

Bài thơ TÔI NGHE của Đặng Xuân Xuyến có thi pháp thành công ở mức độ khá cao. Nhờ thủ đắc một số “thói quen tốt” khi làm thơ nên nếu tự điều chỉnh, sửa chữa để hoàn thiện thi pháp anh sẽ có cơ hội tiến xa với những bài thơ sau này của mình.

 

 

 

 

 


Thứ Năm, 12 tháng 5, 2022

THI PHÁP BÀI THƠ “THÁNG NĂM TÔI ĐI TÌM TÔI”

 


THI PHÁP BÀI THƠ “THÁNG NĂM TÔI ĐI TÌM TÔI”

 

Tháng Năm tôi đi tìm tôi

nắng phơi đồi Tăng Nhơn Phú

tôi lạc tôi giữa trận đời

Sai Gòn tháng Tư thất thủ

 

Tháng Năm tôi đi tìm tôi

ngẩn ngơ phố phường hoang mạc

dã thú biết nói tiếng người

tôi và, tôi như kẻ khác

 

Tháng Năm tôi đi tìm tôi

giữa dòng thác say chiến thắng

xôn xao rộn rã tiếng cười

bóng tối chập chờn thinh lặng

ngỡ tôi mà, không phải tôi

 

Tháng Năm tôi đi tìm tôi

qua từng cơn say bão nắng

bên một góc khuất reo vui

những người chiến binh bại trận

mềm môi hát khúc ly bôi

nâng chén tình quên oán hận

cũng may, tôi tìm được tôi

Tháng Năm tôi, tôi với tôi!

 

Đồi Tăng Nhơn Phú, trưa tháng Năm

 

 

NHẬN XÉT THI PHÁP

 

1/ Nhất Khí Liền Mạch hay Phân Mảnh Đứt Đoạn?

Thoạt nhìn thì thấy Tháng Năm Tôi Đi Tìm Tôi thuộc phe Kiếm Tông - phân mảnh đứt đoạn. Bài thơ có 21 câu được chia làm 5 đoạn: Đoạn 1 và đoạn 2 mỗi đoạn 4 câu, đoạn 3 và đoạn 4 lần lượt 5 câu và 8 câu.

Những mảnh tâm trạng bám vào 4 câu chủ đạo của mỗi đoạn (Tháng năm tôi đi tìm tôi) lần lượt buông tay để rơi xuống dàn trải thành tứ thơ - tuy không chảy thành dòng nhưng cũng gần gũi chứ không đến nỗi xa cách.

2/ Vần:   

Vần chân (cước vận) gieo gián cách (1/3, 2/4) - điệp vận vô lối, không mục đích vần (ôi, ui, ươi …) từ đầu đến cuối, vần quá ngọt đến mức nhàm chán.

Một Ưu Điểm Đặc Biệt: Ở 2 đoạn cuối

Tháng Năm tôi đi tìm tôi

giữa dòng thác say chiến thắng

xôn xao rộn rã tiếng cười

bóng tối chập chờn thinh lặng

ngỡ tôi mà, không phải tôi

 

Tháng Năm tôi đi tìm tôi

qua từng cơn say bão nắng

bên một góc khuất reo vui

những người chiến binh bại trận

mềm môi hát khúc ly bôi

nâng chén tình quên oán hận

cũng may, tôi tìm được tôi

Tháng Năm tôi, tôi với tôi!

Điệp vận liên tục 13 câu khiến những mảnh tâm sự về cuối được đánh phấn tô son, làm nỏi bật một cách khéo léo

 

3/ Dòng Âm Điệu:

Không có dòng âm điệu

 

4/ Nhịp Điệu:

Mỗi câu 6 chữ cố định nên nhịp điệu đều đều tẻ nhạt – làm tăng độ nhàm chán của vần.

 

5/ Ngôn Ngữ Hình Tượng:

Ngôn ngữ hình tượng đời thường, đẹp, dễ hiểu, câu cú gọn gàng, không sai sót. Ba câu cuối của 3 đoạn sau không thuộc loại “dễ tiêu” nên lý trí phải xuất hiện nhưng “giải quyết” cũng không khó lắm.

Không có mô gò cản đường.

 

6/ Vờn Bóng Giữa Sân:

Không vờn bóng giữa sân mà “chậm rãi” nhắm “điểm đến của tứ thơ” từ từ bước tới.

 

7/ Tâm Thế:

Share feelings with them - Mở lòng tâm sự với độc giả.

 

8/ Dòng Cảm Xúc:

Không có dòng chảy của tứ thơ.

Không có dòng âm điệu

Không có dòng cảm xúc.

 

Cảm xúc tầng 1 (ngôn ngữ, hình tượng, câu cú, các biện pháp tu từ) khá mạnh.

Cảm xúc tầng 2 (bố cục, thế trận) cũng khá mạnh.

 

Không thể có cảm xúc tầng 3. Không thể có hồn thơ.

 

Tóm lại, bài thơ không thành công lắm về mặt thi pháp.

 

Phạm Đức Nhì

 

 


Thứ Hai, 31 tháng 1, 2022

TRẢ LỜI CHÂU THẠCH VỀ BÀI THƠ NHỚ RỪNG

 


TRẢ LỜI CHÂU THẠCH VỀ BÀI THƠ NHỚ RỪNG

 

Cuốn phim tôi thích nhất, xem đi, xem lại nhiều lần nhất là Bố Già (The Godfather). Khi phát hành (năm 1972) Bố G đã trở thành bộ phim ăn khách nhất tính cho đến thời điểm đó với doanh thu hơn 5 triệu USD trong tuần đầu và hơn 81 triệu USD cho lần phát hành đầu tiên, 134 triệu USD cho lần phát hành tiếp theo. Bố G đã giành được 3 giải Oscar, 5 giải Quả Cầu Vàng, 1 giải Grammy và nhiều giải khác. Sau này bộ phim được coi là một trong những tác phẩm hay nhất của lịch sử điện ảnh.

 

Khoảng 14, 15 năm trước và rồi đầu năm 2015, khi phim Bố Già được chiếu đi chiếu lại liên tục, có khi suốt ngày (marathon), ở giữa có cả phần phát biểu của các diễn viên chính và những người liên quan đến việc sản xuất bộ phim, tôi ghi nhận được một chi tiết lý thú.

 

Đó là sau khi phim Bố Già được trình chiếu một thời gian, báo chí đã tiết lộ những số liệu của chính phủ cho biết “tệ nạn băng đảng đã gia tăng ở mức độ đáng lo ngại.” Số lượng băng đảng nhiều hơn trước. Loại băng đảng lớn càng “đồ sộ” hơn, tổ chức chặt chẽ hơn. Thành viên của mỗi băng đảng đông hơn, trong đó con số thành viên mới đã tăng trưởng mạnh mẽ hơn rất nhiều. 

 

Ai cũng biết băng đảng là xấu xa, tội lỗi. Bước vào là tay dính chàm, phạm đủ loại tôi ác. Từ tống tiền, kinh doanh khách sạn, sòng bài, cá độ, đĩ điếm, ma túy … đến giết người, có khi hàng loạt, kể cả anh em ruột thịt. (Gia đình Ông Trùm Corleon không dính đến ma tuý). Rồi còn tù tội chết chóc lúc nào cũng rình rập, đợi chờ, mặc cảm tội lỗi lúc nào cũng ám ảnh lương tâm.

 

Như vậy tại sao đám thanh niên trẻ - sau khi xem Bố Già - lại hăng hái gia nhập các băng đảng Mafia? Sức hấp dẫn của Bố Già ở chỗ nào? Một số nhà báo đã đưa ra mười mấy lý do. Tôi chỉ xin ghi ở đây vài lý do chính:  

1/ Giúp đỡ người cô thế, yếu đuối.
2/ Đãi ngộ tốt những người làm việc cho mình.
3/ Đã hứa là giữ lời.

4/ Coi gia đình là quan trọng nhất.
5/ Thiết lập tình bằng hữu bằng sự tôn trọng, công việc và lòng tin.
6/ Không hành động theo cảm tính.
7/ Vũ lực là lựa chọn sau cùng.
      -          ………………………


Trong phim, đạo diễn đã khéo léo phô diễn những tính tốt, tính anh hùng mã thượng của Ông Trùm. Mặt trái của Mafia xuất hiện ít hơn.


Là một nước mà Tự Do Ngôn Luận được tôn trọng và bảo vệ tối đa, chính phủ Mỹ (dù rất muốn) cũng không có quyền thu hồi hoặc cấm chiếu phim Bố Già với lý do là nó đã tác hại đến vấn đề tội phạm của quốc gia. Nhà chức trách đã phải tìm một giải pháp khác.

 

Đó là gợi ý (hoặc ngầm yểm trợ) để giới phim ảnh làm những bộ phim khác, lột trần bộ mặt thật của Mafia để giải độc. Những bộ phim GoodFellas (Chiến Hữu) (1). The Making of the Mob (Sự Hình Thành Của Mob) (2) … được sản xuất đã có hiệu quả này.

 


Nhớ Rừng của Thế Lữ cũng gần giống như vậy. Có tốt, có xấu. Cái tốt của con hổ được tài thơ của tác giả hết sức phô trương. Cái xấu tuy khá rõ ràng nhưng ít người để ý.

 

Nhà thơ Thế Lữ mượn lời con hổ bị nhốt trong vườn bách thú để “gửi gắm nỗi niềm” nên chúng ta có phép ẩn dụ:


Cái được nói đến: Lời con hổ trong vườn bách thú.
Cái được ngụ ý: Nỗi niềm của tác giả.

Như vậy con hổ trong Nhớ Rừng là con hổ thậtbị nhốt trong vườn bách thú và tác giả đã mượn nó làm hình tượng để nói lên tâm sự của mình.


Cái link dưới đây là bài viết của Châu Thạch:

 https://phudoanlagi.blogspot.com/2022/01/nhan-nam-dan-bien-ho-cho-nho-rung-tho.html 


 

Châu Thạch Đánh Tráo Hình Tượng Của Bài Thơ Nhớ Rừng

 

Châu Thạch cho rằng:

Trong nền văn hoá dân gian Việt, hình tượng của con vật hung bạo, tàn ác là con Sói, còn hình tượng của Hổ mang ý nghĩa nhân đạo, quyền uy khiến Hổ sở hửu một phẩm hạnh rất cao để trở thành linh vật của tôn giáo.

Vậy khi Thế Lữ đưa con Hổ vào bài thơ là đưa một linh vật có bản chất tốt nên không bao giờ có “cái tính muốn làm bạo chúa đã là máu thịt, đã là bản chất của loài hổ.” như lời kết tội Hổ trong bài viết của nhà thơ Phạm Đức Nhì.

 https://phudoanlagi.blogspot.com/2022/01/nhan-nam-dan-bien-ho-cho-nho-rung-tho.html 

Khi bình tán và tranh cãi về Nhớ Rừng, vì không muốn đụng đến “cái xấu ghê hồn” của con hổ - nghĩa là phải đối phó với “tính thống nhất của hình tượng” trong bài thơ, anh Châu Thạch đã bắn bỏ con hổ của Thế Lữ để lôi từ nhiều nền văn hóa trên thế giới trong đó có “nền văn hóa dân gian Việt” một con hổ đặc biệt - một linh vật - nhốt vào vườn bách thú và bình tán.

Châu Thạch đã lươn lẹo và “ma giáo” đánh tráo hình tượng của bài thơ Nhớ Rừng.

Đây là lối tranh cãi không chính trực. Những lập luận của anh – do hình tượng bài thơ bị đánh tráo - đã đi lạc. Nếu tiếp tục đối thoại với anh sẽ chỉ là “ông nói gà, bà nói vịt”.

Chính vì thế trong bài viết này tôi chỉ trình bày quan điểm của mình và để độc giả toàn quyền nhận định, phê phán.

 

 

 

Hai Cách Hiểu Và Bình Tán Nhớ Rừng

 

Cách thứ nhất là tôn trọng tính thống nhất của hình tượng: Nghĩa là hiểu và bàn đến cả mặt tốt lẫn mặt xấu của con hổ. Hiểu theo cách này sẽ đụng đến một điểm “tế nhị” quan trọng mà khi bình bài thơ Nhớ Rừng nhà thơ Vũ Quần Phương đã nhấn mạnh:

Tự do của con hổ là tự do của một ông chúa. ‘Ta biết ta chúa tể cả muôn loài’, khát khao tự do của con hổ, qua một loạt hình tượng của bài, là khát khao ngự trị, khát khao tước đoạt tự do của người khác. Cho nên coi con hổ trong cũi là thân phận của dân tộc ta e có chỗ khó giải thích khi nói tới tính thống nhất của hình tượng”. (3)

Con hổ khao khát tự do. Nhưng nếu được tự do nó sẽ trở thành một bạo chúa, áp dụng chế độ độc tài, ức hiếp một cách bạo tàn “thần dân” của nó.

 

Tại sao lại không nên coi con hổ trong cũi là thân phận của dân tộc ta?

Dưới ách cai trị của thực dân Pháp dân Việt Nam có rất nhiều con hổ nằm trong cũi, trong chuồng rải rác khắp nơi trên đất nước như con hổ trong Nhớ Rừng của Thế Lữ. Sau trận Điện Biên Phủ và Hiệp Định Genève, hổ thoát cũi, xổng chuồng lũ lượt trở về rừng. Tùy uy tín và khả năng, mỗi con được giao một “cánh rừng” để cai quản, để lãnh chức Chúa Sơn Lâm Thời Đại.

 

Nếu về “đơn vị mới”, gặp một con nai đang nhai những chiếc lá non ở bìa rừng, con hổ sẽ làm gì? Nó sẽ vồ ngay rồi cắn cổ, hút máu và sau đó “ăn tươi nuốt sống” con vật bất hạnh ấy – dù biết rằng đó chính là thần dân của nó.

Còn Chúa Sơn Lâm Thời Đại gặp thần dân của mình thì sao? Độc giả chỉ cần lấy đoạn trên ri thêm vào nhóm chữ “hiểu theo nghĩa bóng” thì sẽ biết.

Như vậy, hiểu theo cách này là đã xúc phạm đến mức lăng mạ chính phủ ở Miền Bắc sau thời kỳ Pháp thuộc. Chính vì lý do ấy Nhà thơ Vũ Quần Phương đã cảnh báo:

“Coi con hổ trong cũi là thân phận của dân tộc ta e có chỗ khó giải thích khi nói tới tính thống nhất của hình tượng”.

Có điều khi đọc Nhớ Rừng độc giả vẫn thường hiểu như vậy. Ngay cả những bài luận văn của học sinh cũng đồng loạt bình tán như thế.

Hiểu như vậy, bình tán như thế mà dòng suy tưởng bị cắt ngang, không thể hướng về “điểm đến đúng đắn” của nó thì quả là nỗi khổ to lớn cho tâm trí của họ.

 

Bài thơ Nhớ Rừng có 2 cái bẫy thì đây là cái bẫy nguy hiểm nhất. Nhà thơ Vũ Quần Phương đã khéo léo tránh khi bình bài thơ này. Tôi giờ chỉ còn thích văn chương nên cũng lặng lẽ rẽ qua hướng khác.

 

Hiểu theo cách thứ hai là “thả hồn vào dòng thơ để đồng cảm với tâm trạng khao khát tự do, để ‘ké’ cái hào khí ngất trời của con hổ nhưng lại lờ tít cái tính độc tài, tàn bạo, dã man của nó khi được trở về núi rừng làm Chúa Sơn Lâm - dù rằng cái tính độc tài, tàn bạo, dã man đó đã là máu thịt, là bản chất của loài hổ, không thể tách rời thân xác của nó.

Hiểu theo cách này là đã phạm một lỗi quan trọng trong kỹ thuật bình thơ: Coi thường tính thống nhất của hình tượng - chỉ bàn mặt tốt của hình tượng, còn mặt xấu thì tránh né.

Những người đọc, học Nhớ Rừng và hiểu theo cách thứ hai – nghĩa là, xin lập lại, “Thả hồn vào dòng thơ để đồng cảm với tâm trạng khao khát tự do, để “ké” cái hào khí ngất trời của con hổ nhưng lại lờ tít cái tính độc tài, tàn bạo, dã man của nó khi được trở về núi rừng làm Chúa Sơn Lâm”

đã bị nhiễm vi khuẩn NR (Nhớ Rừng). Khi được trao quyền cai quản một cánh rừng, làm Chúa Sơn Lâm Thời Đại, thì đúng lúc đó căn bệnh SIDA Nhớ Rừng phát tác, bản tính độc tài, tàn bạo, dã man của con hổ hiện ra và “thần dân” trong cánh rừng phải gánh chịu chết chóc, đau thương.

 

Câu Thơ Ngược Dòng

Cái bẫy còn lại chỉ gói gọn trong câu thơ

“Nơi ta không còn được thấy bao giờ”

Lúc này tôi cũng không muốn đào sâu, khơi rộng thêm nữa mà chỉ đưa ra một lời bình vắn tắt:

“Đây là câu thơ dở nhất, tệ nhất của bài thơ. Nó không những là mô gò cản đường mà còn chảy ngược với dòng chảy của tứ thơ, làm giảm đáng kể giá trị của bài thơ.

 

 

Kết Luận

Phim Bố Già có nội dung có thể nói là “trái chiều” với chính sách của chính phủ Mỹ nhưng nhờ quyền Tự Do Ngôn Luận bảo kê nên vẫn được lưu hành kể cả sau khi số liệu về Băng Đảng Và Tội Phạm được tiết lộ. Chính phủ đã phải gợi ý, khuyến khích và hỗ trợ để mấy cuốn phim như Goodfellas, The Making of the Mob … được thực hiện để chữa cháy.

 

Phải công nhận Nhớ Rừng của Thế Lữ là một bài thơ hay. Nhưng nội dung của nó cũng có điểm “tế nhị” mà nếu bình tán không khéo sẽ dễ đụng chạm. Mức độ dân chủ tự do ở Việt Nam dù đã “mở cửa”, “cởi trói” liên tục vẫn chưa thể so sánh với Mỹ. Vì thế lời cảnh báo của nhà thơ Vũ Quần Phương: “Coi con hổ trong cũi là thân phận của dân tộc ta e có chỗ khó giải thích khi nói tới tính thống nhất của hình tượng”.

 

tôi xin được kính cẩn tôn vinh là lời khuyên hay nhất, quý giá nhất cho những người bình bài thơ Nhớ Rừng ở Việt Nam.

 

CHÚ THÍCH:

1/ Bình Thơ Từ 100 Bài Thơ Hay Thế Kỷ XX tập hai, trang 55

     NXB Giáo Dục, năm 2008

 

2/  https://en.wikipedia.org/wiki/Goodfellas

 

3/ https://en.wikipedia.org/wiki/The_Making_of_the_Mob