Thứ Năm, 14 tháng 12, 2017

LUẬT HỎI NGÃ


                                                    


Trong tiếng Việt chúng ta sử dụng tất cả 1270 âm tiết với dấu hỏi hoặc với dấu ngã, trong đó có 793 âm tiết (chiếm 62%) viết dấu hỏi, 477 âm tiết (38%) viết dấu ngã. Việc nắm được quy luật dấu hỏi và dấu ngã của lớp từ láy và lớp từ Hán Việt sẽ giúp ta giảm được nhiều lỗi chính tả. 

I. TỪ LÁY; TỪ CÓ DẠNG LÁY:

• Các thanh ngang (viết không có dấu) và sắc đi với thanh hỏi, ví dụ như: dư dả, lửng lơ, nóng nẩy, vất vả...

• Các thanh huyền và nặng đi với thanh ngã, ví dụ như: tầm tã, lững lờ, vội vã, gọn ghẽ...

Quy tắc từ láy chỉ cho phép viết đúng chính tả 44 âm tiết dấu ngã sau đây:

- ã ầm ã, ồn ã
- sã suồng sã
- thãi thưà thãi
- vãnh vặt vãnh
- đẵng đằng đẵng
- ẫm ẫm ờ
- dẫm dựa dẫm, dọa dẫm, dò dẫm
- gẫm gạ gẫm
- rẫm rờ rẫm
- đẫn đờ đẫn
- thẫn thờ thẫn
- đẽ đẹp đẽ
- ghẽ gọn ghẽ
- quẽ quạnh quẽ
- kẽo kẽo kẹt
- nghẽo ngặt nghẽo 
- nghễ ngạo nghễ
- nhễ nhễ nhại
- chễm chiễm chệ
- khễng khập khễng
- tễng tập tễnh
- nghễu nghễu nghện
- hĩ hậu hĩ
- ĩ ầm ĩ
- rĩ rầu rĩ, rầm rĩ
- hĩnh hậu hĩnh, hợm hĩnh
- nghĩng ngộ nghĩnh
- trĩnh tròn trĩnh
- xĩnh xoàng xĩnh
- kĩu kĩu kịt
- tĩu tục tĩu
- nhõm nhẹ nhõm
- lõng lạc lõng
- õng õng ẹo
- ngỗ ngỗ nghịch, ngỗ ngược
- sỗ sỗ sàng
- chỗm chồm chỗm
- sỡ sặc sỡ, sàm sỡ
- cỡm kệch cỡm
- ỡm ỡm ờ
- phỡn phè phỡn
- phũ phũ phàng
- gũi gần gũi
- hững hờ hững

Ngoài ra còn có 19 âm tiết dấu ngã khác dùng như từ đơn tiết mà có dạng láy ví dụ như:

- cãi cọ
- giãy giụa
- sẵn sàng
- nẫu nà
- đẫy đà
- vẫy vùng
- bẽ bàng
- dễ dàng
- nghĩ ngợi
- khập khiễng
- rõ ràng
- nõn nà
- thõng thượt
- ngỡ ngàng
- cũ kỹ
- nũng nịu
- sững sờ
- sừng sững
- vững vàng
- ưỡn ẹo

Cần phải nhớ cãi cọ khác với củ cải, nghĩ ngợi khác với nghỉ ngơi, nghỉ học.

Như vậy quy tắc hài thanh cho phép viết đúng chính tả 63 âm tiết dấu ngã.

Ngoài ra còn có 81 âm tiết dấu ngã dưới đây thuộc loại ít dùng:

Ngãi, tãi, giãn (dãn), ngão, bẵm, đẵm (đẫm), giẵm (giẫm), gẵng, nhẵng, trẫm, nẫng, dẫy (dãy), gẫy (gãy), nẫy (nãy), dẽ, nhẽ (lẽ), thẽ, trẽ, hẽm (hẻm), trẽn, ẽo, xẽo, chễng, lĩ, nhĩ, quĩ, thĩ, miễu, hĩm, dĩnh, đĩnh, phĩnh, đõ, ngoã, choãi,doãi, doãn, noãn, hoãng, hoẵng, ngoẵng, chõm, tõm, trõm, bõng, ngõng, sõng, chỗi (trỗi), giỗi (dỗi), thỗn, nỗng, hỡ, xỡ, lỡi, lỡm, nỡm, nhỡn, rỡn (giỡn), xũ, lũa, rũa (rữa), chũi, lũi, hũm, tũm, vũm, lũn (nhũn), cuỗm, muỗm, đuỗn, luỗng, thưỡi, đưỡn, phưỡn, thưỡn, chưỡng, gưỡng, khưỡng, trưỡng, mưỡu.

Tôi để ý thấy rất nhiều lỗi chính tả ở những âm tiết rất thường dùng sau đây: đã (đã rồi), sẽ (mai sẽ đi), cũng (cũng thế), vẫn (vẫn thế), dẫu (dẫu sao), mãi (mãi mãi), mỗi, những, hễ (hễ nói là lam), hỡi (hỡi ai), hãy, hẵng.

Cũng có những trường hợp ngoại lệ như:

1. Dấu ngã: đối đãi (từ Hán Việt), sư sãi (từ Hán Việt), vung vãi (từ ghép), hung hàn (từ Hán Việt), than vãn, ve vãn, nhão nhoét (so sánh: nhão nhẹt), minh mẫn (từ Hán Việt), khe khẽ (so sánh: khẽ khàng), riêng rẽ, ễng ương, ngoan ngoãn, nông nỗi, rảnh rỗi, ủ rũ . . .

2. Dấu hỏi: sàng sảy (từ ghép), lẳng lặng, mình mẩy, vẻn vẹn, bền bỉ, nài nỉ, viển vông, chò hỏ, nhỏ nhặt, nhỏ nhẹ, sừng sỏ, học hỏi, luồn lỏi, sành sỏi, vỏn vẹn, mềm mỏng, bồi bỏ, chồm hổm, niềm nở, hồ hởi...

II. TỪ HÁN VIỆT:

a) Dùng dấu hỏi khi có phụ âm đầu là:

• Ch-: chuẩn, chỉ, chỉnh, chủ, chuẩn, chủng, chuyển, chưởng.
• Gi-: giả, giải, giảm, giản, giảng, giảo.
• Kh-: khả, khải, khảm, khảng, khảo, khẳng, khẩn, khẩu, khiển, khoả, khoản, khoảnh, khổ, khổng, khởi, khuẩn, khủng, khuyển, khử.
• Và các từ không có phụ âm đầu như: ải, ảm, ảnh, ảo, ẩm, ấn, ẩu, ổn, uẩn, ủng, uổng, uỷ, uyển, ỷ, yểm, yểu.

b) Dùng dấu ngã khi có phụ âm đầu là:

• D-: dã, dẫn, dĩ, diễm, diễn, diễu, dĩnh, doãn, dõng, dũng, dữ, dưỡng.
• L-: lãm, lãn, lãng, lãnh, lão, lẫm, lễ, liễm, liễu, lĩnh, lõa, lỗi, lỗ, lũ, lũng, luỹ, lữ, lưỡng.
• M-: mã, mãi, mãn, mãng, mãnh, mão, mẫn, mẫu, mỹ, miễn.
• N-(kể cả NH-NG): nã, não, ngã, ngãi, ngẫu, nghĩa, nghiễm, ngỗ, ngũ, ngữ, ngưỡng, nhã, nhãn, nhẫn, nhĩ, nhiễm, nhiễu, nhỡn, nhũ, nhũng, nhuyễn, nhưỡng, noãn, nỗ, nữ.
• V-: vãn, vãng, vẫn, vĩ, viễn, vĩnh, võ, võng, vũ.

c) 33 từ tố Hán-Việt có dấu ngã cần ghi nhớ (đối chiếu với bản dấu hỏi bên cạnh):

- Bãi: bãi công, bãi miễn.
- Bảo: bảo quản, bảo thủ. Bão: hoài bão, bão ho
- Bỉ: bỉ ổi, thô bỉ Bĩ: vận bĩ, bĩ cực thái lai
- Cưỡng: cưỡng bức, miễn cưỡng
- Cửu: cửu trùnh, vĩnh cửu Cữu: linh cữu
- Đãi: đối đãi, đãi ngộ
- Đảng: đảng phái Đãng: quang đãng, dâm đãng
- Để: đại để, đáo để, triệt để Đễ: hiếu đễ
- Đỗ: đỗ quyên
- Hải: hải cảng, hàng hải Hãi: kinh hãi
- Hãm: kìm hãm, hãm hại
- Hãn: hãn hữu, hung hãn
- Hãnh: hãnh diện, kiêu hãnh
- Hoãn: hoãn binh, hoà hoãn
- Hổ: hổ cốt, hổ phách Hỗ: hỗ trợ
- Hỗn: hỗn hợp, hỗn độn
- Huyễn: huyễn hoặc
- Hữu: tả hữu, hữu ích
- Kỷ: kỷ luật, kỷ niệm, ích kỷ, thế kỷ Kỹ: kỹ thuật, kỹ nữ
- Phẫn: phẫn nộ
- Phẫu: giải phẫu
- Quẫn: quẫn bách, quẫn trí
- Quỷ: quỷ quái, quỷ quyệt Quỹ: công quỹ, quỹ đạo
- Sỉ: sỉ nhục, liêm sỉ Sĩ: sĩ diện, chiến sĩ, nghệ sĩ
- Tể: tể tướng, chúa tể, đồ tể Tễ: dịch tễ
- Thuẫn: hậu thuẫn, mâu thuẩn
- Tiễn: tiễn biệt, thực tiễn, hoả tiễn
- Tiểu: tiểu đội, tiểu học Tiễu: tuần tiễu, tiễu phỉ
- Tỉnh: tỉnh ngộ, tỉnh thành Tĩnh: bình tĩnh, yên tĩnh
- Trĩ: ấu trĩ
- Trữ: tích trữ, trữ tình
- Tuẫn: tuẫn nạn, tuẫn tiết
- Xả: xả thân Xã: xã hội, xã giao, thị xã

III. TÓM LẠI:

1. Từ láy: Các thanh ngang và sắc đi với thanh hỏi. Các thanh huyền và nặng đi với thanh ngã. Để cho dễ nhớ chúng ta có thể tóm gọn trong hai câu thơ sau:

Chị Huyền vác nặng ngã đau
Anh Sắc không hỏi một câu được là (Hoàng Anh Tuấn).

2. Từ Hán Việt phần lớn viết với dấu hỏi (trong tổng số yếu tố Hán-Việt, có 176 yếu tố viết dấu hỏi, chiếm 62%; 107 yếu tố viết dấu ngã, chiếm 38%), (Hoàng Phê, 6).

• Dùng dấu hỏi khi có phụ âm đầu là CH, GI, KH và các từ khởi đầu bằng nguyên âm hoặc bán nguyên âm như ải, ảm, ảnh, ảo, ẩm, ấn, ẩu, ổn, uẩn, ủng, uổng, uỷ, uyển, ỷ, yểm, yểu.

• Dùng dấu ngã khi có phụ âm đầu là M, N(NH-NG), V, L, D, N (cho dễ nhớ tôi viết thành Mình Nên Viết Là Dãu Ngã) (Hoàng Anh Tuấn).

Như vậy chỉ cần nắm các qui tắc trên và nhớ 33 trường hợp đặc biệt viết với dấu ngã là có thể viết đúng chính tả toàn bộ 283 yếu tố Hán-Việt có vấn đề hỏi ngã cũng coi như nắm được căn bản chính tả DẤU HỎI HAY DẤU NGÃ trong tiếng Việt (Hoàng Phê, 1).

Phần 1: Các lỗi về dấu câu và cách trình bày:

Các dấu dùng để kết thúc câu (dấu chấm, dấu chấm hỏi, dấu chấm than, dấu ba chấm) phải viết DÍNH LIỀN với chữ cuối cùng của câu.

Ví dụ cách viết đúng:

- Hôm nay là thứ mấy? (dấu chấm hỏi viết sát chữ y)

Ví dụ cách viết sai:

- Hôm nay là thứ mấy ? (dấu chấm hỏi viết cách chữ y một khoảng trắng)

Các dấu dùng để ngăn cách giữa câu như dấu phẩy, dấu chấm phẩy và dấu hai chấm phải DÍNH LIỀN với vế trước của câu và CÁCH vế sau của câu một khoảng trắng.

Ví dụ cách viết đúng:

- Đây là vế trước, còn đây là vế sau.

Ví dụ cách viết sai:

- Đây là vế trước , còn đây là vế sau.

Dấu ngoặc đơn và dấu ngoặc kép phải DÍNH LIỀN với phần văn bản mà nó bao bọc.

Ví dụ cách viết đúng:

- Hắn nhìn tôi và nói “Chuyện này không liên quan đến anh!”

Ví dụ cách viết sai:

- Hắn nhìn tôi và nói “ Chuyện này không liên quan đến anh! ”

Phần 2: Những từ nhiều người thường viết sai:

- “Dành” và “giành”:

Dành: động từ mang nghĩa tiết kiệm, cất giữ hoặc xác định quyền sở hữu, chia phần cho ai đó. Ví dụ: để dành, phần này dành cho bạn (tương đương với “phần này thuộc về bạn”).

Giành: động từ chỉ sự tranh đoạt. Ví dụ: giành giật, giành chính quyền.

- “Dữ” và “giữ”:

“Dữ” là tính từ chỉ tính cách. Ví dụ: dữ dằn, giận dữ, dữ tợn, hung dữ, dữ dội…

“Giữ” là động từ chỉ việc sở hữu, bảo vệ. Ví dụ: giữ của, giữ gìn, giữ xe, giữ đồ…

- “Khoảng” và :khoản”:

“Khoảng” để chỉ một vùng không gian, thời gian, độ dài bị giới hạn. Vi dụ: khoảng cách, khoảng không, khoảng thời gian.

“Khoảng” cũng có khi được dùng để chỉ sự ước lượng. Ví dụ: Nhóm người đó có khoảng chục người.

“Khoản” là một mục, một bộ phận. Ví dụ: tài khoản, điều khoản, khoản tiền.

- Số chẵn, số lẻ:

Chẵn dấu ngã, lẻ dấu hỏi là đúng.

- Bán sỉ, bán lẻ:

Cách viết đúng: Cả sỉ và lẻ đều là dấu hỏi.

- “Chẳng lẽ” (một từ thường đặt ở đầu câu, dùng để diễn tả suy đoán về một khả năng mà bản thân không muốn tin hoặc không muốn nó xảy ra):

Chẳng dấu hỏi, lẽ dấu ngã. Cái này ngược lại hoàn toàn với “số chẵn, số lẻ”.

- “Chuyện” và “truyện”:

“Chuyện” là thứ được kể bằng miệng. “Truyện” là chuyện được viết ra và được đọc.

Ví dụ: “chuyện cổ tích” được kể dựa theo trí nhớ nhưng khi chuyện cổ tích được in vào sách thì nội dung được in đó gọi là “truyện cổ tích”. Và nếu có người đọc cuốn sách đó thì người đó đang đọc “truyện cổ tích”.

- “Sửa” và “sữa”:

Sửa xe, sửa máy móc, sửa chữa là dấu hỏi.

Sữa bò, sữa mẹ, sữa tươi, sữa chua là dấu ngã.

- “Chửa” và “chữa”:

Chửa: đồng nghĩa với mang thai, là dấu hỏi.

Chữa: đồng nghĩa với “sửa”, thường ghép với nhau thành từ ghép “sửa chữa” (lưu ý: sửa dấu hỏi, chữa dấu ngã mặc dù hai từ này đồng nghĩa)

- “Dục” và “giục”:

“Dục” nói về chức năng sinh lý của cơ thể hoặc ham muốn. Ví dụ: thể dục, giáo dục, tình dục, dục vọng.

“Giục” nói về sự hối thúc. Ví dụ: giục giã, xúi giục, thúc giục.

- “Giả”, “giã” và “dã”:

“Giả”: không phải thật nhưng trông giống thật. Ví dụ: hàng giả, giả dối, giả vờ

“Giả” còn là một từ gốc Hán mang nghĩa “người”. Ví dụ: tác giả (người tạo ra), cường giả (kẻ mạnh), khán giả (người xem), diễn giả (người nói trước công chúng về một chủ đề nào đó).

“Giã”: thường ghép với các từ khác. Ví dụ: giục giã, giã từ.

“Dã”: mang tính chất rừng rú, hoang sơ, chưa thuần hóa. Ví dụ: dã thú, hoang dã, dã tính, dã man.

- “Sương” và “xương”:

“Sương”: hơi nước xuất hiện vào buổi sáng sớm hoặc trong những hoàn cảnh thời tiết đặc biệt. Ví dụ: sương mù, giọt sương, hơi sương, sương muối.

“Xương”: phần khung nâng đỡ cơ thể động vật. Ví dụ: bộ xương, xương bò, xương hầm.

- “Xán lạn”:

“Xán lạn” là cách viết đúng. Cả “xán” và “lạn” đều là những từ gốc Hán. “Xán” là rực rỡ, “lạn” là sáng sủa. Tất cả các cách viết khác như “sáng lạn”, “sáng lạng”, “sán lạn”… đều là những cách viết sai. Đây là một từ khó, khó đến nỗi rất nhiều bài báo cũng dùng sai.

- “Rốt cuộc”:

“Rốt cuộc” là cách viết đúng. Nhiều người thường hay viết sai từ này thành “rốt cục” hoặc “rút cục”.

- “Kết cục”:

“Kết cục” là cách viết đúng. “Kết cuộc” là cách viết sai.

- “Xuất” và “suất”:

“Xuất” là động từ có nghĩa là ra. Ví dụ: sản xuất, xuất hiện, xuất bản, xuất khẩu, xuất hành, xuất phát, xuất xứ, xuất nhập… “Xuất” còn có nghĩa là vượt trội, siêu việt. Ví dụ: xuất sắc, xuất chúng…

“Suất” là danh từ có nghĩa là phần được chia. Ví dụ: suất ăn, tỉ suất, hiệu suất…

- “Yếu điểm” và “điểm yếu”:

“Yếu điểm”: có nghĩa là điểm quan trọng. “Yếu điểm” đồng nghĩa với “trọng điểm”.

“Điểm yếu”: đồng nghĩa với “nhược điểm”.

- “Tham quan”:

"Tham quan" nghĩa là xem tận mắt để mở rộng hiểu biết. “Tham quan” là cách viết đúng, “thăm quan” là cách viết sai.

Phần 3: Một số quy tắc chính tả:

- Ch/tr:

Chữ tr không đứng đầu các tiếng có vần có âm đệm như oa, oă, oe, uê. Do đó nếu gặp các vần này, ta dùng ch. Ví dụ: sáng choang, áo choàng, chích chòe, loắt choắt, chuệch choạc, chuếnh choáng…

Những từ Hán Việt có thanh nặng hoặc thanh huyền thường có âm đầu tr. Ví dụ: trịnh trọng, trình tự, trừ phi, giá trị, trào lưu...

Những từ chỉ vật dụng quen thuộc hoặc các mối quan hệ trong gia đình thường có âm đầu là ch. Những từ mang nghĩa phủ định cũng có âm đầu là ch. Ví dụ: chăn, chiếu, chai, chén, chổi, chum, chạn, chõng, chảo,... chuối, chanh, chôm chôm, cháo, chè, chả, chạy, chặt, chắn, chẻ,... cha, chú, chị, chồng, cháu, chắt,… chẳng, chưa, chớ, chả.

- R/d/gi:

Chữ r và gi không đứng đầu các tiếng có vần có âm đệm (oa, oe, uê, uy). Do đó gặp các tiếng dạng này thì ta chọn d để viết, không chọn r hoặc gi. Ví dụ: dọa nạt, kinh doanh, duy trì, hậu duệ…

Trong các từ Hán Việt:

+ Các tiếng có thanh ngã hoặc thanh nặng thường viết với âm đầu d.

Ví dụ: diễn viên, hấp dẫn, bình dị, mậu dịch, kì diệu...

+ Các tiếng có thanh sắc hoặc thanh hỏi thường viết gi.

Ví dụ: giải thích, giá cả, giám sát, giới thiệu, tam giác...

+ Các tiếng có thanh huyền hoặc thanh ngang thường viết với âm đầu gi khi vần có âm đầu a và viết với âm đầu d khi vần có âm đầu khác a.

Ví dụ: gian xảo, giao chiến, giai nhân, tăng gia, gia nhân, du dương, do thám, dương liễu, dư dật, ung dung...

Phần 4: Bí quyết viết đúng chính tả:

Có những lỗi chính tả chúng ta viết sai mà không biết mình viết sai. Những lỗi này thường do bạn đã quen thuộc với chúng trong thời gian dài nên dù sau khi viết xong đọc lại bạn cũng không phát hiện ra.

Tốt nhất hãy để người khác đọc bài viết của bạn và nhờ họ góp ý, sau khi đã biết được lỗi sai thì hãy ghi nhớ chúng để không phạm phải lần sau.

Tra từ điển tiếng Việt (nếu không có từ điển giấy, có thể tra từ điển online trên mạng) để kiểm tra những từ mà bạn không nhớ rõ cách viết hoặc những từ mà bạn nghi ngờ.

Có một số lỗi không phải do bạn sai chính tả mà là do lỗi đánh máy. Sau khi viết, hãy kiểm tra lại cẩn thận bài viết của bạn để tìm và sửa những lỗi này.

SƯU TẦM







Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2017

NẠN "BÁN ĐỘ" TRONG THƠ

      

Từ Bản Nhạc Lệ Đá

 

Đến thăm thằng bạn ở Houston. Đem lên cho nó mớ cua biển con nhặt ra trong lúc lựa tôm. Với dân thành phố thì đây là món ngon “quý hiếm”. Xay nhuyễn ra, lọc kỹ lại là có vật liệu chính để nấu món bún riêu cua quê hương mà các bà rất thích.

 

Trong khi hai bà đưa nhau đi chợ để mua “đồ phụ tùng” cho món ăn đặc biệt, hai thằng chồng vào phòng Study (1) uống cà phê, nghe nhạc, tán chuyện văn chương. Thằng bạn vào đề ngay:

 

Hôm qua nghe Lệ Đá (nhạc Trần Trịnh, thơ Hà Huyền Chi) tao thấy có đoạn hơi kỳ – nói đúng ra là ‘trớt quớt’ (phát âm kiểu miền nam), định chờ hỏi xem mày có thấy thế không?

 

Đâu, đoạn nào đâu?

 

Phiên khúc thứ 2

 

Hắn bấm khởi động dàn máy đã chuẩn bị sẵn. Tiếng hát Ngọc Lan nhẹ nhàng thánh thót vang lên:

 

Thuở ấy tôi như con chim lạc đàn

Xoải cánh cô đơn bay trong chiều vàng

Và ước mong sao trời đừng bão tố

Để yêu thương càng nhiều gắn bó

Tháng ngày là men say nguồn thơ

 

Hắn tắt máy đưa mắt nhìn tôi.

 

Tôi hỏi lại:

 

Trớt quớt chỗ nào đâu?

 

Thì đó. “Chim lạc đàn, xoải cánh cô đơn” thì có đếch ai đâu mà “để yêu thương càng nhiều gắn bó”.

 

Mày coi chừng 2 chữ “thuở ấy” nha. Có nó vô ý nghĩa có thể khác biệt nhiều lắm đó, bởi nó sẽ dẫn đến khung thời gian khác.

 

Nhưng ngay cả trong khung cảnh và khung thời gian của “thuở ấy” chăng nữa tao thấy cụm từ “để yêu thương càng nhiều gắn bó” vẫn như bị lạc đường, trớt quớt.

 

Tôi bảo hắn cho nghe lại lần nữa rồi gật gù đồng tình:

 

Mày nói có lý. Mong “trời đừng bão tố” để đừng gẫy cánh chết dấp giữa đường chứ khung cảnh đó, tâm trạng đó thì có mà yêu thương gắn bó với ma. Đoạn thơ lập luận theo luật nhân quả; nhân thì lạc lõng, cô đơn đến độ thảm não mà đòi sinh ra quả “yêu thương càng nhiều gắn bó” thì đúng là lạc quẻ, trớt quớt.

 

Ông Hà Huyền Chi đột nhiên cho cầu thủ của mình tung cú sút, không vào cầu môn đối phương mà bay thẳng ra khu vực khán đài.

 

Sau khi nghe hết bản nhạc tôi nói tiếp:

 

Hơn nữa, đây phải là đoạn “yêu đương nồng thắm, hạnh phúc tràn đầy” để làm nền, giải thích và làm nổi bật nỗi buồn đau, nuối tiếc ở mấy đoạn sau. Đoạn này hỏng thành ra cả bài thơ (lời 1) không có chỗ dựa, như ngôi nhà ngả nghiêng, chao đảo khiến người nghe, người đọc hụt hẫng, chới với.

 

Khi tra cứu thêm để viết bài này tôi may mắn đọc được Vài Dòng Về Bài Hát “Lệ Đá” của nhà thơ Hà Huyền Chi thì biết đây không phải là thơ phổ nhạc mà thi sĩ đã viết lời cho bản nhạc có sẵn của Trần Trịnh. Trong bài viết có đoạn: 

 

“Hôm sau tôi đem đến Trần Trịnh lời ca thứ nhất của Lệ Đá. Kết quả ngoài sức tượng tượng là không biết bằng cảm hứng nào đó tôi đã hoà được cái rung cảm đích thực của thơ tôi cho nhạc Trần Trịnh. Trần Trịnh mừng rỡ tới sững hồn.” (2)

 

Với tôi, lời 1 của bản Lệ Đá là một bài thơ của một thi sĩ lão luyện được tuồn vào cái khuôn nhạc có sẵn của Trần Trịnh trong thời gian kỷ lục (1ngày). Có lẽ vì “thiếu thời gian thai nghén” nên mặc dù ngôn ngữ thơ đẹp một cách sang trọng, hát lên nghe rất “kêu” nhưng thiếu vắng cảm xúc.

 

Đến Nạn “Bán Độ” Trong Bóng Đá

 

Có một thời, do cơ cấu tổ chức, bóng đá Việt Nam rộ lên nạn “bán độ”. Cầu thủ thường là công nhân biên chế và thuộc bộ phận Văn Thể (Văn Hóa Thể Thao) của một đơn vị sản xuất, ban ngành chính quyền hay một đơn vị hành chánh địa phương nào đó. Họ lãnh lương của cơ quan, làm phần việc trách nhiệm của mình (thường là nhẹ nhàng) và đá bóng.

 

Mỗi khi tập trung để tập luyện hoặc thi đấu cầu thủ được lãnh tiền “bồi dưỡng”, nhưng so với vật giá lúc ấy chẳng thấm thía vào đâu. Bởi vậy, khi có trận thi đấu quan trọng, những cầu thủ ở vị trí chính trong đội hình thường được móc nối để “bán độ”. Mỗi lần “bán độ” có thể được trả số tiền tương đương 6 tháng, có khi cả năm tiền lương nên trong hoàn cảnh nghèo đói vào thời điểm ấy cầu thủ rất thường bị “dính mồi”.

 

“Bán độ” là dùng vị trí, vai trò của mình trên sân để “giúp” đội đối phương thắng đội nhà. Đầu mối của nạn “bán độ” là bệnh thành tích và hám danh của các đơn vị - dùng tiền mua trận thắng cho đội mình để giữ hạng, lên hạng hoặc để lấy tiếng. Ngoài ra còn có hiện tượng cá độ trong bóng đá. Những tay “đánh cá” bỏ tiền ra “mua” cầu thủ đội đối phương để đội mình đặt tiền đánh cá giành phần thắng. Dĩ nhiên tiền đánh cá phải lớn hơn nhiều so với tiền bỏ ra để “mua” cầu thủ.

 

Với cách nhìn khôi hài của mình tôi cho rằng trong thơ cũng có “bán độ” như bóng đá nhưng có khác biệt. Trong bóng đá, cầu thủ cố ý “bán độ” để trục lợi, kiếm tiền, còn “bán độ” trong thơ là do thi sĩ vô tình, thiếu cái nhìn bao quát và, dĩ nhiên, bất vụ lợi.

 

 

Sau đây là vài kiểu “bán độ” trong bóng đá và thơ:

 

1/

 

Bóng đá:

 

Vô hiệu hóa chính mình, trở thành kẻ “dư thừa” trên sân.

 

Thơ:

 

Chữ hoặc câu (về mặt ý nghĩa) thừa, không cần thiết – có khi vướng víu dòng chảy của tứ thơ.

 

Thí dụ:

 

Em sẽ đến với tình yêu bằng nửa trái tim yếu đuối

Còn nửa kia, đành giữ lại để... nghi ngờ

Em sẽ không hề nghĩ đến mầm cây khi nhìn những giọt mưa

Có thể rồi sẽ quên cả màu của lúa

Quên bài địa lý quê hương, những miền nào đất đen đất đỏ

Sẽ nhọc nhằn khi định nghĩa chữ "dòng kênh"

(Nếu Không Có Ngày 30 Tháng Tư, Đinh Thị Thu Vân) (3)

 

Chữ “đành” không cần thiết. Không những thế, lại không hợp với câu thơ.

Chữ “chữ” không chính xác; phải nói “hai chữ” (hoặc “từ”) “dòng kênh” mới đúng. Nhưng tốt nhất là bỏ đi, để “dòng kênh” đứng một mình - vừa gọn, vừa hay.

 

2/

 

Bóng đá:

 

Gởi thơ nhầm địa chỉ; lúc đồng đội trống trải, nhận bóng là có thể ghi bàn thì lại chuyền bóng nhầm cho cầu thủ đối phương hoặc đá ra ngoài.

 

Thơ:

 

Câu thơ, đoạn thơ lẽ ra có quan hệ nhân quả thì lại … “trớt quớt”, trật bàn đạp.

 

Thí dụ:

 

Phiên khúc 2 của Lệ Đá ở trên.

 

3/

 

Bóng đá:

 

Lối đá của cầu thủ không “hợp lý”, không “ăn rơ” với đấu pháp toàn đội.

 

Thơ:

 

Thơ không phản ảnh đúng thực tế, làm nhẹ cảm xúc, giảm sức thuyết phục.

 

Thí dụ:

 

Tôi đứng bên này sông

Bên kia vùng giặc đóng

 

là 2 câu mở đầu trong bài thơ Nhà Tôi của Yên Thao.

Khi phổ nhạc bài thơ nhạc sĩ Anh Bằng sửa lại:

 

Tôi đứng bên này sông

Bên kia vùng lửa khói

 

Nhà Tôi là tâm trạng hồi hộp, lo âu của một người lính trước giờ nổ súng mà mục tiêu của trận đánh lại chính là ngôi làng bên kia sông, có căn nhà nơi những người thân yêu nhất của mình, bà mẹ già và cô vợ trẻ, đang cư trú.

 

Trước hết, đưa cụm từ “vùng lửa khói” vào không ăn khớp với thực tế trận địa; chưa nổ súng thì làm gì có “lửa khói!”

 

Hơn nữa, chi tiết làng tôi là “vùng giặc đóng” khiến việc đánh bật trại giặc để chiếm lĩnh mục tiêu trong một trận đánh có cả pháo binh sẽ rất nguy hiểm cho căn nhà và những người sống trong đó. Điều này làm nỗi lo của người lính thật hơn, khơi dậy nơi người đọc cảm xúc mạnh hơn. Anh Bằng đã làm tứ thơ dở đi rất nhiều khi thay cụm từ trên.

 

(Anh Bằng Sửa Thơ Yên Thao, Phạm Đức Nhì, Lời Bình Ngắn Tập 1) (4)

 

4/

 

Bóng đá:

 

Cầu thủ đá tung lưới đội nhà

 

Thơ:

 

Chữ, nhóm chữ hoặc câu thơ cản dòng chảy của tứ thơ.

 

Thí dụ:

 

Chăn trâu đốt lửa trên đồng

Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều

Mải mê đuổi một con diều

Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.

(Chăn Trâu Đốt Lửa, Đồng Đức Bốn)

 

Rạ rơm ít, gió lại nhiều, đốt lửa lên mà không luôn tay chăm sóc thì chỉ một loáng là lửa tắt; đàng này lại còn lo thả diều thì củ khoai chưa chắc đã chín chứ nói gì đến cháy thành tro. Câu “Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều” gây khó khăn, cản trở cho việc cảm nhận ý của câu kết “Củ khoai nướng để cả chiều thành tro”.

 

Học Ở Trường Đời

 

Tôi có may mắn được tiếp xúc với văn chương Anh Mỹ vừa ở trường lớp và vừa từ giao tiếp, trao đổi riêng với các bạn thơ người Mỹ ở ngoài đời. Có lần tôi (cùng với vài người khác) đến nhà một vị giáo sư đại học Mỹ, đã về hưu, dạy Literary Criticism (Phê Bình Văn Học). Tôi bám sát ông ta trò chuyện và, không bỏ lỡ cơ hội, đưa ra 2 câu hỏi (đã chuẩn bị sẵn):

 

1/ “What do you expect from a poetry review?” (Ông chờ đợi những gì ở một bài bình thơ?) Ông ta mở máy tính và in cho tôi một list gồm hơn 20 đề mục. Về nhà tôi vào Google gõ “How to write a poetry review?” hoặc “How to analyze a poem?” (Làm sao để phân tích một bài thơ?) thì cũng có một list tương tự. Thành ra câu hỏi của tôi chẳng mang lại lợi ích bao nhiêu. (5)

 

Rất may, đã có câu hỏi thứ 2 gỡ lại.

 

2/ “What makes or breaks a poetry review?” (Cái gì quyết định thành bại của một bài bình thơ?) Câu trả lời của ông ta là “How he or she looks at the coherence of the poem.”(Cách người viết đánh giá sự kết nối logic tổng thể, tính nhất quán của bài thơ.) Nhờ thế tôi biết người Mỹ (văn chương Anh Mỹ) rất coi trọng thế trận chữ nghĩa của bài thơ và việc vạch mặt để loại trừ bọn “bán độ” trong thơ, với họ, là rất cần thiết.

 

Một Chút Khác Biệt

 

Một bài thơ có tứ thơ mạch lạc, “dễ bắt”, thế trận hợp lý, gọn gàng – theo những người thích thơ ở Mỹ - có thể được coi là thành công. Thi sĩ đạt đến trình độ này, dĩ nhiên, khả năng sử dụng ngôn ngữ, hình tượng, câu cú để diễn đạt tâm trạng của mình cũng không đến nỗi tệ.

 

Tuy nhiên đó chỉ như sự thành công của đội bóng đã vượt qua vòng loại để bước vào vòng chung kết. Càng tiến xa bài thơ càng “được” xét nét tỉ mỉ hơn. Và một tiêu chí khác để phân định hay dở, cao thấp trong thơ, theo tôi, sẽ thu hút sự chú ý của những người bình thơ. Đó là vần và khả năng sử dụng vần để khơi dòng cảm xúc.

 

Ở điểm này, với ngôn ngữ đơn âm như tiếng Việt, việc gieo vần dễ dàng hơn nhiều. Nếu thi sĩ cao hứng, lại có tứ thơ hay, cảm xúc được vần nâng dắt sẽ dâng trào, đẩy cơn cao hứng của thi sĩ đến đỉnh điểm. Lúc ấy lý trí sẽ biến mất, lời thơ tuôn ra từ chỗ sâu thẳm nhất của tâm hồn, sẽ là những lời chân thật của “cái tôi đích thực"

 

 Lợi Ích

 

Với thơ Việt Nam, theo tôi, vạch mặt và loại trừ bọn “bán độ” trong thơ có những lợi ích sau đây:

 

1/ Bài thơ sẽ có thế trận hợp lý, tứ thơ nhất quán.

 

2/ Thông dòng suy tưởng, dòng chảy của tứ thơ, dòng cảm xúc (nếu có).

 

3/ Tiến gần đến mục tiêu mà một định nghĩa thơ đã đề ra: Best words, best order (từ hay, đúng chỗ - theo trình tự hợp lý nhất), tiếng Việt có từ rất tuyệt là “đắt”, “đắc địa”.

 

4/ Bài thơ có tính thuyết phục, dễ tạo được sự đồng cảm, đồng tình.

 

Kết Luận

 

Vạch mặt và loại trừ bọn “bán độ” trong bóng đá để giữ sự công bằng trong thi đấu, giữ nét đẹp trong sáng của môn thể thao vua trên thế giới. Nhà phê bình chỉ ra những chữ, nhóm chữ, câu, đoạn “bán độ” của bài thơ để thi sĩ rút kinh nghiệm, để những bài thơ sau tiến gần đến mục tiêu “best words, best order”, có tính nhất quán, có nét đẹp tổng thể, đạt được điều kiện cần để thi sĩ cùng bài thơ bước qua cánh cổng, ra con đường lớn đi về hướng “Bến Bờ Thì Ca”.

 

Và nếu may mắn – đang ở trong trạng thái cao hứng đến lạc thần trí – thi sĩ cùng bài thơ của mình sẽ đi đến đích.

 

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

 

CHÚ THÍCH:

 

1/ Phòng học của sinh viên, phòng để tra cứu và viết lách.

 

2/ http://nguyenquocdong.vnweblogs.com/a179271/vai-dong-ve-bai-hat-le-da.html

 

3/ https://vanhaiphong.com/tac-pham/1739-2015-04-20-14-04-51.html

 

4/ http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2016/08/loi-binh-ngan-tap-1.html

 

5/ http://www.iluenglish.com/how-to-analyse-a-poem-writing-poetry-reviews/                                                                                       









Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2017

BÀN THÊM VỀ "THI HÓA THÂN THÀNH HỌA"

                                                
                                                                
                       
Vài Lời Phi Lộ

Bạn FB của tôi, Nguyên Lạc, có bài thơ Quê Hương được nhà bình thơ Châu Thạch đưa vào làm một trong hai “tiêu điểm” trong bài viết Hai Bài Thơ Quê Hương – Hai Tâm Tình Khác Biệt (1). CT, nương theo tứ thơ, rồi bằng lối văn phân tích sở trường của mình, đã trao tặng độc giả một áng văn lý thú bàn đến hai tâm trạng khác nhau về quê hương.

Bình luận của một độc giả trên FB đã gợi hứng để tôi viết Khập Khiễng Hay Không Khập Khiễng? (2) góp thêm chút ít nhận xét về bài viết trên của CT. Nguyên Lạc, có lẽ chưa đồng ý với nhận xét của tôi, đã viết bài Nhân Đọc Phạm Đức Nhì “Khập Khiễng Hay Không Khập Khiễng?” (3) trong đó tôi chọn được mấy điểm liên quan đến văn chương và sẽ bàn luận với anh ở phần sau. Trước khi lấy lý lẽ để “choảng” nhau, chỗ bạn bè, xin được dùng phần đầu của bài viết để “trao đổi tâm tình”.

PHẦN 1: TÂM TÌNH VỚI NGUYÊN LẠC

Đau Thương Và Thù Hận

Tôi làm thơ từ khá sớm. Thời còn đi học chỉ là những bài thơ tình, vịnh phong cảnh. Viết xong để đó, rồi quên. Năm 1975, khác với nhiều người trong chính quyền và quân đội ở miền nam, được sống với người thân trong gia đình một thời gian trước khi trình diện cải tạo, tôi bị đưa vào trại tập trung ngay từ ngày đầu tiên. Lý do: Tôi bị kẹt ở Vũng Tàu sau khi đã quyết định ở lại, không theo đơn vị ra biển.

Tôi, người lính Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù
năm 75, 29 tháng tư
khi đoàn tàu chở đơn vị tôi
chuẩn bị rời Vũng Tàu hướng ra Đông Hải
thương cha mẹ già, đàn em dại
tôi bước lên bờ
ở lại quê hương

nhưng cha mẹ già chưa được gặp
cũng chưa thấy mặt đàn em
các anh, những người chiến thắng
súng dí sau lưng
đẩy tôi vào trại tập trung
(Bờ Vẫn Quá Xa, Phạm Đức Nhì, t-van.net)

Thế là ngay cả trước khi ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, tôi đã bị giam ở Trung Tâm Huấn Luyện Cảnh Sát Rạch Dừa rồi sau đó giải lên Long Khánh.

Và rồi hơn 8 năm trong trại cải tạo, cũng vì thơ, vì thái độ kiên cường bất khuất của người lính nhảy dù, tôi đã bị cùm kẹp, biệt giam và đặc biệt bị đánh đập tàn tệ nhiều lần. Họ đánh tôi – có lúc đánh hội đồng - bằng gậy sắt, báng súng, đá vào ngực, vào bụng bằng mũi giầy. Tôi đã ọc ra không biết bao nhiêu là máu trên bệ đá các xà lim. Mấy đốt xương sống bị dập, tôi bị liệt 2 chân, mất khả năng kiểm soát đường tiểu tiện, đại tiện và cả việc xuất tinh. Thằng “cu tí” lúc nào cũng như đầu ngón tay út và chỉ về hướng 6 giờ. Thân thể trai trẻ của tôi chỉ còn là bộ xương cách trí, nằm chờ chết.

Tháng 9 năm 1983 tôi được đặc biệt thả về vì lý do nhân đạo:

nhìn nhà dột cột lung lay
cha chết đọa đày
các em tứ tán
mẹ tuổi già sức yếu
vẫn dãi nắng dầm sương
tôi cắn răng lìa bỏ quê hương
tìm sự sống.  
(Bờ Vẫn Quá Xa, PĐN)

Tôi nhờ gặp được một vị sư châm cứu giỏi, tạm lành bệnh, vượt biên và bị bắt lại, giam ở Long An. Sau đó bị giải về trại Phan Đăng Lưu (Bà Chiểu, Gia Định) vì bài thơ Từ Ngục Tù Cộng Sản (4) và vì dính líu đến Nguyệt San Hợp Đoàn (viết và xuất bản trong tù). Cuối tháng 8/ 1988 kết cung, chuẩn bị ra tòa lãnh án thì cả nhóm (Vũ Ánh, Trần Danh San, Nguyễn Chí Thiệp, PĐN và nhiều người khác) - nhờ chính sách cởi mở của ông Nguyễn Văn Linh - được miễn tố và thả khỏi nhà tù. Tôi về quê cũ ở Hải Phòng sống lây lất bằng nghề dạy tiếng Anh đàm thoại cho mấy khách sạn ở Đồ Sơn. Sau mấy lần bị lừa, tôi vượt biên bằng thuyền buồm qua Hồng Kông thành công năm 1991 và đến Mỹ tháng 7/1993.

Sau 30 Tháng Tư: Một Quê Hương – Hai Tâm Tình Khác Biệt


Chúng ta hãy nghe nhà thơ nữ Đinh Thị Thu Vân (lúc ấy mới hơn 20 tuổi) bày tỏ tâm trạng của mình nếu không có ngày 30 tháng Tư:

Em sẽ đến với tình yêu bằng nửa trái tim yếu đuối
Còn nửa kia, đành giữ lại để... nghi ngờ
Em sẽ không hề nghĩ đến mầm cây khi nhìn những giọt mưa
Có thể rồi sẽ quên cả màu của lúa
Quên bài địa lý quê hương, những miền nào đất đen đất đỏ
Sẽ nhọc nhằn khi định nghĩa chữ "dòng kênh"
(Nếu Không Có Ngày 30 tháng Tư, ĐTTV) (5)

Theo chị, con người ở miền nam mà chị là đại diện, về mặt tinh thần, tệ hại đến như thế đấy. Và Nếu Không Có Ngày 30 Tháng Tư – như một phép màu cứu vớt – thì không biết họ còn đốn mạt đến mức nào?

Và đây là tâm trạng của Nguyên Lạc trước đổi thay của đất nuớc sau cái ngày “đáng nhớ” ấy:

Bao năm đời này vẫn nhớ
Xuân nao. thay đổi phận người!
Bể dâu. biệt ly. mong đợi!
Khổ đau thay thế nụ cười!

Khi một cán bộ cao cấp Cục Trại Giam đến trại cải tạo khoe khoang (bằng thơ), tôi nhớ và ghi lại được:

Sau 30 tháng Tư 75
cả thế giới hướng về Việt Nam
ca ngợi tấm lòng khoan hồng nhân đạo
tiềm ẩn trong chính sách cải tạo
đẹp như một đóa hoa
của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

thì nhiều năm sau đó tôi đã phải viết những câu thơ – có được do đã tận mắt chứng kiến việc thể hiện tấm lòng khoan hồng nhân đạo ấy - để trả lời:

Tôi có người bạn
đói lòng moi mấy củ khoai
các anh đập nát xương bàn tay
mãi mãi mang thương tật

Một người khác
lâu ngày thèm thịt
chụp vội con nhái bên đường
bỏ vào mồm nuốt chửng
báng súng AK các anh lao vào ngực, vào bụng
cho đến khi con nhái phòi ra
con nhái lúc vào màu xanh
lúc ra thành màu đỏ.
(Bờ Vẫn Quá Xa, PĐN)

Rõ ràng chỉ có một quê hương nhưng do đứng ở vị trí khác nhau, nhìn ở góc cạnh khác nhau nên con người có suy nghĩ và tâm trạng khác nhau như thế đấy.

Nguyễn Bính Và Chân Quê

Xin mượn bài thơ Chân Quê để giải thích rõ hơn. Thi sĩ Nguyễn Bính của chúng ta cũng đứng hẳn về một phe – phe bảo vệ truyền thống, giữ nét chân quê - để “đấu” với phe bên kia:

Nào đâu cái yếm lụa sồi? 
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân? 
Nào đâu cái áo tứ thân? 
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen? 

Nói ra sợ mất lòng em 
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa 
Như hôm em đi lễ chùa 
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh! 

Phe bên kia – phe “tân thời”, chạy theo “mốt” mới – không có mặt trên chiến trường nên NB “một mình một chợ” bày tỏ quan điểm của mình.

Theo tôi, còn một phe nữa – không khư khư truyền thống cũng không nhất quyết tân thời. Họ tùy theo tình trạng tài chánh, hoàn cảnh xã hội, quan niệm thẩm mỹ và vóc dáng cơ thể để chọn thời trang (quần áo) cho riêng mình. Chính vì không lệ thuộc, không bị kẹt vào một trong hai phe đối kháng nên cách nhìn của họ cởi mở hơn, việc chọn lựa áo quần, thời trang của họ dễ phù hợp hơn.

Anh Nguyên Lạc thân mến,   

Nói thế để anh thấy rằng, tôi cũng như anh, sau cái mốc 30 tháng Tư 1975, nghĩ về quê hương không “đơn giản” như ĐTQ mà tim đau nhói, tâm hồn trĩu nặng. Anh với tôi đã đứng hẳn về một phía của một vấn đề hai mặt, đối đầu với phía bên kia. Tôi khác anh ở chỗ máu sôi lên vì căm hận, mắt rực lửa căm thù.  Thơ của chúng ta, nếu nhìn kỹ, đã có một chữ Xạo to tổ bố, lúc ẩn, lúc hiện trên trang giấy. Không phải chúng ta không thật lòng trong lúc làm thơ mà vì chúng ta viết với tâm thế ngả nghiêng, còn tranh cạnh hơn thua, còn để tư ý, tư dục vụn vặt che mờ chỗ lẽ ra mình nên để hết tâm hồn vào.

ĐTQ – chưa nói đến tài thơ – đã hơn hẳn anh với tôi ở cái tâm thế chính trực, nhìn quê hương chỉ thấy quê hương là quê hương, không có những tư ý, tư dục lợn cợn khác. Chính vì thế quê hương của ĐTQ đẹp hơn quê hương của chúng ta. Cái quê hương ấy có lý tưởng đến mức không thể có thật hay không? Tôi sẽ bàn ở phần sau.

Đọc đến đây xin anh NL và bạn đọc đừng vội lên án tôi tuyên truyền cho chính sách này, chủ trương kia của chính phủ Việt Nam. Nếu bây giờ có ai hỏi tôi “Muốn sống dưới một chế độ độc tài hay ở một đất nước tự do?” Tôi sẽ hét đến bung lá phổi của mình: Tự Do! Tự Do! Và nếu đất nước tôi có một chính phủ, một hiến pháp bảo đảm (thực sự, không phải bằng lời) một số quyền căn bản của công dân, tôi sẽ chẳng luyến tiếc gì cái mảnh đất tạm dung này (dù vẫn đội ơn những người đã dang tay đùm bọc mình) mà bay thẳng về Sài Gòn.

Ồ! Giá trường em giờ có thầy giáo mới
em sẽ chạy về ngay
không để lỡ một ngày, một buổi
ngồi vào hàng ghế ngày xưa
thầy đang dạy những câu hát mẹ ru
còn em
háo hức chờ đến giờ tập vẽ.
(Tập Vẽ, PĐN)

Duyên Kỳ Ngộ Trong Tù

Ở Phan Đăng Lưu tôi bị tra vấn khoảng 6 tháng. Sau khi kết cung, nằm xà lim biệt giam thêm 3 tháng nữa thì được chuyển qua tập thể (phòng 4 khu C1). Nơi đây tôi may mắn được xếp nằm gần một vị sư vào tù vì “in kinh trái phép”. Mặt thầy hiền hòa, phúc hậu, đôi mắt đầy uy lực đã chiếm trọn cảm tình của tôi từ phút ban đầu. Đến ngày hôm sau là tôi đã lê la qua chỗ nằm của thầy để cà kê hỏi chuyện đạo pháp. Nằm xà lim 9 tháng, không được chuyện trò với ai nên khi thầy vừa hỏi câu xã giao đầu tiên là tôi đã “cởi mở hết tâm tình”. Khi biết tôi bị giải về trại này vì bài thơ và viết báo trong tù, thầy bảo tôi đọc bài thơ cho thầy nghe. Nghe xong bài thơ đó và mấy bài thơ khác nữa thầy nói với tôi:

“Lòng con chất đầy đau thương và thù hận, chắc là nặng nề và mệt mỏi lắm. Nếu con muốn, thầy sẽ giúp cởi bớt mớ dây trói buộc ấy cho con.”

Và thế là thầy đã khai ngộ, hóa giải hận thù để từ một Phạm Đức Nhì với tâm tình và cung cách làm thơ:

Có một thời bị đọa đày hành hạ
thơ của tôi rực lửa căm thù
máu và nước mắt
ướt đẫm những trang thơ
nực mùi tử khí

Thơ cũng rất đậm màu chính trị
Màu này thật dễ thương
còn màu đó “thấy mà ghê”
ôi ! Đẹp quá phe mình
còn phe bên kia
phải chọn góc nhìn để chỉ thấy toàn điều xấu.
(Yêu Thơ Nên Phải Hết Lòng Với Thơ, Phạm Đức Nhì, t-van.net)

tôi đã có thể đến gần ĐTQ - nhìn QH chỉ thấy QH là QH chứ không mang vào tư ý, tư dục để phải đứng ở một phía của vấn đề hai mặt. Mới đây, nhờ một bạn FB, tôi đã liên lạc được với thầy ở Việt Nam. Trong thư đầu tiên tôi viết thăm thầy có đoạn: 

Con viết thơ này cũng để cám ơn thầy. Duyên gặp gỡ thầy (ở trại giam Phan Đăng Lưu) là một may mắn lớn cho đời con. Trước đó con đã chịu nhiều tra tấn, cực hình, đày đọa nhưng bây giờ nhìn lại, con thấy chịu đựng tất cả những đau đớn ấy để được gặp thầy cũng là xứng đáng. Nói theo ngôn ngữ người đời là vẫn có lời.

Lúc ấy, nhờ hoàn cảnh tù đày, không phải lo “vợ đẻ, con đau, nhà nước ngập” tôi đã chú tâm hành thiền và đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Tôi đã nhận biết được sự vận hành của tâm mình để từ đó - chỉ riêng ở lãnh vực văn chương - có thể phần nào cảm được sự chân thật (hay dối trá), “bắt” được cảm xúc và thấy được hồn thơ của các tác giả khác, điều mà các bạn Mỹ của tôi, đọc thơ theo cách của Tây Phương khó thấy được. Tôi đã kết bạn chân tình với các nhà thơ, nhà văn cả ở hải ngoại và trong nước. Những câu thơ, những bài văn của tôi giờ đã vắng bóng lửa máu, hận thù mà ngày càng nhiều tiếng nói yêu thương, càng thêm tính nhân bản.

                                                                        
PHẦN 2: BÀN THÊM VỀ “THI HÓA THÂN THÀNH HỌA”

Nhét Chữ Vào Tranh

“Thi hóa thân thành họa” có nghĩa là ngôn ngữ thơ đã hoàn toàn tan biến (hóa thân) vào bức tranh. Để bạn đọc dễ hình dung được tiến trình ấy tôi tạm dùng hành động “nhét chữ vào tranh” – đưa lý thuyết vào thực tế.

Truờng hợp 2 câu thơ của Nguyên Sa:

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông.

Bưc tranh chàng trai đi bên người yêu mặc áo lụa Hà Đông giữa nắng Sài Gòn hiện ra rõ ràng trước mắt người đọc. Riêng chữ “mát” (và nhóm chữ đi chung để hỗ trợ nó) bạn có cố nhét vào bức tranh nó cũng bật ra vì họa sĩ tài cách mấy cũng không thể vẽ được cái cảm giác “chợt mát” của chàng trai. Chính vì thế, đây chỉ là “thi trung hữu họa” chứ chưa đến mức “thi hóa thân thành họa”.

Cũng tương tự như 2 câu của ĐTQ:

Quê hương là dòng sữa mẹ
Thơm thơm giọt xuống bên nôi

Hình ảnh “dòng sữa mẹ thơm thơm giọt xuống bên nôi” (đã dòng mà còn giọt!) có ý muốn nói nhỏ giọt vào miệng con (cách diễn tả này hơi vụng) cũng là 2 câu “thi trung hữu họa”.  Hai chữ “thơm thơm” là mùi hương nên nếu nhét vào tranh sẽ bị bật ra. Hai câu thơ chưa đến mức “thi hóa thân thành họa”

Và sau đây là 2 câu thơ nổi tiếng của văn học Trung Hoa:

Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc
(Đằng Vương Các Tự, Vương Bột)

Dịch nghĩa:
Ráng chiều rơi xuống cùng cánh cò đơn chiếc đều bay
Làn nước sông thu với bầu trời kéo dài một sắc
(Trần Trọng San)

Đọc lời thơ đến đâu, bức tranh với những chi tiết của nó hiện ra đến đấy. Đọc hết 2 câu thơ các con chữ đã chui tọt vào và tan biến trong bức tranh (không một chữ nào thừa bị bật ra). Những câu thơ “siêu” như thế này sẽ tự động thấm vào hồn người đọc mà không cần đến một mảy may sự “gạn đục khơi trong” của lý trí. (2)

Lời Ca Khúc Quê Hương (GVT phổ từ BHĐCC)

Ca khúc Quê Hương có 4 đoạn. Ba đoạn đầu gồm 6 đôi câu, mỗi đôi khắc họa một khung cảnh quê hương:

1/

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày

Các con chữ đã chạy vào và tan biến để hóa thành bức tranh trẻ con (có thể một, có thể nhiều) đang trèo hái khế. Không có chữ nào không tan hết, phải bật ra. Đây là bức tranh thơ về quê hương đơn sơ, rất gần gũi, rất thật, và rất đẹp.

2/

Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay

Bức tranh thơ trẻ tan học trên đường về nhà, rợp bướm vàng bay.

3/

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng

Bức tranh thơ trẻ con thả diều trên đồng.

4/

Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

Bức tranh thơ vẽ cảnh con đò nhỏ nhẹ nhàng đưa mái chèo ở ven sông. Đây là bức tranh có chút “lấn cấn”. Từ “khua nước” vừa tượng thanh (tiếng nước kêu róc rách) vừa tượng hình (động tác đưa mái chèo); nhờ phần tượng hình nó đã chui tọt vào và trụ lại được trong bức tranh; phần tượng thanh được ăn theo nên không bị “trục xuất”. Cho nên theo tôi, “khua nước” tưởng là điểm yếu nhưng thật ra là nét độc đáo của 2 câu thơ. Điểm dễ đưa đến tranh cãi là từ “êm đềm” - một trạng từ phải cần lý trí để hiểu nghĩa. Tôi có hỏi một người bạn họa sĩ thì được anh cho biết “Tôi có thể vẽ bức tranh theo đúng ý của 2 câu thơ mà không có chữ nào bị bật ra hết. Lúc đó “êm đềm” sẽ tự động được hiểu là ‘lững lờ’ hay nhẹ nhàng, và 2 câu thơ vẫn là một bức tranh thơ tuyệt đẹp.”

Tôi xin chờ cao kiến của những người yêu thơ, đặc biệt là các bạn có am hiểu về hội họa.

5/

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che

Bức tranh thơ mẹ che nón lá nghiêng nghiêng, bước qua cầu tre nhỏ về nhà.

6/

Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài hè.

Bức tranh thơ “hoa cau rụng trắng ngoài hè” trong đêm trăng sáng.

Đoạn cuối 4 câu:

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người.

Tôi xin bỏ qua những bàn cãi có tính chính trị, để chỉ nói đến hiệu ứng văn chương.

Ngay khi câu thơ:

Quê hương mỗi người chỉ một

xuất hiện, lý trí đã quay lại để làm nhiệm vụ của nó (xem có đúng là “mỗi người chỉ một” không), và cuộc đối thoại bằng Tiếng Người Chân Thật đã chấm dứt. Tôi cho đoạn cuối dở là dở ở chỗ đó.


Ông Đồ của Vũ Đình Liên

Bài thơ Ông Đồ là thể thơ 5 chữ, có 5 đoạn, mỗi đoạn 4 câu:

1/

 Mỗi năm hoa đào nở
 Lại thấy ông đồ già
 Bày mực tàu, giấy đỏ
 Bên phố đông người qua

Bức tranh nhìn từ xa: đám đông vây quanh một ông già mặc áo chùng thâm, đội khăn đóng (ông Đồ) đang lúi húi viết; mặt ông Đồ và những người vây quanh đều lờ mờ, không rõ nét. Đây đó một vài cây đào đang nở hoa, báo hiệu xuân sang, tết đến.

2/

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay

Bức tranh cận cảnh: cũng đám đông vây quanh ông Đồ, mặt tươi vui, chú tâm theo dõi nét bút (lông) của ông trên giấy đỏ; có người miệng đang nói, tay chỉ vào những chữ ông Đồ viết, tỏ ý khen ngợi. Ở đây từ “tấm tắc” tượng thanh, nhưng theo người bạn họa sĩ, nó cũng có phần tượng hình. Nhờ phần tượng hình, không những nó có thể trụ lại trong bức tranh mà - thêm phần tượng thanh - còn làm bức tranh sống động hơn.

3/

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu

 Bức tranh nhìn hơi xa: ông Đồ ngồi trên chiếu, bên cạnh là xấp giấy màu đỏ (nhạt hơn màu giấy ở bức tranh 2), bút lông và lọ mực chỉ còn một ít mực đọng ở cuối lọ. Chỉ có 1, 2 người thờ ơ đứng xem, không ai thuê viết.

4/

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Bức tranh nhìn gần hơn một tý: ông Đồ vẫn ngồi trên chiếu dưới mưa phùn lất phất, bên cạnh lờ mờ xấp giấy đỏ, bó bút lông và lọ mực. Người đi đường qua lại không ai đến gần chiếc chiếu của ông Đồ. Cảnh thật tiêu điều.

5/

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Hai câu đầu vẽ lên cảnh khu đất mọi năm ông Đồ thường ngồi, nay không thấy chiếc chiếu và ông Đồ nữa. Hai câu cuối đã bắt lý trí phải quay lại làm việc. Cuộc đối thoại bằng Tiếng Người Chân Thật đã chấm dứt.

Nếu hai câu cuối có vóc dáng khác – không mở cửa cho lý trí bước vào - Ông Đồ đã là một bộ truyện tranh thơ lịch sử “vô tiền khoáng hậu”. Nhưng chỉ với hình hài như thế bài thơ đã chiếm một vị trí trang trọng trong văn học sử Việt Nam.

Trao Đổi Với Nguyên Lạc.

Bài phản biện của NL dài, nhiều thông tin nhưng hơi luộm thuộm. Tôi chọn ra 3 điểm liên quan đến văn chương để trao đổi với anh:

1/

Cái quê hương đẹp lý tưởng không thể nào có thật, so với quê hương của đời thường mọi người sống qua.  Nó có vui / buồn, ngọt ngào / đắng cay, hạnh phúc / khổ đau…
Đối với tôi, vẻ ĐẸP LÝ TƯỞNG quá sẽ không có thật ở trên đời. Cái vẻ đẹp LÝ TƯỞNG không thực giống như bức tượng / tranh giai nhân, đẹp toàn bích, nhưng dù gì cũng là vật chết. Nó được trưng bày trong phòng Triển lăm, trong Cung đình, trong phòng các đại gia..  Người bình thường chỉ được ngắm, không được đụng chạm.  Đâu bằng người nữ đẹp bình thường, đời thường; ta có thể ôm ấp vuốt ve và vui vẻ hoặc khóc hận cùng nàng.

Anh Nguyên Lạc chắc cũng thấy khi thơ đã tan biến trong tranh thì nó rất THẬT, thật hơn những câu thơ của anh (vẫn còn bóng dáng của lý trí) nhiều lắm. Nó không phải là cái đẹp lý tưởng chỉ có trong óc tưởng tượng của con người mà là cái đẹp giản dị và gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Điều này phải thực chứng - đọc để thấy tranh hiện ra trước mắt mình.


2/

Bài thơ “Bài học đầu cho con” – Đỗ Trung Quân làm khoảng đầu thập niên 80, (Đỗ Trung Quân,  Năm 1976, ông tham gia phòng trào thanh niên xung phong) ông bắt buộc phải “tô hồng” quê hương vì CÁI TÔI TEO CHIM thôi, nếu không muốn bị trù dập. Thật sự lúc đó quê hương đang “te tua”.
Bà mẹ tôi hàng ngày chèo ghe con, dấu từng ký gạo, từng miếng dừa sấy đi bán kiếm tiền nuôi con;  đã khóc ngất khi bị tụi quan thuế tịch thu, do chính sách “ngăn sống cấm chợ”. Có những chị phải quấn giấu trong bụng, quanh đùi trong quần từng ký thịt heo (lợn); cũng đã khóc van lại, nhưng vẫn không được tha bởi tụi quan thuế. Thế mà QUÊ HƯƠNG của ĐTQ tô hồng đẹp đẻ như thế! Than ôi!

Nếu nói “tô hồng” thì phải nhắc đến Nếu Không Có Ngày 30 Tháng Tư của ĐTTV. Dưới ngòi bút bay bướm của chị, khuôn mặt của chế độ đang nhợt nhạt, tái mét bỗng trở nên sáng tươi, đỏ chói. Có điều chị tô bằng nước sơn giả nên chỉ một thời gian ngắn, nó lại “Vũ Như Cẩn”. (6)

Đọc 2 câu cuối của bài thơ:

Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người

rồi lại đọc Tạ Lỗi Trường Sơn cùng một số bài thơ khác của ĐTQ đăng trên Tiền Vệ, tôi cũng “nóng gà” viết “Quê Hương - Kẻ Đi Người Ở” trong đó có mấy câu “đá giò lái”:

Ngày xưa anh hát
“Quê hương là chùm khế ngọt”
Sao bây giờ
cắn quả khế nào anh cũng che mặt bảo chua.
Có phải tại ngày xưa khế chua
nhưng muốn được lòng người anh yêu, anh nói bừa là khế ngọt?
Hay tại sống với kẻ vô tình
lâu rồi khế ngọt cũng thành chua? (7)



Sau đó tình cờ đọc bài Nhà Thơ Đỗ Trung Quân Và Ca Khúc Quê Hương trong đó Mặc Lâm của đài Á Châu Tự Do (RFA) phỏng vấn nhà thơ về bài thơ Bài Học Đầu Cho Con của anh. Xin được trích một đoạn:

Mặc Lâm: Thưa anh Đỗ Trung Quân, xin thứ lỗi nếu tôi nói không chính xác vì thật ra bài thơ còn một câu cuối nữa mới thành khổ thơ tứ tuyệt, tức là bốn câu, vì anh chỉ đọc có ba câu mà thôi. Trong nhạc phẩm "Quê Hương" do nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ từ bài thơ này có hai câu cuối là: Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người....Xin anh cho biết đâu là nguyên bản...

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Dạ. Thưa anh và thưa quý vị, bài thơ này được đăng lần đầu vào năm 1986, xuất xứ của nó là hồi đó tôi đề tặng bé Quỳnh Anh. Quỳnh Anh là con của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bây giờ. Khi tôi đề tặng thì Quỳnh Anh mới chỉ được một tuổi thôi. Tôi đăng lần đầu năm 1986 ở báo Khăn Quàng Đỏ. Khi đăng bài này thì người biên tập có bỏ một vài đoạn và thêm một đoạn, đúng ra là một câu, cái câu cuối cùng. Những người biên tập bài này là chị Việt Nga, con của nhà thơ Lê Giang. Chị Việt Nga thì cũng đã mất vị bạo bệnh. (8)

Vâng! Đọc xong đoạn phỏng vấn trên tôi mới biết mình lầm, trách oan ĐTQ và đối xử không công bằng với Bài Học Đầu Cho Con. Qua bài thơ, ĐTQ - với tâm thế chính trực – nhìn quê hương chỉ thấy quê hương là quê hương nên bài thơ của anh Thật, không có sự “tô hồng”. 

3/

“Cọng rau muống” này là cảm xúc thật sự cuộc đời của riêng tác giả về cuộc “dâu bể” của quê hương, không có sự gian dối trong này. “Cọng rau muống” (cảm xúc, CÁI TÔI ĐÍCH THỰC) càng bò dài càng tốt, phải đưa hết cảm xúc riêng mình ra. Chẳng thà nó bò dài, đâm nhiều ngọn con, cho người bình thường ngắt đem nấu canh chua, bóp dấm chanh …nhậu với “nước mắt quê hương” (rượu đế); “cọng rau muống” vẫn còn sống. Còn hơn là dùng DAO (thủ pháp thơ, thuật ngữ, tu từ.v.v…nói chung là CÁI TÔI LÝ TRÍ) để chặt khúc, chọn lọc (Đưa lên tầm cao: high class) bỏ vào keo, thêm hương vị, chất đổi màu (để trông đẹp hơn) thành DƯA, rồi dán nhãn đem bán hoặc biếu cho thiểu số đặc quyền nhậu với Champagne, XO. Tui không muốn như vậy. Lại nữa khi bị chặt, cọng rau muống sẽ chết.

Câu nói của NL:

“Cọng rau muống” này là cảm xúc thật sự cuộc đời của riêng tác giả về cuộc “dâu bể” của quê hương, không có sự gian dối trong này.

Cứ cho rằng NL nói thật tình đi, nghĩa là anh viết bài thơ trong lúc cao hứng, cảm xúc xốn xang, rộn ràng trong tâm hồn. Nhưng cảm xúc trong lòng mạnh như dâng sóng là một chuyện, có đưa được cái khối cảm xúc ấy vào trong thơ, lại là chuyện khác. Chẳng ai khờ khạo đến độ dựa vào phát biểu của tác giả (như của NL) để đánh giá mức độ cảm xúc trong một bài thơ.

Theo tôi, cách tốt nhất là dựa vào văn bản. Ngôn ngữ thơ và cấu trúc câu thơ cho ta cảm xúc ở tầng 1. Thế trận toàn bài cho ta cảm xúc ở tầng 2. Còn một thứ cảm xúc khác - thứ cảm xúc cao cấp nhất, đem khoái cảm nhiều nhất cho người đọc - nằm ở tầng 3. Nó là “luồng hơi nóng” không phải từ các con chữ của bài thơ mà hình như tỏa ra từ giữa những hàng kẻ. Người đọc không thể “bắt” nó bằng lý trí mà phải cảm nó bằng tâm hồn. Nếu thi sĩ khéo léo khơi dòng (bằng kỹ thuật thơ) thì đến một lúc nào đó, tứ thơ đến cao trào, chúng ta sẽ có hồn thơ.

“Cộng rau muống” của Nguyên Lạc dài; dĩ nhiên dài không phải là cái “tội”, nhưng dài quá, có nhiều đoạn nó lại đâm nhánh, chẳng có ai hái nấu canh chua hoặc bóp dấm chanh nên nhánh này dính với nhánh kia làm nghẽn dòng chảy của tứ thơ. Với thơ, “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Thi sĩ, không phải chỉ nghĩ ra mà còn có nhiệm vụ sàng lọc, tuyển chọn để đưa vào bài thơ những chữ, những hình ảnh, những câu thơ đắt nhất, đẹp nhất, kết hợp với nhau bằng một thế trận hiệu quả nhất để làm thông dòng chảy cảm xúc, nổi bật tứ thơ. Nếu muốn ăn món rau muống nấu canh chua hoặc bóp dấm chanh hãy chọn hái những ngọn rau thật xanh non chứ đừng chơi nguyên chùm, nguyên bó, cả gốc lẫn rễ, cả cộng mẹ lẫn cộng con. Thực khách cho vô miệng phải nhả ra thì … kỳ lắm.
    
Tóm lại, bài thơ QH của NL và Quê Hương - Kẻ Đi Người Ở của tôi trước đây, so với ĐTQ còn thua kém 2 điểm: Một là, tâm thế ngả nghiêng nên chưa nhìn QH để chỉ thấy QH là QH. Hai là, thơ chưa nén đến mức hóa thân thành tranh. Riêng QH của NL còn mắc thêm một số khuyết điểm (về kỹ thuật thơ) tôi đã bàn trong bài Khập Khiễng Hay Không Khập Khiễng?

Kết Luận

“Thi hóa thân thành họa” hay “thơ tan biến thành tranh” là một tuyệt chiêu trong thi ca. Thơ ở đây cô đọng đến mức không thể cô đọng hơn được nữa để có thể ẩn mình trong tranh. Đọc đến đâu từng chi tiết của bức tranh hiện ra đến đấy. Lý trí được mời đi chỗ khác chơi vì người đọc có thể cảm nhận tứ thơ mà không cần đến nó - đúng ra là không cần đến cái tài (mà với thơ lại là cái tật) “gạn đục khơi trong” của nó. Loại được lý trí, tác giả và người đọc có thể đối thoại với nhau bằng Tiếng Người Chân Thật – nghĩa là tác giả đã ban cho người đọc một ân huệ, trong khoảng thời gian thả hồn vào bài thơ, được trở lại với “cái tôi đích thực”, được là Con Người (viết hoa) của mình.

Xin các bạn đọc giỏi chữ Hán bỏ lỗi cho tôi; tôi biết “thi hóa thân thành họa” là một cụm từ “hổ lốn”, Hán Nôm lẫn lộn. Nhưng tôi khoái từ “hóa thân” vì nó rõ nghĩa hơn từ “tan biến”. Hơn nữa, tôi đã dùng cụm từ này trong khá nhiều bài viết trước. Rất mong được thông cảm.

Cũng xin cảm ơn anh Nguyên Lạc. Nhờ bài phản biện của anh mà tôi có cớ, có cơ hội tán rộng thêm một đề tài về lý thuyết thơ mà tôi nghĩ rất bổ ích cho người đọc thơ. Bàn đến thơ, giữa anh và tôi vẫn còn nhiều khác biệt. Đó là chuyện thường tình. Qua điện thọai anh có nói với tôi một câu:

“Nói về thơ, tôi với anh còn chỗ này chỗ kia không giống nhau; nhưng đừng vì những khác biệt ấy mà để sứt mẻ tình bạn quý giá của chúng ta”

Tôi rất khoái câu nói đó của anh, anh Nguyên Lạc ạ.

Phạm Đức Nhì
phamnhibinhtho.blogspot.com

CHÚ THÍCH:




4/ Một bạn tù được thả trước tôi đã khâu bài thơ vào lưng áo kaki mang về nhà. Sau đó không biết vì lý do gì anh bị bắt lại cùng với bài thơ. Anh bị đưa ra tòa và lãnh án 12 năm. Anh đã không khai tên tác giả nhưng một người tù khác (cộng tác với Công An TP HCM) đã chỉ điểm và Sở Công An đã xuống tận Nhơn Hòa Lập (Long An) giải tôi về Phan Đăng Lưu. Anh bạn tù mang bài thơ về nhà hiện định cư ở Florida, USA.


6/ Vẫn như cũ (nói lái)

 7/ http://t-van.net/?p=8203