Thứ Năm, 12 tháng 5, 2022

THI PHÁP BÀI THƠ “THÁNG NĂM TÔI ĐI TÌM TÔI”

 


THI PHÁP BÀI THƠ “THÁNG NĂM TÔI ĐI TÌM TÔI”

 

Tháng Năm tôi đi tìm tôi

nắng phơi đồi Tăng Nhơn Phú

tôi lạc tôi giữa trận đời

Sai Gòn tháng Tư thất thủ

 

Tháng Năm tôi đi tìm tôi

ngẩn ngơ phố phường hoang mạc

dã thú biết nói tiếng người

tôi và, tôi như kẻ khác

 

Tháng Năm tôi đi tìm tôi

giữa dòng thác say chiến thắng

xôn xao rộn rã tiếng cười

bóng tối chập chờn thinh lặng

ngỡ tôi mà, không phải tôi

 

Tháng Năm tôi đi tìm tôi

qua từng cơn say bão nắng

bên một góc khuất reo vui

những người chiến binh bại trận

mềm môi hát khúc ly bôi

nâng chén tình quên oán hận

cũng may, tôi tìm được tôi

Tháng Năm tôi, tôi với tôi!

 

Đồi Tăng Nhơn Phú, trưa tháng Năm

 

 

NHẬN XÉT THI PHÁP

 

1/ Nhất Khí Liền Mạch hay Phân Mảnh Đứt Đoạn?

Thoạt nhìn thì thấy Tháng Năm Tôi Đi Tìm Tôi thuộc phe Kiếm Tông - phân mảnh đứt đoạn. Bài thơ có 21 câu được chia làm 5 đoạn: Đoạn 1 và đoạn 2 mỗi đoạn 4 câu, đoạn 3 và đoạn 4 lần lượt 5 câu và 8 câu.

Những mảnh tâm trạng bám vào 4 câu chủ đạo của mỗi đoạn (Tháng năm tôi đi tìm tôi) lần lượt buông tay để rơi xuống dàn trải thành tứ thơ - tuy không chảy thành dòng nhưng cũng gần gũi chứ không đến nỗi xa cách.

2/ Vần:   

Vần chân (cước vận) gieo gián cách (1/3, 2/4) - điệp vận vô lối, không mục đích vần (ôi, ui, ươi …) từ đầu đến cuối, vần quá ngọt đến mức nhàm chán.

Một Ưu Điểm Đặc Biệt: Ở 2 đoạn cuối

Tháng Năm tôi đi tìm tôi

giữa dòng thác say chiến thắng

xôn xao rộn rã tiếng cười

bóng tối chập chờn thinh lặng

ngỡ tôi mà, không phải tôi

 

Tháng Năm tôi đi tìm tôi

qua từng cơn say bão nắng

bên một góc khuất reo vui

những người chiến binh bại trận

mềm môi hát khúc ly bôi

nâng chén tình quên oán hận

cũng may, tôi tìm được tôi

Tháng Năm tôi, tôi với tôi!

Điệp vận liên tục 13 câu khiến những mảnh tâm sự về cuối được đánh phấn tô son, làm nỏi bật một cách khéo léo

 

3/ Dòng Âm Điệu:

Không có dòng âm điệu

 

4/ Nhịp Điệu:

Mỗi câu 6 chữ cố định nên nhịp điệu đều đều tẻ nhạt – làm tăng độ nhàm chán của vần.

 

5/ Ngôn Ngữ Hình Tượng:

Ngôn ngữ hình tượng đời thường, đẹp, dễ hiểu, câu cú gọn gàng, không sai sót. Ba câu cuối của 3 đoạn sau không thuộc loại “dễ tiêu” nên lý trí phải xuất hiện nhưng “giải quyết” cũng không khó lắm.

Không có mô gò cản đường.

 

6/ Vờn Bóng Giữa Sân:

Không vờn bóng giữa sân mà “chậm rãi” nhắm “điểm đến của tứ thơ” từ từ bước tới.

 

7/ Tâm Thế:

Share feelings with them - Mở lòng tâm sự với độc giả.

 

8/ Dòng Cảm Xúc:

Không có dòng chảy của tứ thơ.

Không có dòng âm điệu

Không có dòng cảm xúc.

 

Cảm xúc tầng 1 (ngôn ngữ, hình tượng, câu cú, các biện pháp tu từ) khá mạnh.

Cảm xúc tầng 2 (bố cục, thế trận) cũng khá mạnh.

 

Không thể có cảm xúc tầng 3. Không thể có hồn thơ.

 

Tóm lại, bài thơ không thành công lắm về mặt thi pháp.

 

Phạm Đức Nhì

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét