Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

TẠ LỖI TRƯỜNG SƠN


Tạ Lỗi Trường Sơn (1982)

 

Xin trích mấy đoạn:

 

Các anh đến

Và nhìn Sài Gòn như thủ đô của rác

Của xì ke, gái điếm, cao bồi

Của tình dục, ăn chơi

“Hiện sinh – buồn nôn – phi lý!!!”


Các anh bảo con trai Sài Gòn không lưu manh cũng lính ngụy

Con gái Sài Gòn không tiểu thư khuê các, cũng đĩ điếm giang hồ

Các anh bảo Sài Gòn là trang sách “hư vô”

Văn hóa lai căng không cội nguồn dân tộc

Ngòi bút các anh thay súng

Bắn điên cuồng vào tủ lạnh, ti vi

Vào những đồ tiêu dùng mang nhãn Hoa Kỳ

Các anh hằn học với mọi tiện nghi tư bản

Các anh bảo tuổi trẻ Sài Gòn là “thú hoang” nổi loạn

Là thiêu thân ủy mị, yếu hèn

Các anh hùa nhau lập tòa án bằng văn chương

Mang tuổi trẻ Sài Gòn ra trước vành móng ngựa!!!

 

 

Và khi ấy

Thì chính “các anh”

Những người nhân danh Hà Nội

Các anh đang ngồi giữa Sài Gòn bắt đầu chửi bới

Chửi đã đời

Chửi hả hê

Chửi vào tên những làng quê ghi trong lí lịch của chính mình

Các anh những người nhân danh Hà Nội sợ đến tái xanh

Khi có ai nói bây giờ về lại Bắc!!!

 

 

 

Bây giờ

Những đứa con đang tự nhận mình “trong sạch”

Đang nói về quê mẹ của mình như kẻ ngoại nhân

Các anh

Đang ngồi giữa Sài Gòn nhịp chân

Đã bờm xờm râu tóc, cũng quần jean xắn gấu

Cũng phanh ngực áo, cũng xỏ dép sa bô

Các anh cũng chạy bấn người đi lùng kiếm tủ lạnh ti vi, casette, radio...

Bia ôm và gái

Các anh ngông nghênh tuyên ngôn ”khôn và dại”

Các anh bắt đầu triết lý “sống ở đời”

Các anh cũng chạy đứt hơi

Rượt bắt và trùm kín đầu những rác rưởi Sài Gòn thời quá khứ

Sài Gòn 1982 lẽ nào...

Lại bắt đầu ghẻ lở?

 

 

Tội nghiệp em

Tội nghiệp anh

Tội nghiệp chúng ta những người thành phố

Những ai ngổn ngang quá khứ của mình

Những ai đang cố tẩy rửa “lí lịch đen”

Để tìm chỗ định cư tâm hồn bằng mồ hôi chân thật (6)

 

 

Đỗ Trung Quân viết Tạ Lỗi Trường Sơn với tâm thế của dân Sài Gòn (miền nam) nên dù đã từng đi TNXP, từng khoác áo bộ đội giọng thơ cũng vẫn nặng mùi của bên thua cuộc. Đó là tập hợp một cách nghệ thuật những lời đốp chát, vỗ thẳng mặt, nói hằn học trong cơn giận dữ, phân định “mi”, “ta” rõ ràng. “Ta nói thẳng cho mi biết: Bây giờ cái bản mặt đạo đức giả của mi đã lộ ra. Những xấu xa bẩn thỉu ngày nào mi gán cho ta thì giờ này mi bẩn thỉu xấu xa còn nhiều hơn thế nữa.” Bài thơ này phía “ta” nghe rất sướng tai, nhưng phía “mi” thì “biết là nó nói đúng đấy nhưng cái kiểu ‘vuốt mặt mà không nể mũi’ như nó thì khó chấp nhận quá.”

Tôi không đi vào chi tiết của kỹ thuật thơ ca như một bài bình thơ nhưng cũng cần nói lên một điểm: đây là bài thơ rất hay; cảm xúc dạt dào, hồn thơ lai láng, hơi thơ rất mạnh, có khả năng lôi cuốn người đọc từ câu đầu đến câu cuối. Đặc biệt là nội dung (ở đây ý và tứ là một), tác giả đã “lội ngược dòng”, viết nên những vần thơ đối chọi vớì dòng thơ phải đạo, nói lên những điều bị coi là cấm kỵ, không ai dám nói dù là sự thật. Chính vì thế mà bài thơ phải chờ đến 27 năm sau mới được trình làng.

Và cũng nhờ ý tứ không trôi xuôi, không phải đạo ấy giá trị và sức hấp dẫn của bài thơ đã gia tăng đáng kể.