Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2016

GẶP HỒN THƠ: NGƯỜI ĐƯỢC LÀM NGƯỜI


                    GẶP HỒN THƠ: NGƯỜI ĐƯỢC LÀM NGƯỜI

Việt Nam ta có câu tục ngữ “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Tại sao vậy? Vì trẻ con không biết nói dối. Trong kinh thánh Chúa Giê-Su cũng từng nói: “Này ta bảo thật cùng các ngươi, nếu không trở lại như con trẻ thì sẽ không vào được nước trời đâu.” Ngài cũng muốn nhấn mạnh đến sự chân thật. 

Người đời, trong đó có cả các thi sĩ, thường gian dối. Cầm bút lên là đã muốn vơ cái hay, cái đẹp về mình. Nhà thơ nào cũng vỗ ngực là yêu nước, thương dân, hiếu thảo với cha mẹ, tình nghĩa với anh chị em, chung thủy với vợ (chồng), hết lòng vì con, tốt bụng với bạn bè. Ngay cả khi kể một vài điều “không tốt” về mình cũng là muốn chứng tỏ mình thành thật. Có nhiều mức độ dối trá trong thơ:

 

            Có người vì ham quyền hành, lợi lộc đã nói dối lộ liễu trong thơ; vừa liếc mắt vào cái “tâm sự” của “hắn” bày tỏ trên trang giấy, không cần suy luận hoặc kiểm chứng, người đọc đã biết là tên này xạo, vì nó rõ ràng ràng như 2 với 2 là 4. Nhưng vì ham sống sợ chết, mê bả vinh hoa phú quý, mê mồi danh lợi nên hắn cũng cố bôi mặt, nhắm mắt mà viết. Chỉ cần một, hai câu thơ kiểu này hắn sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ suốt đời.

 

        Có người cố che đậy sự dối trá của mình, hoặc trong thơ hứa một đàng, ngoài đời làm một nẻo, vô phúc bị đọc giả kiểm chứng, khám phá, vạch ra. Lúc ấy thì ôi thôi ê mặt. Không những bài thơ dối trá bị tẩy chay mà cả những bài thơ khác (cùng tác giả) có khi cũng bị “văng miểng”.

 

        Một số đông khác không nói thật lòng mình nhưng lại khéo léo che dấu bằng kỹ thuật thơ điêu luyện nên đọc giả không có bằng chứng để vạch trần sự dối trá; tuy nhiên trong lòng họ đã gợn lên một chút nghi ngờ. Trong lãnh vực pháp luật, không đủ bằng chứng buộc tội một nghi can thì nghi can đó phải được coi là vô tội. Còn trong thơ ca, đọc giả đã nghi ngờ sự thật lòng của tác giả thì bài thơ coi như “đi đoong”, hết đời, không còn giá trị.

 

        Có bài thơ từ đầu đến cuối đều rất thật, rất hợp lý, không có chi tiết nào, điểm nào dối trá nhưng lại được viết trong lúc “tỉnh” quá, không có dấu hiệu đặc biệt nào để người đọc biết là tác giả đang “lên cơn”, để cảm ngay được sự chân thật của tác giả. Chân tình trong thơ phải được bày tỏ (show) chứ không phải chỉ cần nói đến (tell). Thơ loại này đem phân tích thì không thấy cái sai, cái dở nhưng đọc lên thấy thiếu cái hơi nóng của cảm xúc, thiếu cái hồn thơ.

 

         Cuối cùng, chỉ có một số rất ít nhà thơ đặt bút làm thơ trong lúc “lạc thần trí”, trong lúc “lên cơn” (cơn giận, cơn ghen, cơn say tình …), lúc lý trí bị khối cảm xúc đầy ắp trong tâm hồn che phủ. Dòng thơ trải trên giấy chính là dòng cảm xúc, và chỉ có cảm xúc, cuồn cuộn từ trong lòng tác giả tuôn ra. Nếu chọn được thể thơ thích hợp tâm hồn đọc giả sẽ bị cuốn theo cái dòng cảm xúc đó, sẽ cảm nhận ngay tấm chân tình của nhà thơ. Và đọc giả sẽ tự nhủ “ta đã bắt gặp hồn thơ của tác giả”. Lúc đó, bài thơ đã đạt được mục đích cao đẹp của thơ ca: là nơi gặp gỡ của những tâm hồn đồng cảm.

 

MỘT CHÚT VÍ VON CHO DỄ HIỂU

Thể thơ: Con mương (kênh, dòng sông).

Ngôn ngữ thơ (chữ, câu) + kỹ thuật thơ ca: Dòng nước chảy trong mương.

Tứ thơ: Con thuyền được dòng nước đưa đi.

Hồn thơ: Gió (xuôi), đẩy con thuyền tứ thơ đi nhanh hơn. Gió không được “sinh ra” từ dòng nước mà đến từ bên trên, bên ngoài dòng nước. Gió càng mạnh bài thơ càng có hồn.

Bài Thơ Không Hồn Có Cảm Xúc Hay Không?

Dù không có gió con thuyền tứ thơ vẫn trôi, và có thể cũng trôi tới bến. Nhưng người đọc sành điệu sẽ chê bài thơ không có hồn. Xin quý vị đừng hiểu lầm bài thơ không hồn là không có cảm xúc. Dù không hồn nhưng đã gọi là thơ thì ít nhiều cũng có cảm xúc. Gặp trường hợp này, nếu tác giả yếu tay nghề, bài thơ sẽ khô khốc, đọc chán phèo. 

Nhưng nếu thi sĩ khéo tay, nhuần nhuyễn kỹ thuật thơ ca thì bài thơ cũng có chữ “đắt”, câu hay, hình ảnh đẹp và cũng có thể khơi dậy một lượng cảm xúc đáng kể trong lòng người đọc. Tuy nhiên, đó chỉ là cảm xúc từ ngôn ngữ thơ, từ kỹ thuật thơ mà tôi gọi là cảm xúc nội tại của bài thơ. Nó khác xa với thứ cảm xúc có được từ hồn thơ. Hồn thơ tươi mát hơn, đằm thắm hơn, gây cảm giác sảng khoái hơn.

Hồn Thơ

Tôi đã xem những trận túc cầu mà tài nghệ của hai đội quá chênh lệch. Thật tẻ nhạt. Đội mạnh vờn đội yếu như mèo vờn chuột. Họ ghi một vài bàn thắng rồi vờn bóng giữa sân để dưỡng sức cho những trận sau. Những trận đá giao hữu cũng thế. HLV đưa ra đội hình chỉ để thử nghiệm độ ăn ý, chỗ yếu, chỗ mạnh của đội mình. Thắng cũng tốt mà thua cũng không sao. Xem những trận như vậy chỉ phí thời gian và phí tiền mua vé.

Chỉ có những trận được ăn cả, ngã về không, thắng đi tiếp, bại “go home” là hấp dẫn. Lúc ấy cả 2 đội sẽ dồn hết thể lực, kỹ thuật và tinh thần vào trận đấu. Nếu đó lại là những trận bán kết, chung kết của những giải lớn quốc tế, khán giả cổ vũ cuồng nhiệt thì mọi người sẽ được thưởng thức một bữa “tiệc túc cầu” vô cùng ngoạn mục.

 Vâng, đúng vậy! Khi các cầu thủ đồng loạt bừng lên, quên mình, chơi xuất thần, hoàn toàn ngẫu hứng cái đẹp của túc cầu mới được đưa lên hàng nghệ thuật. Cái “chất nghệ thuật” đó không phát xuất từ kỹ thuật cá nhân, từ đấu pháp toàn đội mà từ cảm hứng trong trong tâm hồn của mỗi cầu thủ. “Đội của bạn hôm nay đá hay quá” chỉ là một lời khen bình thường; “Đội của bạn hôm nay đá xuất thần, có hồn quá” mới làm huấn luyện viên, cầu thủ mát lòng, hả dạ.

Gió không đến từ dòng nước chảy trong mương; “chất nghệ thuật” trong túc cầu, không đến từ kỹ thuật cá nhân của cầu thủ hoặc đấu pháp, chiến thuật toàn đội. Hồn thơ cũng không đến từ câu chữ và kỹ thuật thơ ca trong bài thơ mà đến từ trạng thái rung động mãnh liệt của thi sĩ khiến chàng (nàng) như cuồng, như điên; cuồng điên vì quá vui, giận, yêu, ghét, đau thương, sung sướng, sợ hãi, cuồng điên vì tham ái trong lòng: tham đẹp, tham ngon, tham dâm … đã dâng cao đến đỉnh điểm.

Trong trạng thái phấn khích, cuồng nhiệt, hứng khởi đó, tác giả đưa vào, thổi vào bài thơ một luồng hơi nóng bỏng, một luồng cảm xúc đặc biệt, khác hẳn với thứ cảm xúc nội tại đến từ câu chữ và kỹ thuật thơ ca. Vâng, luồng hơi nóng bỏng ấy chính là hồn thơ. Người đọc không thể nắm bắt, nhận biết nó bằng lý trí mà chỉ có thể cảm nhận bằng tâm hồn.  

Nói khác đi, thơ là tiếng lòng, tiếng nói của con tim không qua sự gạn đục, khơi trong của lý trí. Có người bảo tôi “nếu giữ tâm hồn được ngây thơ, trong trắng như trẻ thơ mà lại có kinh nghiệm sống đầy ắp, kỹ thuật thơ điêu luyện trong tay chắc là làm thơ sẽ hay lắm.” 

Tôi đồng ý ngay. Với tôi, lý trí là kẻ thù số một của thơ ca. Chả thế mà những nhà thơ Siêu Thực đã sử dụng rất nhiều thủ pháp để đánh bật lý trí ra khỏi tâm hồn trong lúc đang chế tạo thơ ca. (Nhưng khi những mảng tâm tư, tình cảm từ trong vô thức được moi ra trải trên trang giấy, lý trí sẽ len lỏi vào, nhúng tay vào công việc sắp xếp lại thứ tự những mảng tâm tư, tình cảm đó, và sẽ “xúc phạm” đến cái Chân Thật làm nên hồn thơ.)

 

Chỉ có cách, theo tôi, kiên nhẫn tích tụ kinh nghiệm sống, miệt mài rèn luyện kỹ thuật thơ ca và chờ đến lúc cảm xúc trong lòng sôi lên phủ mờ lý trí. Chính lúc đó, nếu phóng bút sẽ tạo được những câu thơ có hồn. Khoảnh khắc đó đến bất chợt và ra đi rất nhanh không một lời từ giã. 

Tìm hồn thơ là lắng nghe lòng mình (hoặc tìm cách khuấy động lòng mình) để bắt gặp cái khoảnh khắc “lên cơn” đó. Và khi đã “lên cơn” thì đừng chần chờ, phải hối hả viết ngay. Bởi khi đã bình tâm suy nghĩ thì hào khí ngất trời cũng xẹp như bong bóng bị xì hơi để nghĩ đến miếng cơm manh áo, vợ (chồng) đẹp, con khôn. 

Khi lý trí đã trụ được ở trong lòng thì đau thương chất ngất cũng nguôi ngoai, hận thù đằng đằng cũng lắng xuống, tình yêu cháy bỏng cũng nguội dần đi. Lúc ấy dù kinh nghiệm sống có phong phú đến đâu đi nữa, kỹ thuật thơ ca có điêu luyện đến đâu đi nữa, cái mớ chữ nghĩa được viết ra cũng không còn hơi sức để lay động lòng người.

 

KẾT LUẬN

Hiện đã có những bài thơ được sản xuất từ máy tính (computer generated poems). Chúng cũng có ngôn ngữ thơ, hình tượng, tứ thơ, cảm xúc … đủ cả. Nhưng dĩ nhiên, do từ máy tính, chúng không có hồn.

Khi đem những bài thơ này ra “trưng cầu dân ý” thì có rất đông người lầm lẫn cho rằng chúng được sáng tác bởi thi sĩ người thật chứ không phải bởi máy tính.

Cho nên khả năng cảm được cái hồn, cái chất thơ của bài thơ là rất quan trọng. Có nó, bạn sẽ được đứng về phía những con người thật –  nhận biết được tiếng Người, tiếng nói phát xuất từ trái tim của đồng loại. Còn phía bên kia, cũng là con người nhưng tim đã khô cứng bởi những quy luật, cung cách ứng xử của xã hội văn minh; họ rất hòa nhã, lễ phép, lịch sự nhưng rất “lạnh”, đang dần dà biến thành những người máy vô cảm. Riêng Thi Sĩ, nếu may mắn sáng tác được một bài thơ Có Hồn có nghĩa là Ngài đã ban cho nhân loại một ân huệ lớn, tặng họ một công cụ để học nói thứ tiếng Chân Thật (viết hoa) của con người.

Tôi có tin mừng thông báo đến những người yêu thơ. Hãy cứ tiếp tục làm thơ, đọc thơ, bình thơ, đem thơ vào những cuộc tán gẫu. Làm thế, các bạn đang bảo dưỡng cái tính người của mình, và qua đó, góp sức lôi kéo phần rất lớn kia của nhân loại trở về để cùng sống và xây dựng một thế giới nhân bản.

Phạm Đức Nhì


Trang Web Chuyên Bình Thơ

Phamnhibinhtho.blogspot.com