Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

ĐOẠN KẾT CỦA BÀI THƠ DƯỚI MẮT NGƯỜI PHÊ BÌNH


                                

Nguyễn Hưng Quốc có lần viết, đại ý “Làm thơ mà không biết kết luận cũng giống như người đánh cờ không biết chiếu tướng”. Tôi thích túc cầu nên nghĩ rằng: “Làm thơ không biết kết luận giống như đội bóng chỉ giỏi vờn bóng giữa sân mà không có chân sút dứt điểm, không biết phối hợp để đưa bóng vào lưới đối phương”. Cho nên, không giống như Tựa Đề, Đoạn Kết của bài thơ sẽ được người bình để ý rất kỹ.

Hai Điểm Khác Biệt Giữa Tựa Đề Và Đoạn Kết

Giống như Tựa Đề, Đoạn Kết cũng tóm gọn những điều cốt yếu của tứ thơ. Nhưng có hai khác biệt chính:

1/ Khởi đi từ Tựa Đề, tứ thơ chỉ là cái mầm, mới tượng hình. Sau tiến trình thai nghén, sinh nở (trong tâm hồn của tác giả) tứ thơ ở cuối bài – dù vẫn từ cái Gien của Tựa Đề - đã có khuôn mặt mới, vóc dáng mới, bề thế hơn, thực hơn, sinh động hơn. Thí dụ:

     a/ Khởi đầu cũng là tâm trạng mòn mỏi, đợi chờ tình lang nhưng theo dòng cảm xúc (của tác giả) cái tâm trạng mòn mỏi, đợi chờ ấy đã càng lúc càng lớn mạnh để rồi cuối cùng đã lên đến đỉnh điểm khi cô em nhìn ra sân và “báo cáo” với chị:

Ngựa hồng đã đến bên hiên

chị ơi trên ngựa chiếc yên vắng người.

(Mòn Mỏi, Thanh Tịnh) 



Những gì xảy ra sau đó với người chị - tác giả không cần phải nói - người đọc sẽ tự hiểu. (Show, Not Tell)

     b/ Khởi đầu là câu chuyện của Thuyền và Biển nhưng qua tiến trình cưu mang, chuyển hóa trong tâm hồn của tác giả câu chuyện ấy đã biến thành chuyện đôi trai gái yêu nhau và cuối cùng tình yêu đã sâu đậm đến mức:

Nếu phải cách xa anh

em chỉ còn bão tố.

(Thuyền Và Biển, Xuân Quỳnh) 

http://www.thivien.net/Xu%C3%A2n-Qu%E1%BB%B3nh/Thuy%E1%BB%81n-v%C3%A0-bi%E1%BB%83n/poem--wG6-xYO5WbH7ZZweyXXoA 

2/ Tứ thơ đã thay đổi vóc dáng hình hài và lớn mạnh như thế nên nếu muốn “tóm gọn những điều cốt yếu của tứ thơ” Đoạn Kết cần nhiều “đất” hơn; một chữ hoặc một nhóm chữ (như Tựa Đề) không đủ để hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, Đoạn Kết ít thì phải là một vài câu, nhiều thì có khi cả một đoạn.

Hai Cách Kết Thúc Bài Thơ

1/ Tóm gọn những điều cốt yếu của tứ thơ”

Và là đoạn đường cuối cùng đưa người đọc vào điểm đến (destination) của tứ thơ.  Khi tiếp cận điểm đến – tác giả đã cảm thấy hài lòng, đạt được mục đích - không cần hoặc không muốn nói thêm gì nữa. Thí dụ:

     a/ Nghe đồn rằng đám cưới của cô to lắm:

Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu
Nhà gái ăn
chín nghìn cau
Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu
chín nghìn


Nhưng kiểm lại tài sản của mình thì anh lái đò chỉ có mỗi con thuyền đưa khách mà đem dạm bán thì người ta chỉ giả có chín quan tiền

Lang thang tôi dạm bán thuyền

Có người giả chín quan tiền, lại thôi

Hai câu kết chỉ nói đến việc dọ giá bán thuyền nhưng đã ngầm chứa nỗi đau đến xé tâm can của anh lái đò về mối tình vô vọng. Thủ pháp Show, Not Tell rất tuyệt. (Giấc Mơ Anh Lái Đò, Nguyễn Bính)

     b/ Sau Hiệp Định Paris, hai người lính - từng đối đầu trong cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn (Việt Nam) - đứng sát vai nhau nghĩ về những năm tháng hòa bình sắp tới:

Mê muội qua rồi

chia tay trên lối rẽ
gửi cho nhau

lời xin lỗi muộn màng
một cánh mai tươi

một nén hương vàng
ta về

tặng những người đồng đội
ta bá vai nhau

để những người kia xóa tội
dưới suối vàng
Họ...!
chắc cũng đã ôm nhau...!  

(Hai Người Lính, Nguyên Thạch) 



Đoạn kết thắm đượm tình người, đầy tính nhân văn, nhân bản.
https://buonvuidoilinh.wordpress.com/2015/05/30/pham-duc-nhi-bai-tho-hai-nguoi-linh/


2/ Lập lại, xác nhận lại điểm chính của tứ thơ một cách mạnh mẽ và hùng hồn hơn.

Tứ thơ đã vào điểm đến nhưng thi sĩ muốn viết thêm một đoạn, có khi chỉ lập lại, xác nhận lại điểm chính của tứ thơ nhưng với ngôn ngữ khác, giọng điệu khác, mạnh mẽ và tạo ấn tượng sâu sắc hơn. Thí dụ:

     a/ Chân Quê

Bắt đầu từ câu “Nào đâu cái yếm lụa Sồi” đến 2 câu cuối của thân bài “Như hôm em đi lễ chùa - Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh” tác giả đã cho con thuyền tứ thơ cập bến. Đã có 2 câu kết hoàn thành nhiệm vụ. Bài thơ có thể ngừng ở đó. Nhưng Nguyễn Bính muốn nhấn mạnh hơn ý nghĩa của “Chân Quê” nên ông đã viết thêm:

Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thày u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.

(Chân Quê, Nguyễn Bính)
http://www.thivien.net/Nguy%E1%BB%85n-B%C3%ADnh/Ch%C3%A2n-qu%C3%AA/poem-ij6KVOw8Gx-x4Do3SXKIsQ

Đoạn kết này giống như một CODA trong bản nhạc, để lại ấn tượng mạnh mẽ, sâu đậm hơn trong lòng người đọc (người nghe).

     b/ Lời Mẹ Dặn

Tương tự như vậy, bài Lời Mẹ Dặn cũng có thể chấm dứt ở đoạn:

Người làm xiếc đi giây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêụ

Nhưng Phùng Quán muốn tạo ấn tượng mạnh hơn nữa nên đã viết thêm đoạn:


Tôi muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

Và ông đã thành công mỹ mãn

Một Số Đoạn Kết Hay

1/ NIỀM TIN


Cùng cầu cho thế giới

Cho nhân loại hòa bình

Cho đôi ta gặp lại

Trong một mùa Giáng Sinh

(Nhất Tuấn)


Lời cầu nguyện cho hạnh phúc riêng tư của người lính đã được khéo léo ghép chung với – nhưng được khiêm tốn đặt ở phía sau - ước vọng hòa bình cho toàn thế giới. Trong không khí “đất với trời se chữ đồng” của mùa Giáng Sinh – lúc “Thiên Địa Nhân quy nhất” (Trời, đất, người nhập một) - dòng cảm xúc chân thật, cao đẹp ấy đã thấm rất nhanh vào tâm hồn độc giả. Thi sĩ, một người trai thời loạn, đã chọn được cách hành xử tối ưu; ông không thể tự cởi bỏ chiếc áo lính nhưng đã rất tài tình đặt bên dưới lớp vải kaki một trái tim đầy lòng nhân ái. 

2/ NHÀ TÔI

Này, anh đồng chí
Người bạn pháo binh
Đã đến giờ chưa nhỉ
Mà tôi nghe như trại giặc tan tành?
Anh rót cho khéo nhé
Kẻo nhầm nhà tôi!
Nhà tôi ở cuối thôn Đồi
Có giàn Thiên Lý, có người tôi thương.

(Yên Thao)

Đoạn kết là tâm trạng rối bời của người lính trước giờ nổ súng. Mục tiêu của trận đánh là làng bên kia sông đang bị quân địch chiếm giữ, nơi có căn nhà và hai người thân yêu nhất của anh lính – bà mẹ già và cô vợ trẻ mới cưới – đang sinh sống. Lời thì thầm năn nỉ người bạn pháo binh cũng là lời nguyện cầu cho căn nhà còn nguyên vẹn và những người thân yêu được tai qua, nạn khỏi. Nỗi lo sợ của anh rất lớn, rất thật vì xác xuất để lời nguyện cầu được đáp ứng quá nhỏ nhoi. Chỉ có mấy câu nhưng cảm xúc đầy ắp làm nổi bật sự tàn nhẫn, bất nhân của chiến tranh.

3/ NGẬM NGÙI

Tay anh em hãy tựa đầu

Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi

(Huy Cận)


Tác giả cũng sử dụng thủ pháp Show, Not Tell – Tay anh đây, em hãy tựa đầu (như ngày xưa) để “trái sầu” vì nhớ thương, xa cách của anh rụng rơi chứ không còn treo lủng lẳng trên vai, trên cổ anh nữa. Người đọc phải tự hiểu phần sau “Nhưng em đã chết, chẳng có ai tựa đầu lên tay anh cả, nên trái sầu thương nhớ vẫn trĩu nặng trong hồn”. Cái “hồn cốt” của tứ thơ đã được gói gọn trong 2 câu kết một cách rất nghệ thuật.


4/ SAY ĐI EM

Nhưng em ơi,
Đất trời nghiêng ngửa
Mà trước mắt thành Sầu chưa sụp đổ.
Đất trời nghiêng ngửa,
Thành Sầu không sụp đổ, em ơi!

(Vũ Hoàng Chưong)

Từ cái tựa Say Đi Em người đọc mới chỉ mường tượng tác giả đang mời mọc, có chút thúc hối, người tình (hoặc bạn bè) cùng mình nâng ly, cạn chén cho say. Đến đoạn kết thì mục đích của việc uống say đã được hé lộ: mượn rượu giải sầu Nhưng VHC đã thất vọng; say đến “đất trời nghiêng ngửa” mà nỗi sầu cứ sừng sững như bức tường thành, chưa sụp đổ. Và cuối cùng là tuyệt vọng - chữ “chưa” đã đổi thành “không”- “Thành sầu không sụp đổ, em ơi!” Âm điệu ở đây, với tôi, rõ ràng là một Gai Kết Hoàn Toàn; chữ “ơi” đã về đúng cao độ của chủ âm và có độ ngân thật dài và thảm thiết. Thi sĩ của chúng ta đã cho thơ nhạc quyện vào nhau để bày tỏ tâm trạng chán chường của mình một cách tài tình.

Một Số Đoạn Kết Dở


1/ PHƯƠNG XA

Men đã ngấm bọn ta chờ nắng tắt

Treo buồm cao cùng cao tiếng hò khoan

Gió đã nổi nhịp trăng chiều hiu hắt

Thuyền ơi thuyền! Theo gió hãy cho ngoan.

(Vũ Hoàng Chương)


Khổ cuối chỉ có câu “Thuyền ơi thuyền! Theo gió hãy cho ngoan” là cần thiết (ý nói thuyền vẫn tiếp tục trôi, dòng đời vẫn tiếp diễn); ba câu trước được đưa vào, theo tôi, chỉ để cho đủ số chữ, số câu của một khổ thơ (thể thơ bát ngôn trường thiên) không giúp ích gì (về ý tứ) cho bài thơ.  Khổ thơ có 32 chữ mà đến 24 chữ chẳng được tích sự gì. Thật thừa thãi và phí phạm. Đoạn kết, theo tôi, thất bại.


2/ NGƯỜI HÀNG XÓM

Hồi hộp theo dõi biến chuyển tâm trạng của Nguyễn Bính đối với Người Hàng Xóm từ khi “chửa có gì” cho đến lúc:

Hỡi ơi! Bướm trắng tơ vàng!
Mau về mà chịu tang nàng đi thôi!
Ðêm qua nàng đã chết rồi,
Nghẹn ngào tôi khóc... Quả tôi yêu nàng.

độc giả vừa ngạc nhiên một cách thích thú vừa đồng cảm với nỗi đau buồn, thất vọng của ông về mối tình đơn phương. Tứ thơ đã đến bến, đã bày tỏ thành công điều tác giả muốn bày tỏ. Bài thơ chấm dứt ở đấy thì vừa đẹp. Hai câu thêm vào

Hồn trinh còn ở trần gian

Nhập vào bướm trắng mà sang bên này

không những không mạnh hơn mà còn yếu đi, làm nhạt bớt ấn tượng tốt trong lòng độc giả.

Khi Bình Thơ, Nên Đối Xử Với Đoạn Kết Như Thế Nào?

Mỗi người bình đều có cách riêng của mình. Đây là cách tôi “xử” đoạn kết:

1/ Trước tiên phải nhắc nhở mình chú ý đến nhạc điệu của đoạn kết; nhạc điệu hay thường có âm hưởng của Giai Kết Hoàn Toàn. (Cadence Parfaite, hợp âm bậc V về Chủ âm)

2/ Nếu đoạn kết hay một cách đặc biệt, hay lắm, điểm 9 hoặc 10 (thang điểm từ 1 đến 10) tôi sẽ viết vài ba câu, có khi hẳn một đoạn, giải thích, bàn luận cái hay của nó.

3/ Nếu đoạn kết thật dở, điểm 1 hoặc 2, tôi cũng sẽ viết một số câu, hoặc một đoạn bàn về cái dở của nó.

4/ Nếu đoạn kết khá dở, trung bình hoặc khá hay (điểm từ 3 đến 8), tôi sẽ lờ đi. Nhưng khi nhận định chung cuộc về giá trị nghệ thuật của bài thơ tôi sẽ nhớ đến nó để điều chỉnh lời khen chê cho thích hợp.

Kết Luận

Không biết chiếu tướng thì sẽ chẳng ai thèm chơi cờ với bạn. Không biết đưa bóng vào lưới đối phương thì sớm muộn gì đội bóng sẽ bị giải tán. Không có Đoạn Kết ấn tượng thì bài thơ sẽ rất dễ đi vào quên lãng. Đó là chuyện của những người đánh cờ, đá bóng và làm thơ. Với cương vị của người phê bình tôi sẽ nhắc nhở mình (và các bạn trẻ) không được lơ là với đoạn kết của bài thơ.

Phạm Đức Nhì


phamnhibinhtho.blogspot.com

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

TIÊU CHÍ 1: TỰA ĐỀ CỦA BÀI THƠ


            TIÊU CHÍ 1: TỰA ĐỀ CỦA BÀI THƠ

Dẫn Nhập

Lẽ ra nên bắt đầu bằng Tứ Thơ nhưng Tứ Thơ là một tiêu chí lớn, hơi mông lung, không cụ thể. Tôi không muốn các bạn có tâm trạng hoang mang ngay ở bước đầu tiên rồi đi đến chỗ chán ngán nên chọn Tựa Đề là tiêu chí số 1. (Bài này có sử dụng vài đoạn Lời Bình Ngắn trong phamnhibinhtho.blogspot.com)

Tựa Đề Là Gì?

Xin gởi đến các bạn một định nghĩa, mà theo tôi, đơn giản nhất:

Tựa đề là một chữ hay một nhóm chữ chỉ ra cái cốt tủy của toàn bài.

Tựa đề có ảnh hưởng gì đến giá trị của bài thơ không? Tôi cho là có.

Nhiều bài thơ có tựa đề rất bình thường , đủ để hoàn thành nhiệm vụ “chỉ ra cái cốt tủy của toàn bài thơ”. Nhưng cũng có một số tựa đề dở và một số tựa đề hay. Tựa đề hay chỉ làm bài thơ hơi đẹp hơn một tý (nên khi bình ít ai nói đến), còn tựa đề dở sẽ khiến bài thơ xộc xệch hẳn đi, và dĩ nhiên, giảm giá trị nghệ thuật của nó khá nhiều. Cho nên trong bài viết ngắn này tôi sẽ chú ý đến một số trường hợp tựa đề dở.

1/ Tựa Đề Đi Lạc – Không Chỉ Ra Cái Cốt Tủy Của Toàn Bài

NIỀM TIN

Lại một NOEL nữa
Mấy mùa Giáng Sinh rồi
Anh ở đồn biên giới
Thuơng về một khung trời

Chắc Ðà lạt vui lắm
Mimosa nở  vàng                             
Anh đào khoe sắc thắm
Huơng ngào ngạt không gian

Mấy mùa Giáng Sinh truớc
Chỗ hẹn anh chờ hoài
Lần này không về đuợc
Hồi hộp đợi tin ai

Em biết chăng đời lính
Nắng sớm với sương chiều
Gió rừng rồi mưa núi
Ðã làm anh vui nhiều

Radio mở sẵn
Ðón thanh lễ truyền thanh
Xin CHÚA ban ơn xuống
Cho em và cho anh

Cùng cầu cho thế giới
Cho nhân loại hoà bình
Cho đôi ta gặp lại
Trong một mùa Giáng Sinh

nhấttuấn (1960) Anh Linh phổ nhạc



Dựa vào nỗi niềm thương nhớ sâu đậm của tác giả - một người lính xa nhà - đối với người yêu ở hậu phương Đà Lạt, có thể nói Niềm Tin là một bài thơ, một bản nhạc tình. Tuy đoạn cuối có nhắc đến việc cầu nguyện:

Cùng cầu cho thế giới

Cho nhân loại hòa bình

nhưng mục đích chính vẫn là:

Cho đôi ta gặp lại

Trong một mùa Giáng Sinh.

Tạm giã từ giai điệu êm đềm, dễ thương của Anh Linh để trở về nguyên bản bài thơ của Nhất Tuấn tôi thấy khi phổ nhạc Anh Linh đã bỏ đi một đoạn:

Radio (Ra đi ô) mở sẵn

Đón Thánh Lễ truyền thanh

Xin Chúa ban ơn xuống

Cho em và cho anh

Việc bỏ đi đoạn thơ ấy làm bản nhạc hay hơn hoặc dở đi tôi sẽ bàn trong một dịp khác. Nhưng dù trở lại bài thơ nguyên gốc – có cả 2 đoạn cầu nguyện - Niềm Tin vẫn là bài thơ tình, nặng về nỗi nhớ thương của người lính với người yêu. Lời cầu nguyện không nhằm mục đích nhấn mạnh vào niềm tin tôn giáo mà chỉ tô đậm thêm cho chữ Tình của con người. Vì thế theo tôi, cái tựa Niềm Tin của bài thơ có vẻ xa cách, lạc với nội dung của tứ thơ, đã làm cấu trúc (thế trận chữ nghĩa) của bài thơ bị xộch xệch.

2/ Tựa Đề Làm Lộ Mạch Thơ

NHỚ  QUY  NHƠN

                        Không đủ ban ngày để nhớ nhau

                        Tối nằm chợp mắt đã chiêm bao

                        Nửa đêm trở dậy hương rừng thoảng

                        Tương biển Quy Nhơn gió thổi vào.

                                    (Vương Linh, 1921-1992)

 

Không rõ trước khi rời quê hương miền trung, tập kết ra bắc (1954), chàng thanh niên Lê Công Đao (Vương Linh) có được đọc và học thơ Trần Tế Xương không, chứ đọc Nhớ Quy Nhơn của ông tôi thấy rất đậm mùi … Sông Lấp.

Tú Xương “nghe” rồi “tưởng”:

Vẳng nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

 thì Vương Linh cũng “ngửi” và “tưởng”

Nửa đêm trở dậy hương rừng thoảng

Tương biển Quy Nhơn gió thổi vào.

Tuy không sử dụng phép ẩn dụ, Nhớ Quy Nhơn cũng dùng cách bày tỏ, diễn tả chứ không kể lể, biện giải dài dòng (show, don't tell), cũng ngửi cái này, tưởng cái kia. Riêng mức độ tài năng thì cao thấp rất rõ nét. Thôi thì cứ cho hoàn toàn là do tình cờ mà hai bài thơ có hơi hướm giống nhau, chỉ riêng thủ pháp “show, don't tell” đã cho người đọc thấy rõ sự “không khéo” của Vương Linh. Trước hết, thay vì dùng hình ảnh khác để người đọc liên tưởng đến Quy Nhơn thì Vương Linh lại bí bách đến độ ôm hai chữ Quy Nhơn, rất vụng về, nhét vào câu thứ tư:

                        Tưởng biển Quy Nhơn gió thổi vào

Rồi cái tựa Nhớ Quy Nhơn của bài thơ thì lại “lạy ông tôi ở bụi này”, khiến cái phương cách “show, don't tell” trở thành “half-show, half- tell”, nửa đời, nửa đoạn.

       

Mấy thế kỷ trước Lê Quý Đôn đã viết về thi pháp như sau: “Lời kỵ thẳng, mạch kỵ lộ, ý kỵ nông, thi vị kỵ ngắn”. Mạch thơ của Nhớ Quy Nhơn đã bị lộ ngay từ cái tựa làm độc giả chưa đọc đã biết gần như chắc chắn tâm trạng của tác giả. Tôi cho rằng sự “không khéo” này đã “cướp” mất cơ hội của độc giả được dùng khả năng liên tưởng của mình khám phá lộ trình và điểm đến của tứ thơ. Không tạo được sự ngạc nhiên bài thơ kém hẳn giá trị so với Sông Lấp.

3/ Tựa Đề Làm Lộ Sự Cường Điệu, Dối Trá

BÀI HỌC ĐẦU CHO CON

Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu?
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều?

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè

Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương có ai không nhớ...


(Đỗ Trung Quân)

 

Ngay ở đoạn đầu tác giả cho đứa bé hỏi mẹ 2 câu hỏi với giọng rất ngây thơ về một ý niệm khá trừu tượng: quê hương.

Quê hương là gì hở mẹ

Mà cô giáo dạy phải yêu?

và:

Quê hương là gì hở mẹ

Ai đi xa cũng nhớ nhiều?

Người đọc có thể nhận ra ngay là nhà trường đã cố nhồi nhét quá sớm cái ý niệm “khó hiểu, khó cảm” ấy vào đầu óc ngây thơ của đứa bé mà không thành công. Vì thế đứa bé về nhà hỏi mẹ và người mẹ đã được tác giả nhờ cậy giải thích ý niệm về Quê Hương cho đứa bé. Và bà đã giải thích rất hay, rất tuyệt. Dựa vào ngôn ngữ từ 2 câu hỏi tôi đoán đứa bé đang học một lớp nào đó ở bậc tiểu học. Như vậy lời giải thích của bà mẹ - rất hay, rất tuyệt ấy – có vẻ hơi cao, hơi xa so với tầm hiểu biết của đứa bé.

Nhưng để ý đến cái tựa bài thơ thì tôi giật nẩy mình. “Bài Học Đầu Cho Con” có nghĩa là đứa bé mới học bài học đầu tiên, mới vào lớp vỡ lòng, còn thấp hơn mẫu giáo một bậc. Ở tuổi ấy làm sao có thể đặt một câu hỏi “nặng ký” như thế được. Rõ ràng câu hỏi của đứa bé đã được tác giả ngụy tạo một cách khá vụng về, và câu trả lời - tuy bà mẹ có thể đang nhìn thẳng vào mắt con để nói - đâu phải để giải thích cho đứa bé ngây thơ máu thịt của mình mà tâm hồn của bà đang nghĩ đến, nhắm đến những đối tượng khác, với mục đích khác.

Thơ là tiếng lòng, tiếng thổn thức của con tim mà ngay từ những giây phút ban đầu, từ cái tựa của bài thơ thi sĩ đã cho lý trí  bước vào đạo diễn một kịch bản “ba xạo” thì thật là “không tâm lý” chút nào. Chắc người đọc có thể thấy ngay là cái tựa không thật đó đã kéo độ khả tín của bài thơ xuống gần mức Zero. (1) 

Chú thích

1/ Tôi xin phép được lên tiếng “ca” cố nhạc sĩ Giáp Văn Thạch một câu. Khi phổ nhạc ông đã sáng suốt và tài tình bỏ cái tựa Bài Học Đầu Cho Con và bỏ luôn đoạn thơ có 2 câu hỏi của một “cụ non” nào đó mà thi sĩ Đỗ Trung Quân đã nặn ra để lấy cớ đưa vào bài thơ những bức tranh quê tuyệt đẹp. Bản nhạc phổ thơ của ông - với cái tựa Quê Hương – nghe “đã” hơn bài thơ gốc nhiều. Tiếc rằng đoạn cuối “bị biên tập” nên có cái giọng xấc xược, bố láo làm bực mình rất đông người Việt hải ngoại.

4/ Tựa Đề “Mới Quá Đà”

Con gái một người bạn thấy tôi đến chơi (cháu biết tôi hay bình thơ) đem bài thơ mới sáng tác ra khoe. Bài thơ tả khung cảnh và cảm giác sau một buổi tắm nắng sáng trước nhà nhưng có cái tựa rất giật gân: Em Bị Mặt Trời Hiếp Dâm. 
Cháu bảo cái tựa như thế sẽ lôi cuốn nhiều người đến với bài thơ. Chỗ thân tình nên tôi khuyên cháu chọn cái tựa khác hiền lành hơn. Đối với những bài thơ “đã ra lò” mà có cái tựa hơi “mới quá đà” (hiền hơn bài thơ của cháu gái) tôi thường làm ngơ - ngoại trừ trường hợp bị bắt buộc đối diện với nó. 
Tôi không muốn mình là người dội nước lạnh vào nhiệt tình tìm kiếm cái mới của các em và cũng không muốn dính vào những cuộc tranh cãi vô ích. Mà biết đâu thời gian thay vì tặng bản án tử hình (như tặng hàng vạn bài thơ dở khác) lại trao vòng nguyệt quế cho tác giả của chúng thì sao.

5/ Tựa Đề Hay

CHÂN QUÊ

Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi


Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?


Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh


Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thày u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.

(Nguyễn Bính)

Tựa đề Chân Quê vừa hoàn thành nhiệm vụ “chỉ ra cái cốt tủy của bài thơ” lại vừa làm cái nền để giúp đoạn kết nổi bật và đẹp một cách rạng rỡ, đầy ấn tượng trong lòng người đọc.

Sử Dụng Tiêu Chí 1 Khi Bình Thơ.

Có thể nói đây là tiêu chí dễ sử dụng nhất. Người bình chỉ cần đọc kỹ bài thơ và xem Tựa Đề của nó có vướng vào 3 lỗi chính không. Nếu có thì viết mấy hàng chỉ ra rồi giải thích và chứng minh cho độc giả thấy. Nếu không thì để ý đến 2 trường hợp tựa đề “mới quá đà” và tựa đề hay. Chỉ trường hợp thật đặc biệt mới viết ra trong bài bình, còn không thì bỏ qua.

Kết Luận

Đây là cây thước chuẩn rất ít có cơ hội được sử dụng, và nếu có cũng hay bị bỏ sót. Vì thế, nếu bạn thấy được và “dám” dùng nó, bài bình thơ của bạn sẽ đầy đủ và sáng hơn.

Phạm Đức Nhì


phamnhibinhtho.blogspot.com

 

Phần Phụ Lục

Sau đây là 2 câu hỏi hướng dẫn để bạn test khả năng nhận định của mình. (Tôi để sẵn mấy cái links để bạn đỡ công tra cứu.)

1/ Bài thơ Nhà Tôi của Yên Thao được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc và đổi tựa đề thành Chuyện Giàn Thiên Lý. Theo bạn, trên khía cạnh văn chương, tựa đề nào đúng hơn?  http://suytu.com/bai-tho-nha-toi-yen-thao-va-nhac-pham-chuyen-gian-thien-ly

2/ Bài thơ Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và đổi tựa đề thành Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà. Theo bạn, trên khía cạnh văn chương, tựa đề nào đúng hơn?


 

 

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

CÂU CHUYỆN THƯỞNG THỨC THƠ CỦA BÁC NGUYỄN BÀNG


Bác Bàng kể rằng:

 

Sang nhà ông bạn già hàng xóm chơi, thấy cô giúp việc vừa lau nhà vừa khe khẽ hát:

 

Hoa chanh nở giữa vườn chanh.

Thầy u mình với chúng mình chân quê

 

Được biết cô giúp việc này người dưới quê Nam Định nhưng nom không thấy một dấu vết chân quê nào còn đọng lại ở người đàn bà đã ngoài 50 tuổi.

 

Khi đã được ông bạn mời vào nhà lại thấy cô giúp việc đem phích nước sôi từ nhà bếp lên để chủ nhân pha trà mời khách, bèn hỏi cô:

 

- Ban nãy nghe cô hát rất hay. Cô có biết bài hát đó của ai làm ra không?

 

- Dạ thưa, không ạ! Mà thưa với hai ông, biết ai làm ra bài hát này cũng chẳng để làm gì. Khi rỗi việc cháu hay nghe đĩa nhạc ở phòng riêng, thấy bài nào hay hay thì cháu bắt chước hát theo, lâu dần thì thuộc ít nhiều thôi ạ!

 

- Thế cô có thích nghe ngâm thơ không?

 

- Dạ có! Hồi còn ở quê, bố cháu hay nghe đài về đêm, mỗi khi thấy các cô trên đài ngâm thơ cháu rất thích và cũng học lỏm được ít câu.

 

- Cô đã bao giờ làm thơ chưa?

 

- Dạ, ông cứ đùa cháu. Cháu sao mà làm thơ được. Phải là những thần đồng như Trần Đăng Khoa hay những người tài giỏi như Hồ Chủ Tịch, như ông Tố Hữu thì mới làm thơ được chứ ạ. Cháu chỉ thích thơ thôi. Hồi học cấp 1 cấp 2, các thày cô dạy nhiều thơ của ông Tố Hữu lắm, dạy xong bài nào bắt chúng cháu phải học thuộc lòng bài đó. Cháu sợ bị kiểm tra, học như chó gặm xương mãi mới thuộc nhưng ít lâu sau thì quên béng luôn.

 

Nghe thơ trên đài thích hơn vì mình không phải đọc mà giọng ngâm lại hay, thêm nữa chẳng lo phải học thuộc lòng, thấy bài nào hay hay thì cố học cho nhớ được vài câu để khi thấy hợp lòng mình thì ngâm ngợi lại cho thích.

 

- Những bài thơ hay hay mà cô thích là thế nào?

 

- Dạ, theo cháu thì đó là những bài ngắn gọn, có vần có điệu, nghe êm tai, dễ nhớ dễ thuộc và cháu cảm thấy với mình nó là rất hay, thích lắm!

 

Và bác Nguyễn Bàng hiên ngang kết luận:

 

Đọc thơ như công chúng, nghe thơ như công chúng thì có cần gì phải học ngữ pháp, không cần phải biết Thi pháp là cái quái gì, cũng không cần biết Tu từ học với những ẩn dụ, những động từ này nọ để cố hiểu cho bằng được bài thơ như các nhà bình tán. Cũng chẳng cần biết thủ pháp mô tê răng rứa gì. Nhà thơ cũng vậy, làm ra thơ để ai thích thì đọc chứ không phải để cho các nhà này nọ mang cách nhìn của mình ra để làm con dao cùn mổ xẻ những con chữ rất đời thường kia.

 

Sau đây là ý kiến của tôi về câu chuyện trên:

 

Một bài thơ có 3 chức năng:

 

1/ Chức năng truyền thông: chuyển tải thông điệp (tứ thơ) đến người đọc.

 

2/ Chức năng thẩm mỹ: truyền đến người đọc cái đẹp của văn chương gồm câu chữ, hình ảnh, thế trận chữ nghĩa, các biện pháp tu từ. Cái đẹp ở đây do kiến thức, kỹ thuật, nói chung là “tay nghề” của tác giả trong “chế tạo thơ ca” mà có.

 

3/ Chức năng nghệ thuật: Hồn thơ. Thi hứng càng cao, càng dạt dào thì hồn thơ càng lai láng. Nhiệm vụ lớn nhất, cao cả nhất của bài thơ là truyền được cái cảm xúc dạt dào trong lòng tác giả đến người đọc, để mong có được sự đồng cảm với người đọc.

 

Bởi thế nếu không “bắt” được tứ thơ, không hiểu được nét đẹp của văn chương chữ nghĩa mà chỉ “mang máng” rồi “nghe hơi bắc nồi chõ” thì làm sao cảm được hồn thơ. Còn nói như chị giúp việc:

 

“Dạ, theo cháu thì đó là những bài ngắn gọn, có vần có điệu, nghe êm tai, dễ nhớ dễ thuộc và cháu cảm thấy với mình nó là rất hay, thích lắm!”

 

thì cái thích ấy, cái sướng ấy chỉ là “cái tự sướng” của những kẻ “ngu si hưởng thái bình”. Chúng ta không trách gì chị giúp việc ấy và hàng vô số những người thưởng thức thơ như chị. Trong thế giới thi ca họ là những kẻ tội nghiệp, đáng thương. Chúng ta thương họ vì do hoàn cảnh, tầm hiểu biết của họ chỉ có thế.

 

Nhưng còn biết bao người yêu thơ khác, bước vào vườn thơ với tư thế khác, đẳng cấp khác, hàng triệu học sinh bước vào giờ Việt Văn để tìm học nét đẹp của văn chương thi phú với đủ loại trình độ khác nhau. Họ không bằng lòng với trình độ thưởng thức đang có mà muốn học hỏi để vươn lên. Mà vườn thơ thì mênh mông. Muốn viết một câu thơ, một lời bình lắm khi phải tra cứu mỏi tay, mỏi mắt, phải dựa vào những nhà phê bình tiếng tăm, uy tín.

 

Bác Nguyễn Bàng viết “Đọc thơ như công chúng, nghe thơ như công chúng thì có cần gì phải học ngữ pháp, không cần phải biết thi pháp là cái quái gì, cũng không cần biết tu từ học với những ẩn dụ, những động từ này nọ để cố hiểu cho bằng được bài thơ như các nhà bình tán. Cũng chẳng cần biết thủ pháp mô tê răng rứa gì. Nhà thơ cũng vậy, làm ra thơ để ai thích thì đọc chứ không phải để cho các nhà này nọ mang cách nhìn của mình ra để làm con dao cùn mổ xẻ những con chữ rất đời thường kia.” nghĩa là bác không cần phân tích xem cách nhìn của người này, người nọ đúng sai thế nào mà lại dè bỉu, chê trách chính công việc phê bình.

 

Theo tôi, câu cuối phải viết: “Nhà thơ, làm ra thơ để ai thích đọc thì đọc và ai thích phê bình thì cứ việc phê bình” mới hợp lý lẽ và thực tế. Như vậy, đoạn văn trên của bác Bàng hơi bị sai. Không! Phải nói là sai hơi bị nhiều mới đúng. Mà lại là cái sai lớn, cái sai căn bản trong việc đối thoại văn chương mới đáng tiếc.

 

Kết Luận

 

Một trong những nhiệm vụ của việc bình thơ là nâng tầm thưởng thức của người đọc thơ. Có tý hiểu biết về kỹ thuật, kinh nghiệm bếp núc, các tiêu chí thẩm định giá trị thơ ca, người đọc sẽ không còn ù ù cạc cạc khi nghe hoặc ngâm nga những vần thơ ưa thích mà sẽ tự tin hơn, sảng khoái hơn khi thả hồn vào dòng thơ.

 

Đọc thơ chỉ bằng trí sẽ không thấy hơi nóng của cảm xúc, không “bắt” được hồn thơ, sẽ chẳng bao giờ cảm được cái hay trọn vẹn của thơ. Còn nếu chỉ đọc thơ bằng hồn, không có sự soi sáng của kiến thức thì sẽ như chị giúp việc, một là, lắm khi gặp những tuyệt tác thi ca lại dè bỉu, chê bai, hai là, suốt đời“tự sướng”, sướng mà không biết vì sao mình sướng, miệng ngâm nga những vần thơ “cả đẩn” mà mắt cứ sáng long lanh, mặt rạng rỡ như đóa hoa xuân. Đó là cái sướng của những kẻ “ngây thơ hưởng thái bình” rất tội nghiệp, rất đáng thương.

 

Tôi đã từng “vừa ngây thơ vừa sướng” như thế một thời gian khá dài. Cũng may nhờ những bà chị, những người bạn, những “bậc thầy” vừa ban cho kiến thức vừa nắm tay kéo ra khỏi cái nhóm “đáng thương” đó để gia nhập một nhóm khác “ít đáng thương hơn”. Và rồi theo năm tháng, tôi tìm cách mời gọi, quy tụ chung quanh mình những người yêu thơ trình độ “khá” hơn để trao đổi, bàn luận, và cứ thế từng bậc, từng bậc tự nâng kiến thức và khả năng cảm thụ thơ ca của mình lên.

 

Bây giờ thỉnh thoảng viết mấy bài bình thơ để trước hết, thỏa mãn cái thú đam mê riêng, sau nữa, gọi là một chút đáp đền ân nghĩa những người đã ra công giúp đỡ, bồi đắp để tôi có điều kiện tự nâng cấp hồn thơ của mình. Và biết đâu những lời bình nhăng tán cuội như thế này lại tiếp tục đem đến những cuộc đối thoại về thơ ca lý thú.

 

 

League City 03/2016

 

Phạm Đức Nhì

 

nhidpham@gmail.com

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

BÌNH THƠ: PHẦN DẪN NHẬP


                                             Bình Thơ: Phần Dẫn Nhập

Bình Thơ Là Gì?

Nói nôm na là đọc một bài thơ rồi phán nó Hay hay Dở, hay ở chỗ nào, dở ở chỗ nào, giải thích và chứng minh.

Nhưng làm sao biết nó Hay hay Dở? Người bình thơ phải “sắm” cho mình một bộ thước chuẩn - chữ chuyên môn là Những Tiêu Chí Để Thẩm Định Giá Trị Một Bài Thơ.

Có 3 Tiêu Chí Chính:

1/ Tứ Thơ  

2/ Kỹ Thuật Thơ

3/ Cảm Xúc/ Hồn Thơ.

Sau nhiều năm học hỏi và chơi trò bình thơ, người viết bài này đã từ 3 Tiêu Chí Chính “đẻ” ra nhiều tiêu chí khác. Đây chính là bộ thước chuẩn mà tôi (PĐN) luôn để trước mặt mỗi khi bình thơ. Hôm nay, sau khi trao đổi với anh Thái Hưng Nguyễn mấy ngày trước, tôi sẽ đem từng cây thước một tặng các bạn trẻ trong Thơ Ca Nghệ Thuật Đương Đại. Tôi đã nhận lời mời của Trần Hạ Vi nên cũng gởi bài cho Thơ Ca Không Biên Giới. Tôi cũng kết bạn với Liêu Chi Vương nên cũng sẽ gởi bài cho Tủ Sách Thi Văn Việt. Ngoài ra, khi số lượng bài kha khá, tôi cũng sẽ gởi đến những trang báo, trang web mà tôi đã cộng tác từ trước đến nay để họ tùy nghi sử dụng.  

Tôi sẽ cố gắng dùng ngôn ngữ đời thường, tránh từ chuyên môn nếu có thể được, để cây cầu thông cảm giữa kẻ viết và người đọc luôn rộng mở.

Tại sao cùng một bài thơ mà khi bình có người khen hay, kẻ chê dở?

Có 2 lý do chính (không kể khác biệt về tôn giáo, lập trường chính trị):

1/ Thước chuẩn của mỗi người bình thơ dài ngắn khác nhau.

     Thí dụ: Về Ngôn Ngữ Thơ, nếu người bình dễ dãi (thước chuẩn ngắn) thì có thể cho là ngôn ngữ Sang Trong; nếu người bình khó (thước chuẩn dài) sẽ phán ngôn ngữ của bài thơ hơi Sến

2/ Trình độ, vốn liếng của người bình thơ cao hay thấp, nhiều hay ít: Tôi tạm chia làm 3 loại:

     a/ Bình thơ tùy hứng; tùy theo cảm nhận của mình, chọn chỗ hay, dở của bài thơ rồi nương theo tứ thơ mà bình, mà tán. Người bình loại này không có cây thước chuẩn nào trong túi.

     b/ Bình thơ dựa vào một vài thước chuẩn riêng của mình, thường là thước chuẩn về tứ thơ, phép ẩn dụ, ngôn ngữ, hình ảnh …. Tuy vậy, cái nhìn của họ về bài thơ vẫn còn phiến diện, rất thường bỏ sót những điểm Hay, điểm Dở của bài thơ.

     c/ Bình thơ với bộ thước chuẩn chuyên nghiệp: Với khoảng trên 20 cây thước chuẩn (sẽ tăng thêm theo thời gian), người bình thơ ở đây có thể tiếp cận toàn diện tác phẩm, nếu gặp lúc cao hứng, lời bình bay bướm, có thể đưa giá trị của bài bình thơ lên rất cao. Khi viết các bài Luận Văn (Essay), Luận Văn có tra cứu (Research Paper) sinh viên đại học Mỹ thường sử dụng bộ thước chuẩn tương tự như bộ thước này.

Bình thơ hay viết “một vài cảm nhận”?

Dưới con mắt người bình thơ, tùy mức độ giàu có về chất liệu để bình, thơ được chia làm 3 loại:

1/ Nghèo chất liệu: Có những bài thơ rỗng tuếch, ý tứ không mới lạ, ngôn ngữ bình thường, kỹ thuật thơ non kém, muốn bình tán cũng chẳng có gì bình tán, người bình thơ sẽ cho qua.

2/ Có một vài điểm (hay hoặc dở) nếu chạm đến sẽ cung cấp thêm kiến thức về nghệ thuật thơ cho người đọc. Trường hợp này người bình thơ nên viết cảm nhận. (Thí dụ: Chăn Trâu Đốt Lửa - Một Vài Cảm Nhận). Người bình chỉ móc trong túi ra vài ba cây thước chuẩn để bình tán những điểm hay, dở trong bài thơ.

3/ Giàu chất liệu: Nên viết lời bình một cách bài bản, tiếp cận toàn diện tác phẩm, lấy cả bộ thước chuẩn ra để trước mặt và bình tán lớp lang, thứ tự.

Bình bài thơ nào cũng sử dụng trên 20 cây thước chuẩn đó hay sao?

Không hẳn như vậy. Mỗi bài thơ, tùy tay nghề của tác giả, chỉ cần đem 6 hoặc 7 cây thước chuẩn ra là đủ.(Có bài con số đó còn ít hơn nữa). Trước tiên, liếc mắt ướm thử xem những Tiêu Chí (thường áp dụng) của bài thơ so với thước chuẩn của mình có cách biệt nhiều không? Nhiều thì bình tán, ít hoặc bằng nhau thì cho qua. Thí dụ bàn về Cảm Xúc. Nếu bài thơ khô khốc (không cảm xúc) hoặc cảm xúc dạt dào, nóng bỏng thì chỉ ra, nói ra cho độc giả biết; cảm xúc bình thường thì lờ đi hoặc chỉ nói phớt qua.

Có bộ thước chuẩn trong túi, thi sĩ sẽ biết cách làm thơ hay hơn, độc giả thưởng thức thơ hứng thú hơn, và người bình sẽ bình thơ đúng và đầy đủ hơn.

Các bạn có thắc mắc, sẽ trao đổi qua comments.

Chúc các bạn thành công.

Phạm Đức Nhì


 

 

 

                                            

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

TRAO ĐỔI VỚI CHÂU THẠCH


                        TRAO ĐỔI VỚI CHÂU THẠCH

 

Về “sức ma mị” trong thơ Nguyễn Khôi.

Cả anh Châu Thạch và bác Nguyễn Bàng đều tra tự điển và đều cho rằng hai ông Lê Mai và Nguyễn Ngọc Kiên có ý xấu khi gán cụm từ “ma mị” cho thơ NK.

Đầu tiên là anh Châu Thạch:

Trước hết tôi tra tự điển hai chữ “ma mị” và thấy giải thích như sau: Ma mị (khẩu ngữ) như ma giáo. Sau đó tôi tra tiếp chữ “ma giáo” và thấy giả thích như sau: Ma giáo (khẩu ngữ) xảo trá bịp bợm.

Sau đó là bác Nguyễn Bàng:

Tôi có cảm giác đây là một lời khen đểu mà đểu nhất ở cái từ “ma mị” bởi ma mị không chỉ như từ điển diễn giải giống như “ma giáo” mà nó còn bao hàm 3 yếu tố: Kích thích nhẹ, quyến rũ nhẹ và kinh dị nhẹ….

Và nếu đúng thế thì, nhận định ấy không chỉ coi nhẹ thơ Nguyễn Khôi mà còn coi thường người đọc thơ Nguyễn Khôi và đặc biệt là những người yêu thích thơ ông là những người không hiểu nhiều gì về nghệ thuật thi ca mà chỉ là những người rất tầm thường, bị cuốn hút bởi những tiếng thơ như tiếng hồn ma ấy chả khác gì những kẻ sợ ma nhưng thích nghe truyện ma,


Tôi cũng tra mấy cuốn tự điển rồi dạo internet vài vòng và tìm được khá nhiều cách dùng chữ “ma mị” không xấu như anh Châu Thạch và bác Nguyễn Bàng đã đưa ra để chỉ trích hai ông Lê Mai và Nguyễn Ngọc Kiên. Xin cử ra vài chỗ:

Chất ma mị trong giọng hát của Lana Del Rey


Nổi da gà trước giọng hát ma mị của Miu Lê


Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp ma mị của Krystal (f(x)) trong MV hợp tác với thành viên ban nhạc Indie


Theo tôi “giọng hát ma mị”, “vẻ đẹp ma mị”, “thơ NK có sức ma mị” là những lời khen “đắt giá”, ý nói giọng hát của Lana Del Rey, Miu Lê, vẻ đẹp của Krystal hay thơ Nguyễn Khôi có khả năng xâm nhập và (đôi khi) chiếm đoạt tâm hồn người nghe, người xem, người đọc một cách phi logic – không thể giải thích được.

Nếu sự tra cứu và giải thích của tôi đúng với tâm ý của hai ông NNK và Lê Mai (tôi hy vọng là như vậy) thì khi viết câu “nó có sức ma mị” (ông Lê Mai viết, ông NNK trích dẫn) cả hai ông đều nghĩ là đang trao tặng nhà thơ NK một bó hoa hồng tươi thắm, nhưng qua sự phân tích của anh Châu Thạch và bác Nguyễn Bàng, bó hoa hồng đã biến thành một rổ cà chua trứng thối. Thật bẽ bàng cho cả người trao tặng lẫn người đưa tay đón nhận.

Dù có đúng như thế, tôi vẫn nghĩ đây là lỗi kỹ thuật trong sạch. Cả anh Châu Thạch và bác Nguyễn Bàng đều không có ác tâm, ác ý trong chuyện này. 

Thơ Nguyễn Khôi có độc đáo không?

Ông NNK trích lời ông Lê Mai, nghĩa là cả hai ông, đều cho rằng thơ NK không độc đáo. Nhưng trong phần chứng minh “nó có sức ma mị” ông viết:

            Thôi, mai em về Cửu Long giang cuộn sóng
            Nhớ sông Seine... thời khắc chẳng ngừng trôi 
            khung cửa hẹp 
            ôi thu, hừng sắc tím 
            tím cả hồn thơ thả mộng lên trời...
                 (Gửi em – Paris mùa thu tím)
Xưa nay chỉ thấy các thi sĩ nói về màu tím tình yêu, chứ còn nói “Paris mùa thu tím” thì đúng là chỉ có ở … Nguyễn Khôi. Như vậy ông NNK đã tự đưa bóng vào lưới nhà; với kết luận “Paris Mùa Thu Tím” thì đúng là chỉ có ở Nguyễn Khôi” – theo định nghĩa – ông đã xác nhận bài thơ ấy của NK là độc đáo. Và cái nhận xét “gộp” hơi cẩu thả của cả hai ông “Thơ Nguyễn Khôi không độc đáo. Không lạ. Không sang trọng” đã sai bét trong phần “độc đáo”. Mà đã độc đáo thì đương nhiên phải “lạ”, vì “độc đáo” là tinh trạng đặc biệt nhất, cao nhất của “lạ”.

Nhưng tranh luận về thơ ca không nên chỉ ngừng ở chỗ đúng sai, thắng bại (ở đây đối phương tự đá vào lưới nhà). Mục đích của phần này là trả lời câu hỏi “Thơ Nguyễn Khôi có độc đáo không? Cứ cho rằng, sau khi tra cứu khắp nơi, không có ai sử dụng hình ảnh “Paris Mùa Thu Tím” trong thơ. Chúng ta có thể tạm kết luận bài thơ Gửi Em – Paris Mùa Thu Tím là độc đáo. Nhưng từ chỗ NK có bài thơ Gửi Em - Paris Mùa Thu Tím độc đáo để đi đến kết luận thơ NK độc đáo thì đường còn xa thăm thẳm.

Thơ Nguyễn Khôi Có Sang Trọng Không?

Theo Châu Thạch thì:
Thơ Nguyễn Khôi có Sang trọng: Tiến sĩ Kiên dùng lời của nhà thơ Lê Mai viết ở trên: “Nhưng thơ Nguyễn Khôi cuốn hút rất nhiều người đọc. Từ nam phụ, lão ấu. Từ những vị ni cô, sư nữ ở chùa tận Bình Dương và Huế cho đến những phụ nữ có học vấn, học hàm học vị cao ở trường ĐH Quốc Gia” Toàn những người sang trọng yêu thơ Nguyễn Khôi. Vậy nếu thơ ông bình dân thì họ yêu được sao?

Rồi anh viết tiếp:

Với tôi thơ Nguyễn Khôi rất sang trọng. Sang trọng từ ý, từ tứ, từ từ và cả cách diễn đạt. Đọc thơ ông ta biết ngay đây là một tác giả trí thức có phong cách sang trọng, thanh tao. Một vài bài thơ ông có lời thơ rất dí dỏm nhưng bằng một phong cách thâm thúy, bác học trong sự dí dỏm đó.

Tôi đồng ý với anh ở phần sau. Phần đầu (chữ nghiêng), lý luận của anh có “lỗ hổng”.

Vế 1: Thơ Nguyễn Khôi sang trọng nên nhiều người sang trọng yêu thơ ông. Thực tế chứng minh là đúng.

Vế 2: Nhiều người sang trọng yêu thơ Nguyễn Khôi nên thơ Nguyễn Khôi sang trọng. Không nhất thiết phải như vậy! Anh nghĩ sao về trường hợp Nguyễn Bính? Thơ NB bình dị, dân dã nhưng cũng được khá đông người đọc thuộc tầng lớp trí thức (sang trọng) yêu mến.

Như vậy, nhận xét của anh về tính Sang Trọng của thơ Nguyễn Khôi là đúng. Nhưng lập luận để chứng minh, có một đoạn, theo tôi, có “lỗ hổng”, nên bỏ đi.

Tôi vừa về Việt Nam dự đám cưới đứa cháu gái. Thằng em út tôi, lái xe ôm ở bến xe An Sương, cũng sắm bộ đồ Vest để đi đám cưới. Bộ đồ may ở tiệm đàng hoàng, mặc rất vừa vặn. Nhưng trông dáng nó mặc Vest vẫn còn đậm nét nhà quê của người lao động. Nguyễn Khôi mà đóng bộ Vest vào thì trông oách ngay. Nét sang trọng đã thám vào cốt cách của ông từ rất lâu. Đúng như Châu Thạch nói, NK đã dùng rất nhiều từ đời thường trong thơ của mình để nâng cao chức năng truyền thông, để cây cầu đến với độc giả rộng mở, nhưng đọc thơ ông chất trí thức, tính bác học, nét sang trọng vẫn hiện ra rất rõ. Trong trường hợp này nếu nói gộp lại‘Thơ Nguyễn Khôi sang trọng” vẫn có thể chấp nhận được.

Tắt Trăng

Tôi khoái phần phản biện của anh Châu Thạch về 2 chữ “tắt trăng”. Những gì tôi định viết thì anh đã đi trước nên giành hết rồi. Thực tế thì các nàng chọn đêm không trăng để ra tắm, nhưng nhà thơ của chúng ta giả vờ lẫn lộn “nhân vói quả”, làm như có bàn tay vô hình nào đó từ “bầu trời” vừa thấy các nàng liền “tắt trăng” để Ao Làng vẫn còn cái vẻ kín đáo e lệ của Á Đông.. Rất có duyên, rất nên thơ và rất đẹp. Tôi cũng đồng ý với anh về những lời “khá nặng” đối với “suy diễn” của nhà thơ Lê Mai. Chỉ có những người đầu óc điên loạn mới có cái lối liên tưởng bệnh hoạn, như vậy, đã biến một tứ thơ đẹp đẽ, thanh cao thành dung tục, dơ bẩn. Thêm nữa, với tôi, chữ “tắt” đắt như kim cương, không thể thay thế bằng bất kỳ chữ nào khác.

 

Về bài thơ Đêm Mộc Châu

          Đêm Mộc Châu lần đầu nghe nai “ tác”
         Dân đốt nương núi cháy xém vầng trăng
         Mới hay cuộc sống còn đói khát 
         Đốt cả đất trời kiếm miếng ăn

Ông NNK phán “Ở đây Nguyễn Khôi chắc cũng trong cơn ngái ngủ, mê sảng mà nghe thấy tiếng “nai tác”. Câu này hơi nặng, hơi độc nhưng theo tôi, nếu cảnh rừng đúng như ông Nguyễn Ngọc Kiên mô tả, thì câu đó vẫn chấp nhận được vì đúng quá. (Cảnh rừng không thể có tiếng “nai tác” mà NK tưởng tượng ra tiếng “nai tác” thì không ngái ngủ mê sảng thì là gi?)

Châu Thạch lấy trải nghiệm của chính mình xông lên biện hộ cho NK. Nhưng vẫn còn trong tình trạng cân bằng lực lượng. Tác giả thì dĩ nhiên, yên lặng nghe kẻ chỉ trích, người bênh vực, “sư bảo sư phải, vãi nói vãi hay.” Rất mong có ai đó có hiểu biết và trải nghiệm về “nai tác” nhập cuộc kẻo nhà thơ Nguyễn Khôi mang tiếng (có thể oan) là sáng tác thơ trong lúc ngái ngủ, mê sảng.

Sức Nặng Của Những Lời Phản Biện, Chỉ Trích

1/ Ở đây Nguyễn Khôi chắc cũng trong cơn ngái ngủ, mê sảng mà nghe thấy tiếng “nai tác”(NNK)

2/ Theo tôi nếu có người đọc nào thấy chữ “tắt’ mà “liên tưởng đến chu kỳ của chị em phụ nữ” như nhà thơ Lê Mai đã nói thì người đó bị bệnh hoạn trong tâm thần, chưa chắc họ đã xem thơ mà ta cũng không cần đề cập tới những con người thô tục đọc thơ làm gì. (Châu Thạch)

3/ Chỉ có những người đầu óc điên loạn mới có cái lối liên tưởng bệnh hoạn như vậy, đã biến một tứ thơ đẹp đẽ, thanh cao thành dung tục, dơ bẩn. (PĐN)

4/ Đánh vào hạ bộ (PĐN)

Mặc dù cả 4 lời chỉ trích trên rất nặng nề (và có hơi “độc”) nhưng tôi tin rằng chúng vẫn có chỗ đứng trong Tranh Luận Văn Chương Nghiêm Túc.

Phạm Đức Nhì