Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

ĐOẠN KẾT CỦA BÀI THƠ NGỌN CỎ


                    ĐOẠN KẾT CỦA BÀI THƠ NGỌN CỎ

 Ngọn Cỏ

 

Tiếng nước đái

nhỏ giọt

trong bồn cầu tí tách

thứ nước ấm sóng sánh vàng

hổ phách

trong người tôi tuôn ra

 

Phải rồi

tôi là đàn bà

hạng đàn bà đái không qua ngọn cỏ

bây giờ

được ngồi rồi trên bồn cầu chễm chệ

tương lai không chừng tôi sẽ

to con mập phệ

tí tách như mưa

ngọn cỏ gió đùa.

(Nguyễn Hoàng Bắc)

 

Đang biểu lộ thái độ hùng dũng, vùng lên “đứng đái đàng hoàng”  như các đấng nam nhi mà lại kết thúc bằng “ngọn cỏ gió đùa” - chấp nhận thân phận đàn bà như ngọn cỏ, gió muốn đùa hướng nào cũng phải chịu -  thì đúng là cung đàn lạc điệu. Nguyễn Đúc Tùng vì đang phỏng vấn Nguyễn Thị Hoàng Bắc nên chỉ lịch sự cho rằng câu cuối bài thơ gây cảm giác mơ hồ (ambiguous).

Nguyễn Thị Hoàng Bắc sau đó bật mí:

 Nếu tường minh hàm ý mấy chữ ấy bằng ngôn ngữ bình thường thì đại khái có thể diễn đạt là “ngọn cỏ gió đùa? xin lỗi nghen!” hoặc “ngọn cỏ gió đùa? không dám đâu!”

        Ô! Thật lạ! Chị viết “ngọn cỏ gió đùa” mà lại muốn người đọc hiểu là “ngọn cỏ gió đùa? không dám  đâu!”, nghĩa hoàn toàn trái ngược, thì đúng là làm khó người đọc quá.

 

Với tôi, đây là bài thơ hay. Hay về ý tứ táo bạo, hay về hình thức mới mẻ, hay về thế trận chữ nghĩa chặt chẽ. Chỉ tiếc câu cuối “ngọn cỏ gió đùa” lạc quẻ, trật bàn đạp, làm hỏng bài thơ.

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com