Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

BÌNH THƠ KHÔNG BÀN THI PHÁP







                                   BÌNH THƠ KHÔNG BÀN THI PHÁP

                               


Thi Pháp Là Gì?


Sau đây là vài định nghĩa Thi Pháp đáng chú ý:

1/

Định nghĩa theo kiểu chiết tự của người Việt (Tự điển Việt – Việt):

         Phương pháp, quy tắc làm thơ.


2/

         The art of writing poetry.
         The study of linguistic techniques in poetry or literature.

tạm dịch:

        Nghê thuật, phương cách sáng tác thơ.
        Ngành nghiên cứu về kỹ thuật sử dụng ngôn ngữ trong thơ hoặc văn chương.


 3/

        Literary criticism treating of the nature and laws of poetry.

        Ngành phê bình văn học chuyên về bản chất và luật thơ.


4/

       Poetics is the theory of literary forms and literary discourse. It may refer specifically to the theory of poetry, although some speakers use the term so broadly as to denote the concept of "theory" itself. 

      Thi Pháp là lý thuyết về các hình thức văn chương và nghị luận văn học. Nó có thể đề cập cụ thể đến lý thuyết thơ, mặc dù một số người dùng thuật ngữ này với nghĩa rộng để diễn đạt chính ý niệm về lý thuyết.


Thi pháp nếu hiểu theo nghĩa hẹp (“thi” là thi ca chứ không phải văn học) là phương pháp, quy tắc làm thơ; cũng có thể hiểu là luật thơ.

Bàn đến thi pháp là bàn đến hình thức của bài thơ - cách sắp xếp con chữ, sử dụng vần điệu và ảnh hưởng của nó đối với giá trị nghệ thuật của bài thơ.

Đối với thơ, theo tôi, thi pháp có thể định nghĩa như sau:

5/

Thi pháp (poetics) là phương pháp, quy tắc làm thơ - sử dụng vần, nhịp điệu (và các phương tiện thẩm mỹ khác của thơ) nối kết các con chữ thành một thế trận để chuyển tải thông điệp và cảm xúc của thi sĩ đến độc giả.

Các phương tiện thẩm mỹ thường thấy trong thơ là vần, nhịp điệu, số chữ trong câu, số câu trong bài, các biện pháp tu từ …

Ngoài ra, trong ebook Toàn Cảnh Thi Pháp Học của GS/TS Trần Đình Sử có hai định nghĩa thi pháp học đáng chú ý:

 1/ V. Girmunski : “Thi pháp học là khoa học nghiên cứu thi ca (tức là văn học) như là một nghệ thuật.”

Định nghĩa này quá rộng nhắm vào nhiệm vụ của thi pháp học. (1) 

2/ Viacheslav Ivanov: “Thi pháp học là khoa học về cấu tạo của tác phẩm văn học và hệ thống các phương tiện thẩm mỹ được sử dụng trong đó. (1)

Định nghĩa của Viacheslav Ivanov tuy có cụ thể hơn một tý nhưng cũng nói đến “tác phẩm văn học” nghĩa là vùng phủ sóng cũng vượt quá phạm vi của bài viết này.




Ảnh Hưởng Của Thi Pháp Đối Với Giá Trị Nghệ Thuật Của Bài Thơ


1/ Số Chữ Trong Câu: 

Ảnh hưởng đến nhịp điệu của bài thơ.

Số chữ trong câu cố định sẽ dẫn đến nhịp điệu đều đặn, nhàm chán.

Số chữ trong câu thay đổi sẽ tạo nhịp điệu khác lạ, giảm bớt cảm giác nhàm chán khi đọc thơ, nhất là bài thơ dài. Biên độ thay đổi càng rộng nhịp điệu càng khác lạ, đọc thơ càng có cảm giác thích thú, khoan khoái. Hơn nữa, việc thay đổi số chữ trong câu chứng tỏ tác giả đã phần nào thoát khỏi những ràng buộc của thể thơ, biểu lộ phong thái ung dung, thoải mái - rất cần thiết để nhen nhúm hồn thơ.

2/ Số Câu Trong Bài: 

Thoải mái, tùy tiện nhưng đừng quá ngắn.

Xin trích lời một anh bạn trong buổi nhậu (đã thay đổi chút ít cho phù hợp với khung cảnh bài viết):

Bài thơ ngắn quá (4 câu hoặc ít hơn) không đủ để tác giả bày tỏ tâm trạng của mình, không đủ để cảm xúc lớn mạnh tạo thành cao trào. Nếu thành công, nó như một nụ hôn phớt trên má, tạo ra chút xao động trong lòng người đọc nhạy cảm. Nếu thất bại, nó cho cảm giác bực mình như làm tình với anh chàng ‘sậu tinh’, chưa đi đến chợ đã hết tiền, mệt người mà chẳng nên cơm cháo gì”.

2/ Vần:

Với thi sĩ, vần giúp nối kết những ý tưởng, sự kiện, những mảnh tâm tình thành một xâu chuỗi khiến bài thơ liền mạch, nhất khí. Trong bài thơ có vần (ngoại trừ thể thơ mới trường thiên từng đoạn 4 câu) tứ thơ và cảm xúc chảy thành dòng, lớn mạnh nhanh chóng nhờ sóng sau dồn sóng trước. Khi thi sĩ đang cao hứng, “lên cơn”, dòng cảm xúc liền mạch, trôi nhanh đó giúp tứ thơ tuôn trào, không có “thời gian chết” để lý trí xuất hiện, tạo cơ hội cho hồn thơ hình thành.

Với độc giả, vần là thuốc dẫn, là thứ “dầu bôi trơn” giúp thông điệp của bài thơ theo dòng cảm xúc trôi nhanh vào hồn. Nhờ thứ “dầu bôi trơn” ấy độc giả “cảm” được tâm tình của thi sĩ một cách dễ dàng hơn, (có thể) không phải trải qua tiến trình suy nghĩ, tránh được (hoặc giảm thiểu) sự chen vào can thiệp của lý trí để cuối cùng có thể bắt gặp hồn thơ (nếu có). (2)

Nhưng vần là con dao hai lưỡi:

     a/ Quá ngọt: Sẽ có hội chứng nhàm chán vần, đọc nghe rất ngán - nhất là khi tứ thơ không thẳng hướng tới đích mà cứ cà kê dê ngỗng chạy lòng vòng.
     b/ Quá nhạt hoặc không vần: Trúc trắc, khó đọc, dòng chảy của tứ thơ không trơn, những khoảng ngắn ngừng nghỉ sẽ là cơ hội để lý trí xuất hiện.

3/ Dòng Chảy Của Tứ Thơ

     a/ Đứt đoạn, phân mảnh: Tứ thơ phân tán, mỗi đọan là một ý nhỏ, cảm xúc chưa kịp tích tụ đã tan, cực khó có hồn thơ
     b/ Nhất khí liền mạch: Tứ thơ chảy thành dòng, ý này nối kết với ý kia cho đến hết bài. Nếu thi sĩ cao hứng và thế trận bài thơ hợp lý sẽ có cơ hội có cảm xúc tầng 3, có cơ hội tạo được cao trào, có cơ hội có hồn thơ.
     c/ Tốc độ của dòng chảy càng nhanh, hơi thơ càng mạnh, cảm xúc càng dạt dào.

4/ Cảm Xúc: 

Mức độ cảm xúc có được là kết quả của sự phối hợp các phương tiện thẩm mỹ của bài thơ mà giới phê bình gọi là thi pháp.

     a/ Cảm xúc tầng 1: Cảm giác khoan khoái, sung sướng khi gặp được một chữ “đắt”, một cụm từ sang, đẹp, một biện pháp tu từ độc đáo hoặc một câu thơ hay. (Kỹ thuật cá nhân của cầu thủ)

     b/ Cảm xúc tầng 2: Cảm giác sung sướng khi thấy sự kết nối các câu, các ý, các đoạn thành một thế trận liền lạc, hợp lý, hiệu quả để đưa tứ thơ đến “bến đỗ”. (Đấu pháp toàn đội)

     c/ Cảm xúc tầng 3: Cảm giác ngây ngất khi “bắt” được cái hơi nóng cảm xúc, không phải từ các con chữ của bài thơ mà từ đâu đó giữa những hàng kẻ. Cái hơi nóng cảm xúc đó được “thổi” vào bài thơ do tâm thái cao hứng, nổi điên, lạc thần trí của tác giả. Đây là loại cảm xúc cho độc giả cái cảm giác sảng khoái nhất, “đã” nhất.

Nếu cảm xúc tầng 3 mạnh đến mức chảy thành dòng, sóng sau dồn sóng trước lên đến đỉnh điểm, bài thơ có cao trào, hồn thơ xuất hiện. (Trận đấu có hồn) Lúc đó “cái tôi văn hóa” của tác giả đã trốn mất để “cái tôi đích thực” lộ diện, lời thơ là những tiếng lòng chân thật từ một Con Người (viết hoa). Bài thơ đã đạt được phần thưởng cao quý nhất - bước vào “Bến Bờ Thi Ca”.


Khuyết Điểm Về Mặt Thi Pháp Của “Thềm Xưa Em Đợi Người Về”

THỀM XƯA EM ĐỢI NGƯỜI VỀ

Em đợi người bên Thềm Xưa trầm lắng
nhặt bâng quơ hạt nắng ngủ trên bàn
ly phin đá nhẩn nha từng giọt đắng
nhặt hoài mong lạc mười ngón tay đan.

Em khắc khoải đợi một dòng tin nhắn
thèm giật mình khi nghe tiếng chuông reo
chiếc điện thoại cũng tảng lờ im ắng
ném niềm vui như chiếc lá bay vèo.

Mắt ngân ngấn “Người ơi” - em khẽ gọi
đợi tiếng người trầm ấm phía bên kia
mà: “… rất tiếc, số này không kết nối”
ngỡ trời tình ai thổi tắt trăng khuya.

Buồn vây ráp đêm dài thêm sợi tóc
tựa vào đâu ấm áp một bờ vai?
em cố dặn: thôi đừng mau mắt khóc
dẫu muộn phiền có thể chẳng nguôi khuây.

Người gieo lại nửa hồn nghe ngơ ngẩn
nửa trên tay em bồng nắng về rừng
như thạch thảo bên tường mưa ướt cánh
nghe con chim góa bụa hót rưng rưng.

Em khờ khạo xới lên miền cổ tích
như mối đùn trăm nỗi nhớ về nhau
khi yêu dấu môi hôn chưa nhàm nhạt
ai cam tâm hờ hững tự khi nào?

HÀ NHỮ UYÊN

(Bài này Châu Thạch đã viết lời bình với tựa “Cảm Nhận ‘Thềm Xưa Em Đợi Người Về’ – Thơ Hà Nhữ Uyên” nhưng anh đã chỉ bình tán ý tứ mà không bàn thi pháp. Độc giả có thể đọc bài bình của Châu Thạch theo link sau đây: http://www.bongtram.com/2016/03/cam-nhan-them-xua-em-oi-nguoi-ve-tho-ha.html

1/ Nhịp Điệu: 

Mỗi câu 8 chữ, mỗi đoạn 4 câu, đọc lên nhịp điệu đều đặn tẻ nhạt. Tác giả tự trói buộc mình trong quy luật của thơ mới nên tâm thế, phong thái không được tự do.

2/ Vần: 

Vần gieo cả 1/3 lẫn 2/4 kỹ lưỡng (6 đoạn 12 cặp vần, không bỏ sót cặp nào), có nhiều cặp gieo chính vận nên hội chứng nhàm chán vần rất nặng, đọc 2 đoạn đã thấy giọng “ầu ơ”. Thêm vào đó, tác giả lại còn chơi cả yêu vận (vần lưng):

Chữ “nắng” (câu 2 đoạn 1) vần với “lắng” (câu 1 đoạn 1)
Chữ “nối” (câu 3 đoạn 3) vần với “thổi” (câu 4 đoạn 3)
Chữ “tóc” (câu 1 đoạn 4) vần với “áp” (câu 2 đoạn 4)
Chữ “ngẩn” (câu 1 đoạn 5) vần với “nắng” (câu 2 đoạn 5)

Và điệp vận (vần “ắng”) không cần thiết: Câu 1, câu 3 đoạn 1 và câu 1, câu 3 đoạn 2

Nhìn cách gieo vần của bài thơ mà thấy “thương” cho thái độ phục tùng của tác giả đối với quy luật gieo vần. Một lần nữa lại biểu hiện phong thái e dè lệ thuộc.

3/ Dòng Chảy Của Tứ Thơ: 

Bài thơ gồm 6 đoạn, mỗi đoạn 4 câu diễn tả một ý riêng biệt; từ đoạn trước sang đoạn sau không bắt vần nên tứ thơ đứt đoạn, phân tán, không có dòng chảy.

4/ Cảm Xúc: 

Cảm xúc tạo được ở đoạn nào nằm tại đoạn đó, không chảy thành dòng để có sự tiếp nối “sóng sau dồn sóng trước” tạo cao trào, hình thành hồn thơ. Cảm xúc phần lớn ở tầng 1 (câu, chữ hay), rất ít ở tầng 2 (thế trận), hoàn toàn không có cảm xúc ở tầng 3 (cao hứng, nổi điên). Với vóc dáng này TXEĐNV chắc chắn không thể có hồn thơ.

Bình thơ mà không bàn đến thi pháp nên Châu Thạch đã bỏ qua nhiều khuyết điểm và đã nâng giá trị của bài thơ lên một cách bất công. Tệ hại hơn, anh đã ngợi khen quá lố một bài thơ có những điểm yếu cơ bản, thổi vào hồn tác giả một niềm tự hào thiếu căn cứ để nảy sinh tâm lý tự mãn.

Đôi Lời Với Tác Giả Bài Thơ “Thềm Xưa Em Đợi Người Về”

Tôi hoàn toàn không quen biết anh Hà Nhữ Uyên và bài thơ Thềm Xưa Em Đợi Người Về tôi chỉ mới “gặp” lần đầu khi viết bài này. Bài thơ của anh những nét đẹp về ngôn ngữ, hình tượng, ý tứ thì nhà phê bình Châu Thạch đã phân tích đầy đủ, có phần ưu ái. Tôi chỉ bàn đến những cái “sót” của anh Châu Thạch khi anh bình thơ mà phớt lờ thi pháp – “cách sắp xếp con chữ, sử dụng vần điệu và ảnh hưởng của nó đối với giá trị nghệ thật của bài thơ”.

Mỗi nhà phê bình đều có “ý đồ” riêng trong bài viết của mình. Trước tiên, bài thơ của anh Hà Nhữ Uyên rất tình cờ lọt vào tầm ngắm của tôi. Đọc kỹ, thấy nó là một thí dụ minh họa rất hợp với mục tiêu của bài viết. Tôi biết bị một cặp mắt nhìn soi mói vào khuyết điểm bài thơ của mình tác giả nào cũng có cảm giác khó chịu, nhưng xin anh Hà Nhữ Uyên hiểu và thông cảm cho. Tôi chọn bài của anh vì tiện đường đi tìm cái đẹp của Thi Ca chứ không vì ác cảm cá nhân. 

Thuở còn ở Trung Học, khi được hỏi “Làm thơ nên chọn thể thơ nào?”, thầy giáo dậy Việt Văn có lần nói với tôi 


“Cái đó tùy tạng, tùy sở thích của mỗi người; trên trang thơ của mình thi sĩ được toàn quyền tự do chọn lựa.” Sau nhiều năm tìm vui với thơ, tôi lại được các bạn trẻ hỏi cái câu hỏi tôi đã hỏi thầy giáo tôi ngày xưa. Và vì dòng đời thay đổi, cách nhìn nhận thi ca cũng đổi thay; câu trả lời của tôi cũng khác câu trả lời của ông thầy mà tôi hết lòng yêu mến.

 “Hãy chọn thể thơ thông thoáng, không bị trói buộc bởi luật lệ khắt khe, không phân mảnh đứt đoạn, để tứ thơ và cảm xúc của mình có thể chảy thành dòng, sóng sau dồn sóng trước, có cơ hội tạo cao trào để hồn thơ xuất hiện.”

Rất mong anh Hà Nhữ Uyên coi câu trả lời ấy như một đề nghị chân tình.

Ưu Điểm Về Mặt Thi Pháp Của “Quê Nghèo”:

QUÊ NGHÈO

Quê tôi nghèo lắm
Vẫn lác đác nhà tranh
Vẫn tiếng thở dài những chiều giáp hạt
Vẫn bát cơm chan mồ hôi mặn chát
Cha cả đời lam lũ
Mẹ một đời chắt chiu
Khoai sắn vẫn len vào giấc ngủ
Tuổi thơ tôi đói ngủ
Thương cánh cò bấu bíu lời ru.
.
Quê tôi nghèo lắm
Phiên chợ còn èo ợt nghèo hơn
Dăm ba nải chuối
Vài mớ rau tươi
Mẹt sắn, mẹt ngô
Í ới mời chào cao hơn mời cỗ
Lèo tèo dăm người bán
Lẻ tẻ mấy người mua
Ế bán
Chán mua
Phiên chợ quê xác xơ già cỗi.
.
Quê tôi nghèo lắm
Lũ trẻ gầy như con cá mắm
Lũ trai mặt mũi mốc meo
Gặm nhấm nỗi đau nghèo khó
Nơm nớp âu lo đời như chiếu bạc
Thương con cò con vạc
Mỏi cổ chồn chân trên đồng đất của mình.
.
Quê tôi nghèo lắm
Nước mắt rơi từ thời chị Dậu
Tiếng oan khiên từ thời Giáo Thứ
Âm ỉ bủa quanh
Bám đeo đặc quánh
Chiếc cổng làng dựng lên thật đẹp
Sừng sững bê tông cốt thép
Ngạo nghễ tượng đài
Ngạo nghễ trần ai
Chiếc cổng làng thành tai hại
Giam hãm đời người
Tù túng giấc mơ.
.
Quê tôi nghèo
Nghèo cả giấc mơ...
*.
Hưng Yên, chiều 29 tháng 12 năm 2014
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

Bài này nhà phê bình Nguyễn Bàng đã viết lời bình với tựa Quê Nghèo – Nghèo Đến Xót Xa Cõi Lòng. Còn ông Bùi Đồng cũng bình bài thơ nhưng chọn cái tựa khác hơn một tý: Quê Nghèo – Xót Xa Những Tiếng Lòng. Giống như Châu Thạch, hai ông cũng chỉ bình tán ý tứ mà không bàn thi pháp. Độc giả có thể đọc cả hai bài bình thơ theo hai cái links sau đây:


1/ Nhịp Điệu: 

Số câu trong bài không bị bó buộc, viết hết ý thì thôi; số chữ trong câu tùy tiện, không theo một quy luật nào nên nhịp điệu khác lạ, tránh được cảm giác đơn điệu, nhàm chán. Tốc độ dòng chảy của tứ thơ khá nhanh, thay đổi theo cảm xúc, tạo mối giao cảm trực tiếp với độc giả ngay trên từng con chữ. Thêm vào đó, cách phân bổ các con chữ, câu, đoạn trong bài thơ biểu lộ một tâm thế, một phong thái tự do, thoải mái.  

2/ Vần: 

Tôi có cảm tưởng tác giả không chủ ý gieo vần nhưng các con chữ tuôn ra trong lúc tình thương mến quê dâng cao cứ tự động kết nối với nhau thành từng mảng trong đó đã có vần một cách tự nhiên. Riêng đoạn 2 và phần đầu đoạn 4 không có vần nhưng đọc lên - nhờ nhịp điệu - vẫn trơn tru thoải mái như ăn chè vừa đủ độ ngọt.

Quê tôi nghèo lắm
Phiên chợ còn èo ợt nghèo hơn
Dăm ba nải chuối
Vài mớ rau tươi
Mẹt sắn, mẹt ngô
Í ới mời chào cao hơn mời cỗ
Lèo tèo dăm người bán
Lẻ tẻ mấy người mua
Ế bán
Chán mua
Phiên chợ quê xác xơ già cỗi.

Và:

Quê tôi nghèo lắm
Nước mắt rơi từ thời chị Dậu
Tiếng oan khiên từ thời Giáo Thứ
Âm ỉ bủa quanh
Bám đeo đặc quánh

Không biết do tác giả có tài hay do may mắn. Tôi nghĩ có lẽ cả hai.

3/ Dòng Chảy Của Tứ Thơ: 

Hình ảnh, sự kiện nối tiếp nhau chảy thành dòng trên con kênh mà lòng kênh là câu thơ chủ đạo “Quê tôi nghèo lắm”. Chính nhờ tứ thơ nhất khí liền mạch chảy thành dòng nên đã có sóng sau dồn sóng trước để tạo cơ hội cho cảm xúc tầng 3 xuất hiện.

4/ Cảm Xúc: 

Cảm xúc tầng 1 khá mạnh toát ra từ câu chữ; cảm xúc tầng 2 cũng đáng kể do thế trận tuy chưa hoàn toàn hợp lý, mạch lạc nhưng cũng không đến nỗi phân tán, rời rạc. Thêm vào đó, nhờ nhịp điệu nhanh nên đã có xuất hiện cảm xúc tầng 3 - thứ cảm xúc cao cấp nhất trong thơ – nhưng chưa đủ mạnh để tạo hồn thơ. Lý do: tác giả không tạo được cao trào, và do đó, đoạn kết thiếu ấn tượng.


Đôi Lời Với Tác Giả Bài Thơ “Quê Nghèo”

Tôi đã để ý đến “cách làm thơ” của Đặng Xuân Xuyến từ khá lâu mặc dù đã có lần “đụng chạm” với anh rất nặng. Về mặt thi pháp, anh (và vài nhà thơ khác) đã đi trước rất nhiều người trong cái cộng đồng yêu thơ quy tụ quanh trang web của anh và một số trang web lân cận. Muốn đem một bài thơ nào đó của anh ra mổ xẻ để “mách nước” cho anh bứt phá chạy mau đến “bến bờ thi ca” nhưng hình như “không có duyên”; tôi thường đi sau thiên hạ một bước. 

Hôm nay nhân dịp viết loạt bài về hồn thơ tôi để ý đến bài Quê Nghèo của anh. Thật tình, đây là bài thơ còn khá xa mới đến mức hoàn hảo. Có đến vài chỗ sai phạm, hoặc nếu không sai phạm thì cũng chưa hoàn chỉnh, có thể o bế, trau chuốt để bài thơ hay hơn. Nhưng rõ ràng với cách sắp xếp con chữ và sử dụng vần điệu khá nhuyễn anh đã tạo cho bài thơ của mình cái vóc dáng của một lãng tử phiêu du, không bị trói buộc bởi “gia quy, lệ làng, phép nước”; tứ thơ đã chảy thành dòng, và cảm xúc có đôi chỗ mức gia tăng đã nhiều hơn cấp số cộng. 

Mặc dầu bài thơ đã có (ít nhất) hai người bình nhưng cả hai (Nguyễn Bàng và Bùi Đồng) đều không bàn thi pháp nên kỹ thuật thơ của anh, cái “tài thơ” của anh bị lãng quên.

Theo tôi, riêng về phần kỹ thuật thơ, anh đã có đủ điều kiện để viết bài thơ để đời của mình. So với Ngọc Mai - người tôi nói đến ở bài 2 – anh có nhiều ưu điểm hơn, đặc biệt là thể thơ và cách nhìn phóng khoáng về cuộc sống. Nói theo ngôn ngữ bóng đá anh cần để ý thêm về đấu pháp toàn đội (thế trận), cách ghi bàn thắng thật đẹp (đoạn kết) và gây hưng phấn cho cầu thủ của đội bóng (trạng thái cao hứng của thi sĩ). 

Nếu anh tiếp tục “thai nghén” một tứ thơ đắc ý nào đó rồi gắng chờ đến lúc “óc ách’, khó chịu, không “xì” ra không được, lúc ấy mà “mở bầu tâm sự” thì với thi pháp của anh cơ hội tặng cho đời một đứa con “sáng giá” sẽ rất cao.

Thơ Đến Từ Đâu?

Khi làm thơ thi sĩ sẽ ở 1 trong 3 tâm thế (trạng thái của tâm) sau đây:

1/ Muốn phân tích phải trái, nói lý lẽ với độc giả (Reason With Them)

Với tâm thế ấy thi sĩ sẽ viết ra bài vè như khá nhiều những “bài thơ” của Thái Bá Tân. Ý tưởng mạch lạc, có vần điệu nhưng chỉ là sản phẩm của lý trí, hoàn toàn vắng bóng cảm xúc.

2/ Tâm sự, chia sẻ cảm xúc với độc giả (Share feelings with them)

Đại đa số thơ chúng ta thường đọc thuộc loại này. Thơ có cảm xúc nhưng cũng có sự kiểm soát của lý trí.

3/ Xả, trút cái khối yêu thương, thù hận, uẩn ức … chất chứa trong lòng. (Get it off your chest)

Lúc ấy thi sĩ đã nổi cơn điên, lạc thần trí; ngài đã vứt bỏ chiếc áo “cái tôi văn hóa” để trở về với “cái tôi đích thực” của mình. Trước mắt ngài sẽ chẳng có độc giả; ngài sẽ chẳng viết cho ai cả; ngài chỉ muốn nói ra, viết ra cho nhẹ lòng, nhẹ bụng. Nếu kỹ thuật thơ nhuần nhuyễn đến một mức nào đó, bài thơ viết ra sẽ rất nhiều cơ hội có hồn.

Bình Thơ Không Bàn Thi Pháp - Đầu Mối Của Bất Công.

Bình thơ không bàn thi pháp chắc chắn sẽ dẫn đến bất công. Người bình chỉ chú ý đến ý tứ, còn kỹ thuật thơ thì “ngoảnh mặt làm ngơ”. Tác giả bài thơ đã có “tay nghề” cao hay vẫn còn lẹt đẹt ở phía sau cũng đều được đánh giá giống nhau, cá mè một lứa. 

Người may mắn có được những bước chân khai phá đi đúng hướng bến bờ thi ca thì vì mang tâm trạng nửa tin, nửa ngờ, không có người biết chuyện chia sẻ, thông cảm, khuyến khích nên vẫn cứ ngập ngừng, vừa bước vừa run; nếu bất ngờ đụng phải một trở ngại nhỏ cũng dễ dàng bỏ cuộc. Người vẫn còn lẹt đẹt - nhưng lại không biết mình ở phía sau - vẫn cứ tiếp tục đi, lắm lúc còn ưỡn ngực tự hào dù thực sự đang quanh đi quẩn lại, bì bõm trong vũng sình lầy lội.   

Với thơ, cảm xúc gần như là tất cả, thông điệp chỉ là thứ yếu. Dĩ nhiên, tứ thơ hay cũng góp phần nâng giá trị của bài thơ nhưng chính cảm xúc mới có thể đưa bài thơ lên “đài danh vọng”, mới giúp bài thơ chiếm một vị trí trang trọng trong lòng độc giả, mới tạo nên sự cách biệt giữa một tuyệt tác thi ca với những bài thơ làng nhàng.

Muốn “đo” khối lượng cảm xúc của một bài thơ nhà phê bình trước hết phải “cảm đoán” xem thi sĩ viết bài thơ với tâm thế nào. Nếu ngài “trút bầu tâm sự” lên trang giấy thì bài thơ dễ có nhiều cảm xúc và có cơ hội đạt danh hiệu cao quý: “Bài Thơ Có Hồn”. Đến đây nhà phê bình phải dùng chiêu thi pháp để tìm kết quả. Vần, nhịp điệu và các phương tiên thẩm mỹ khác sẽ được đưa lên bàn mổ để xem có nối kết các con chữ thành một thế trận hoàn hảo và có tạo được cao trào không?

Bởi vậy nếu không bàn thi pháp thì sẽ rất khó nhận biết cảm xúc tầng 3 - thứ cảm xúc cao cấp đến từ trạng thái cao hứng của thi sĩ – và đỉnh điểm của nó là hồn thơ. Không làm được điều đó, theo tôi, bài bình thơ thất bại.

Kết Luận

Thưa các nhà bình thơ Châu Thạch, Nguyễn Bàng và Bùi Đồng,
Thưa tất cả những nhà phê bình thuộc trường phái Bình Thơ Không Bàn Thi Pháp,

Với lối bình thơ ấy quý vị đã đối xử với bài thơ như một đoạn văn không hơn, không kém. Tâm của quý vị có thể chính trực nhưng lời bình của quý vị lại thiên vị, bất công, thơ hay thơ dở đánh lộn sòng.

Bao nhiêu những tố chất để làm nên “tính thơ” quý vị đều phớt lờ. Quý vị đã cầm dao đâm chết bài thơ trước khi viết lời bình. Những phân tích, bàn tán hoa mỹ của quý vị chỉ là những cánh hoa phủ lên một “cái xác không hồn”, một bài thơ không có “tính thơ”.

Xin những người yêu thơ hãy lên tiếng để cứu thơ. Nếu không, một ngày nào đó thơ – cái thứ thơ mà chúng ta trân trọng yêu quý - sẽ không còn nữa.

Phạm Đức Nhì


2/ Một Cách Nhìn Khác Về Vai Trò Của Vần Trong Thơ, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2017/02/mot-cach-nhin-khac-ve-vai-tro-cua-van.html





Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2018

" EM CÒN TRẺ VÀ EM KHÔNG THỂ BIẾT" CỦA NGUYỄN ĐỨC TÙNG CÓ PHẢI LÀ THƠ?

Từ Bài Thơ Của Ông Nguyễn Khoa Điềm Và Lời Bình Của Đỗ Trung Quân

 

BỨC CHÂN DUNG NGƯỜI LÍNH GIÀ

 

 (Có bức chân dung nhưng máy tôi không tải được)

 

Những giọt nước mắt

Thật buồn

Thật lặng lẽ

Trước bức chân dung

Người lính Điện Biên vừa tròn trăm tuổi

Của một người tù.

 

Trận chiến Lịch Sử

Đã phá tung mọi xiềng xích?

Người họa sĩ trẻ

Từ sau song sắt

Vẫn bình tâm

Dành lòng biết ơn

Không dứt

Cho một người lính già.

 

19.9.2011

Nguyễn Khoa Điềm

 

Đỗ Trung Quân bình:

 

Bức chân dung của đại tướng Võ Nguyễn Giáp được vẽ bởi một tay thực sự chuyên nghiệp. Anh Cù Huy Hà Vũ. Anh rất có tài!

 

Bài thơ của ông Nguyễn Khoa Điềm, rất tiếc phải nói thật lòng, xin ông đừng giận. Đấy chỉ là những dòng “cảm tưởng có vần”, thường thấy ghi trong những sổ cảm nghĩ đám ma hay đám cưới.

 

Thưa ông!

Nó không phải là thơ ạ!

 

Tôi không biết thi sĩ Đỗ Trung Quân dựa vào đâu để phán Bức Chân Dung Của Người Lính Già không phải là thơ.

 

Theo tôi thì ngắm bức chân dung của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp tác giả tâm đã đối cảnh và biểu lộ cảm xúc của mình trước tấm tình của họa sĩ (Cù Huy Hà Vũ) đối với Đại Tướng.

 

Những giọt nước mắt

Thật buồn

Thật lặng lẽ

Trước bức chân dung

Người lính Điện Biên vừa tròn trăm tuổi

 

Với những chi tiết ấy Bức Chân Dung Của Người Lính Già đã xứng đáng được gọi là thơ. Bài thơ ấy hay hoặc dở lại là chuyện khác, cần đến sự phân tích và bình phẩm kỹ lưỡng hơn.

 

Đến “Em Còn Trẻ Và Em Không Thể Biết” Của Nguyễn Đức Tùng

 

Hơn một tuần qua trang Facebook Tung Nguyen lại rôm rả với bài “thơ tình thứ bảy” số 37 của anh.

 

 

EM CÒN TRẺ VÀ EM KHÔNG THỂ BIẾT

 

Em còn trẻ và em không thể biết

Người ta sống lại khi đã chết

Những người yêu nhau thường cách biệt

Những người ghét nhau ở bên nhau

Em còn trẻ và em không thể biết

Những cây cối bên đường cũng khổ đau

Khi chúng đứng một mình trong gió rét

Hay khi chúng chụm đầu chen chúc nhau

Em còn trẻ và em không thể biết

Lúc nào nên kết thúc lúc nào nên bắt đầu

 

NGUYỄN ĐỨC TÙNG

 

Bài này đăng trên Facebook ngày 03/03/2018. Cho đến khi tôi viết những dòng chữ này đã có 150 likes, 7 lượt chia sẻ, khá nhiều bình luận trong đó có 2 lời khen đắt giá từ 2 nhà lý luận phê bình nổi tiếng.

 

Văn Giá Ngô: Một bài thơ kiệm lời mà mở ra nhiều miền nghĩa...

 

Mai Văn Phấn: Hay lắm, bạn hiền Tung Nguyen

 

PGS/TS Ngô Văn Giá đã công khai công nhận đó là “một bài thơ”; ông Mai Văn Phấn tuy chỉ nói “Hay lắm bạn hiền Tùng Nguyễn” nhưng cũng ngầm công nhận đó là “một bài thơ” (hay). Còn lại tất cả những lời bình và likes khác - hoặc công khai hoặc ngấm ngầm – cũng đã công nhận đó là “một bài thơ”.

 

Riêng tôi, hôm nay được rảnh, tự nhiên hứng chí cho rằng “Em Còn Trẻ Và Em Không Thể Biết của Nguyễn Đức Tùng không phải là thơ”.

 

Nói ngược ý với cả trăm người, quả thật, cũng hơi “ngán”. Nếu lỡ lọt về phía “sai lầm” thì né bên nào cũng dính đòn. Không biết phần chứng minh dưới đây có đủ sức thuyết phục để khỏi bị lãnh đòn không?

 

Nhưng lãnh đòn ở chốn văn chương cũng đâu có gì đáng sợ. Lại có cơ hội được mở mang kiến thức. Và lời tuyên bố ngược đời ấy biết đâu lại tạo nên một cuộc trao đổi về thơ lý thú.

 

Những “Bài Thơ” Không Phải Là THƠ

 

Có hai đặc tính để nhận ra một “Bài Thơ” không phải là Thơ:

 

1/ Nó hoàn toàn là sản phẩm của lý trí, đến từ bề mặt của ý thức; tâm của tác giả chưa có cơ hội đối diện với, hoặc bước vào, khung cảnh của bài thơ.

 

hoặc là:

 

2/ Tác giả đã bước vào khung cảnh của “Bài Thơ” nhưng chưa có những câu Sinh Tình.

 

Sau đây là một số thí dụ trong các bài viết cũ của tôi, nay tuyển chọn, sắp xếp lại để phù hợp với bài viết này.

 

1/

 

HÌNH VUÔNG

 

Muốn tìm chu vi hình vuông

Lấy cạnh nhân bốn lệ thường nhớ ghi

Diện tích hình vuông khó gì

Lấy cạnh nhân cạnh sai đi đường nào.

 

Môt ông thầy dạy toán nào đấy đã mượn thể thơ lục bát để diễn tả một công thức toán cho học trò dễ nhớ. Nội dung của 4 câu lục bát hoàn toàn là sản phẩm của lý trí, không có một chút cảm xúc nào. Đây không phải là thơ.

 

 

2/

 

Con ơi, muốn nên thân người,

Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha.

Gái thì giữ việc trong nhà,

Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa.

Trai thì đọc sách, ngâm thơ,

Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa.

Mai sau nối được nghiệp nhà,

Trước là đẹp mặt, sau là ấm thân.

(Ca dao)

 

3/

 

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

(Ca dao)

 

Một nhà nho đã đem quan niệm về chữ hiếu của Khổng Tử dàn trải trong thơ lục bát để loan truyền trong dân gian. Đây chỉ là sản phẩm của lý trí, tâm chưa đối cảnh, không có cảm xúc, không thể gọi là thơ.

 

 

4/

 

KINH PHÁP CÚ

 

Không làm các việc ác

Tu tập các hạnh lành

Giữ tâm ý thanh tịnh

Là lời chư Phật dạy

 

Chỉ là lời chư Phật dạy, không cảm xúc.

 

5/

 

HÃY TIN CHÚA

 

Hãy tin nơi Thiên Chúa

Hồn xác dâng cho ngài

Hãy sống theo lời Chúa

Chết, sẽ về nước Trời

 

Đây chỉ là lời kêu gọi mọi người Hãy Tin Chúa, hoàn toàn đến từ bề mặt ý thức, là sản phẩm của lý trí, không có bóng dáng cảm xúc nên không thể gọi là thơ.

 

6/

 

HÃY MUA THUỐC SỐ 42

 

Ai khóc ngoài quan ải?

Ai chưa đánh đã chạy dài?

Thuốc này bôi một tý thôi

Là trèo lên ngựa vung roi cả ngày

Thuốc này, ôi thật là hay!

Thuốc này tên gọi là Xây Xập Zì (tiếng Hoa: 42)

 

Đây có vóc dáng là thơ nhưng chỉ là bài quảng cáo thuốc “chơi lâu” ở các tỉnh biên giới phía bắc. Nó là sản phẩm của óc thương mại, kinh doanh, không phải là những lời tâm tình, hàm chứa cảm xúc.

 

KHÔNG MUỐN MÀ PHẢI NÓI

 

Nói thêm về bác Vượng:

Nếu bác có gì sai

Thì đã có pháp luật.

Pháp luật không chừa ai.

 

Bác chưa hề bị bắt,

Chưa bị tù, nghĩa là

Bác là công dân tốt.

Tốt gấp vạn chúng ta.

 

Tốt vì bác đóng thuế,

Chắc nhiều lắm, rất nhiều.

Tạo hàng triệu công việc,

Tất nhiên cho người nghèo.

 

Nhờ những người như bác,

Tức kinh tế tư nhân,

Kinh tế mới phát triển,

Cuộc sống mới khá dần.

 

Bác muốn tăng học phí?

Quyền của bác chứ sao.

Không thích thì mời biến.

Bác không ép người nào.

 

Dễ thấy một chấm bẩn

Trên một tấm kính trong.

Nhưng thấy cả tấm kính,

Rất tiếc, thường là không.

 

Không một ai hoàn hảo.

Thị trường là thị trường.

Có sai mới có đúng.

Chuyện ấy rất bình thường.

(Thái Bá Tân)

 

Đây là một trong những “bài thơ” của Thái Bá Tân mà nói đến thể loại có người đặt cho cái tên rất “chua”: Vè Thời Đại. Tôi không dám vơ đũa cả nắm, nhưng có thể nói khá nhiều thơ của TBT thuộc loại này. Chúng như những bài giảng mạch lạc của một thầy giáo có kiến thức, có khả năng sư phạm và có tài “chọn chữ xếp vần”. Chúng đến từ bề mặt ý thức, là sản phẩm của lý trí nên thiếu cái điều kiện cốt yếu để được gọi là thơ.

 

Cái điều kiện cốt yếu đó văn chương Việt gọi là “tức cảnh sinh tình” – nghĩa là Tâm (không phải Trí) phải đối cảnh và có câu thơ sinh Tình. La cà tán chuyện với mấy ông thi sĩ Mỹ thì được họ tặng cho 2 từ tương đương “emotional connection” – có nghĩa là người viết phải có “dính líu cảm xúc” với bài thơ. “Không Muốn Mà Phải Nói” của TBT không có cái “dính líu cảm xúc” đó nên không thể gọi là thơ.

 

Trở Lại Với “Em Còn Trẻ Và Em Không Thể Biết” Của Nguyễn Đức Tùng

 

Nếu đọc hết những thí dụ trên độc giả chú ý một tý sẽ nhận ra NĐT hình như đã đi lạc vào con đường của Thái Bá Tân. Anh giải thích cho nhân vật “em” hiểu “vì còn trẻ nên có một số điều không thể biết”. Và sau đó anh liệt kê những điều đó với “em”. Có thể nói trong ECTVEKTB Nguyễn Đức Tùng chỉ dùng kiến thức của mình “nói lý lẽ” với nhân vật “em”. Tâm của anh còn chưa có cơ hội “đối cảnh” chứ đừng nói đến “sinh tình”.  

 

Không Muốn Mà Phải Nói của Thái Bá Tân mặc dù ngôn ngữ chắt lọc, lý luận mạch lạc nhưng do chỉ viết bằng cái đầu nên được tặng danh hiệu Vè Thời Đại cũng không có gì quá đáng. Riêng bài ECTVEKTB của NĐT vì chỉ là sản phẩm của lý trí nên dù “mở ra nhiều miền nghĩa” và được nhiều người thích và khen ngợi,  vẫn không đạt được danh hiệu thơ mà phải xếp vào “thể loại khác”.

 

Kết Luận

 

Mức độ hiện diện của lý trí đóng vai trò quan trọng trong việc thẩm định giá trị nghệ thuật của một bài thơ. Càng ít lý trí, cảm xúc càng nhiều, bài thơ càng hay. Khi lý trí mất hẳn, cái tôi đích thực của thi sĩ được hồi sinh; những gì viết ra là tâm tình Chân Thật của một Con Người (viết hoa). Nếu kỹ thuật thơ đạt đến một trình độ nào đó, bài thơ sẽ có hồn.

 

Ngược lại, bài thơ càng nhiều lý trí thì càng “khô cứng”, càng dở. Nếu đến mức để lý trí độc quyền điều khiển ngôn ngữ, thế trận của “bài thơ” thì “bài thơ” đó sẽ không được gọi là thơ mà sẽ được xếp vào một “thể loại khác”. Đây là trường hợp của Em Còn Trẻ Và Em Không Thể Biết của Nguyễn Đức Tùng.

 

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com