Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

KẾT LUẬN CỦA BÀI TẢN MẠN VỀ VAI TRÒ CỦA Ý TỨ TRONG THƠ


 KẾT LUẬN CŨA BÀI TẢN MẠN VỀ VAI TRÒ CỦA Ý TỨ TRONG THƠ


Cá nhân tôi, rất nhiều khi nẩy ra một ý thơ định ngồi dậy cầm bút viết thì nhận ra cái ý ấy người ta – không phải một mà vô số người – đã viết từ lâu rồi. Một đề tài về bất cứ khía cạnh nào của cuộc sống, thường là đã được - ở chỗ này hay chỗ khác, ở thời điểm này hay thời điểm khác, bằng cách này hay cách khác - đề cập đến. Cho nên nghĩ ra một ý tưởng hay, mới lạ, độc đáo để đưa vào thơ là cực kỳ khó. Chỉ có những tài năng đặc biệt, có khi phải nhờ may mắn, cộng thêm một chút duyên nữa mới có thể nghĩ ra, và đôi lúc, còn cần đến lòng dũng cảm vượt bậc mới dám viết về cái “ý mới” ấy. Còn số đông nhà thơ khác đều lũ lượt nối đuôi nhau tìm đến những đề tài muôn thuở: tình yêu, quê hương, chính trị xu thời, thị hiếu của đám đông và những đề tài phải đạo khác.

Đến đây tôi mới hiểu ra lời dặn dò của 2 ông bạn Mỹ, tuy có vẻ đối nghịch nhau nhưng bổ khuyết cho nhau và đều rất hữu lý. Nếu tổng hợp hai ý kiến ấy cộng với một số tìm hiểu của riêng tôi, vai trò của ý tứ trong thơ có thể được trình bày như sau:

Ý tưởng chính, đề tài của bài thơ có thể được chia làm mấy hạng (từ cao xuống thấp):

     1/ Cao đẹp, khai phóng, thăng hoa tâm hồn con người, hoàn toàn mới lạ, độc đáo. (Điều này có thể đạt được nhưng rất khó và rất hiếm)

     2/ Lách, thoát hẳn ra khỏi (hoặc ngược với) dòng thơ Phải Đạo.

     3/ Một hiện tượng, một lối sống, một cách nghĩ của một giai đoạn lịch sử đã lác đác có người viết đề cập đến nhưng chưa có tác phẩm nào xuất sắc.

     4/ Viết theo phong trào, xu hướng chính trị, theo thị hiếu của đám đông, chọn những đề tài muôn thuở (tình yêu, quê hương …), những con đường đã có hàng triệu dấu chân.

Nghĩ được một ý tưởng hay thì phải bắt lấy ngay vì bài thơ có ý hay, độc đáo sẽ được đánh giá cao gấp bội. Nhưng nếu thi hứng của mình cứ nghiêng về phía “đường xưa lối cũ” thì hãy chọn con đường ít dấu chân hoặc chưa có dấu chân nào đậm nét. Thi sĩ cũng có thể tạo một khung cảnh mới để tiếp cận đề tài (thí dụ: Sông Lấp); ý chưa được mới lạ thì ít nhất cũng có tứ hay.

Ý tứ là quan trọng đấy; tuy nhiên, còn quan trọng hơn chính là tay nghề của thi sĩ. Kỹ thuật thơ mà kém cỏi thì ý tứ có hay bài thơ cũng chìm xuồng, không thể nổi đình, nổi đám trong tâm hồn người đọc được

Tóm lại, Ý Tứ chỉ là một trong nhiều tiêu chí để thẩm định giá trị một bài thơ. Tìm được ý tưởng hay, hoàn toàn mới lạ, độc đáo (không phải dễ và không phải cứ nỗ lực là sẽ tim được) sẽ nâng giá trị bài thơ lên rất nhiều. Với thơ, ý tưởng là một tiêu chí rất khó đạt điểm tối đa. Tuy nhiên, nếu đặc biệt quan tâm đến việc chọn cách tiếp cận đề tài, tạo được khung cảnh thích hợp, bài thơ sẽ có tứ hay. Riêng về Ý, dù biết là cực khó để đạt được điểm 10 nhưng cũng đừng để phải ăn một con số không (0) to tướng.