Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018

"SỐNG" VÀ "ĐÀN ÔNG" CÓ PHẢI LÀ THƠ?


                               
Có những bài thơ phần đầu chỉ là những câu dọn cảnh, cái tôi riêng tư của tác giả còn ở đâu đó, chưa thấy bóng dáng trong cảnh thơ. Nhưng rồi thật bất ngờ, đến tận cuối bài, cái tôi riêng tư đột nhiên xuất hiện, và ngay cùng lúc đó, cảm xúc cũng tuôn trào. 

Tôi “sáng tác” bài Đàn Bà dưới đây để “xem chim” hai “bài thơ” (Đàn Ông và Sống) của Nguyễn Đức Tùng. Dĩ nhiên ở đây kỹ thuật thơ được coi trọng – cho tác phẩm đủ điều kiện để có danh hiệu Thơ. Còn những tiêu chí khác mong bạn đọc bỏ qua nếu “dở”


ĐÀN BÀ 

Có hai loại đàn bà 
loại chính chuyên chung thủy với chồng 

Loại không lấy chồng
suốt đời đến với đàn ông 
chỉ để thỏa mãn nhu cầu xác thịt 
tìm vui trong chốc lát.

Sáu câu trên chỉ là cách nhìn của tác giả về đàn bà, đến từ bề mặt ý thức, chưa phải là thơ. Nhưng chỉ cần thêm câu sau đây:

Tôi thích loại đàn bà thứ hai 

thì đã có cảm xúc, tình đã xuất hiện, cả bài đã trở thành thơ. Câu “Tôi thích loại đàn bà thứ hai” vừa có nhiệm vụ đưa cái tôi riêng tư của tác giả vào cảnh thơ vừa có nhiệm vụ sinh tình. 

ĐÀN ÔNG

Một số người luôn đến đúng giờ
Một số người thường xuyên lỡ hẹn
Một số người mở vết thương ra
Một số người khâu nó lại
Một số người thả chùm cỏ dại
Một số người đặt viên kim cương
Một số người không làm gì cả
Khi em đi qua
Lần thứ ba khẽ chạm vào tay

Nguyễn Đức Tùng

Đối với bài Đàn Ông thì 6 câu đầu là 6 loại người đàn ông mà tác giả đã moi từ trong đầu ra để giới thiệu với độc giả. Ngôn ngữ dễ hiểu vì đơn giản đến độ khô cứng, không đem đến một chút cảm xúc nào. Chúng, rất rõ ràng, là sản phẩm của lý trí. 

Độc giả, chắc cũng giống tôi, hy vọng anh sẽ dành cảm xúc của mình dồn hết vào 3 câu cuối. Nhà thơ của chúng ta hay làm như vậy để tạo bất ngờ và ấn tượng mạnh mẽ cho những bài thơ của mình. Và trong một số trường hợp, anh đã thành công.

Tuy nhiên, đọc kỹ 3 câu cuối:

“Một số người không làm gì cả
Khi em đi qua
Lần thứ ba khẽ chạm vào tay”

thì thấy ý quả có cái gì đó lạ lạ. Sao lại có những người (đàn ông) mà “đến ba lần em đi qua chạm khẽ vào tay mà họ vẫn lặng yên, không làm gì cả?” Nhưng bên cạnh cái “ý lạ lạ” ấy tôi còn thấy một điểm lạ nữa. Tác giả đã tạo ra khung cảnh dị thường của “bài thơ” nhưng tâm của ông (cái tôi riêng tư) vẫn không xuất hiện, không bước vào khung cảnh đó để có cảm xúc mà sinh tình. Thật ra, 3 câu cuối chỉ là loại đàn ông thứ 7.

Tóm lại, cả bài 9 câu ông cho lý trí đạo diễn hoàn toàn, tuyệt nhiên không có một tý ti cảm xúc. Nếu so sánh với Đàn Bà thì Đàn Ông của Nguyễn Đức Tùng vẫn thiếu câu thơ sinh tình nên không phải là thơ.



               SỐNG

Sống là yêu một người đàn bà
Trong tay đàn ông khác
Kẻ giữ nàng rất lâu
Như đứa bé hồng hào kháu khỉnh
Lúc nàng cựa mình thoát ra
Thì anh đã già

Sống là trở lại căn nhà
Mẹ cha mọi người đi vắng
Anh gõ cửa hàng xóm chiều mưa
Xin chút lửa
Đem về nhà
Làm quen với người chồng thứ ba của người yêu cũ
(Nguyễn Đức Tùng)

“Sống” có thể được chia làm 2 đoạn, mỗi đoạn 6 câu, là một cách nhìn rất khác thường của tác giả đối với động từ “sống” của người đời.   
Trong mỗi đoạn NĐT vẽ ra một cảnh đời rất “trái khoáy”. Có điều anh vẽ ra cảnh đời ấy bằng lý trí, còn tâm hồn anh vẫn trốn đâu đó ở một góc rất kín trong đầu, không lộ diện.

Mười hai câu trong bài Sống của NĐT giống 6 câu đầu trong Đàn Bà. Đàn Bà có câu thơ sinh tình nên là thơ; Sống không có câu thơ sinh tình nên chỉ là sản phẩm của lý trí – không phải là thơ.

Nguyễn Đức Tùng còn vài bài nữa đi lạc khỏi vườn thơ nhưng Sống và Đàn Ông dễ giải thích nhất nên tôi chọn để phân tích nguyên nhân đi lạc. Hy vọng anh Tùng và bạn đọc nhận ra để tìm cách cho thơ đi đúng đường.




Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2018

THUYỀN VÀ BIỂN VÀ MỘT ĐỀ NGHỊ SỬA THƠ

 

Một Đề Nghị Sửa Thơ Của Độc Giả

 

Sau khi bài viết Thuyền Và Biển: Ngọt Bùi Cay Đắng Của Tình Yêu lên đường được mấy ngày tôi nhận được vài thư góp ý trong đó thư của anh Phan Hồng Ngọc từ Sài Gòn đã gây cho tôi sự chú tâm đặc biệt. Nội dung thư như sau:

 

Thưa ông Phạm Đức Nhì,

 

Trong bài Thuyền Và Biển: Ngọt Bùi Cay Đắng Của Tình Yêu ông viết:

 

Phép ẩn dụ của bài thơ, nếu tinh ý, người đọc có thể nhận ra sau khi đọc 2 đoạn đầu. Còn nếu “chậm tiêu” một tý thì từ từ rồi cũng thấy, cũng hiểu. Thuyền là chàng, biển là nàng, bài thơ là chuyện tình yêu của chàng với nàng, nàng là tác giả, là nhân vật chính trong bài thơ. Trong đoạn thơ:

 

Những đêm trăng hiền từ

Biển như cô gái nhỏ

Thầm thì gởi tâm tư

Bên mạn thuyền sóng vỗ

 

thì biển là cô gái (ẩn dụ) cho nên câu “Biển như cô gái nhỏ” không những đã trở nên thừa, gây cảm giác “không thoải mái” cho người đọc mà lại còn làm lộ phép ẩn dụ nữa. Nếu tác giả chọn được cách nói khác, không nhắc gì đến cô gái mà vẫn diễn tả được cái ý ấy thì hay hơn.

 

Tương tự như vậy, trong đoạn thơ:

 

Cũng có khi vô cớ

Biển ào ạt xô thuyền

(Vì tình yêu muôn thuở

Có bao giờ đứng yên!)

 

Tác giả quên rằng mình đang đóng vai Biển với thân hình và bộ mặt (đã hóa trang) của Biển. Ngôn ngữ rất riêng, rất lạ của Biển và Thuyền đang thu hút sự chú ý của độc giả. Tự nhiên buột miệng nói ra “tiếng người” khiến vai diễn của vở kịch trở thành bất nhất. Hai câu sau nếu tránh được từ “tình yêu” mà vẫn giữ được ý ấy thì quá hay.

 

Theo gợi ý của ông tôi đã lò mò mấy ngày mới nghĩ ra được cách tránh mấy từ mà ông đã cẩn thận cho in chữ đậm ở 2 đoạn thơ trên. Và đây là 2 đoạn thơ có bàn tay sửa chữa của tôi:

 

Những đêm trăng hiền từ

Biển thầm thì to nhỏ

Những điều rất riêng tư

Bên mạn thuyền sóng vỗ.

 

Cũng có khi vô cớ

Biển ào ạt xô thuyền

Nên thuyền trên mặt biển

Có bao giờ được yên!

 

Xin ông - dưới con mắt của một người bình thơ – cho biết ý kiến. Chân thành cảm ơn ông trước.

 

Ký tên Phan Hồng Ngọc.

 

Độc giả nếu muốn có thể đọc bài thơ Thuyền Và Biển và lời bình theo link sau đây:

 

http://www.saimonthidan.com/index.php?c=article&p=12602

 

Thư qua thư lại vài lần, được sự đồng ý của anh Ngọc, tôi viết bài này trước là trả lời anh Ngọc, sau là bổ khuyết cho bài bình thơ của tôi.

 

Việc làm đầu tiên của tôi khi nhận thư là yêu cầu anh thay chữ “được”.

 

Lý do: viết như thế là gieo tiếng “ác” cho phụ nữ, ám chỉ các nàng luôn hành hạ các đấng nam nhi (cả trong nghĩa chăn gối yêu đương lẫn không khí xào xáo trong gia đình), lúc gần nhau, chẳng bao giờ cho phép họ được yên.

 

Anh PHN cũng đề nghị chữ “chịu” nhưng theo tôi thì nếu bảo:

 

Nên thuyền trên mặt biển

Có bao giờ chịu yên

 

trước hết,  nghịch ý với 2 câu “Cũng có khi vô cớ/ Biển ào ạt xô thuyền; theo Xuân Quỳnh thì Biển là tác nhân đối với tình trạng không yên của thuyền, nghĩa là thuyền ở thế thụ động nên không có quyền quyết định “chịu” hay không “chịu”. Hơn nữa, nói như thế là gieo tiếng “quậy” rất bất công cho phía nam giới.

 

Cuối cùng chúng tôi đồng ý giữ nguyên từ “đứng yên” của tác giả vì nó trung tính. Thuyền trên mặt biển không đứng yên là do lẽ tự nhiên của trời đất, “không phải tại anh cũng không phải tại em” mà do “gặp thời thế thế thời phải thế”.

 

Và bây giờ xin bàn đến kết quả sửa thơ của anh PHN.

 

 Đoạn thứ 3 của bài thơ được sửa lại thành:

 

 Những đêm trăng hiền từ

 Biển thầm thì to nhỏ

 Những điều rất riêng tư

 Bên mạn thuyền sóng vỗ.

 

Cô gái không được nhắc tới nhưng vẫn hiện diện trong đoạn thơ (dưới cái tên Biển); trong khi đó cả tứ lẫn ý cũng như âm điệu của bài thơ vẫn được giữ nguyên theo đúng ý của tác giả. Ở đoạn thứ 3 này công việc sửa thơ của anh PHN đã đạt được mục đích của mình, đã thành công mỹ mãn.

 

 Đoạn thứ 4 của bài thơ được sửa lại thành:

 

 Cũng có khi vô cớ

 biển ào ạt xô thuyền

 nên thuyền trên mặt biển

 có bao giờ đứng yên!

 

Đúng như anh Phan Hồng Ngọc dự tính, cách nói, suy nghĩ của “con người” đã biến mất. Thay vào đó là một thứ ngôn ngữ rất “Thuyền Và Biển”, rất hay và rất lạ. Âm điệu của bài thơ không thay đổi và ý của tác giả vẫn được giữ nguyên. Hay hơn nữa là 2 câu:

 

          Nên thuyền trên mặt biển

          Có bao giờ đứng yên.

 

lại rất khêu gợi, rất “tình”, đã bóng gió diễn tả cái cảnh “yêu nhau” của đôi trai gái. Ở đây việc sửa thơ của anh PHN không những đã chữa được chứng bệnh “lộn xộn trong phép ẩn dụ” mà còn làm cho đoạn thơ càng đáng yêu hơn nữa.

 

Như vậy, xin được trả lời anh Phan Hồng Ngọc: Dưới con mắt của một người bình thơ, việc sửa thơ của anh rất tuyệt. Cám ơn anh đã gởi thư góp ý.

 

Khi Bình Thơ Có Nên Sửa Thơ Của Tác Giả Không?

 

Riêng về bình thơ, nếu gặp bài thơ có nhiều dị bản, hãy chọn bản có nguồn gốc đáng tin cậy nhất rồi cứ theo đó mà bình, mà tán. Nếu thấy chữ, câu, đoạn, ý nào không hay cứ tự do chỉ ra, vạch ra rồi giải thích, chứng minh vì sao nó không hay; không nên tùy tiện nhúng tay vào việc sửa thơ của tác giả.

 

Tôi đã gặp một bài bình thơ trong đó nhà phê bình đã ra tài “sửa chữa nâng cao”, viết lại cả bài thơ 24 câu, cộng thêm cái tựa của tác giả. Bình thơ kiểu ấy quá thô bạo và lố bịch.

 

Trong trường hợp vô cùng đặc biệt, người bình thơ có lý do để hoàn toàn tự tin, thấy chữ hoặc câu thơ mình sửa chắc đúng 100%, thì theo tôi, có thể Đề Nghị Sửa Chữa, Thay Thế nhưng phải tuân thủ Tất Cả những điều kiện sau đây:

 

     1/ Không làm sai lệch tứ, ý của tác giả

     2/ Không thay đổi âm điệu của đoạn thơ

     3/ Không ảnh hưởng đến dòng chảy của tứ thơ.

     4/ Sửa thơ để tăng giá trị nghệ thuật của bài thơ, không vì mục đích đen tối nào khác.

     5/ Công việc sửa chữa phải tối thiểu, lợi ích của việc sửa chữ phải to lớn, dễ nhận ra, có sức thuyết phục cao, không cần tranh cãi.

     6/ Chỉ là “đề nghị”, không được xem đó là kết luận chung cuộc.

     7/ Trường hợp nhạc sĩ đem thơ phổ nhạc thì có nhiều tự do hơn, nhưng nếu không khéo, không cân nhắc kỹ lưỡng, cũng sẽ lãnh đủ “búa rìu dư luận”.

 

Kết Luận

 

Sửa thơ, dù tác giả muốn hay không, đồng ý hay không, cũng  là “chuyện thường ngày ở huyện”, xảy ra hầu như ở mọi lúc, mọi nơi. Có người ra vẻ ta đây, phóng bút sửa thơ một cách vô ý thức, vô trách nhiệm trong khi sự hiểu biết thơ ca của mình còn non kém, khả năng thẩm định thơ ca còn “chưa tới”.

 

Có người sửa thơ không phải vì giá trị nghệ thuật của bài thơ mà vì mục đích riêng tư khác. Chính tôi cũng có mấy lần, thấy bài thơ mới trình làng của mình, thoắt một cái, đã xuất hiện trên diễn đàn này, trang web nọ với dung nhan đã qua “viện thẩm mỹ miệt vườn”.

 

Nhưng may mắn thay, cũng có những tài thơ ẩn mình trong đám đông thầm lặng, sửa thơ vì tấm lòng với thơ, vì yêu cái hay, cái đẹp của thơ, sửa thơ một cách lịch sự và tôn trọng tác giả. Quan trong hơn cả là việc sửa thơ của họ thường nâng giá trị nghệ thuật của bài thơ lên rất cao. Với tôi, anh Phan Hồng Ngọc là một trong những người yêu thơ đáng quý đó.

 

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com