Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2017

THI SĨ CÓ XẠO KHÔNG?



                                                 

THI SĨ CÓ XẠO KHÔNG?

 


 Người Đời Thường Gian Dối

 

Tôi học Đệ Nhất ở Lý Thường Kiệt, một trường trung học công lập quận Hốc Môn, nhưng vì nghe tiếng giáo sư Trần Bích Lan nên thỉnh thoảng cũng “vù” lên trường Văn Học ở Sài Gòn học ké mấy giờ Triết. Phải công nhận thi sĩ Nguyên Sa giảng Triết nghe đã thiệt. Có lần, không nhớ trong bài nào, thầy phát biểu:

 

Do tính sĩ diện nên người đời thường gian dối; mở miệng ra là vơ cái hay, cái tốt về mình; ngay cả khi tiết lộ một chút gì xấu của cái Tôi là cũng muốn chứng tỏ mình thành thật.

 

Sau khi “mất” Khánh Ngọc, Phạm Đình Chương đã sáng tác nhạc phẩm Nửa Hồn Thương Đau trong đó có câu 

 

“Đôi khi anh muốn tin, đôi khi anh muốn tin những người, ôi những người khóc lẻ loi một mình”.

 

 Ý nhạc sĩ muốn nói chỉ những người khóc lẻ loi một mình (như ông đang khóc Khánh Ngọc) mới đáng tin là có nỗi đau buồn chân thật.

 

“Bởi đàng sau những giọt nước mắt

giữa đám đông

rất có thể

ẩn hiện bóng hình

loài cá sấu.”

 (Kẻ Giết Chết Hồn Thơ, Phạm Đức Nhì, vandanviet.com)

 

Nhưng nhiểu trường hợp người ta còn dàn cảnh để “con mồi” được tận mắt xem tấn tuồng “khóc lẻ loi một mình” rồi tin và hiên ngang bước vào bẫy. (2)

 

Phạm Đình Chương, khi viết Nửa Hồn Thương Đau, không ngờ rằng ngay cả tiếng khóc lúc lẻ loi cũng có thể sản sinh những giọt nước mắt cá sấu. Tính gian dối của người đời sâu đậm đến như thế đấy.

 Thi Sĩ Có Xạo Không?

 

Trở lại buổi học Triết với thầy Trần Bích Lan. Lúc ấy, vốn có tiếng nghịch ngợm lại bạo mồm, tôi ngồi tại chỗ “hỏi chõ” lên:

 

Thế thi sĩ có xạo không thầy?”

 

Thầy nhìn về hướng tôi ngồi, trả lời tỉnh bơ:

 

Có chứ, sao lại không! Khác nhau là cố ý hoặc vô tình.”

 

Không ngờ mấy chục năm sau, vướng “đậm” vào cái nghiệp thi ca, tôi lại phải trả lời câu hỏi của chính mình. Không biết lúc ấy thầy Trần Bích Lan trả lời thật hay đùa; tôi cũng không có cơ hội để hỏi thầy đến nơi, đến chốn.

 

Nhưng đọc khá nhiều thơ, thỉnh thoảng lại chất vấn tâm hồn mình – cũng là người múa bút làm thơ – tôi thấy quả đúng như thầy nói, thi sĩ nhiều người, nhiều lúc cũng “xạo tới bến”.

 

 Tại Sao Thi Sĩ Xạo?

 

Lý do cũng dễ hiểu. Người đời trong giao tiếp hàng ngày, đôi lúc ở chỗ này chỗ khác, nói năng có điều gì thất thố, có xúc phạm ai thì cũng chỉ một số ít người biết. Sau đó lời nói sẽ bay đi như gió thoảng.

 

Còn thi sĩ, bài thơ xuất xưởng là sẽ vượt khỏi sự kiểm soát của mình, nếu sai sót điều gì hoặc đụng chạm đến ai đó, hậu quả của những dòng thơ trên giấy trắng mực đen sẽ đọng lại rất lâu.

 

 Cho nên đặt bút viết phải cẩn trọng. Cẩn trọng sẽ mời gọi lý trí. Có lý trí xuất hiện, thi sĩ - dù muốn dù không – cũng sẽ Xạo.

 

Trường Phái Siêu Thực Đã Thất Bại

Dĩ nhiên, xạo có nhiều cách, nhiều kiểu. Có kiểu xạo cố ý, có kiểu xạo vô tình. Có kiểu xạo đáng chê trách, nhiều khi đáng khinh bỉ, có kiểu xạo đáng thương, đáng thông cảm. Nhưng dù xạo kiểu gì đi nữa cũng làm ảnh hưởng đến giá trị của bài thơ.

Xóa hẳn dấu vết của chữ Xạo trong thơ không phải là chuyện đơn giản. Trường phái thơ Siêu Thực ra đời để giải quyết vấn nạn "trục xuất lý trí - nguyên nhân của chữ Xạo - trong thơ" cũng đã thất bại.

 

Có Cách Nào Không?



Nhưng những người yêu thơ cũng đừng lo buồn. Vẫn có phương cách khác, phương cách đặc biệt làm chữ Xạo biến mất để lời thơ trở thành "tiếng lòng chân thật" của thi sĩ, để người đọc và người làm thơ được trò chuyện với nhau bằng ngôn ngữ của Loài Người (viết hoa). 

Lúc ấy bài thơ đã nhận được giải thưởng cao quý nhất: Bước Vào Bến Bờ Thi Ca.   

Loạt bài HƯỚNG ĐI CỦA THƠ sẽ bàn đến phương cách này.

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

 

CHÚ THÍCH

 


1/ Trong Cô Gái Đồ Long của Kim Dung tên Trường Linh đã giả vờ khóc trước bàn thờ Tạ Tốn để lừa Trương Vô Kỵ, hy vọng được Vô Kỵ tin tưởng dẫn ra Băng Hỏa Đảo.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét