Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016

ANH BẰNG SỬA THƠ YÊN THAO


Lời Nói Đầu

Đây là những Lời Bình Ngắn, đứng riêng rẽ, nhắm vào một câu, một đoạn, một ý thơ riêng biệt. Đôi khi cũng bàn đến một điểm nhỏ (rất nhỏ) liên quan đến Thơ nói chung. Lời Bình Ngắn cũng có khi được trích từ một bài bình thơ hoặc một bài tiểu luận bàn về Lý Thuyết Thơ. Mục đích của việc “cắt nhỏ” như vậy là để “vừa miếng” cho những người mới làm quen với thơ, đang bước đầu tìm hiểu cách thưởng thức một bài thơ, đang tìm cách trả lời câu hỏi “Thế nào là một câu, một đoạn, một bài thơ hay?” Và “Thế nào là một câu, một đoạn, một bài thơ dở?” Một đôi khi cũng có Lời Bình Ngắn hơi “dài”. Lý do: người viết muốn bàn sâu về một điểm đặc biệt nào đó của lý thuyết thơ hay một tiêu chí quan trọng để thẩm định giá trị nghệ thuật của bài thơ.
Xin nhắc các bạn trẻ - đối tượng chính của những bài viết như thế này – nên luôn để mắt vào Cái Đẹp Tổng Thể Của Bài Thơ. Có những câu thơ đứng riêng một góc trời thì rất hay, rất tuyệt. Nhưng khi đưa vào bài thơ thì lại không hợp, có khi còn trở thành vật cản đối với dòng chảy của tứ thơ. Nhận biết được một câu thơ, đoạn thơ hay là một bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, phải đặt câu thơ , đoạn thơ đó vào khung cảnh bài thơ, cân nhắc, xem xét những tiêu chí khác - đặc biệt là dòng chảy của tứ thơ, hơi thơ và hồn thơ - để sau cùng đi đến kết luận chung cuộc, có tính tổng hợp về giá trị nghệ thuật của bài thơ.


Tôi đứng bên này sông  

Bên kia vùng giặc đóng

(Nhà Tôi, Yên Thao)

Khi phổ nhạc bài thơ nhạc sĩ Anh Bằng sửa lại:

         Tôi đứng bên này sông

         Bên kia vùng lửa khói

Nhà Tôi là tâm trạng hồi hộp, lo âu của một người lính trước giờ nổ súng mà mục tiêu của trận đánh lại chính là ngôi làng bên kia sông, có căn nhà nơi những người thân yêu nhất của mình, bà mẹ già và cô vợ trẻ, đang cư trú. Trước hết, đưa cụm từ “vùng lửa khói” vào không ăn khớp với thực tế trận địa; chưa nổ súng thì làm gì có “lửa khói!” Hơn nữa, chi tiết làng tôi là “vùng giặc đóng” khiến việc đánh bật trại giặc để chiếm lĩnh mục tiêu trong một trận đánh có cả pháo binh sẽ rất nguy hiểm cho căn nhà và những người sống trong đó. Điều này làm nỗi lo của người lính thật hơn, khơi dậy nơi người đọc cảm xúc mạnh hơn. Anh Bằng đã làm tứ thơ dở đi rất nhiều khi thay cụm từ trên.