Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

HIỂU CẢM CÂU CHỮ

                   

Trong bài viết ngắn này tôi xin ghi lại một số cuộc tranh cãi về “chữ, nhóm chữ” mà tôi được biết, trong đó có cả trường hợp tôi “chọn phe”, nghĩa là đứng hẳn về một phía. Những chữ đưa ra để tranh cãi thường là tác giả dùng chữ này, người đọc tự ý thay chữ khác để “câu thơ hay hơn”.
Ở đây nếu chính mình không biết chắc, tôi không chú tâm truy xét đâu là chữ nguyên bản (của tác giả), đâu là chữ “mới” của người đọc đưa vào để thay thế - vì sợ lại dính vào một cuộc tranh cãi khác - mà chỉ dùng cảm nhận chủ quan của mình để “phán” chữ nào đúng hơn, hay hơn; trường hợp chỉ có một chữ thì sẽ nhận định chữ đó đúng hay sai, hay hay là dở. 

CHỌN CHỮ HAY HƠN, ĐẸP HƠN, SÂU SẮC HƠN

1/ Mắt em là là một dòng sông
    Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em

(Trăng Lên, Lưu Trọng Lư)

Có người đã sửa lại:

Thuyền ta bơi lặng trong tròng mắt em

Thật là quá sức bậy bạ, làm hỏng câu thơ của Lưu Trọng Lư.
“Thuyền ta bơi lặng trong tròng mắt em” nghe thô quá, cứng quá.
“Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em” hay hơn nhiều, “thơ” hơn nhiều, mà lại đúng nguyên bản.

2/ Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
    Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò
   (Sông Lấp, Tú Xương)

Hay:

Đêm nghe tiếng ếch bên tai

Vẳng hay hơn. Chỉ cần nghe "văng vẳng" từ xa là đã giật mình, chứng tỏ "tiếng gọi đò" đã ăn sâu vào tâm thức.

1/ Trong bài Thao Thức Vì Em của Lam Phương có đoạn:

Em ơi nhớ thương thương nhớ cả đêm
Làm so quên đuợc phút giây êm đềm
Cầu mong sao cho trời sáng
đúng giờ mình hẹn hò
là đời quên hết sầu lo.

(Phiên khúc 2)

Có người sửa lại:

Cầu mong sao cho trời sáng
đến giờ mình hẹn hò

Chữ nào cũng đúng cả. Nhưng theo tôi, chữ "đến" hay hơn chữ "đúng". Chữ "đến" cho người nghe cái cảm giác thời gian đang "đi từ từ" tới thời điểm "mình hẹn hò". Đây là thời gian của của đôi trai gái yêu nhau - dịu dàng, mềm mại và uyển chuyển. Còn chữ "đúng" thì kim đồng hồ phải chỉ "đúng ngay chóc" một con số nào đó, cứ như thể đang chuẩn bị phóng phi thuyền lên không gian. Như thế quá cứng nhắc.

 7/ Thể xác linh hồn này giao (trao) hết cho em. (Phạm Hữu T, Muốn Gởi Cho Em)

Giao hay hơn vì ngầm ý tin tưởng.



3/ Nắng mưa từ độ tang chồng
    Tơ tằm rút mãi cho lòng héo hon
    (Nhà Tôi, Yên Thao)

hay:
         
Nắng mưa từ buổi tang chồng

Độ: một ít lâu, một khoảng thời gian (dài hơn một ngày)

Buổi: khoảng thời gian một phần của ngày (buổi sáng, buổi chiều), một ít lâu,


Biết bao công mướn của thuê,
Lâm thanh mấy độ đi về dặm khơi.
(Kiều)

Xét về ý nghĩa, từ “độ” đúng hơn từ “buổi”. Với nghĩa “một khoảng thời gian” (dài hơn một ngày) người viết thường dùng “độ” hơn. Theo nguyên bản là “độ” 



5/ Nét bút đa tình lả lơi
   (Lá Thư, Đoàn Chuẩn & Từ Linh)

hay:

   Nét chữ đa tình lả lơi

Ý nghĩa thì giống nhau nhưng “nét bút” tượng hình hơn, hay hơn.

     6/ Mời người đem theo toàn vẹn hương yêu (Nghìn Trùng Xa Cách, Phạm Duy)
hay:
         Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu

Hương yêu rộng nghĩa hơn lại thêm thoang thoảng tý mùi thơm nên hay hơn.

    

     8/ Đêm qua chưa mà trời sao vội sáng? (Chiếc Lá Cuối Cùng, Tuấn Khanh)

Vài ca sĩ khi hát, sửa lại:

         Đêm chưa qua mà trời sao vội sáng?

Đêm qua chưa” bày tỏ tâm trạng bàng hoàng, sửng sốt khi thấy trời sáng - thời gian bên nhau đã hết, đã đến lúc chia tay. Câu nguyên bản hay hơn câu ca sĩ sửa lại rất nhiều.   

9/ Trai tơ mà lấy nạ dòng
    Như nước mắm thối chấm lòng lợn thiu
    (Ca dao)

có nghĩa là “Nước mắm thối chấm lòng lợn thiu ăn chán lắm, giống như trai tơ mà lấy nạ dòng vậy.” 

Sau đó có người sửa lại:

Như nước mắm nhĩ chấm lòng lợn thiu.

Theo tôi, đổi như vậy làm câu ca dao cân xứng và sáng hẳn lên. Trai tơ là “đồ xịn” mà chơi với nạ dòng là “đồ dởm” thì uổng, cũng giống như nước mắm nhĩ là “đồ xịn” mà đem chấm lòng lợn thiu là “đồ dởm” thì uổng phí quá.

Do đó, nếu đổi lại là “nước mắm nhĩ” thì câu ca dao hay hơn nhiều

(Xin cám ơn bạn Vu Hai đã góp ý để tôi sửa lại đoạn này cho đúng.)

Độc giả, khi đọc đến đây, có thể không đồng ý hoàn toàn với chọn lựa, nhận định của tôi. Điều đó, nếu xảy ra, cũng rất dễ hiểu. Mục đích của tôi là – qua 8 thí dụ - có thể thuyết phục bạn đọc chấp nhận một điều: nhiều khi một chữ, một nhóm chữ, một câu, một đoạn thơ, tuỳ theo trình độ thưởng thức, người đọc có thể hiểu, cảm nhận khác nhau; có người cho là đúng, có người bảo sai. Ngay cả khi đã đồng ý chuyện đúng sai, việc phân định mức độ hay dở thường là cũng khác biệt. Nhìn vào sự tranh cãi đúng sai, hay dở ấy bạn đọc có thể mường tượng phần nào trình độ thưởng thức (đẳng cấp) của người đọc thơ. Đấy là mới chỉ nói về việc hiểu và cảm nhận câu chữ. Để hiểu và đánh giá mức độ hay dở của một bài thơ còn phải dựa vào những tiêu chí khác nữa.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét