Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

HAI CÂU KẾT CỦA BÀI THƠ NGẬM NGÙI




Tay anh em hãy tựa đầu

Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi


Khoảng vài năm trước, dự một chương trình văn nghệ ở Houston, sau khi nghe dứt bản Ngậm Ngùi do Phạm Duy phổ nhạc thơ của Huy Cận, một khán giả ngồi sau lưng tôi bình phẩm:

Mẹ! Nằm bên người yêu mà còn ôm theo cả nỗi sầu nhân thế nữa”.

Tôi quay xuống hỏi chuyện:

“Sao anh lại nói vậy?”

Anh ta trả lời:

Thì 2 câu cuối chứ còn gì nữa. Có em tựa đầu trên tay mà tay kia còn ôm hết cả buồn sầu trong thiên hạ.”

Sau đây là đoạn cuối trong Một Phút Đam Mê của Lưu Hoàng Lê do Đàm Vĩnh Hưng hát:

            Một mình lê bước, lang thang bên thềm xưa

            Người tình ở đâu, bóng dáng xưa đâu còn

            Giờ ta lẻ loi, ta ngu khờ rong chơi quên ngày tháng

            Nhắm mắt ta nghe, ôi trái sầu nặng rơi rớt bên thềm.


Lưu Hoàng Lê và vị khán giả ngồi sau lưng tôi tưởng rằng trái sầu rụng rơi cũng giống buồn sầu từ đâu đó đổ ập xuông người mình. Và nhạc sĩ – khi diễn tả nỗi buồn vì mất người yêu – đã hạ bút: “bước chân đi nghe trái sầu nặng rơi rớt bên thềm”. Còn vị khán giả nọ thì la toáng lên: “Nằm bên người yêu mà còn ôm theo cả nỗi sầu nhân thế”. Thật là sự hiểu lầm tai hại. Huy Cận ra về mà lòng buồn bã đến độ thẫn thờ không phải vì trái sầu rụng rơi mà là vì việc trái sầu rụng rơi chỉ là mơ mộng hão huyền chứ không phải là sự thật.

Đến đây xin bạn đọc đừng quên phần cuối của tứ thơ mà tác giả muốn để quý vị tự suy diễn, tự hiểu. Đó là: Trái sầu rụng rơi chỉ như một thoáng mơ qua. Thực tại phũ phàng, ngay lập tức, đã quay lại. Em vẫn nằm sâu dưới mộ, thi sĩ vẫn một mình giữa nghĩa trang hiu quạnh. Và trái sầu trong ông vẫn trĩu nặng tâm hồn.

Hai câu cuối sử dụng thủ pháp Show, Don't Tell (đưa sự kiện để độc giả suy ra kết luận) nhưng hơi quá kín. Nếu độc giả không cẩn thận hoặc "non cơ" rất dễ hiểu sai ý tác giả. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét