Thứ Tư, 3 tháng 8, 2022

HƯỚNG ĐI CỦA THƠ

Bài 1


GÓP Ý VỚI CUỘC ĐỐI THOẠI "THẾ NÀO THÌ GỌI LÀ THƠ?"            


Ông Nguyễn Khoa Điềm viết trên blog Quê Choa:
Lập thân mến,
Mình có xem bức chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Hà Vũ mới vẽ tặng Đại tướng nhân dịp ông tròn 100 tuổi. Bức tranh đẹp, rất xúc động. Mình có làm bài thơ gửi trang mạng “Quê... Đại tướng” của Lập.
Chúc an vui. NKĐ

BỨC CHÂN DUNG NGƯỜI LÍNH GIÀ

 (Có bức chân dung nhưng máy tôi không tải được)

Những giọt nước mắt
Thật buồn
Thật lặng lẽ
Trước bức chân dung
Người lính Điện Biên vừa tròn trăm tuổi
Của một người tù.

Trận chiến Lịch Sử
Đã phá tung mọi xiềng xích?
Người họa sĩ trẻ
Từ sau song sắt
Vẫn bình tâm
Dành lòng biết ơn
Không dứt
Cho một người lính già.
19.9.2011
Nguyễn Khoa Điềm

Đỗ Trung Quân bình:
Bức chân dung của đại tướng Võ Nguyễn Giáp được vẽ bởi một tay thực sự chuyên nghiệp. Anh Cù Huy Hà Vũ. Anh rất có tài!
Bài thơ của ông Nguyễn Khoa Điềm, rất tiếc phải nói thật lòng, xin ông đừng giận. Đấy chỉ là những dòng “cảm tưởng có vần”, thường thấy ghi trong những sổ cảm nghĩ đám ma hay đám cưới.
Thưa ông!
Nó không phải là thơ ạ!

Thế rồi lại đọc bài tiểu luận Thế Nào Thì Gọi Là Thơ? của Phan Quỳnh Trâm với Lời Nói Đầu như sau:

[Đọc bài “Thưa, chỉ là cảm nghĩ có vần...” của nhà thơ Đỗ Trung Quân, tôi không có ý kiến gì về bức tranh của Cù Huy Hà Vũ, về bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm và về nhận xét của nhà thơ Đỗ Trung Quân đối với bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm. Tuy nhiên, tôi chỉ băn khoăn về câu khẳng định “bài thơ ấy không phải là thơ”. Tôi cũng đã nghe nhiều người nói như vậy trong những hoàn cảnh và với những mục đích khác nhau.]

Chị giải thích một lúc rồi trích dẫn đoạn thơ:

Những nhà thơ trẻ:
Hãy viết bất cứ cách nào bạn thích
Quá nhiều máu đã chảy dưới cầu
để còn tiếp tục tin
rằng chỉ có một con đường là đúng.
Trong thơ mọi sự đều được phép.
(Nicannor ParraHoàng Ngọc-Tuấn dịch)

có ý muốn nói trên trang thơ của mình thi sĩ được hoàn toàn tự do phóng bút. Câu hỏi "Thế Nào Thì Gọi Là Thơ?" vẫn là một nỗi băn khoăn, chưa có câu trả lời.
Cuối cùng chị chỉ khẳng định lại nỗi băn khoăn của mình.

Tuy nhiên, có thể nói tóm lại, Phân biệt thế nào là thơ, thế nào không phải là thơ là một điều cực kỳ phức tạp. Quan niệm về thơ thay đổi theo từng trường phái và thời đại. Ngay trong một trường phái và một thời đại thì chúng cũng có sự khác biệt lớn giữa người này và người kia. Không một ai dám đưa ra một danh sách những tiêu chí rõ ràng về thơ như một khuôn mẫu để chỉ cần đưa vào cái “khuôn” ấy một bài thơ vào là có thể khẳng định nó... lọt khuôn hay trật khuôn.

Và tôi cũng nhân tiện đọc trao đổi của các anh chị Nguyễn Vũ Đam San, Cao Thanh Phương Nghi, Black Raccoon, Huy Tuấn, Nghuyễn Tôn Hiệt, Nguyễn Đăng Thường, Trương Đức, Bùi Thị Lài liên quan đến đề tài này. Mặc dù cuộc đối thoại đã xảy ra khá lâu (gần 6 năm) nhưng câu hỏi “Thế Nào Thì Gọi Là Thơ?” vẫn chưa mất tính thời sự nên hôm nay – dù trễ - cũng xin mạo muội góp chút ý kiến.

Đã từng đọc khá nhiều thơ và cũng võ vẽ làm được mấy bài, tôi có lần tự hỏi:
Đâu là sự khác biệt giữa văn và thơ?
Tôi thấy nhiều người làm thơ, đọc thơ, mê thơ đã thử làm công việc định nghĩa thơ, nhưng hình như chưa ai đưa ra được định nghĩa nào có thể nhận diện dung mạo của thơ một cách thật chính xác, thật đầy đủ. Tuy nhiên, có một nhà phê bình văn học, theo tôi, đã bắt được cái ‘thần sắc” của thơ, đã nắm được cái cốt lõi của thơ với định nghĩa như sau:
Thơ là cảm xúc (bằng kỹ thuật thơ) đi tìm một đồng cảm. (Cụm từ “bằng kỹ thuật thơ” tôi xin phép tác giả được thêm vào để khỏi lầm lẫn với các bộ môn nghệ thuật khác).
Người đó là Nguyễn Hưng Quốc.
Vâng! Yếu tố để phân biệt văn với thơ chính là cảm xúc.
Mục đích chính của văn là chuyển tải thông tin. Kiến thức của người viết càng rộng, lượng thông tin càng lớn, lập luận càng khúc chiết, càng có tính thuyết phục thì bài văn càng có giá trị. Đâu đó cũng có những đoạn văn tình cảm, ướt át, nhưng cái chất ướt át đó chỉ đến tình cờ, chỉ là sản phẩm phụ. 

Với thơ, cảm xúc là chính, là máu thịt. Thông điệp cũng có đấy, nhưng chỉ như con kênh, con mương để dòng cảm xúc lưu chuyển. Thành công của bài thơ được đánh giá ở khối lượng, cường độ của dòng cảm xúc chảy trên con kênh ấy. Trong văn có chút cảm xúc thì cũng tốt; nhưng nếu không có cũng không sao. Ngược lại, trong thơ mà không có cảm xúc thì dù có vần điệu đầy đủ cũng vẫn không thể được gọi là thơ.

Có hai đặc tính để nhận ra một “Bài Thơ” không phải là Thơ:

1/ Nó hoàn toàn là sản phẩm của lý trí, đến từ bề mặt của ý thức; tâm của tác giả chưa có cơ hội đối diện với, hoặc bước vào, khung cảnh của bài thơ.
hoặc là:
2/ Tác giả đã bước vào khung cảnh của “Bài Thơ” nhưng chưa có những câu Sinh Tình.
Sau đây là một số thí dụ trong các bài viết cũ của tôi, nay tuyển chọn, sắp xếp lại để phù hợp với bài viết này.

Là Sản Phẩm Của Lý Trí

1/
HÌNH VUÔNG

Muốn tìm chu vi hình vuông
Lấy cạnh nhân bốn lệ thường nhớ ghi
Diện tích hình vuông khó gì
Lấy cạnh nhân cạnh sai đi đường nào

Môt ông thầy dạy toán nào đấy đã mượn thể thơ lục bát để diễn tả một công thức toán cho học trò dễ nhớ. Nội dung của 4 câu lục bát hoàn toàn là sản phẩm của lý trí, không có một chút cảm xúc nào. Đây không phải là thơ.

2/
ANH YÊU KHOẢNH ĐẤT HÌNH VUÔNG

Ôi! Khoảnh đất hình vuông
ở giữa là căn nhà nhỏ bé
vách đất, mái rạ
nơi anh đã gởi cả trái tim
vì trong căn nhà đó có em.
(PĐN chế để minh họa.)

Ở đây tác giả đã bước vào, đã xuất hiện trong khung cảnh thơ, tâm đã đối cảnh. Và đã có cảm xúc. Hay dở chưa bàn đến, nhưng Anh Yêu Khoảnh Đất Hình Vuông đã có thể gọi là thơ.

3/

CÔNG CHA NGHĨA MẸ

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
(Ca dao)
Một nhà nho đã đem quan niệm về chữ hiếu của Khổng Tử dàn trải trong 4 câu lục bát để loan truyền trong dân gian. Đây chỉ là sản phẩm của lý trí, tâm chưa đối cảnh, không có cảm xúc, không thể gọi là thơ.

4/
Thôi xa rồi mẹ ới
lệ nhòa mi mắt
mong con phương trời
có lần chợt tỉnh đêm vơi
nghe giòn tiếng súng nhớ lời phân ly
mẹ ơi con mẹ tìm đi
bao giờ hết giặc con về mẹ vui.
(Nhà Tôi, Yên Thao)

Tác giả đã bước vào khung cảnh thơ, cảm xúc đã dạt dào. Đích thị là thơ.

5/
THÁNG GIÊNG ĂN TẾT Ở NHÀ

Tháng giêng ăn tết ở nhà,
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè.
Tháng tư đong đậu nấu chè,
Ăn tết đoan ngọ trở về tháng năm.
Tháng sáu buôn nhãn bán trăm,
Tháng bảy hôm rằm, xá tội vong nhân.
Tháng tám chơi đèn kéo quân,
Trở về tháng chín chung chân buôn hồng.
Tháng mười buôn thóc, bán bông,
Tháng một tháng chạp nên công hoàn thành.
(Văn Hóa Việt, e-cadao.com)

Một nhà nghiên cứu Văn Hóa Việt đã nhờ vào khả năng quan sát sắc bén của mình nhận biết và kể lại những nét đặc thù trong sinh hoạt văn hoá của người Việt Nam từng tháng một trong năm. Tuy thể thơ lục bát được mượn làm phương tiện để chuyển tải thông điệp nhưng tác giả chỉ “đứng ngoài” chứ không cho tâm trạng, cảm xúc của mình trộn lẫn vào thông điệp. Ở đây chúng ta cũng chỉ có một loại văn vần chứ không có thơ


6/
Quan đòi thầy kiện
Bình bát nấu canh
Ăn hơi tanh tanh
Là rau dấp cá
Có mẹ không cha
Rau má mọc bờ
Thò tay sợ dơ
Đó là rau nhớt
Rau cay như ớt
Vốn thiệt rau răm
Sống suốt ngàn năm
Là rau vạn thọ
(Vè Nam Bộ)

Rõ ràng đây là một đoạn của bài vè. Mỗi câu 4 chữ, gieo vần liên tiếp. Tác giả (khuyết danh) dùng lối chơi chữ gọi tên các loại rau một cách trào phúng. Tuyệt nhiên không có cảm xúc.

Như ta đã biết, lời dạy của Đức Phật được ghi chép thành Kinh. Đệ tử của ngài, các tăng ni - dựa vào sự hiểu biết của mình – giải thích cho Phật Tử dễ hiểu bằng những đoạn văn vần ngắn. Đó là Kệ. Kinh hay Kệ, dù ý nghĩa thâm sâu cũng không phải là thơ.

7/
KINH PHÁP CÚ

Không làm các việc ác
Tu tập các hạnh lành
Giữ tâm ý thanh tịnh
Là lời chư Phật dạy

8/
THỊ ĐỆ TỬ

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
(Sư Vạn Hạnh, thivien.net)

DẶN HỌC TRÒ

Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cối xuân tươi thu não nùng
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông
(Ngô Tất Tố dịch)

Thiền sư Vạn Hạnh đã dùng hình thức thơ thất ngôn tứ tuyệt để lý giải lẽ Vô Thường. Tất cả những câu chữ ông viết ra đều đến từ bề mặt ý thức, là sản phẩm của lý trí. Ông truyền đạt cho mọi người một phần sự hiểu biết của ông về đạo Phật; đó là lẽ Vô Thường của vạn vật. Do không có tâm đối diện với cảnh sắc, lý chưa biến thành sự, bài Thị Đệ Tử chỉ là Kệ chứ chưa phải là Thơ.

9/
HÃY TIN CHÚA

Hãy tin nơi Thiên Chúa
Hồn xác dâng cho ngài
Hãy sống theo lời Chúa
Chết, sẽ về nước Trời

Đây chỉ là lời kêu gọi mọi người Hãy Tin Chúa. Không có bóng dáng cảm xúc nên không thể gọi là thơ.

10/
HÃY MUA THUỐC SỐ 42

Ai khóc ngoài quan ải?
Ai chưa đánh đã chạy dài?
Thuốc này bôi một tý thôi
Là trèo lên ngựa vung roi cả ngày
Thuốc này, ôi thật là hay!
Thuốc này tên gọi là Xây Xập Zì (tiếng Hoa: 42)
Đây có vóc dáng là thơ nhưng chỉ là bài quảng cáo thuốc “chơi lâu” ở các tỉnh biên giới phía bắc. Nó là sản phẩm của óc thương mại, kinh doanh, không phải là những lời tâm tình, hàm chứa cảm xúc.

Có Cảnh Nhưng Chưa Có Tình

1/
“THƠ CON CÓC”
Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đó
Con cóc ngồi đó
Con cóc nhảy đi

Ba chàng Ngốc tâm đã đối cảnh nhưng chưa có câu thơ sinh tình nên “THƠ CON CÓC” chưa phải là thơ. Độc giả có thể đọc “Thơ Con Cóc” Có Phải Là Thơ? ở bài kế tiếp.

2/
Đồi trọc
Thoảng trong gió
Tiếng cóc

Cũng như “Thơ Con Cóc”, đây mới chỉ là những câu xác lập khung cảnh, mặc dù tâm đã đối cảnh nhưng chưa Sinh Tình, thứ Tình trong “thất tình lục dục” của con người (hỷ nộ ái ố ai lạc cụ và sắc dục, thanh dục, hương dục, vị dục, xúc dục, pháp dục), nên chưa phải là Thơ (loại Thơ Thế Tục ta thường gặp).
Tuy nhiên, đây là bài thơ Haiku, trường hợp này do tâm đã đối cảnh, Cái Tôi Chủ Thể đã bước vào khung cảnh bài thơ, đã có cảm xúc - niềm vui thấy mình đã buông xả, không còn bị vướng mắc, lôi kéo, nhìn cảnh vật như thị, như thực, không có tư ý, tư dục xen vào. Đây chính là loại Thơ Thiền.

Một Số “Bài Thơ” Bị Tước Mất Danh Hiệu Thơ.

Ngày tôi còn mài đũng quần ở trung học, thơ được hiểu là một loại hình nghệ thuật dùng chữ, có vần điệu để biểu lộ một cảm xúc hoặc diễn đạt một ý tưởng cao đẹp (noble thought). Khi tôi vào đại học, Kim Lũ Y là bài thơ Đường được giảng dạy ở Văn Khoa. Nhưng khoảng mấy thập niên sau này cái phần đuôi của định nghĩa thơ: hoặc diễn đạt một ý tưởng cao đẹp (noble thought), trong rất nhiều sách và trang web thơ ca, đã lặng lẽ biến mất.

1/

KIM LŨ Y

Khuyến quân mạc tích Kim Lũ Y
Khuyến quân tích thủ thiếu niên thì
Hoa khai kham chiết trực tu chiết
Mạc đãi vô hoa không chiết chi.
Đỗ Thu Nương

ÁO KIM TUYẾN

Khuyên anh đừng tiếc áo thêu vàng
Khuyên anh nên tiếc thời trẻ trung
Hoa nở bẻ được thì nên bẻ
Đừng chờ hoa hết, bẻ cành không.

2/

LA CỐNG KHÚC
Kỳ Tam

Mạc tác thương nhân phụ
Kim thoa đương bốc tiền
Triêu triêu giang khẩu vọng
Thác nhận kỷ nhân thuyền.
Lưu Thái Xuân

BÀI CA LA CỐNG
(bài 3)

Chớ làm vợ những người lái buôn
Trâm vàng để trả thày bói (hỏi ngày chồng về).
Sáng nào cũng ra cửa sông trông ngóng,
Mà chỉ thấy nhầm toàn thuyền của người ta.

Hai tác giả sành đời đã đem kiến thức và kinh nghiệm của mình - bằng hình thức thơ - khuyên bảo lớp hậu sinh. Nội dung hai “bài thơ” trên toàn là những điều hay, lẽ phải nhưng tuyệt nhiên không có cảm xúc. Trước đây, vì quan niệm “văn dĩ tải đạo” ông cha ta đã long trọng gọi chúng là Thơ. Nay Thơ đã đi theo một hướng mới, đã có những định nghĩa mới gắn chặt nó với tâm tình, cảm xúc của con người nên, dựa vào cách nhìn nhận mới đó, chúng không còn xứng đáng với danh hiệu Thơ nữa.

Khác Biệt Giữa Kệ, Thơ Thiền Và Thơ Thế Tục

1/ Kệ: là một cách giải thích Kinh bằng văn vần, không cảm xúc.
2/ Thơ thiền : có cảm xúc nhưng cảm xúc đó chỉ là “niềm vui”, sự sảng khoái khi thấy mình đã thoát vòng tục lụy, tâm không vướng mắc điều gì, không có tư ý, tư dục, nhìn sự vật như thị, như thực. Nói có vẻ “đạo” một tý là lúc ấy, trong khung cảnh của bài thơ ấy, cái tiểu ngã của tác giả đã hòa nhập với cái đại ngã của vũ trụ.
3/Thơ thế tục: cảm xúc là thứ Tình phát xuất từ Thất Tình, Lục Dục của người đời.
Sau đây là một số bài Kệ, Thơ Thiền và Thơ Thế Tục đặt cạnh nhau để bạn đọc dễ phân biệt.

Trăng Non, Sơ Tam Sơ Tứ Và Chơi Trăng Lên

TRĂNG NON

Vũ trụ bao la rất nhiệm mầu
Chân không diệu hữu thật thâm sâu
Trùng trùng duyên khởi không gì mất
Trăng khuyết lại tròn – đời biển dâu
(Minh Lương Trương Minh Sung)

Bài Trăng Non viết về trùng trùng duyên khởi của vạn vật, mất rồi lại có, như trăng khuyết lại tròn, biển biến thành nương dâu. Cả 4 câu, 28 chữ đều phát xuất từ bề mặt ý thức. Chính vì chỉ có “lý” mà thiếu “sự”, nên không thể gọi là thơ. Tuy nhiên, tác giả đã thành công trong việc biểu lộ kiến thức của mình về đạo pháp, đem cái hạt giống đạo pháp đó truyền đạt cho mọi người. Đây có thể gọi là một bài kệ, một chiếc cầu để đưa người đời đến với những lời dạy cao siêu, thâm thúy của đức Phật (kinh).

SƠ TAM SƠ TỨ

Sơ tam, sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu bán tự cung
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thủy để bán phù không

MỒNG BA MỒNG BỐN

Mồng ba mồng bốn trăng mờ
Nửa dường móc bạc nửa như cung trời
Một bình ngọc trắng chia hai
Nửa chìm đáy nước nửa cài từng không
(Trần Trọng San dịch)

Ở đây sư ông và chú tiểu chùa Hàn San đã thực sự đứng trước và thưởng thức vẻ đẹp của cảnh trăng non. Tâm đã đối cảnh. Cảm xúc dâng đầy. Sư ông lặng ngắm vẻ đẹp của trăng trên bầu trời. Chú tiểu đứng ở vị trí khác, có góc nhìn khác, thấy được phần chìm đáy nước của mặt trăng. Cả 4 câu gộp lại thành một bài thơ thật đẹp, không có tư ý, tư dục.
Cùng một cảnh (trăng non) nhưng bài Trăng Non chỉ là kệ, còn Sơ Tam Sơ Tứ là thơ. Khác nhau ở chỗ tâm đối cảnh và có cảm xúc (nhưng không có tư ý, tư dục).

CHƠI LÊN TRĂNG
……………………….
Tôi nhập hồn tôi trong khúc hát
Để nhờ không khí đẩy lên trăng
Để nghe tiếng nhạc Nghê Thường trổi
Để hớp tinh anh của nguyệt cầu
Và để thoát ly ngoài thế giới
Để cười, để trững, để yêu nhau.
…………………….
(Hàn Mặc Tử)
Còn Chơi Lên Trăng của Hàn Mặc Tử thì tràn cảm xúc và tư ý, tư dục nên là Thơ Thế Tục.

Phong Lai Sơ Trúc, Thơ Trên Cát Và Phơi Nắng Trên Bãi Biển

PHONG LAI SƠ TRÚC

Phong lai sơ trúc
phong khứ nhi trúc bất lưu thanh
nhạn quá hàn đàm
nhạn khứ nhi đàm vô lưu ảnh
thị cố quân tử
sự lai (#) nhi tâm thỉ hiện
sự khứ nhi tâm tùy không
(#) Có bản dùng chữ đáo

GIÓ ĐẾN BỤI TRÚC

Gió đến bụi trúc
Gió qua rồi mà trúc không lưu lại âm thanh
Nhạn bay qua đầm nước lạnh
Nhạn qua rồi mà mặt nước đầm không lưu lại hình ảnh
Cho nên người quân tử
Việc đến thì tâm khởi
Việc qua thì tâm hoàn không
(Tự dịch)

Một Nho gia đã viết Phong Lai Sơ Trúc để chỉ cho đám hậu bối phương cách “chính kỳ tâm”, một trong chuỗi mắt xích “thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” mà nho sinh phải từng bước tu tập để thành người quân tử. 

Bốn câu đầu tượng thanh, tượng hình, đẹp như một bài thơ nên nhiều người lầm tưởng đó là thơ. Thật ra 4 câu đó đã được tác giả “nghĩ ra từ trước”, nay moi trong “kho kiến thức” ra sử dụng để viết bài “huấn thị” cho đám học trò. Rất tình cờ, ở đây Nho học đã gặp Phật học. Nhiều Phật tử trên đường học đạo đã cho đó là một bài thơ và thường chiêm nghiệm để tu tâm. 

Đúng ra Phong Lai Sơ Trúc có thể gọi là kệ (hay một cái tên gì khác) chứ nó không phải là một bài thơ. Tác giả không đối cảnh rồi cảm ứng sáng tác ra nó; đây chỉ là công việc riêng lẻ của lý trí; những thành phần khác của tâm như bản năng (ái dục), tình cảm đều không có cơ hội, không được quyền tham dự vào.

Bây giờ chúng ta cùng đọc Thơ Trên Cát của thiền sư Viên Minh

THƠ TRÊN CÁT

Viết bài thơ trên cát
Cơn sóng vỗ xóa đi
Vô tình đâu biết được
Mình viết bài thơ gì.
(Viên Minh, từ tác giả)

Cũng cái ý đấy, nhưng ở đây thiền sư của chúng ta đã thực sự đối diện với cảnh đời, cảnh bao la sóng nước của biển cả, để có hứng, có cảm xúc viết thành bài thơ. Những thành viên của Tâm từ Tam Tạng (bản tâm), Tề Thiên (lý trí), đến Trư Bát Giới (bản năng, ai duc), Sa Tăng (tình cảm) đều có mặt. Nhưng do được “tu luyện đến nơi đến chốn” nên tất cả đều lặng thinh. 

Thơ Trên Cát được viết ra để nói về bài thơ đã mất; mất thật sự, không lưu lại một dấu tích gì trong lòng tác giả; bài thơ mất mà tác giả của nó không một chút bận tâm, luyến tiếc. So sánh với “phong lai sơ trúc” và “nhạn quá hàn đàm” thì hình ảnh cơn sóng vỗ xóa mất bài thơ cũng đẹp và nên thơ không kém. Đối cảnh tâm có cảm xúc nhưng không có tư ý, tư dục chính là trường hợp này. Có thể nói đây là bài thơ thiền của một người đạt đạo.

Cùng một ý nhưng Thơ Trên Cát của Viên Minh là thơ, còn Phong Lai Sơ Trúc chỉ là một lời khuyên, một thứ “huấn thị”. Khác biệt cũng chỉ ở chỗ tâm đối cảnh và có cảm xúc.

PHƠI NẮNG TRÊN BÃI BIỂN

Biển vắng nàng nằm phơi nắng
Chỗ không nên phơi, cũng phơi
Tôi vô tình đi qua đấy
Nhìn thấy nóng ran cả người
(PĐN)
Lòng ham muốn (dục vọng) đã nổi lên. Chúng ta đã có Thơ. (Thơ Thế Tục)

Tại Sao Có Mưa? – Biệt Nhất Phương – Muốn Làm Mây Trắng

TẠI SAO CÓ MƯA?

Nước từ biển bốc hơi
Thành mây trắng trên trời
Nếu gặp luồng khí lạnh
Thì sẽ có mưa rơi

Đây có lẽ là một đoạn văn vần do thầy (cô) giáo (môn Khoa Học Tự Nhiên) nào đó đặt ra để học trò dễ nhớ. Chỉ là sản phẩm của lý trí, không phải thơ.

BIỆT NHẤT PHƯƠNG

Đáo tận yên hà xứ
Hồi đầu biệt nhất phương
Mục tiền sơn thủy hạo
Nguyệt hiện thảo đầu sương

RIÊNG MỘT CÕI

Đến tận vùng mây khói
Ngoảnh lại riêng một cõi
Trước mắt núi sông hùng vĩ
Trăng hiện trên hạt sương đọng trên đầu nhọn cỏ
(Tự dịch)

Tác giả sảng khoái đến độ lạc thần trí trước vẻ đẹp của mây khói, sóng nước nhưng không có một chút tư ý, tư dục. Có thể nói cái tiểu ngã của tác giả đã hòa nhập vào cái đại ngã của đất trời, của vũ trụ. Đây là bài thơ thiền.

MUỐN LÀM MÂY TRẮNG

Ta muốn làm mây trắng
Bay về Huế mộng mơ
Chờ đến khi nắng hạn
Đổ xuống một trận mưa
(Không biết xuất xứ)

Đây là tâm tình của một người Huế rất nặng tình với Huế. Cảm xúc đã dạt dào trên trang giấy. Muốn Làm Mây Trắng đích thị là một bài thơ (Thơ Thế Tục)

Viết Thêm Về Thơ Haiku

Sau đây là bài Haiku nổi danh của văn học Nhật:

Xưa cũ một bờ ao
Con ếch tung mình xuống
Và vang tiếng nước xao
(Bashô)

Hai chữ cần đặc biệt chú ý trong bài thơ là "xưa cũ". Nhìn con ếch tung mình xuống bờ ao xưa cũ tạo nên tiếng nước xao tác giả thấy hiện lên trong hồn những kỷ niệm về một thời nào đó trong quá khứ. Có cảm xúc của thất tình lục dục nên bài thơ đã có thể mang danh hiệu Thơ (Thơ Thế Tục). 

Đây là bài thơ rất kiệm lời, thủ pháp Show, Don't Tell đã đến mức thượng thừa. Hai từ "xưa cũ" là tác nhân để dẫn đến những hoài niệm về một thuở xa xưa khiến bài Haiku này có danh hiệu Thơ Thế Tục. Nếu không có tác nhân "xưa cũ" làm sống lại những hoài niệm thì bài Haiku vẫn xứng đáng là thơ - nhưng là thơ thiền.

Những Câu Thơ Chùm Gởi

Chúng ta thử đọc bài thơ sau đây của Mai Quỳnh Nam:

TỰ SÁT, TRƯỜNG HỢP HEMINGWAY

Tự sát
cơ chế di truyền
căn nguyên từ máu
Viên đạn súng săn sư tử
chính ông phát nổ
Chết
ai cũng vậy thôi
bi kịch đời người
cần giải thoát
(Tạp Chí Thơ HNVVN số 11-2011, tr.6)

Đoạn đầu:
Tự sát
cơ chế di truyền
căn nguyên từ máu

là một phát biểu (statement), có thể là ý của tác giả, cũng có thể là khám phá của nhiều người khác mà tác giả đã tổng hợp được qua quá trình đọc của mình. Nó là sản phẩm của lý trí nên, nếu đứng một mình, không thể gọi nó là thơ. Nhưng đặt nó lên đầu bài coi như một gợi ý, có đóng góp cho bài thơ nên nó được “ăn theo”, trở thành những câu thơ trong bài thơ đó. Bởi vậy tôi gọi nó là những câu thơ ăn theo, hay là những câu thơ chùm gởi.
Tương tự như vậy, đoạn đầu trong bài thơ sau đây:

LÁ CỜ CHÍNH NGHĨA

Tự do như muối
hạnh phúc như đường
khi đang còn
ăn đủ miếng ngọt, miếng ngon
khó thấy được
giá trị của hạt đường hạt muối
……………………………..
(Lá Cờ Chính Nghĩa, Phạm Đức Nhì, t- van.net)
cũng chỉ là một phát biểu của tác giả về hai ý niệm Tự Do và Hạnh Phúc; đó là sản phẩm của lý trí. Đứng một mình thì không phải là thơ. Nhưng đặt vào khung cảnh bài thơ thì nó lại là những câu mở đầu cần thiết, đưa ra chủ đề để tác giả khai triển ở những đoạn sau. Nó đã “ăn theo” để trở thành những câu thơ chùm gởi.

Trở Lại Bài Thơ Của Nguyễn Khoa Điềm

BỨC CHÂN DUNG NGƯỜI LÍNH GIÀ

Những giọt nước mắt
Thật buồn
Thật lặng lẽ
Trước bức chân dung
Người lính Điện Biên vừa tròn trăm tuổi
Của một người tù.

Trận chiến Lịch Sử
Đã phá tung mọi xiềng xích?
Người họa sĩ trẻ
Từ sau song sắt
Vẫn bình tâm
Dành lòng biết ơn
Không dứt
Cho một người lính già.
19.9.2011
Nguyễn Khoa Điềm

Tôi không biết thi sĩ Đỗ Trung Quân dựa vào đâu để phán Bức Chân Dung Của Người Lính Già không phải là thơ.

Theo tôi thì, ngắm bức chân dung của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp tác giả tâm đã đối cảnh và biểu lộ cảm xúc của mình trước tấm tình của họa sĩ (Cù Huy Hà Vũ) đối với Đại Tướng:

Những giọt nước mắt
Thật buồn
Thật lặng lẽ
Trước bức chân dung
Người lính Điện Biên vừa tròn trăm tuổi

Với những chi tiết ấy Bức Chân Dung Của Người Lính Già đã xứng đáng được gọi là thơ. Bài thơ ấy hay hoặc dở lại là chuyện khác, cần đến sự phân tích và bình phẩm kỹ lưỡng hơn.

Kết Luận

Thi sĩ, nhà phê bình hay người đọc đều cần biết thế nào là một bài thơ hay. Thi sĩ, để làm thơ hay hơn, nhà phê bình, để bình phẩm cho đúng và người đọc, để thành người thưởng thức thơ sành điệu. Nhưng nói chuyện thơ hay mà quên câu hỏi “Thế Nào Thì Gọi Là Thơ?” thì cũng như bàn chuyện “ngọn” mà không để ý đến “gốc”.

Tôi tình cờ bước vào cuộc đối thoại về cái “gốc” của thơ trên Tiền Vệ và nhận thấy rất hữu ích. Bài viết này là một chút ý kiến đóng góp để may ra có thể làm sáng hơn cái “gốc” của thơ. Sẵn sàng đón nhận mọi ý kiến của các anh chị tham gia đối thoại và tất cả bạn đọc.

Phạm Đức Nhì

Bài 2

THƠ CON CÓC CÓ PHẢI LÀ THƠ?

Từ bài Thơ Con Cóc đã nổ ra một cuộc tranh luận về cái "gốc" của thơ gồm toàn những tay cự phách về lý thuyết thơ. 

Trong bài Nhân Cuộc Tranh Luận Về Thơ Con Cóc, Thụy Khê đã viết:

Khi Nguyễn Hưng Quốc thách Đỗ Minh Tuấn phải chứng minh được rằng Thơ Con Cóc không phải là thơ, Đỗ Minh Tuấn đã vội lo "đây là một thách thức triết học nghiêm túc, nhưng lại là một vấn đề ngụy tạo". Những lo lắng của Đỗ Minh Tuấn thật sự không cần thiết vì ở đây cũng chẳng có vấn đề triết lý triết học gì cả. Chỉ có một lẽ dễ hiểu là xưa nay chưa ai định nghĩa được một cách chính xác Thơ là gì? …

Và bà đưa ra kết luận nước đôi:

 Vậy Thơ con cóc, bảo nó là thơ cũng được. Mà bảo không phải là thơ cũng xong. (1)

Tôi tự mình chưa nghĩ ra được một định nghĩa cho thơ, nhưng nếu hỏi

“Thơ Con Cóc có phải là thơ hay không?

thì tôi hy vọng có thể trả lời được. Ít nhất là sẽ cố thử xem.

 

Những Câu Thơ Dọn Cảnh

Từ trước cả cái thời có giai thoại “Thơ Con Cóc” các cụ của chúng ta làm thơ thường theo trình tự Tức Cảnh – Sinh Tình. Cảnh là cái cớ; cốt tủy của Thơ nằm ờ chữ Tình. Vì thế, bài thơ thường mở đầu bằng những câu dọn cảnh, qua đó tác giả phác họa khung cảnh của bài thơ. Tôi gọi tắt là những câu Cảnh.

Cảnh có thể là một người, vật, cảnh vật, sự việc hay ý tưởng xuất hiện trước mắt hay trong đầu của tác giả; tác giả tạo ra những câu Cảnh, xem đó là cái nguyên cớ, cái gợi ý để Tức Cảnh Sinh Tình, nghĩa là dựa vào Cảnh viết thêm những câu thơ khác biểu lộ tâm sự, cảm xúc của mình.

Thí dụ hai câu đầu trong bài Chân Quê của Nguyễn Bính:

Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng

Ở đây tác giả đã tạo ra và bước vào khung cảnh của bài thơ, đã đứng ở con đê đầu làng để chờ người yêu về (tâm đối cảnh). Chúng đã có điều kiện cần (nhưng chưa đủ) để gọi là thơ. Bởi chúng mới chỉ là những câu Cảnh; phải chờ tác giả Sinh Tình – nghĩa là dựa vào Cảnh để viết tiếp những câu chứa đựng cái Tình, cái tâm sự của mình.

Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi.

Đến đây, Tình đã phát sinh, cảm xúc của tác giả đã xuất hiện. Hai câu cảnh, đứng riêng lẻ thì chưa thể gọi là thơ. Chỉ đến khi tác giả đã hoàn tất hai câu Sinh Tình thì hai câu cảnh mới tự động trở thành thơ và tất cả đã hợp cùng với những đoạn sau để trở thành một bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Bính.

 Hai câu đầu của bài Bạc Tần Hoài (Đỗ Phủ):

               Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa
               Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia

               Khói trùm nước lạnh, trăng lồng cát
               Thuyền đậu Tần Hoài, cạnh tửu gia

Tác giả đã có mặt tại bến Tần Hoài để ngắm cảnh khói trùm nước lạnh, trăng lồng cát; ở đây tâm đã đối cảnh. Nhưng 2 câu này vẫn chưa thể gọi là thơ vì chưa có bóng dáng của cảm xúc. Phải chờ 2 câu sau:

               Thương nữ bất tri vong quốc hận
               Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa

               Cô gái không hay buồn mất nước
               Bên sông còn hát Hậu Đình Hoa 

                       (Trần Trọng San dịch)

thì mới thấy bóng dáng của chữ Tình; Đó là nỗi buồn xé ruột của một sĩ phu yêu nước. Hai câu đầu - đóng vai những câu thơ dọn cảnh - cũng được ăn ké theo thành 2 câu thơ cuả một thi phẩm tuyệt tác.

 

Trường Hợp Bài “Thơ Con Cóc”

Chàng Ngốc thứ nhất xuất khẩu:

        Con cóc trong hang

        Con cóc nhảy ra

Đây là 2 câu mào đầu, dọn cảnh. Trường hợp này tâm đã đối cảnh; chính mắt chàng Ngốc đã thấy con cóc nhảy ra; tác giả đã có mặt trong khung cảnh của “bài thơ”. Hai câu này đã có điều kiện cần (nhưng chưa đủ) để được gọi là thơ. Nếu lúc này tác giả đọc thêm vài câu nữa (Sinh Tình) thì sẽ thành bài thơ. Nhưng cái cảm xúc đang óc ách trong lòng chưa kịp biểu lộ thì đã … hết lượt (hết thời gian dành cho mình, đến lượt người khác).

Nếu Chàng Ngốc Thứ Hai dùng 2 câu của Chàng Ngốc Thứ Nhất làm phần mào đầu, gợi ý rồi đọc mấy câu Sinh Tình của mình thì đã không bị gọi là Chàng Ngốc và đã không có giai thoại ‘Thơ Con Cóc”. Đàng này thấy con cóc vẫn cứ ngồi đó (chắc hơi lâu) nên chàng đã đọc 2 câu mào đầu của chính mình:

         Con cóc nhảy ra

         Con cóc ngồi đó

Thế là hết giờ, đến lượt người khác. Do đó cái tâm sự không thoát ra được, đành phải để âm ỉ trong lòng. Đến đây chúng ta cũng vẫn chưa có Thơ.

Chàng Ngốc Thứ Ba tiếp tục mắc lỗi lầm của Chàng Ngốc Thứ Hai nên cũng chỉ được thêm 2 câu thì hết giờ:

         Con cóc ngồi đó

         Con cóc nhảy đi.

Cả 6 câu của 3 Chàng Ngốc hợp lại, tuy dài hơn, có thứ tự lớp lang như một câu chuyện, cũng chỉ là cái phần mào đầu, dọn cảnh (Cảnh), chưa có ai Tức Cảnh Sinh Tình nên vẫn chưa có Thơ.

Giá như một trong ba chàng Ngốc (ai cũng được) làm thêm đoạn dưới đây:

         Nhìn con cóc nhảy

         tôi nhớ những ngày xưa

         thơ dại

         tôi cùng cô bé bên nhà

         sau cơn mưa

         cầm giỏ đi bắt cóc nhái

         chơi mở quán bán hàng

       (PĐN chế ra để minh họa)

thì đã có chút cảm xúc, thương nhớ, vấn vương một kỷ niệm thời nhỏ dại. Và chúng ta đã có Thơ (hay dở lại là chuyện khác).

Như vậy, “Thơ Con Cóc”, tuy đã vượt lên trên các loại ca dao, vè, kệ, văn vần … , là “những câu thơ dọn cảnh” đã qua được cửa ải “tâm đối cảnh”, nhưng vì không có những câu Sinh Tình để bám vào ăn theo nên cũng chỉ mới có điều kiện cần, chưa đủ để được gọi là Thơ.

Nếu cách giải thích này may mắn được độc giả chấp nhận thì “Thơ Con Cóc” không phải là thơ. Những ai cho “Thơ Con Cóc” là một bài thơ hay, hoặc dở (2) không những chỉ … trật lất mà còn … trật lất đến hai lần.

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

Chú thích:
1/ http://thuykhue.free.fr/tk97/concoc.html


Bài 3
                            
VỀ "BÀI THƠ" "ĐỒNG DAO CHO NGƯỜI LỚN"

                                   
Từ Một Bình Luận Trên Facebook

Dưới bài “Em Còn Trẻ Và Em Không Thể Biết” Của Nguyễn Đức Tùng Có Phải Là Thơ? (1) do tôi (Phạm Đức Nhì) viết và đăng trên Facebook đã khá lâu, chị Kim Phượng Ngọc Huỳnh mới đây đã có bình luận như sau:

Anh PĐN ơi!
Bài thơ Đồng Dao Cho Người Lớn của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, theo em thấy nó "khô" quá. Vậy có phải là thơ không anh?

Đọc bình luận của chị xong tôi vào Google tìm đọc Đồng Dao Cho Người Lớn thì thấy bài thơ đã đuợc khá nhiều người bình. Nó cũng được nhạc sĩ Đỗ Triệu An phổ nhạc và còn được lấy tựa đặt tên cho cả một tập thơ của thi sĩ. (2) 

Với bài thơ được đọc và yêu mến rộng rãi như thế mà chị KPNH lại chê là “khô” và lại còn đặt câu hỏi “Vậy có phải là thơ không anh?” thì đúng là chị đã hơi bị “to gan” mà lại còn “làm khó” tôi nữa. Tuy nhiên, vì câu hỏi liên quan đến bài viết của mình nên tôi bỏ thời gian đọc kỹ bài thơ và “gồng mình” viết thêm một bài ngắn trả lời chị.

Dưới đây là cả bài thơ:

ĐỒNG DAO CHO NGƯỜI LỚN
               
Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi
có con người sống mà như qua đời
có câu trả lời biến thành câu hỏi
có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới
có cha có mẹ có trẻ mồ côi
có ông trăng tròn nào phải mâm xôi
có cả đất trời mà không nhà ở
có vui nho nhỏ có buồn mênh mông
mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ
mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió
có thương có nhớ có khóc có cười
có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi.

Nguyễn Trọng Tạo - 1992


Trước hết, xin cảm ơn chị Kim Phượng Ngọc Huỳnh. Chị có con mắt thơ rất tinh. Đúng như chị nói, “bài thơ” ấy “khô”, chẳng có tý cảm xúc nào. Còn nó có phải là thơ hay không thì bây giờ tôi sẽ giải thích.

Đồng Dao Và Vè

Đồng dao là lời hát dân gian truyền miệng của trẻ em, thường kèm một trò chơi nhất định. (3)

Sau đây là một ví dụ:

DUNG DĂNG DUNG DẺ

Dung dăng dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi
Đến ngõ nhà Trời
Lạy Cậu lạy Mợ
Cho chó về quê
Cho dê đi học
Cho cóc ở nhà
Cho gà bới bếp
Ngồi xệp xuống đây

Theo Wikipedia Tiếng Việt thì:

“Vè là một trong những thể loại văn học dân gian Việt Nam. Vè được sáng tác bằng văn vần, sử dụng nhiều hình thức khác nhau: câu bốn chữ, năm chữ, lục bát, hát giặm, nói lối. Có vè đồng dao, là những bài hát của trẻ em. Có vè thế sự, về người thật việc thật, phản ánh, bình luận những câu chuyện thời sự địa phương, những truyện đồi phong bại tục, những chuyện áp bức bóc lột của cường hào địa chủ và đời sống khổ cực của dân nghèo trong làng xóm. Những người đặt vè, bẻ vè, nói vè phần nhiều thuộc tầng lớp dưới trong xã hội.”

Dựa vào thông tin trích dẫn ở trên có thể kết luận mà không sợ sai lầm, xét về mặt thể loại, đồng đao cũng là một loại vè, không phải là thơ.

Trở Lại “Đồng Dao Cho Người Lớn”

Theo Đỗ Trọng Khơi, “Đồng Dao của Nguyễn Trọng Tạo viết ở nhịp 8 chữ nhưng soi chẻ rạch ròi vẫn thấy cái dư khí của hồn bốn chữ dân gian”. Tôi đồng ý với anh ở điểm này. Cho nên ĐDCNL – đúng như cái tựa của nó – là một bài đồng dao. Và theo tôi, khi chọn cái tựa ấy, về mặt hình thức, tác giả đã vô tình tự xếp loại nó là vè.

Về nội dung thì “bài thơ” ấy chỉ là một tập hợp “hổ lốn” những câu nói, những phát biểu của nhà thơ, xếp đặt tùy tiện, không theo một cấu trúc hay một thế trận nào. Mỗi phát biểu là một “triết lý vụn” về một khía cạnh nào đó của cuộc đời.

Những phát biểu kiểu “triết lý vụn” ấy đã được ông góp nhặt từ quá trình học hỏi cũng như kinh nghiệm sống của mình. Lúc cơn hứng đến hoặc có gì đó khơi gợi, thôi thúc, ông cho nó tuôn ra và dùng kỹ thuật thơ của mình ghi lại. Rất tiếc, ông đã quên tạo ra một khung cảnh để mời tâm hồn của mình bước vào cho “tâm đối cảnh” và “tức cảnh sinh tình”. 

Cái gọi là “tứ thơ” chỉ là dòng ý tưởng – hoàn toàn là sản phẩm của lý trí - tuy mở ra nhiều miền nghĩa nhưng lại không có tâm hồn và cảm xúc làm bạn đồng hành nên khô cứng như một cái xác không hồn.

Như vậy, Đồng Dao Cho Người Lớn – đúng như tác giả đã vô tình tự xếp loại – là một bài vè, không phải là thơ.


Những Vòng Nguyệt Quế

Đồng Dao Cho Người Lớn không phải là thơ nhưng, không biết tại saolại được dân chơi thơ chấp nhận, tán thưởng và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý:

1/ Được nhạc sĩ Đỗ Triệu An phổ nhạc.
2/ Được lấy tên đặt cho cả một tập thơ cùng tác giả (2)
3/ Được ít nhất 3 người viết lời bình. (Đỗ Trọng Khơi, Trần Kim Lan và Trần Trung) (4)  
4/ Được chọn là một trong 100 Bài Thơ Hay Thế Kỷ 20.
5/ Bài do Trần Trung viết lời bình được đưa vào tập Bình Thơ Từ 100 Bài Thơ Hay Thế Kỷ XX - Tập Hai


Kết Luận:

Nhận diện thơ – phân biệt thơ với những thứ không phải là thơ - lẽ ra phải là bài học đầu tiên cho thi sĩ, cho nhà phê bình và cả những người thưởng thức thơ. Nhưng bài học nhập môn này thường không được giới chơi thơ coi trọng hoặc tìm hiểu đến nơi, đến chốn.

Thỉnh thoảng có một bài vè đi lạc vào vườn thơ cũng không phải là chuyện lạ. Vè được nhạc sĩ phổ nhạc cũng chẳng có gì đáng nói. Vè mà được lấy tên đặt cho cả một tập thơ, tuy có hơi ngược đời nhưng đó là quyền của tác giả. Vè mà được mấy người chơi thơ xúm vào viết lời bình, tuy hơi lạ nhưng cũng dễ hiểu – đó là quyền của người bình; hơn nữa họ thuộc trường phái bình thơ không bàn thi pháp - chỉ đem ý tứ tán rộng ra – thì thơ có khác gì văn xuôi, thơ với “không thơ” cũng “cá mè một lứa”.

Tuy nhiên, để một bài vè như Đồng Đao Cho Người Lớn, một thứ cây dị chủng, chưa đủ điều kiện để được gọi là thơ, không những lọt vào vườn thơ mà lại còn được đặt vào chỗ trang trọng nhất, được chọn vào danh sách 100 Bài Thơ Hay Thế Kỷ 20, thì quả là trái khoáy và bất công đến độ lố bịch. 

Lạ lùng thay, sự trái khoáy và bất công ấy vẫn cứ ung dung tồn tại suốt bao nhiêu năm nay. Mãi cho đến tuần lễ cuối tháng 6 /2018  mới có người lên tiếng phản bác. Một lần nữa, cám ơn chị Kim Phượng Ngọc Huỳnh, người có tấm lòng vàng với thơ, đã mạnh dạn bày tỏ ý kiến của mình.

 Xin những người có trách nhiệm canh giữ Vườn Thơ Việt Nam và những người yêu thơ khác cùng góp tiếng nói để lấy lại công đạo cho thơ.

Texas ngày 10 tháng 7 năm 2018
Phạm Đức Nhì
phamnhibinhtho.blogspot.com

CHÚ THÍCH:

1/ Trang Facebook nhipham
2/ Đồng Dao Cho Người Lớn, Nhà Xuất Bản Văn Học, Hà Nội 1994.
4/
Đỗ Trọng Khơi trong Bàn Về Đồng Dao Cho Người Lớn Của Nguyễn Trọng Tạo

Trần Kim Lan trong Cảm Nghĩ Về Bài Thơ Đồng Dao Cho Người Lớn Của Nguyễn Trọng Tạo 

Trần Trung trong “Đồng Dao Cho Người Lớn”
Bình Thơ Từ 100 Bài Thơ Hay Thế Kỷ 20 (Tập Hai), Vũ Quần Phương Chủ Biên, Nhà Xuất Bản Giáo Dục 2008.

Cả 3 người bình (Đỗ Trọng Khơi, Trần Kim Lan, Trần Trung) đều gọi ĐDCNL là thơ.



BÀI 4

 

                                   THI SĨ CÓ XẠO KHÔNG?

 

 

Người Đời Thường Gian Dối

 

Tôi học Đệ Nhất ở Lý Thường Kiệt, một trường trung học công lập quận Hốc Môn, nhưng vì nghe tiếng giáo sư Trần Bích Lan nên thỉnh thoảng cũng “vù” lên trường Văn Học ở Sài Gòn học ké mấy giờ Triết. Phải công nhận thi sĩ Nguyên Sa giảng Triết nghe đã thiệt. Có lần, không nhớ trong bài nào, thầy phát biểu:

 

Do tính sĩ diện nên người đời thường gian dối; mở miệng ra là vơ cái hay, cái tốt về mình; ngay cả khi tiết lộ một chút gì xấu của cái Tôi là cũng muốn chứng tỏ mình thành thật.

 

Sau khi “mất” Khánh Ngọc, Phạm Đình Chương đã sáng tác nhạc phẩm Nửa Hồn Thương Đau trong đó có câu: 

 

“Đôi khi anh muốn tin, đôi khi anh muốn tin những người, ôi những người khóc lẻ loi một mình”.

 

 Ý nhạc sĩ muốn nói chỉ những người khóc lẻ loi một mình (như ông đang khóc Khánh Ngọc) mới đáng tin là có nỗi đau buồn chân thật.

 

“Bởi đàng sau những giọt nước mắt

giữa đám đông

rất có thể

ẩn hiện bóng hình

loài cá sấu.”

 (Kẻ Giết Chết Hồn Thơ, Phạm Đức Nhì, vandanviet.com)

 

Nhưng nhiểu trường hợp người ta còn dàn cảnh để “con mồi” được tận mắt xem tấn tuồng “khóc lẻ loi một mình” rồi tin và hiên ngang bước vào bẫy. (1)

 

Phạm Đình Chương, khi viết Nửa Hồn Thương Đau, không ngờ rằng ngay cả tiếng khóc lúc lẻ loi cũng có thể sản sinh những giọt nước mắt cá sấu. Tính gian dối của người đời sâu đậm đến như thế đấy.

 

 

 Thi Sĩ Có Xạo Không?

 

 

Trở lại buổi học Triết với thầy Trần Bích Lan. Lúc ấy, vốn có tiếng nghịch ngợm lại bạo mồm, tôi ngồi tại chỗ “hỏi chõ” lên:

 

Thế thi sĩ có xạo không thầy?”

 

Thầy nhìn về hướng tôi ngồi, trả lời tỉnh bơ:

 

Có chứ, sao lại không! Khác nhau là cố ý hoặc vô tình.”

 

Không ngờ mấy chục năm sau, vướng “đậm” vào cái nghiệp thi ca, tôi lại phải trả lời câu hỏi của chính mình. Không biết lúc ấy thầy Trần Bích Lan trả lời thật hay đùa; tôi cũng không có cơ hội để hỏi thầy đến nơi, đến chốn.

 

Nhưng đọc khá nhiều thơ, thỉnh thoảng lại chất vấn tâm hồn mình – cũng là người múa bút làm thơ – tôi thấy quả đúng như thầy nói, thi sĩ nhiều người, nhiều lúc cũng “xạo tới bến”.

 

 

 Tại Sao Thi Sĩ Xạo?

 

 

Lý do cũng dễ hiểu. Người đời trong giao tiếp hàng ngày, đôi lúc ở chỗ này chỗ khác, nói năng có điều gì thất thố, có xúc phạm ai thì cũng chỉ một số ít người biết. Sau đó lời nói sẽ bay đi như gió thoảng.

 

Còn thi sĩ, bài thơ xuất xưởng là sẽ vượt khỏi sự kiểm soát của mình, nếu sai sót điều gì hoặc đụng chạm đến ai đó, hậu quả của những dòng thơ trên giấy trắng mực đen sẽ đọng lại rất lâu.

 

 Cho nên đặt bút viết phải cẩn trọng. Cẩn trọng sẽ mời gọi lý trí. Có lý trí xuất hiện, thi sĩ - dù muốn dù không – cũng sẽ Xạo.

 

CHÚ THÍCH

 

1/ Trong Cô Gái Đồ Long của Kim Dung tên Trường Linh đã giả vờ khóc trước bàn thờ Tạ Tốn để lừa Trương Vô Kỵ, hy vọng được Vô Kỵ tin tưởng dẫn ra Băng Hỏa Đảo.

 

 

 

BÀI 5                          

 

 

                         CÁC KIỂU XẠO CỦA THI SĨ

 

1/ Xạo Vì Ham Danh Lợi, Sắc Dục

 

Đây là kiểu xạo theo đúng nghĩa đen của từ “xạo” – nói sai sự thật, xuyên tạc sự thật - nhằm mưu cầu danh lợi, thỏa mãn sắc dục. Thi sĩ nếu vướng vào kiểu xạo này không chỉ làm mất đẹp thanh danh của mình mà còn làm ô uế chữ Thơ (viết hoa) trong sạch, cao quý của nhân loại. Phạm tội hình sự nhiều khi có thể “qua mặt” pháp luật chứ phạm tội cố ý xạo (vì danh lợi) trong thơ thì sớm muộn gì cũng bị vạch mặt, chỉ tên.

 

 

 

2/ Xạo Vì Sợ, Vì Hèn, Vì Teo Chim

 

 Đây cũng là kiểu xạo theo đúng nghĩa đen của từ “xạo” – nói sai sự thật, xuyên tạc sự thật. Thi sĩ để “cái tôi teo chim” lấn át “cái tôi văn hóa” và “cái tôi đích thực”. Biến chứng của nó là thái độ “nâng bi” chế độ, lãnh tụ, cấp trên - những người có quyền quyết định sự an nguy, thăng tiến hoặc tụt hậu của mình và gia đình.

 

Giữa “cái tôi văn hóa” và “cái tôi teo chim” thì “cái tôi teo chim” mạnh hơn, có uy thế hơn nhiều. Nghĩ đến chết chóc, tù đày, gia đình bị tước đoạt mọi phương tiện, nguồn sống, ngòi bút của thi sĩ đôi lúc phải cong lại hoặc vừa viết lại vừa phải “lách”. Cái xấu phủ đến đen mặt thì lờ đi, cái tốt thì có ít xít ra nhiều, nếu không có thì bịa ra, “bốc thơm” đến tận trời xanh. Thí dụ cụ thể về kiểu xạo này không thiếu nhưng tôi không trích dẫn. Sợ bị trách nặng tay bên này, nhẹ tay bên kia.  

 

Làm thơ mà xạo là không đẹp. Trước tiên, nó làm mất đẹp thanh danh của mình. Sau nữa còn làm ô uế chữ Thơ (viết hoa) trong sạch, cao quý của nhân loại. Tuy nhiên, xạo vì teo chim dù sao cũng có chỗ để châm chước, thông cảm. Sống trong hoàn cảnh bó buộc như thế đâu phải ai cũng có máu anh hùng.

 

 

3/ Xạo Vì Đứng Về Một Phía Của Một Vấn Đề Hai Mặt

 

Đây là kiểu xạo “xoay trở tứ thơ” để có góc nhìn thuận lợi cho phe mình, mục đích để giành chiến thắng trong một cuộc tranh luận. Chủ thể đối luận có thể trực tiếp tranh cãi nhưng cũng có thể vắng mặt để thi sĩ một mình một chợ dàn trải quan điểm của mình. Đây là kiểu xạo

 

Ôi! Đẹp quá phe mình

còn phe bên kia

phải chọn góc nhìn để chỉ thấy toàn điều xấu.

 

Kiểu xạo này rất thường gặp, dính líu đến lập trường, quan điểm, được cả thi sĩ và độc giả chấp nhận. Dĩ nhiên, nó đỡ xấu hơn xạo vì danh lợi riêng tư.

 

 

4/ Xạo Vì Xê Dịch Kịch Bản Của Bài Thơ

 

Kịch Bản Thơ

 

 Đã làm thơ, khi chữ nghĩa cùng với cảm xúc tuôn ra, chúng phải “chảy” về một hướng nào đó, bằng một “con kênh” nào đó. Con kênh có thể có trước, cũng có thể xuất hiện cùng thời điểm lúc chữ nghĩa và cảm xúc tuôn ra. (Trường hợp sau thì thơ dễ có hồn hơn).

 

Trong thực tế, ít ai từ lúc cầm bút viết những chữ đầu tiên của bài thơ cho đến khi buông bút là có “đứa con tinh thần” chào đời. Có khi ngày hôm sau, tuần sau, nhiều trường hợp còn lâu hơn nữa, phải quay trở lại tiếp tục công việc đang bỏ dở. Lúc ấy, đoạn sau phải viết sao cho ăn khớp với đoạn trước và phải phù hợp với bức tranh toàn cảnh của bài thơ.

 

Có điều chắc chắn rằng khi bài thơ hoàn tất, cả thi sĩ và người đọc sẽ nhận ra – có thể độ đậm nhạt khác nhau - hình ảnh của con kênh đó. Đó chính là bố cục mà riêng tôi có khi gọi là thế trận chữ nghĩa, hoặc kịch bản của bài thơ.

Kịch Bản Xê Dịch

 

Xin lập lại một đoạn trong bài viết khác:

 

 

Muốn thơ hay, tâm trạng phải thật, cảm xúc phải thật. Đó là điều cốt yếu. Trường hợp kịch bản cũng hoàn toàn thật nữa thì quá tốt; nếu kỹ thuật thơ của thi sĩ nhuần nhuyễn, bài thơ sẽ dễ có nhiều cảm xúc, và nếu hội đủ một vài điều kiện khác nữa, hồn thơ có cơ hội xuất hiện.

 

 

Nhưng không phải lúc nào kịch bản của bài thơ cũng “vừa khít” với tâm trạng. Đôi khi thi sĩ phải xê dịch, điều chỉnh chút ít để có sự ăn khớp cần thiết. Là người làm thơ, thú thật, tôi cũng có một số lần làm như vậy.

 

 

Chưa có sự đồng thuận của tất cả những người làm thơ, nhưng tôi nghĩ những xê dịch, điều chỉnh chút ít ấy có thể chấp nhận được. (1)

 

Chúng ta thử đọc đoạn kết bài thơ Giấc Mơ Anh Lái Đò của Nguyễn Bính:

            Đồn rằng đám cưới cô to

            Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu
            Nhà gái ăn chín nghìn cau
            Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu chín nghìn
            Lang thang tôi dạm bán thuyền
            Có người giả chín quan tiền, lại thôi.

 

Tôi không tin là trong thực tế, con số chín (9) hoàn toàn phù hợp với số lượng những “thứ” mà ông nói đến trong bài thơ. Đúng là ông “phịa”; nhưng ông “phịa” khéo quá, “cao tay ấn” quá, nên người đọc, theo dòng cảm xúc của mình, đâu cần biết “có đúng là chín chiếc đò đón dâu, có đúng là chín nghìn cau hay chín nghìn tiền cheo, tiền cưới hay không, mà chỉ thấy cái khoảng cách giàu nghèo giữa anh lái đò và tình địch hiện ra một cách rõ ràng và cay đắng, để rồi cái cảm giác bàng hoàng đau đớn về mối tình vô vọng của anh lái đò đã như một dòng thác đổ xuống, tràn ngập tâm hồn.

 

Ở đây thủ pháp “bộc lộ, không kể” (Show, Don’t Tell) được phối hợp với phép điệp ngữ (chín) một cách tài tình đã dẫn đến 2 câu kết thật tuyệt vời.

 

Chắc Độc giả cũng đồng ý với tôi sự xê dịch kịch bản chút ít của Giấc Mơ Anh Lái Đò là có thể chấp nhận được.

 

Trường hợp này khác với “lối nói thậm xưng” tôi sẽ đề cập ở phần sau.



Kịch Bản Xê Dịch Quá Nhiều Thành Xạo

 

Nhưng đôi khi có những kịch bản bị xê dịch quá nhiều, đi đến chỗ không hợp tình, hợp lý. Độc giả sẽ cho rằng thi sĩ “xạo”, và bài thơ thất bại. 

 

 

Bài thơ Tình Yêu Không Lời của thi sĩ Phạm Trung Dũng có tứ thơ khá lạ và cảm động về mối tình của một chàng trai với cô gái câm điếc. Nhưng kịch bản của bài thơ đã được tác giả nêm nếm quá tay.

 

TÌNH YÊU KHÔNG LỜI


Em thuê trọ cạnh nhà tôi
Hương đồng gió thở khoảnh trời cách xa
Mấy mùa cây khế trổ hoa
Hái nhành tim tím sang nhà em chơi
Em hào phóng ban nụ cười
Pha trà rót nước rồi ngồi lặng im
Hồn tôi như mảnh trăng chìm
Bao lời thông thái nằm im trong đầu...


Một lần trời đổ mưa mau
Bỗng dưng em tới gục đầu vai tôi
Lặng yên... Cứ lặng yên thôi
Làn môi khoá chặt làn môi bất ngờ.
Bồng bềnh nửa thực, nửa mơ
Cùng em lạc giữa mịt mờ phiêu linh
Sông mê - bến lú - thuyền tình
Đã trao thì cháy hết mình vẫn trao.


Một lời chẳng nói là sao?
Một từ cũng chẳng... Lẽ nào, người ơi?
Gương trăng nhoà nước mắt rơi
Đưa tôi mẩu giấy, em ngồi lặng im.
Hồn tôi lại mảnh trăng chìm
Lời vô nghĩa hết! Trái tim khóc thầm.
Thương em vừa điếc lẫn câm
Tai ương từ tuổi mười lăm tới giờ.


Trần nhà cánh nhện buông tơ
Tôi ghì em giữa đôi bờ vai tôi.
(Phạm Trung Dũng)

 

Là hàng xóm sát mái, kề hè với nhau mấy tháng trời - có  khi cả năm -  (mấy mùa cây khế trổ hoa), lại sang nhà cô chơi mấy lần mà phải chờ đến khi hai người “tò tí” xong, đọc mẩu giấy cô gái nhét vào tay, mới biết cô gái bị câm điếc và bàng hoàng thương cảm, thì thật không thể nào tin nổi. 

 

Phạm Trung Dũng không những chỉ nêm nếm quá tay mà – trong quá trình làm thơ và kiểm soát lại trước khi phổ biến – anh đã tự bịt mắt mình để không thấy những điều phi lý lẽ ra phải thấy.

 

Khi nhận ra chi tiết chính trong kịch bản của bài thơ không phải chỉ “không hợp tình hợp lý” mà còn xạo một cách trắng trợn, cảm xúc có được qua việc đọc thơ chỉ là thứ cảm xúc giả tạo, độc giả cảm thấy bẽ bàng vì bị xúc phạm. Bài thơ thất bại một cách ê chề. 

CHÚ THÍCH:

1/ (Giấc Mơ Anh Lái Đò Hay Mối Tình Vô Vọng, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com)
http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2016/06/giac-mo-anh-lai-o-hay-moi-tinh-vo-vong_1.html

 

 

5/ Xạo Nghệ Thuật - Lối Nói Thậm Xưng

 

Khác với dối trá đời thường (trong thơ), lối nói thậm xưng là một kiểu “xạo” đầy tính nghệ thuật. Tác giả cũng “phịa” ra những điều không thật nhưng với mục đích “để tạo sự đột phá, thay đổi cái trật tự đời thường bằng cái phi lý mà có lý trong nghệ thuật” (1)

 

Thí dụ:

 

Trong bài thơ Muốn Gởi Cho Em của thi sĩ Phạm Hữu T (tặng Phượng Kim Ngọc Huỳnh) thì câu:

 

Muốn gởi cho em

chút gió biển Galveston

 

là một câu “xạo tới bến” vì gió từ biển Galveston (ở Mỹ) làm sao gởi về Việt Nam được? Nhưng phần sau của đoạn thơ lại là những cái “có lý trong nghệ thuật”.

 

Gió từ Mỹ gởi về:

 

để dịu bớt cái nắng Sài Gòn gay gắt.

 

Có lý quá đi chứ! Và hai câu kế tiếp:

 

nhưng sợ người ta đang đi mà chợt mát

rồi bồi hồi

nhớ nhớ thương thương.

 

vừa trữ tình lãng mạn - khi mượn ý của Nguyên Sa trong Áo Lụa Hà Đông -  lại vừa khôi hài ý nhị. Đoạn thơ mở đầu thật tuyệt vời. (2)

 

(Xin mở ngoặc nói thêm: Bài thơ là của Phạm Hữu T với cái tựa Muốn Gởi Cho Em; thí dụ trên được trích trong bài bình thơ Mối Tình Xuyên Lục Địa của PĐN)

 

Đây là kiểu xạo nghệ thuật, “xạo dễ thương”, nâng cao giá trị của bài thơ.

 

Xạo Nghệ Thuật – Ca Từ Trịnh Công Sơn

 

Nhiều người khen ca từ của Trịnh Công Sơn nhiều câu hay hơn cả thơ. Tôi chọn câu sau đây trong bài Như Cánh Vạc Bay:

 

Tóc em từng sợi nhỏ

rớt xuống đời làm sóng lênh đênh

 

Ôi! Chỉ có mấy sợi tóc nàng rớt xuống – không phải xuống hồ hay sông, biển - mà là xuống đời cũng đủ làm đời “dậy sóng”, làm biết bao phận người chao đảo, ngả nghiêng. Làm sao mà thực được. Nhưng lại rất đẹp, rất “thơ” và rất tuyệt. Nghe rất khoái, rất đã.

 

 

Tôi có cảm tưởng, bằng câu ca từ trên (và một số câu khác nữa), TCS không làm thơ nhưng ca từ của ông – không những đẹp hơn, hay hơn – mà hình như đã bước lên một tầng bậc mới, cao hơn hẳn thứ ngôn ngữ thường thấy ở trong thơ.


CHÚ THÍCH


1/ Diên Hồng Dương, Có Cái Gì Đó Sai Sai Trong Bài Phê Bình “Một Kịch Bản Thơ Xạo” 
https://www.facebook.com/dienhong.duong.5/posts/98668014146907

 

2/ Mối Tình Xuyên Lục Địa

http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2017/06/moi-tinh-xuyen-luc-ia.html

 

 

Bài 6

 

 

KIỂU XẠO CUỐI CÙNG - XẠO VÌ NÉ TRÁNH "CĂN PHÒNG BÍ MẬT"

 


Câu Hỏi Làm Thi Sĩ Nhìn Kỹ Lại Tâm Hồn Mình 

 

Giả sử có một thi sĩ nào đó, không có tật nói dóc, không thích “nổ”, viết bài thơ, tứ thơ không kẹt chân ở một bên nào đó của một vấn đề hai mặt, câu hỏi được đặt ra là: “Lúc ấy thi sĩ có xạo không?”

 

Sau đây là một đoạn trích từ bài viết A

 

 

Để có thể hội nhập và thích ứng với cuộc sống hàng ngày của cộng đồng, mỗi con người đương đại phải tuân thủ rất nhiều nguyên tắc giao tiếp, ứng xử trong xã hội. Xã hội càng văn minh số lượng nguyên tắc càng nhiều. 

 

 

Sau khi vào đời một thời gian (dài ngắn tùy hoàn cảnh riêng) trong mỗi thân xác con người có hai cái tôi cùng chung sống nhưng luôn đấu đá lẫn nhau để đòi quyền làm chủ thân xác đó: “Cái tôi đích thực” và cái tôi hội nhập với cuộc đời – tôi tạm gọi là “cái tôi văn hóa”. 

 

 

Tuổi đời càng cao “cái tôi văn hóa” càng mạnh, càng rõ nét và “cái tôi đích thực” càng yếu kém, càng mờ nhạt. Đến một lúc nào đó cái tôi văn hóa sẽ “đè bẹp” cái tôi đích thực để độc quyền chiếm hữu cái thân xác kia.

 

 

“Cái tôi văn hóa” (cái tôi để sống với xã hội) và “cái tôi đích thực” có một sự khác biệt lớn. Đó chính là những gì tiềm ẩn trong vô thức (của “cái tôi văn hóa”), kín đáo điều khiển suy nghĩ và hành động của con người.  Cho nên mặc dù thi sĩ 100% chân thật với “cái tôi văn hóa”, viết bài thơ (về tình yêu, chẳng hạn) không nằm ở bên nào của một vấn đề hai mặt, bài thơ đó cũng chưa phải là tâm tình của “cái tôi đích thực”, vì vẫn còn những điều đã ăn sâu vào tâm khảm, theo tập quán, thói quen, phải che giấu.

 

 

Câu Trả Lời Của Trần Hạ Vi

 

 

Về điểm này Trần Hạ Vi có câu trả lời sinh động bằng bài thơ Căn Phòng Bí Mật. Xin giới thiệu 2 đoạn hay nhất của bài thơ:

 

 

Có những điều sẽ chẳng nói ra
cho dù chúng ta

có yêu nhau đến thế nào chăng nữa
mấy ngàn ngày…
và có thể mấy vạn ngày tiếp lửa
chuyện anh

chuyện em
vẫn ẩn chứa bí mật của mỗi người

 

 

Có những góc tối ở trong hồn
của riêng ta

không bao giờ chia sẻ
chẳng phải vì niềm tin không vẹn vẽ
nhưng vì đó là căn phòng bí mật

chẳng nên mở bao giờ.

 

Khi còn giấu “những điều không thể nói ra”, “những góc tối ở trong hồn” trong Căn Phòng Bí Mật thì làm sao có sự chân thật hoàn toàn trong thơ.

 

Như vậy, Căn Phòng Bí Mật – Sigmund Freud gọi là vô thức - gần như là chướng ngại vật cuối cùng của con người đương đại nói chung và thi sĩ nói riêng để trở về “cái tôi đích thực”. Có thể nói tuyệt đại đa số công dân của trái đất, đặc biệt ở các nước văn minh, đã phải đối diện với chướng ngại vật này. Và gần như tất cả đã giơ tay đầu hàng.

 

Không mở được cửa Căn Phòng Bí Mật là một chuyện, họ còn khuyên bảo nhau đừng đụng đến Căn Phòng Bí Mật ấy để giữ “cái hạnh phúc” mà họ đang được hưởng.

 

Chúng ta ân ân ái ái

tan chảy ân tình

nhưng mỗi người chỉ có thể là riêng một

một anh

một em

dù ngọt ngào chung hưởng

đắng cay chia sớt

nhưng em là em

và anh vẫn là anh


Phòng chứa bí mật của phù thủy vẫn sẵn dành (1)

để chúng ta cất giữ những ước mơ ngông cuồng hoang dại nhất

tình yêu này sẽ luôn luôn có thật

khi em được là em

và anh được là anh

với căn phòng bé nhỏ của riêng mình

 

(1) Harry Potter và Phòng Chứa Bí Mật

 

 

Chính vì thế những triết gia Tây Phương – quan ngại đến nhân phẩm của con người – đã phải la toáng lên. Jean Paul Sartre (1) thì báo động “Con người mang thân phận của một kẻ vong thân”. Còn Albert Camus (1) thì nói “Con người đích thực đã bất lực, để một ‘kẻ xa lạ’ xâm nhập, chiếm hữu thân xác mình.”

 

 

Với thi sĩ, nếu lúc nào cũng suy nghĩ, hành xử như một công dân lịch sự của một xã hội văn minh thì cửa CPBM của họ sẽ được khóa chặt, và trên những bài thơ của họ, một chữ “Xạo” thật to luôn nhởn nhơ truớc mắt mọi người.

 

 

Chủ Nghĩa Siêu Thực và Chủ Nghĩa Hiện Sinh đã nối tiếp nhau ra đời - với phương cách khác nhau - nhằm giúp Nghệ Sĩ được hoàn toàn Tự Do để Sáng Tạo.

 

Trong loạt bài này tôi không nói đến các ngành nghệ thuật khác mà chỉ chú trọng đến Thơ - đến phương cách giúp Thi Sĩ xóa bỏ chữ Xạo trong Thơ.

 


 

 


                              


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét