Thứ Ba, 9 tháng 1, 2018

BẢN ĐỒ TRONG THƠ

BẢN ĐỒ TRONG THƠ

                     

Như đã nói trong bài Tấm Bản Đồ Vẽ Sai, bài thơ ngoài những nhiệm vụ khác, còn là tấm bản đồ chỉ đường để độc giả đến đúng cánh cửa trái tim của tác giả, hiểu được tâm trạng, cảm xúc của ngài gởi gấm trong tứ thơ (open message). Còn đồng ý, đồng cảm hay không, hoặc thưởng thức được cái cái hay, cái đẹp (và thấy được cả cái dở) của bài thơ ở mức độ nào, lại là chuyện khác.

Có bài thơ tấm bản đồ của nó dễ đọc, độc giả dễ đi đúng đường, đến đúng chỗ (điểm đến của tứ thơ), như thơ của Nguyễn Bính chẳng hạn. Nhưng cũng có những bài thơ có ngôn ngữ, hình tượng, cấu trúc câu và thế trận “cao” hơn nên tấm bản đồ của những bài thơ này khó đọc hơn, và do đó, kén độc giả hơn. Ở đây thi sĩ nhắm vào số độc giả trình độ cao hơn, có “bộ máy tiêu hóa” mạnh hơn; Thơ Vũ Hoàng Chương là một thí dụ. 

Độc giả ở "tầng cao" đọc thơ ở "tầng thấp" thì khỏi nói, rất dễ dàng, có thể cảm nhận trọn vẹn ý tứ của tác giả. Ngược lại, độc giả ở "tầng thấp" đọc những bài thơ ở "tầng cao" quả có hơi khó khăn, mức độ cảm nhận không được nhiều..

Như vậy, có thể nói trình độ đọc và hiểu thơ (chưa nói đến thưởng thức) của độc giả rất khác nhau. Chia ra làm 2 loại cao và thấp - rất gượng ép- cũng chỉ là để lấy cớ bàn đến việc “vẽ bản đồ” sau này. Và cũng nên để ý một điều. Bài thơ có ngôn ngữ, hình tượng, cấu trúc câu và thế trận ở “tầng cao” không hẳn lúc nào cũng hay hơn, cũng có giá trị nghệ thuật cao hơn bài thơ ở “tầng thấp”. Rất nhiều khi ngược lại. Nhưng rõ ràng là có khác biệt - có cao, có thấp.

Vì có 2 loại độc giả ở 2 hạng cao thấp khác nhau nên hay có trường hợp đổ thừa. Một số thi sĩ muốn tạo mới lạ, đã viết loạn xạ, chẳng để ý gì đến chức năng truyền thông của thơ. Đến khi bị độc giả phàn nàn là thơ tối nghĩa, khó hiểu, thậm chí không thể hiểu được thì đổ thừa tại độc giả ở “tầng thấp”, còn thơ của ngài thì ở mãi “tầng cao”. Cũng có một số nhà thơ thuộc trường phái “Đem Con Bỏ Chợ”. “Thơ của họ, cứ vài câu lại dẫn người đọc đến “bùng binh”, có đến 6, 7 ngã rẽ mà không có lời chỉ dẫn đi về hướng nào nên người đọc cứ phải … đi đại và rồi bám theo tứ thơ chừng nửa bài là “bơ  vơ  giữa chợ“, “lạc nẻo đường tình”. (1)

CHÚ THÍCH

1/ "Người Từ Tinh Cầu Khác" Trong "Cánh Đồng"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét