Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

KIỂU XẠO CUỐI CÙNG - XẠO VÌ NÉ TRÁNH "CĂN PHÒNG BÍ MẬT"

                              

Câu Hỏi Làm Thi Sĩ Nhìn Kỹ Lại Tâm Hồn Mình 

Giả sử có một thi sĩ nào đó, không có tật nói dóc, không thích “nổ”, viết bài thơ, tứ thơ không kẹt chân ở một bên nào đó của một vấn đề hai mặt, câu hỏi được đặt ra là: “Lúc ấy thi sĩ có xạo không?”

Để có thể hội nhập và thích ứng với cuộc sống hàng ngày của cộng đồng, mỗi con người đương đại phải tuân thủ rất nhiều nguyên tắc giao tiếp, ứng xử trong xã hội. Xã hội càng văn minh số lượng nguyên tắc càng nhiều. 

Sau khi vào đời một thời gian (dài ngắn tùy hoàn cảnh riêng) trong mỗi thân xác con người có hai cái tôi cùng chung sống nhưng luôn đấu đá lẫn nhau để đòi quyền làm chủ thân xác đó: Cái tôi đích thực và cái tôi hội nhập với cuộc đời – tôi tạm gọi là cái tôi văn hóa. 

Tuổi đời càng cao cái tôi văn hóa càng mạnh, càng rõ nét và cái tôi đích thực càng yếu kém, càng mờ nhạt. Đến một lúc nào đó cái tôi văn hóa sẽ “đè bẹp” cái tôi đích thực để độc quyền chiếm hữu cái thân xác kia.

“Cái tôi văn hóa” (cái tôi để sống với xã hội) và “cái tôi đích thực” có một sự khác biệt lớn. Đó chính là những gì tiềm ẩn trong vô thức (của “cái tôi văn hóa”), kín đáo điều khiển suy nghĩ và hành động của con người.  Cho nên mặc dù thi sĩ 100% chân thật với “cái tôi văn hóa”, viết bài thơ (về tình yêu, chẳng hạn) không nằm ở bên nào của một vấn đề hai mặt, bài thơ đó cũng chưa phải là tâm tình của “cái tôi đích thực”, vì vẫn còn những điều đã ăn sâu vào tâm khảm, theo tập quán, thói quen, phải che giấu.

Câu Trả Lời Của Trần Hạ Vi

Về điểm này Trần Hạ Vi có câu trả lời sinh động bằng bài thơ Căn Phòng Bí Mật. Xin giới thiệu 2 đoạn hay nhất của bài thơ:

Có những điều sẽ chẳng nói ra
cho dù chúng ta
có yêu nhau đến thế nào chăng nữa
mấy ngàn ngày…
và có thể mấy vạn ngày tiếp lửa
chuyện anh
chuyện em
vẫn ẩn chứa bí mật của mỗi người


Có những góc tối ở trong hồn
của riêng ta
không bao giờ chia sẻ
chẳng phải vì niềm tin không vẹn vẽ
nhưng vì đó là căn phòng bí mật
chẳng nên mở bao giờ.

Khi còn giấu “những điều không thể nói ra”, “những góc tối ở trong hồn” trong Căn Phòng Bí Mật thì làm sao có sự chân thật hoàn toàn trong thơ.

Như vậy, CPBM gần như là chướng ngại vật cuối cùng của con người đương đại nói chung và thi sĩ nói riêng để trở về “cái tôi đích thực”. Có thể nói tuyệt đại đa số công dân của trái đất, đặc biệt ở các nước văn minh,  đã phải đối diện với chướng ngại vật này. Và trên 99% đã giơ tay đầu hàng.

Chính vì thế những triết gia tây phương – quan ngại đến nhân phẩm của con người – đã phải la toáng lên. Jean Paul Sartre (1) thì báo động “Con người mang thân phận của một kẻ vong thân”. Còn Albert Camus (1) thì nói “Con người đích thực đã bất lực - để một ‘kẻ xa lạ’ nhập vào chiếm hữu thân xác mình.”

Với thi sĩ, nếu lúc nào cũng suy nghĩ, hành xử như một công dân lịch sự của một xã hội văn minh thì cửa  CPBM của họ sẽ được khóa chặt, và trên những bài thơ của họ, một chữ “Xạo” thật to luôn nhởn nhơ truớc mắt mọi người.

Ngược lại, nếu có một giây phút nào đó, thi sĩ cao hứng đến mức nổi điên, đạp tung cánh cửa CPBM, thì những gì được che giấu, lấp liếm từ “muôn kiếp trước” sẽ ùa ra tràn ngập tâm hồn ngài. Vâng, chính lúc ấy, nếu cầm bút làm thơ ngài sẽ lạc vào Miền Đất Hứa. Ở đây, những gì viết ra sẽ ngoài vòng cương tỏa của lý trí cũng như những quan niệm về thẩm mỹ và đạo đức. Nó sẽ là một bài thơ khác lạ – bài thơ với tâm thế của “cái tôi đích thực”. Nếu thi sĩ có kỹ thuật thơ vững vàng, tứ thơ hay (không vướng vào phía nào của một vấn đề hai mặt), bài thơ có nhiều cơ hội về tới bờ bến của thi ca.

Tóm lại, tôi tạm cho là có 4 kiểu xạo trong thơ:

     1/ Lối nói thậm xưng

Đây là kiểu xạo “để tạo sự đột phá, thay đổi cái trật tự đời thường bằng cái phi lý mà có lý trong nghệ thuật” (2)

Kiểu xạo này được cả người làm thơ và người đọc thơ đề cao vì nó là kiểu xạo nghệ thuật, “xạo dễ thương”, xạo để làm đẹp, làm tăng giá trị của bài thơ. 
   
     2/ Xạo vì danh lợi riêng tư

Đây là kiểu xạo theo đúng nghĩa đen của từ “xạo” – nói sai sự thật, xuyên tạc sự thật - nhằm mưu cầu danh lợi riêng tư. Thi sĩ nếu vướng vào kiểu xạo này không chỉ làm mất đẹp thanh danh của mình mà còn làm ô uế chữ Thơ (viết hoa) trong sạch, cao quý của nhân loại. Phạm tội hình sự nhiều khi có thể “qua mặt” pháp luật chứ phạm tội cố ý xạo (vì danh lợi) trong thơ thì sớm muộn gì cũng bị vạch mặt, chỉ tên.

     3/ Xạo vì đứng ở một bên trước một vấn đề hai mặt.

Đây là kiểu xạo “xoay trở tứ thơ” để có góc nhìn thuận lợi cho phe mình, mục đích để giành chiến thắng trong một cuộc tranh luận. Chủ thể đối luận có thể trực tiếp tranh cãi nhưng cũng có thể vắng mặt để thi sĩ một mình một chợ dàn trải quan điểm của mình. Đây là kiểu xạo

Ôi! Đẹp quá phe mình, còn phe bên kia
Phải chọn góc nhìn để chỉ thấy toàn điều xấu.

Kiểu xạo này rất thường gặp, được cả thi sĩ và độc giả chấp nhận. Dĩ nhiên, nó đỡ xấu hơn xạo vì danh lợi riêng tư.

     4/ Xạo vì né tránh Căn Phòng Bí Mật

CPBM có uy lực rất lớn nên hầu hết các thi sĩ đứng trước nó đều cúi đầu khuất phục để giữ cách sống và viết của “cái tôi văn hóa”, lánh xa “cái tôi đích thực”. Kết quả là thơ của họ, không nhiều thì ít, đều xạo.


CHÚ THÍCH:

1/ Đều là đại diện của Chủ Nghĩa Hiện Sinh.
2/ Diên Hồng Dương, Có Cái Gì Đó Sai Sai Trong Bài Phê Bình “Một Kịch Bản Thơ ‘Xạo’” https://www.facebook.com/dienhong.duong.5/posts/986680141469017


Đoạn Viết Riêng Để Trả Lời Trần Hạ Vi

Căn Phòng Bí Mật nằm ẩn khuất nơi một “góc tối ở trong hồn” nhưng uy lực của nó vô cùng dũng mãnh. Không phải chỉ mình THV mà hàng mấy tỷ người trên thế giới, có biết bao người (trong đó có vô số thi sĩ) bằng cấp cao, kiến thức rộng … cũng bó tay để chấp nhận sống (và viết) bằng “cái tôi văn hóa” của mình. Họ - do tập quán lâu đời – luôn né tránh CPBM nên không thể đến gần “cái tôi đích thực”. Nói khác đi, họ đã xạo trong cuộc sống và, dĩ nhiên, nếu là thi sĩ, xạo cả trong thơ.

Trong “Trái Khoáy” tôi có viết:

 Cũng không trách Trần Hạ Vi được. “Cái tôi văn hóa” của cô đậm nét Tây Phương – nơi mà Căn Phòng Bí Mật (Privacy) được tôn trọng và bảo vệ tối đa. Tuyệt đại đa số thi sĩ ở nơi đó cũng đang lăn lộn trên bề mặt ý thức để “chế tạo thơ ca”. Chính vì thế nên Trần Hạ Vi “nửa đời người vẫn long đong”, chưa quay về với chính mình, với “cái tôi đích thực”, cũng là điều dễ hiểu.

THV chưa lường hết được uy lực khủng khiếp của CPBM. Cô hiểu chữ “xạo” theo nghĩa đen của nó – nói sai sự thật, xuyên tạc sự thật – nên cô cứ tưởng nếu mình không “dối trá đời thường” trong thơ có nghĩa là thơ của mình đã là tiếng lòng chân thật, mình đã hoàn toàn cởi mở tâm tình với độc giả. Thực tế không phải như vậy.

THV là tác giả CPBM, một bài thơ có tứ thơ rất hay, chỉ ra một cách sinh động nguyên nhân một vấn nạn to lớn của nhân loại. Có điều cô lại đứng về phía ủng hộ việc khóa kín CPBM để cuộc sống của xã hội văn minh cứ thế  tiếp diễn, con người càng ngày càng xa “cái tôi đích thực” của mình.

Vì không có ý định mở cửa CPBM nên trên thơ của THV – cũng như của hàng triệu thi sĩ khác trên thế giới - một chữ “Xạo” thật to luôn nhởn nhơ  truớc mắt mọi người. Thật ra tôi cũng chẳng đi xa hơn THV được bao nhiêu. Tôi khác cô ở chỗ đã nhận biết CPBM là chướng ngại vật cuối cùng đang cản bước “cái tôi văn hóa” của mình đến với “cái tôi đích thực”. Tôi cũng khác cô ở chỗ đã quyết tâm, chờ cơ hội để mở tung CPBM. Trong số thơ của tôi cũng có vài bài viết trong lúc cửa CPBM đã hé mở. Có điều chỉ viết được vài ba đoạn – do cơn điên chưa đến đỉnh điểm – cánh cửa CPBM lại đóng ập vào. Chính vì thế đọc thơ của mình tôi vẫn thấy chữ Xạo tung tăng trước mặt. Cũng may, chữ Xạo ấy có vẻ nhỏ hơn một số chữ Xạo của những thi sĩ khác.

Tập thơ Lật Tung Miền Ký Ức lại có bài thơ đại ý (Hãy Khóa Kín) Căn Phòng Bí Mật. Trái Khoáy là ở chỗ đó. Xét về tứ thơ thì CPBM như một con cọp vừa dữ vừa đói. Đem con cọp ấy thả vào chuồng dê thì quả là tội nghiệp cho đám dê vô tội.

Để chấm dứt Đoạn Viết Riêng này tôi xin lập lại đoạn kết của bài Trái Khoáy:

Rất mong sẽ có một ngày nào đó, hay chỉ một phút nào đó, Trần Hạ Vi sẽ mở tung cánh cửa Căn Phòng Bí Mật để những tâm tình “thật nhất” của mình chảy tràn vào thơ. Lúc ấy thơ của cô sẽ có một chỗ đứng trang trọng và chính cô sẽ an nhiên tự tại, không còn “long đong” nữa.

Phạm Đức Nhì



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét