Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018

"SỐNG" VÀ "ĐÀN ÔNG" CÓ PHẢI LÀ THƠ?


                               
Có những bài thơ phần đầu chỉ là những câu dọn cảnh, cái tôi riêng tư của tác giả còn ở đâu đó, chưa thấy bóng dáng trong cảnh thơ. Nhưng rồi thật bất ngờ, đến tận cuối bài, cái tôi riêng tư đột nhiên xuất hiện, và ngay cùng lúc đó, cảm xúc cũng tuôn trào. 

Tôi “sáng tác” bài Đàn Bà dưới đây để “xem chim” hai “bài thơ” (Đàn Ông và Sống) của Nguyễn Đức Tùng. Dĩ nhiên ở đây kỹ thuật thơ được coi trọng – cho tác phẩm đủ điều kiện để có danh hiệu Thơ. Còn những tiêu chí khác mong bạn đọc bỏ qua nếu “dở”


ĐÀN BÀ 

Có hai loại đàn bà 
loại chính chuyên chung thủy với chồng 

Loại không lấy chồng
suốt đời đến với đàn ông 
chỉ để thỏa mãn nhu cầu xác thịt 
tìm vui trong chốc lát.

Sáu câu trên chỉ là cách nhìn của tác giả về đàn bà, đến từ bề mặt ý thức, chưa phải là thơ. Nhưng chỉ cần thêm câu sau đây:

Tôi thích loại đàn bà thứ hai 

thì đã có cảm xúc, tình đã xuất hiện, cả bài đã trở thành thơ. Câu “Tôi thích loại đàn bà thứ hai” vừa có nhiệm vụ đưa cái tôi riêng tư của tác giả vào cảnh thơ vừa có nhiệm vụ sinh tình. 

ĐÀN ÔNG

Một số người luôn đến đúng giờ
Một số người thường xuyên lỡ hẹn
Một số người mở vết thương ra
Một số người khâu nó lại
Một số người thả chùm cỏ dại
Một số người đặt viên kim cương
Một số người không làm gì cả
Khi em đi qua
Lần thứ ba khẽ chạm vào tay

Nguyễn Đức Tùng

Đối với bài Đàn Ông thì 6 câu đầu là 6 loại người đàn ông mà tác giả đã moi từ trong đầu ra để giới thiệu với độc giả. Ngôn ngữ dễ hiểu vì đơn giản đến độ khô cứng, không đem đến một chút cảm xúc nào. Chúng, rất rõ ràng, là sản phẩm của lý trí. 

Độc giả, chắc cũng giống tôi, hy vọng anh sẽ dành cảm xúc của mình dồn hết vào 3 câu cuối. Nhà thơ của chúng ta hay làm như vậy để tạo bất ngờ và ấn tượng mạnh mẽ cho những bài thơ của mình. Và trong một số trường hợp, anh đã thành công.

Tuy nhiên, đọc kỹ 3 câu cuối:

“Một số người không làm gì cả
Khi em đi qua
Lần thứ ba khẽ chạm vào tay”

thì thấy ý quả có cái gì đó lạ lạ. Sao lại có những người (đàn ông) mà “đến ba lần em đi qua chạm khẽ vào tay mà họ vẫn lặng yên, không làm gì cả?” Nhưng bên cạnh cái “ý lạ lạ” ấy tôi còn thấy một điểm lạ nữa. Tác giả đã tạo ra khung cảnh dị thường của “bài thơ” nhưng tâm của ông (cái tôi riêng tư) vẫn không xuất hiện, không bước vào khung cảnh đó để có cảm xúc mà sinh tình. Thật ra, 3 câu cuối chỉ là loại đàn ông thứ 7.

Tóm lại, cả bài 9 câu ông cho lý trí đạo diễn hoàn toàn, tuyệt nhiên không có một tý ti cảm xúc. Nếu so sánh với Đàn Bà thì Đàn Ông của Nguyễn Đức Tùng vẫn thiếu câu thơ sinh tình nên không phải là thơ.



               SỐNG

Sống là yêu một người đàn bà
Trong tay đàn ông khác
Kẻ giữ nàng rất lâu
Như đứa bé hồng hào kháu khỉnh
Lúc nàng cựa mình thoát ra
Thì anh đã già

Sống là trở lại căn nhà
Mẹ cha mọi người đi vắng
Anh gõ cửa hàng xóm chiều mưa
Xin chút lửa
Đem về nhà
Làm quen với người chồng thứ ba của người yêu cũ
(Nguyễn Đức Tùng)

“Sống” có thể được chia làm 2 đoạn, mỗi đoạn 6 câu, là một cách nhìn rất khác thường của tác giả đối với động từ “sống” của người đời.   
Trong mỗi đoạn NĐT vẽ ra một cảnh đời rất “trái khoáy”. Có điều anh vẽ ra cảnh đời ấy bằng lý trí, còn tâm hồn anh vẫn trốn đâu đó ở một góc rất kín trong đầu, không lộ diện.

Mười hai câu trong bài Sống của NĐT giống 6 câu đầu trong Đàn Bà. Đàn Bà có câu thơ sinh tình nên là thơ; Sống không có câu thơ sinh tình nên chỉ là sản phẩm của lý trí – không phải là thơ.

Nguyễn Đức Tùng còn vài bài nữa đi lạc khỏi vườn thơ nhưng Sống và Đàn Ông dễ giải thích nhất nên tôi chọn để phân tích nguyên nhân đi lạc. Hy vọng anh Tùng và bạn đọc nhận ra để tìm cách cho thơ đi đúng đường.




1 nhận xét:

  1. Bài viết quá chuẩn xác. Đàn Ông chỉ là một bản danh sách liệt kê (chưa đầy đủ) các kiểu đàn ông và chỉ có thế. Đọc xong người ta thích thú về sự từng trải của tác giả chứ không thích vì cảm xúc của bài thơ mang lại.
    Đến Sống thì người đọc như tôi chỉ biết chưng hửng, chơi vơi trong mớ chữ nghĩa đã dược phù phép trong một lối suy nghĩ lạ lẫm của NĐT.

    Trả lờiXóa