Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2017

TRÁI KHOÁY

                                            TRÁI KHOÁY

Nhận được tập thơ Lật Tung Miền Ký Ức - gồm 100 bài thơ – do Trần Hạ Vi gởi tặng. Đã gởi tin nhắn cám ơn nhưng chưa dám bình phẩm gì vì chưa đọc kỹ. Hôm qua đi làm về sớm, hôm nay lại được nghỉ nên mở tập thơ nhâm nhi, nghiền ngẫm, thấy có một điểm trái khoáy liên quan đến bài thơ mình đã viết lời bình (1) nên nổi hứng “xổ” 4 câu thơ:

Bảo lật tung mà chẳng lật tung
Đến căn phòng đó lại lừng khừng
Ngẫm nghĩ một hồi rồi quay gót
Nên nửa đời người vẫn long đong.

Lật Tung Miền Ký Ức là tập thơ “cởi mở tâm tình” – đào xới Ký Ức tung lên để bộc lộ hết những cảm xúc, tâm trạng sâu kín nhất của lòng mình.

Nhưng

“Có những góc tôí ở trong hồn
của riêng ta
không bao giờ chia sẻ”

Vâng! Thưa các bạn, đó chính là Căn Phòng Bí Mật – bài thơ thứ hai trong tập thơ. Điểm trái khoáy của tập thơ là ở chỗ đó. Trần Hạ Vi bảo sẽ lật tung hết miền ký ức nhưng  cô lại chừa ra một căn phòng rất lớn, chứa những riêng tư, bí mật của mình. Rốt cuộc những gì cô tâm sự với các bạn đọc – qua 99 bài thơ kia - chỉ nằm trên bề mặt ý thức. Còn chỗ sâu kín nhất trong tâm hồn của “cái tôi đích thực” cô vẫn khóa chặt cửa, mời chính cô và các bạn đi chỗ khác chơi.

Cũng không trách Trần Hạ Vi được. “Cái tôi văn hóa” của cô đậm nét Tây Phương – nơi mà Căn Phòng Bí Mật (Privacy) được tôn trọng và bảo vệ tối đa. Tuyệt đại đa số thi sĩ ở nơi đó cũng đang lăn lộn trên bề mặt ý thức để “chế tạo thơ ca”. Chính vì thế nên Trần Hạ Vi “nửa đời người vẫn long đong”, chưa quay về với chính mình, với “cái tôi đích thực”, cũng là điều dễ hiểu.

Rất mong sẽ có một ngày nào đó, hay chỉ một phút nào đó, Trần Hạ Vi hé mở cánh cửa Căn Phòng Bí Mật để những tâm tình “thật nhất” của mình chảy tràn vào thơ. Lúc ấy thơ của cô sẽ có một chỗ đứng trang trọng và chính cô sẽ an nhiên tự tại, không còn “long đong” nữa.

Phạm Đức Nhì
phamnhibinhtho.blogspot.com

CHÚ THÍCH:
1/ Đứng Trước “Căn Phòng Bí Mật” Của Trần Hạ Vi, Phạm Đức Nhì, t-van.net





2 nhận xét:

  1. ĐÔI LỜI CÙNG BÀI VIẾT CỦA ANH NHI PHAM

    Xin trân trọng cảm ơn những dòng cảm nghĩ của anh Nhi Pham đã dành cho tập thơ "Lật tung miền ký ức" của Hạ Vi. Hạ Vi cũng xin được nói với anh đôi lời.

    Anh Nhi Pham đã hơn một lần (lần đầu ở bài bình "Căn phòng bí mật", lần thứ hai là ở bài viết "Trái khoáy") nhắc đến THV không chịu mở cửa "căn phòng bí mật". Tuy nhiên, bản thân HV lại nghĩ khác.

    Chặng đường tìm hiểu bản thân, gọi nôm na là "đi vào trong" ký ức, ẩn ức, tiềm thức của bản thân mình, để tự hiểu được mình là một chặng đường rất dài và khó nhọc. Mấy người dám tự khẳng định 100% là ta hiểu được tất cả về chính bản thân ta. Có nhiều người vì ngại, vì sợ, vì không có đủ thời gian, hoặc có thể vì không xem điều đó là quan trọng mà thậm chí chưa bao giờ bước vào con đường tự nhận thức mình.

    Đối với Hạ Vi, so với số tuổi bản thân, HV đã đi khá dài trên con đường đó, theo HV tự thấy, và cũng theo nhìn nhận của một số người biết HV. Tất nhiên, HV có thể chưa đi đến những bước cuối cùng (mà mấy ai biết bước cuối cùng là ở đâu), nhưng HV hài lòng với những gì mình đã đi qua, đã nhìn thấy, đã học được.

    Trở lại bài viết của anh, nếu không 'lật tung miền ký ức' thì làm gì biết có sự tồn tại của căn phòng bí mật. Mà thậm chí, câu chuyện trao đổi về căn phòng bí mật cũng chỉ là một câu chuyện nhỏ trong miền ký ức, vậy thì làm sao anh Nhi Pham biết là miền ký ức chưa được lật tung?

    "Căn phòng bí mật" chỉ là một bài thơ, "Lật tung miền ký ức" là một tập thơ có 100 bài thơ (kể cả bài bìa sau là 101 bài). Xin đừng ngăn mình lại ở bài thơ thứ hai trong tập thơ để kết luận "đây không phải là lật tung miền ký ức". Thân!

    12.08.2017
    Trần Hạ Vi

    Trả lờiXóa
  2. PS: Anh muốn chê bai gì tập thơ về mặt kỹ thuật, hay ý tưởng là chuyện của anh, Nhi Pham. Mỗi người có cách nhìn riêng của mình về kỹ thuật, về việc thế nào là ý tưởng hay và tất nhiên có thể em còn nhiều hạn chế. Còn chê bai về chuyện tác giả không cởi lòng mình, xin lỗi, em không nhận! Tuyệt đối không nhận! Em nghĩ anh quá bị ám ảnh bài thơ "Căn phòng bí mật", trong khi bản chất nó chỉ là một bài thơ.

    Đồng thời, với định nghĩa này:

    "Lật Tung Miền Ký Ức là tập thơ “cởi mở tâm tình” – đào xới Ký Ức tung lên để bộc lộ hết những cảm xúc, tâm trạng sâu kín nhất của lòng mình."

    Đây là định nghĩa của riêng anh (trong toàn bộ tập thơ LTMKU, tác giả chưa bao giờ hứa hẹn những câu chữ này), thì anh dùng một hệ quy chiếu do riêng anh định nghĩa áp dụng cho đúng một bài thơ, và kết luận cho một tập thơ, rồi đưa ra lời khuyên cho người viết dựa trên đúng một bài thơ đó. Điều này có phiến diện hay không thì em để tự anh trả lời.

    Còn áp dụng tư tưởng "Căn phòng bí mật" cho tất cả các bài thơ trong tập thơ của em là một điều vô cùng phi lý! Bài thơ "Căn phòng bí mật" là một bài thơ, nó gói gọn ý nghĩa trong đó. Tại sao có thể bảo rằng "vì cô ấy đã viết ra căn phòng bí mật, tất cả những bài thơ khác cũng cô ấy còn ẩn giấu 'một căn phòng bí mật' ở phía sau?" Từ một bài thơ kết luận hẳn về một tập thơ, hơn nữa, về một con người?

    Trả lờiXóa