Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

TRẢ LỜI BẠN LÊ NGHỊ



Vừa qua bạn Lê Nghị có comment về bài viết Tiêu Chí 4: Thể Thơ (Phần 2) của tôi trên trang Thơ Thơ (Thơ Ca Nghệ Thuật). Sau đây là nguyên văn comment:

Thưa anh, đọc xong bài này em không hiểu hội chứng nhàm chán vần là cái gì luôn. Thú thật, thấy anh chê Thâm Tâm là em giật mình vì biết đâu lát nữa anh xách cụ Nguyễn Du ra phê luôn vì Truyện Kiều dài thế, chắc cũng dính cái hội chứng ấy. Nhưng may quá, anh không làm điều đó.
Anh minh họa hội chứng này bằng những bài tứ tuyệt, tạm gọi vây, chỉ có 4 câu thì hơi khập khiễng vì nó chỉ có 2 cặp vần mà nhàm chán sao được.
Vấn đề là em chưa thấy anh phân tích sự nhàm chán như thế nào, ảnh hưởng ra sao đến toàn cục của bài thơ.
Lếu láo cho vui thôi anh nhé, em không có ý định tranh luận học thuật ở đây

Nhận thấy comment của bạn Lê Nghị đặt ra nhiều câu hỏi “lớn” liên quan đến bài viết nên tôi phải viết riêng một bài ngắn để trả lời vì trả lời dài thế này không hợp với khung cảnh của phần trao đổi trên trang Thơ Thơ (Thơ Ca Nghệ Thuật).

Trả lời bạn Lê Nghị:

1/ Lếu láo cho vui thôi anh nhé, em không có ý định tranh luận học thuật ở đây

Comment trong một bài viết về văn học là đã mặc nhiên bước vào cuộc tranh luận học thuật. Ở trên đưa ra những nhận định “đao to búa lớn” nhưng ở cuối comment lại viết: “lếu láo cho vui” nghĩa là chưa đánh đã chạy làng thì coi sao được.

2/ Thưa anh, đọc xong bài này em không hiểu hội chứng nhàm chán vần là cái gì luôn.

Hội chứng nhàm chán vần là “vần nhiều quá nên đọc nghe nhàm chán”. Chỉ cần nghe qua cụm từ ấy một người  biết chút ít về  Thơ cũng có thể hiểu được nghĩa của nó. Đọc xong bài viết mà không hiểu HCNCV là gì thì hoặc là:

   a/ Đọc hấp tấp, cẩu thả.

   b/ không có khả năng hiểu

   c/ Hiểu mà giả bộ nói không hiểu.

Không biết bạn Lê Nghị ở vào trường hợp nào?

3/ Thú thật, thấy anh chê Thâm Tâm là em giật mình vì biết đâu lát nữa anh xách cụ Nguyễn Du ra phê luôn vì Truyện Kiều dài thế, chắc cũng dính cái hội chứng ấy. Nhưng may quá, anh không làm điều đó.

   a/ Người ta nghi ngờ bài Trả Lời Của Người Yêu không phải do Thâm Tâm mà do Anh Đào viết để minh chứng cho mối tình của Thâm Tâm và TTKh. (Bạn Lê Nghị không đọc phần chú thích). Mà dù bài đó có do chính Thâm Tâm viết nó cũng rời rạc, nhạt nhẽo, toàn là sự kiện, chẳng có tý “hồn vía” nào, hội chứng nhàm chán vần rất nặng.  Bạn Lê Nghị thử chỉ ra tôi viết chỗ nào không đúng hoặc bạn có thể giải thích bài thơ đó hay ở chỗ nào thì mới là tranh luận đứng đắn. Chứ nói cho sướng cái miệng thì ai nói không được.

   b/ Về truyện Kiều của Nguyễn Du, nó hay ở ngôn ngữ chắt lọc, cao sang,  câu thơ ý nhị, thâm thúy chứ về hội chứng nhàm chán vần thì nó cũng vướng phải như bao nhiêu bài lục bát dài khác, có khi còn nặng nề hơn vì nó dài hơn.  Khen chê một bài thơ phải dựa vào những tiêu chí, những thước đo căn bản chứ cứ thấy những tên tuổi lớn là cúi đầu vái lạy thì có ngày lạy nhằm bài thơ không ra gì.

5/ “Anh minh họa hội chứng này bằng những bài tứ tuyệt, tạm gọi vây, chỉ có 4 câu thì hơi khập khiễng vì nó chỉ có 2 cặp vần mà nhàm chán sao được?
Vậy là bạn Lê Nghị đọc “ba chớp, ba nhoáng” rồi. Số cặp vần (trong bài thơ lục bát) bằng tổng số câu trừ một. Bốn câu phải có đến 3 cặp vần.  Tôi đưa ra thí dụ loại 4 câu, 6 câu, 8 câu, 10 câu (mỗi loại một bài), loại 12 câu 3 bài (vì bắt đầu có hội chứng nhàm chán vần). Sau đó là những bài thơ dài hơn nữa để bạn đọc tự đọc, tự khám phá khi hội chứng nhàm chán vần xuất hiện. Nếu bạn Lê Nghị đọc cẩn thận hơn một chút thì chắc sẽ không có câu hỏi kỳ cục như vậy.

6/ Vấn đề là em chưa thấy anh phân tích sự nhàm chán như thế nào, ảnh hưởng ra sao đến toàn cục của bài thơ.

   a/ Sự nhàm chán là một “cảm giác”. không thể phân tích mà chỉ có thể cảm nhận. Tôi đã giàn trận với 3 bài 12 câu trong đó có một bài chớm dính hội chứng nhàm chán vần và đã giải thích lý do. Nếu bạn Lê Nghị đọc phần ấy chắc sẽ thấy.

   b/ Tôi đã viết rất rõ ràng ở Phần Dẫn Nhập “Như đã trình bày ở Phần I, giá trị nghệ thuật của một bài thơ, đặc biệt là thơ lục bát, bị hạ thấp một cách đáng kể nếu bài thơ ấy có Hội Chứng Nhàm Chán Vần”. Đó là ảnh hưởng của HCNCV đến toàn cục của bài thơ. Để bạn đọc trẻ dễ tiếp nhận tôi còn viết thêm về chiều ngược lại.  

Những Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến “Hội Chứng Nhàm Chán Vần”

1/ Tứ thơ: tứ thơ càng lạ người đọc càng chú ý, để tâm theo dõi, hội chứng nhàm chán vần chậm xuất hiện.

2/ Tình tiết: sự kiện này dẫn đến sự kiện khác, tâm trạng này dẫn đến tâm trạng kia, kích thích óc tò mò của người đọc. Tình tiết càng hấp dẫn người đọc càng dễ quên (hoặc vượt qua) cảm giác nhàm chán.

3/ Độ dễ tiêu của câu chữ: chọn ngôn ngữ tượng hình, dễ cảm nhận, dễ tiêu, tránh dồn thông tin dầy đặc, nặng chất trí tuệ, bắt người đọc phải căng óc ra để “tiếp nhận”, rất dễ ngán, hội chứng nhàm chán vần dễ xâm nhập.

4/ Cảm xúc: cảm xúc tầng 3 (hồn thơ) càng mạnh người đọc không (hoặc ít) phải dùng đến lý trí, câu thơ, đoạn thơ không đi qua đầu mà hướng thẳng đến tim. (Cảm xúc tầng 1 đến từ câu chữ, cảm xúc tầng 2 đế từ thế trân, cảm xúc tầng 3 đến từ sự cao hứng của tác giả “bên ngoài chữ nghĩa”).

Nếu bạn Lê Nghị chịu đọc thì chắc không có câu hỏi này đâu.

Kết Luận

Khi một bài viết kiểu “phê bình văn học” được phóng đi, tác giả của nó phải xắn tay áo, sẵn sàng trả lời độc giả. Có người hỏi để tác giả và độc giả có cơ hội mở rộng, bàn sâu thêm về đề tài đang tranh luận. Có những bạn đọc trẻ đặt câu hỏi để nghe tác giả giải thích hầu mở mang kiến thức. Nhưng cũng có những người comment, đặt câu hỏi với mục đích riêng tư khác. Dù hỏi với mục đích gì đi nữa, để tôn trọng độc giả và để bảo vệ uy tín của mình, tác giả cũng có bổn phận trả lời. Xin được nói nhỏ với các bạn đọc trẻ một câu. Moi tim óc để trả lời hai loại độc giả đầu tác giả cảm thấy hứng thú hơn nhiều.

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét